Sống Đạo đời thường

– SỐNG ĐẠO TRONG ĐỜI THƯỜNG –
Vấn nạn 1: Người Công Giáo có làm giỗ 49 ngày hay 100 ngày cho người chết như theo bên giáo lý Đạo Phật không? Xin Cha giúp giải thích về ý nghĩa tại sao 49 hay 100?
  • Đạo Phật nguyên thủy không có cúng giỗ hay phụng tự gì cả. Vì giáo lý của đạo Phật là diệt khổ và xuất thế, tu thân, tự giải thoát chính mình khỏi bể khổ. Sách sử nói: Đạo Phật du nhập vào Việt Nam rất sớm, có thể trước công nguyên, vì người Việt Nam dùng chữ BỤT tức Buddha, để gọi Đức Phật từ lâu đời. Sau này, đến thời Lý – Trần, thể kỷ 11-13, Phật Giáo thành như quốc giáo. Từ đó, đạo phật nguyên thuỷ đồng hoá với tập tục của địa phương để phát triển. Cũng từ đó mới có lễ bái, cầu siêu hay cúng giỗ theo tập tục người Việt Nam.
  • Lễ giỗ 49 ngày gọi là chung thất tức 7 lần bảy là tốt nhất là hoàn tất việc cúng cơm cho người chết.
  • Lễ giỗ 100 ngày gọi là TỐT KHỐC – tức không còn khóc than nữa – Khóc thương 100 ngày coi như đã đủ rồi.
  • Người Công Giáo Việt Nam không nên tổ chức lễ giỗ cho người quá cố theo ý nghĩa trên, vì đâu có cúng cơm hay chấm dứt than khóc. Tuy nhiên, chúng ta được phép và nên tổ chức kỵ giỗ, tức ngày người thân qua đời. Nếu tổ chức KỴ GIỖ thì chỉ tổ chức giỗ giáp năm để cầu nguyện cho người quá cố bằng việc xin lễ và có bữa cơm gia đình nhắc nhớ công ơn người quá cố.
  • Tuy nhiên không ai cấm chúng ta xin lễ cầu nguyện cho thân nhân hay đọc kinh cầu lễ tại gia hàng tháng hay hàng 3 tháng.
            Xin xem thư chung của Hội Đồng Giám Mục VN về LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN ban hành ngày 14.11.1974
– LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN –
          Chúng tôi, các Giám Mục chủ toạ Khoá Hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang từ ngày 12 – 14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến và thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Uỷ Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19 tháng 4 năm 1972, chiếu theo Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 14/6/1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên như sau:
            Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi (sau đây) có tính cách thế tục, lịch sử, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo HĐGMVN, 14-06-1965).
  1. Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn-bạch…
  2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
  1. Ngày giỗ cũng là ngày “Kỵ nhật”, được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã…, và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
  1. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
  1. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
  1. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
         Trong trường hợp thì hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền “Phải thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
      Tại Nha Trang, ngày 14 tháng 11 năm 1974
      Ký tên:
– Philiphê Nguyễn-Kim-Điền                          Tổng Giám Mục Huế
– Giuse Trần-Văn-Thiện                                    Giám Mục Mỹ-Tho
– Giacôbê Nguyễn-Văn-Mầu                            Giám Mục Vĩnh-Long
– Giacôbê Nguyễn-Ngọc-Quang                      Giám Mục Cần-Thơ
– Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận         Giám Mục Nha-Trang
– Phêrô Nguyễn-Huy-Mai                                 Giám Mục Ban-Mê-Thuột
– Phaolô Huỳnh-Đông-Các                              Giám Mục Quy-Nhơn
Vấn nạn 2: Lễ Chúa Nhật và các dịp Đại Lễ (Ascension, Pentecost, v.v.) có nên và dược xin Lễ cầu hồn không?  (theo sách Gíao Lý Phúc Âm của Cha thi Sunday Mass,  phải dành để cầu nguyện cho cộng đoàn GX.)
            Giáo Luật điều 534: (1) Sau khi đã nhận giáo xứ, Cha Sở có nghĩa vụ phải dâng thánh lễ cho đoàn dân đã ủy thác cho mình vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở hợp lệ thì phải nhờ một người khác dâng lễ thay trong chính các ngày đó hoặc chính mình dâng lễ vào các ngày khác.
            (2) Cha Sở nào lo săn sóc nhiều giáo xứ thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho tất cả đoàn dân đã ủy thác cho ngài vào những ngày nói ở triệt 1.
            (3) Cha Sở nào không chu toàn nghĩa vụ nói ở các triệt 1 và 2, thì ngài phải lo dâng thánh lễ cho đoàn dân sớm hết sức, tất cả số lễ mà ngài đã bỏ sót.
         Khoản giáo luật trên được giải thích như sau:
  1. Buộc Cha sở, không buộc Cha phó hay cha phụ tá, phải chỉ lễ ngày Chúa Nhật và lễ buộc cho giáo dân mình, gọi là Missa pro populo – Như vậy, mỗi năm giáo dân trong giáo xứ được hưởng 52 Thánh lễ Chúa Nhật và 2 lễ buộc là Giáng Sinh và lễ Đầu Năm dương lịch. Họ không buộc phải trả tiền xin lễ nầy, nhưng Cha Sở buộc phải dâng lễ cho giáo dân.
  2. Chỉ dâng 1 thánh lễ thôi, và có thể áp dụng cho 2 hay 3 giáo xứ mà linh mục có trách nhiệm làm Cha sở.
  3. Thánh Lễ Chúa Nhật mà Cha sở chỉ lễ cho giáo dân trong giáo xứ mình, linh mục không được nhận ý lễ hay bổng lễ nào khác.
  4. Nơi nào có nhiều thánh lễ Chúa Nhật, cha sở có thể nhận bổng lễ và ý lễ cho những thánh lễ khác. Tuy nhiên Ngài chỉ được giữ 1 bổng lễ thôi. Những bổng lễ thứ 2, hay 3… buộc gửi về TGM.
  5. Ngày Chúa Nhật không được quyền làm đám xác hay lễ tang (mặc đồ tang, đeo khăn tang … ) nhưng vẫn được chỉ lễ cầu cho linh hồn người quá cố theo yêu cầu của người xin lễ.
Vấn nạn 3: Nếu các bài đọc (Thánh Thư hay Phúc Âm) mà vì thiếu chuẩn bị, nếu đọc bài đọc của ngày khác thì giáo dân phải có thái độ nào?
          Giáo luật số 519: “cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của giám mục giáo phận, vì được gọi thông phần với giám mục vào tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo qui tắc luật định.”
1/ Nếu Cha xứ hay linh mục có nhiệm vụ dâng Thánh lễ cho Giáo dân tức thi hành quyền giảng dạy, giảng Lời Chúa và thánh hoá, tức ban Bí Tích Thánh thể cho giáo dân, mà lại bất cẩn hay thiếu chuẩn bị bài đọc Lời Chúa cho phù hợp… thì Ngài có tội, không là tội sơ xuất, vì sơ xuất không có tội, nhưng là tội thiếu trách nhiệm chủ chăn là giảng dạy và giáo huấn.
2/ Giáo dân có bổn phận cộng tác với Cha xứ để xây dựng cộng đoàn dân Chúa. Nên Giáo dân cần hoà nhã và thật lòng cho Cha xứ biết điều Ngài thiếu sót. Thường các Cha cũng không mấy thích người xây dựng mình, nhưng đó là bổn phận bác ái của giáo dân phải thương yêu và giúp Cha xứ mình thi hành bổn phận chu toàn hơn.