Trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng khi chúng ta chiếm hữu đặc sủng, và tập trung vào chính mình, chúng ta “biến nó thành chức năng và dịch vụ”, đánh mất trọng tâm của thừa tác vụ. Chính do thiếu chiêm ngẫm đặc sủng ấy mà tất cả những lệch lạc phát sinh.
Trần Đỉnh, SJ
Thừa tác vụ tư tế là một đặc sủng và quà tặng của Thiên Chúa, Đấng nhìn chúng ta và gọi: Hãy theo thầy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta trước sự hiện diện của rất nhiều giám mục và linh mục đồng tế. Trong bài giảng, ngài cũng nhắc đến lễ kỷ niệm của những ai mừng ngân khánh, 25 năm linh mục và ĐHY Edoardo, tổng giám mục Ancona, trong dịp ngài tròn 80 tuổi. Đức Thánh Cha mời mọi người, và ngay cả chính ngài, suy ngẫm về Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Ti-mô-thê trong phụng vụ hôm nay. Ngài tập trung vào chữ “đặc sủng và quà tặng”, về thừa tác vụ như một món quà để chiêm ngẫm, theo lời khuyên của thánh Phao-lô dành cho Timôthê – người môn đệ trẻ: “Đừng thờ ơ với đặc sủng và món quà đang có nơi anh”.
Thừa tác vụ không phải là một hợp đồng lao động: tôi có nhiệm vụ này, tôi phải làm việc kia … Công việc ở hàng thứ hai thôi. Tôi phải biết đón nhận đặc sủng ấy và giữ gìn nó như quà tặng. Và rồi mọi sự bắt nguồn từ đó, trong việc chiêm ngắm đặc sủng ấy. Khi quên điều này, chúng ta chiếm hữu đặc sủng ấy, biến nó thành một dịch vụ, đánh mất trọng tâm của thừa tác vụ và không còn sống dưới ánh nhìn của thầy Giêsu – Đấng đã nhìn tất cả chúng ta và gọi: hãy theo Thầy. Chúng ta đánh mất luôn tính nhưng không của quà tặng và ơn kêu gọi.
Nguy cơ đặt mình làm trung tâm của thừa tác vụ
Vì thế, có một nguy cơ mà chúng ta cần đề phòng:
Thiếu chiêm ngắm đặc sủng thừa tác vụ hoặc không còn xem thừa tác vụ ấy là quà tặng sẽ dẫn tới những lệch lạc mà ta đã biết, đi từ những điều tồi tệ nhất, khủng khiếp nhất đến những điều bình thường nhất. Nó khiến ta tự đặt mình làm trung tâm của thừa tác vụ, không còn lòng biết ơn vì ân sủng và tình yêu của Đấng đã ban tặng cho chúng ta món quà ấy, món quà của thừa tác vụ.
Làm việc rất quan trọng, nhưng chiêm niệm và chuyên chú mới là số 1
Đặc sủng mà Thánh Phaolô nói đến là đặc sủng Thiên Chúa đã ban nhờ lời ngôn sứ, cùng với việc đặt tay của hàng kỳ mục cũng có giá trị đối với các giám mục và với tất cả các linh mục. Điều quan trọng là biết chiêm ngắm thừa tác vụ ấy như một đặc sủng, chứ không như một dịch vụ. Chúng ta phải làm điều mình phải làm với ý hướng ngay lành, với sự sáng suốt, dù có cả mánh khoé, nhưng luôn để bảo vệ đặc sủng này.
Người Pha-ri-si quên những món quà của sự tử tế
Việc quên mất trung tâm tính của một đặc sủng, một món quà là điều rất đỗi bình thường của một con người, như ông Pha-ri-siêu trong Tin mừng thánh Luca chẳng hạn. Ông mời Chúa Giêsu đến nhà mình, mà lại không quan tâm đến “rất nhiều quy tắc chào đón”. Ông bỏ qua những món quà. Chúa Giêsu chỉ cho ông thấy điều đó khi Người chỉ ra rằng người phụ nữ đã trao tặng tất cả những gì ông đã quên dành cho vị khách của mình: nước để rửa chân, một nụ hôn chào đón, và cả dầu ô-liu xức trên đầu.
Ông ấy là người tốt, một người Pha-ri-siêu tốt bụng, nhưng ông đã quên mất món quà của sự tử tế và lịch sự, món quà của sự chung sống cũng là một món quà. Những món quà luôn bị lãng quên khi có một lợi ích đằng sau, khi tôi muốn làm điều này, làm điều kia… Chúng ta, những linh mục phải làm nhiều việc, nhưng việc đầu tiên là loan báo Tin Mừng, nhưng chúng ta cần phải giữ đặc sủng và quà tặng nhưng không mà Chúa ban cho chúng ta như là trung tâm và nguồn gốc mà sứ vụ này phát xuất.
Xin Chúa giúp chúng ta không trở thành những người thầu khoán thừa tác vụ
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện:
Xin Thiên Chúa giúp chúng ta gìn giữ đặc sủng ấy để nhìn sứ vụ của mình trước hết như một món quà, và rồi như một việc phục vụ. Đừng phá huỷ nó và đừng biến mình thành những người thầu khoán, những kẻ lái buôn thừa tác vụ. Có nhiều thứ làm chúng ta rời xa việc chiêm ngắm đặc sủng và rời xa cả Thiên Chúa, Đấng đã ban đặc sủng thừa tác ấy cho chúng ta. Xin Chúa thương ban điều ấy cho tất cả chúng ta, nhất là những ai mừng lễ kỷ niệm 25 năm linh mục hôm nay.