Bài giảng Chúa Nhật XXVIII thường niên – Năm B.
CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM B
Sách Khôn Ngoan 7.7-11; Thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Do Thái 4.12-13
và Phúc Âm Thánh Matcô 10.17-30
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.}
Ðó là lời Chúa.
Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
Tóm ý:
Thanh niên nhà giàu thiện chí
Muốn nên hoàn thiện hỏi ý thể nào?
Ngoại tình đứt khoát không vào
Lừa lọc, ăn cắp một hào cũng không
Giết người, làm chứng lông bông
Xa tránh tất cả! lập công giúp đời
Cha mẹ thảo hiếu vâng lời
Hoàn thiện thanh thản cuộc đời an vui
Từ nhỏ con đã được trui
Tuân giữ lề luật niềm vui sớm chiều.
Tuy nhiên còn thiếu một điều:
Của cải phân phát, đánh liều cho không.
Chuyện cho chuyện bán làm xong
Theo Ta truyền giáo lập công đời đời
Thanh niên buồn bã xin rời
Nuối tiếc của cải một đời chắt chiu.
I. Giáo Huấn Phúc Âm:
Muốn theo Chúa thì phải:
Từ bỏ mọi sự ngay cả bản thân mình, Cha mẹ mình, mạng sống mình và của cải vật chất.
Chúa và phần rỗi các linh hồn là điểm nhắm của môn đệ Chúa.
Người giàu có khó vào nước thiên đàng vì bám víu vật chất làm cho mình công kềnh không thể lọt vào cửa hẹp.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Tại sao muốn theo Chúa phải bán của cải vật chất cho người nghèo và…theo Chúa?
Chúng ta còn nhớ Lời Chúa: “Của cải các người ở đâu thì lòng các người ở đó!” (Mat.6.19-31)
Người môn đệ Chúa phải để lòng mình cho Chúa chiếm hữu.
Người môn đệ Chúa phải tập trung tâm trí, công việc và khả năng vào mục đích là Thiên chúa và vinh quang của Ngài.
Người môn đệ Chúa phải là người sẵn sang từ bỏ cái mà người đời khao khát và quyến luyến là của cải vật chất.
Vật chất có một hấp lực vô song. Vật chất là một Ông thần dũng mạnh. Nếu không từ bỏ vật chất có nghĩa là bỏ Chúa. Con người ta không thể làm tôi hai chủ. Hoặc chọn Chúa hay là của cải vật chất (Luca 16.1-13)
Người giàu khó vào nước thiên đàng hơn là lạc đà chui qua lỗ kim?
Có người cho rằng lỗ kim là một lỗ nhỏ chỉ đủ vừa một người chui qua trong nội thành Giêrusalem. Thật ra điều nầy không thấy nói đến hay không thấy được các nhà chú giải chứng mình. Thực tế Chúa muốn nói đến lỗ kim khâu vá…. Nó rất nhỏ hẹp nhưng con lạc đà to còn có thể chui qua… nhưng người giàu thì không thể vào nước thiên đàng.
Tại sao người giàu khó vào thiên đàng hay không thể vào thiên đàng?
Thiên đáng có Chúa là chủ, nhưng người giàu có lại lấy tiền của làm chủ. Nên tự người giàu không chọn thiên đàng mà chọn ông chủ tiền bạc.
Vào thiên đàng là đi vào cửa hẹp (Luca 13.23-30) Muốn vào thiên đàng phải theo qui luật từ bỏ. Người giàu thường tham lam và tiếc sót nếu phải từ bỏ. Nên làm cho mình cồng kềnh không thể lọt vào thiên đàng.
Hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo:
Người muốn theo Chúa phải thấy hình ảnh Chúa nơi người nghèo. Điều gì các người làm cho anh em bé mọn của Ta là làm cho chính Ta (Mt. 25.31-46). Cho người nghèo là cho Chúa.
Môn đệ Chúa được kêu gọi để đứng về phía người nghèo. Được người nghèo tức chiếm được 4/5 nhân loại trên thế giới. Thế giới có quá nhiều người nghèo.
III. Thực hành Phúc Âm:
Có tiền mua được căn nhà, nhưng không mua được gia đình ấm êm.
Có tiền mua được giường êm nhưng không mua được giấc yên mộng lành.
Có tiền mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian bạc vàng.
Có tiền mua được chỗ sang nhưng không mua được nể nang người đời.
Có tiền mua được sách hay nhưng không mua được biết sâu hiểu nhiều.
Có tiền mua được xác thân nhưng không mua được tình yêu thật lòng.
Có tiền mua được máu, tim nhưng không mua được thiên niên tuổi đời.
Có tiền mua được thầy lang nhưng không mua được sức khỏe ơn Trời ban cho.
Có tiền, mua được nàng tiên, nhưng không mua được thiên đàng đời sau.
Vì sao thầy đi tu?
(Chia sẻ cảm nghiệm của một thầy Đại chủng sinh Việt Nam đang tu học ở Canada)
Câu hỏi này có vẻ dễ hỏi nhưng mà cũng khó trả lời à nghe! Nếu kể tỉ mỉ, chi tiết thì hơi dài, mình chỉ tóm gọn trong hai chữ: “Thích” và “Yêu”. Ngay từ nhỏ, mình rất thích đi Lễ, thích giúp Lễ, thích học giáo lý, thích vào ca đoàn nhỏ tập hát, thích làm các công việc ở nhà thờ với các bạn trong nhóm thiếu nhi như quét nhà thờ, lau chùi bàn ghế… Và nếu có ai hỏi: “Con có thích đi tu không”? Thì mình luôn trả lời là “Dạ có”. Trả lời là có chỉ vì thích thôi, chứ không biết gì hết. Năm 12 tuổi, cha xứ nói với ba mình để cho mình ở với cha. Kể từ ngày đó, mình xa ba mẹ và gia đình để sống trong nhà xứ với cha cùng một số anh em khác nữa. Ngoài giờ học, mình làm các công việc nhỏ nhặt ở nhà xứ như quét dọn nhà cửa, cho chim ăn vì cha xứ của mình thời đó nuôi nhiều chim lắm. Được ở nhà xứ nên cũng được gần nhà thờ hơn, mình có dịp đi Lễ, đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày. Lúc ấy còn nhỏ tuổi, nên cha xứ cũng không nói gì về ơn gọi hết. Cha chỉ dạy về nhân bản, dạy cách ăn nói sao cho lễ phép lịch sự mà thôi. Nhìn lại thời thơ ấu, hai người đã có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành ước muốn đi tu đó là ba mình và cha xứ ngày xưa. Ba mình là người mỗi đêm kể chuyện Kinh Thánh cho mình nghe mỗi tối trước lúc đi ngủ, là người dẫn mình đi nhà thờ, có khi cõng mình trên lưng vì đường từ nhà đến nhà thờ hơi xa, và vì có lúc mùa đông mưa gió nước lũ dâng ngập đường nữa. Bên cạnh đó, cha xứ là người đã khắc sâu vào trong lòng mình tấm gương của một vị mục tử nhân lành qua việc phục vụ giáo xứ một cách hăng say và hết lòng vì đoàn chiên.
Càng ngày càng lớn lên, ước muốn đi tu từ giai đoạn “Thích” chuyển qua “Yêu” lúc nào mà mình không biết nữa. Nói đến yêu thì khó mà giải thích được. Nhưng chắc chắn một điều là qua quãng đời sinh viên cũng như những năm tu học ở Đại Chủng Viện Huế và đặc biệt là một năm đi giúp xứ ở Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, thì tiếng gọi âm thầm và liên lỉ của Chúa trong lòng mình ngày càng mạnh mẽ hơn và sáng tỏ hơn. Những lần đi thăm viếng các gia đình và trao Mình Thánh Chúa cho các ông bà già nhận lãnh, mình thấy trên đôi mắt đã mờ, trên khuôn mặt nhăn nheo của họ toát lên một niềm vui rạng ngời từ đáy lòng thâm sâu của họ vì được đón rước Chúa vào lòng. Trong chính những giây phút đó, mình cảm động lắm, thấy các ông bà vui, mình cũng vui lắm và thầm nghĩ rằng: Lạy Chúa, con không đáng là gì cả, mà Chúa dùng con để mang Chúa là nguồn vui đến cho các ông bà này, xin cho con sau này được làm linh mục để làm một công cụ đắc lực hơn cho Chúa dùng. Vậy đó, từ “Thích” đến “Yêu” và “Liều” dấn thân theo Chúa đi tu dù biết rằng mình là con người yếu đuối tội lỗi, chỉ biết phó thác mọi sự vào bàn tay Chúa quan phòng mà thôi.