Sám Hối Mùa Chay – Linh mục Peter Trần Thế Tuyên.
Năm nay Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ và nhiều nước không có xức tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày 17 tháng 2, 2021. Lý do: Tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Sự kiện không xức tro nầy phát sinh suy diễn: Không có sám hối Mùa Chay. Suy diễn nầy không trả lời được vấn nạn: Khi xức tro trên trán là chắc chắn có sám hối hay sao? Suy diễn nầy sai lầm cũng giống như người Do Thái phải rửa tay chân, chén bát mà chúng ta quen gọi là nghi thức thanh tẩy thì mới trong sạch đáng để dùng bữa. Cũng giống như ở Do Thái bây giờ, chung quanh Giêrusalem, những khách sạn đều không xử dụng công tắc điện trong ngày Sabat để gọi là giúp giữ chín chắn tuyệt đối luật lễ nghỉ ngày Sabát.
Trong Phúc Âm Thánh Matcô 2:27, Chúa Giêsu bảo: Ngày lễ nghỉ Sabát có là vì con người chứ không phải con người có vì ngày Sabát. Dễ hiểu: Ngày lễ nghỉ Sabát là ngày của Chúa, để con người có giờ thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi. Chứ không phải dùng ngày lễ nghỉ thành lề luật để buộc tội người không thể giữ. Điều nầy đúng y như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong tông thư Dies Domini – Ngày của Chúa – ban hành ngày 31.5.1998 – Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa và cũng là ngày của chúng ta. Chúng ta dùng ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa và ngưng nghỉ công việc để ngủ nghỉ, sinh hoạt gia đình hay thăm viếng nhau. Nên chuyện tránh dùng công tắc điện trong ngày lễ nghỉ của người Do Thái là chuyện hình thức quá đáng. Không ai dám quả quyết rằng: Khi tôi không dùng công tắc điện là tôi tôn thờ Chúa, tôi chu toàn ngày của Chúa.
Mùa chay bắt nguồn từ tiếng Latinh Quadragesima, có nghĩa là 40, để nhắc nhớ việc cần thanh luyện tâm hồn bằng việc ăn chay cầu nguyện như Chúa đã làm trong sa mạc trước khi rao giảng Tin Mừng. Số 40 là thời gian cần thiết để huấn luyện và chuẩn bị cho một tương lai tốt như Môsê lên núi Sinai 40 ngày để nhận 10 điều răn. Tiên Tri Elia mất 40 ngày về núi Horeb gặp Chúa; Lụt Đại Hồng Thủy kéo dài 40 ngày để thanh tẩy địa cầu, Dân Do Thái mất 40 năm trong hoang địa để tôi luyện thành Dân Chúa… Trong tiếng Anh Lent có nghĩa là Mùa Xuân, mùa nẩy mầm của hạt giống mang đời sống mới… có ý nói đến việc chuẩn bị Lễ Phục Sinh, mừng Chúa sống lại ban cho chúng ta sự sống mới.
Xức tro chỉ là cử chỉ bên ngoài bộc lộ tâm tình sám hối, xin Chúa tha tội và thánh hóa chúng ta để xứng đáng đón nhận ơn Phục Sinh. Xức tro trên trán, có thì tốt, không có cũng không sao, vì đó chỉ là dấu chỉ bên ngoài mà thôi. Điều quan trọng phải có là: dốc lòng chừa bỏ tội lỗi và sống ngay chính hơn. Thí dụ: làm biếng bỏ lễ Chúa Nhật thì bây giờ phải siêng năng dự lễ hơn; Thích xem coi hình ảnh khiêu dâm trong internet đến độ kích thích sinh thủ dâm thì phải xưng tội và dốc lòng chừa tội nầy bằng việc giữ cho bản thân mình bận bịu với những công việc bổn phận hay tuyệt đối không dùng internet trước khi đi ngủ… Nên dù có xức đầy tro trên trán mà không xưng tội và dốc lòng chừa thì chưa phải là sám hối Mùa Chay. Nó giống như tục khóc mướn ngoài miền Bắc lúc trước: Để đám tang cho Bố Mẹ hay Ông Bà mình long trọng và chứng tỏ là có nhiều người yêu thương quí mến người quá cố thì người ta mướn những mụ chuyên nghề khóc mướn, khóc to tiếng, tru tréo và vật vã bên quan tài… Mụ khóc mướn nầy thật lòng chả có chút thương nhớ người quá cố, mụ chỉ khóc cho thảm thiết để lấy tiền mà thôi. Nhà tang có tiếng khen hiếu thảo. Mụ khóc mướn có tiền sống chờ người mướn khóc tiếp.
Tiện thể tôi xin đề cập đến một số vấn đề khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành có liên quan đến sám hối. Có người cho rằng: Giáo Hội Công giáo nên bỏ việc xưng tội mà chúng ta quen gọi là bí tích hòa giải vì “ngại thấy mồ! mắc cở chết được! Ai lại đi nói chuyện kín đáo riêng tư của mình cho Ông Cha! Giáo Hội Công Giáo nên thực tế như bên Tin Lành: Có tội là có tội với Chúa, chứ nào phải với Ông Cha mà đi nói cho Ông Cha!” Xin có vài câu hỏi nhằm giải thích: Khi bạn lái xe quá tốc độ và bị cảnh sát thổi và ra giấy phạt hay hầu tòa để xét phạt. Bạn lỗi luật giao thông với ai? Với luật giao thông chứ đâu phải với Cảnh sát? Cảnh sát ra giấy phạt nhân danh pháp luật chứ không vì cá nhân cảnh sát. Bản thân cảnh sát cũng có khi lái xe quá tốc độ. Nên xưng tội với linh mục không vì phạm tội xúc phạm đến linh mục, nhưng xúc phạm đến Chúa và lề luật Chúa và Chúa đã cho linh mục quyền tha tội. Nên linh mục nhân danh quyền cầm buộc mà tha tội cho ai xưng tội.
Gần 30 ngàn Giáo phái Tin Lành trên thế giới không tin và không có bí tích giải tội. Nhiều phái Tin Lành chỉ có rửa tội và thêm sức. Giáo Hội Anh Giáo có thêm việc hiệp lễ tức ăn bánh và uống chút rượu và có việc truyền chức linh mục dù cho nữ giới. Tại sao? Giáo Hội cải cách Tin Lành do linh mục công giáo tên Martin Luther, dòng Augustinô thành lập năm 1517 cực lực chống đối việc ban ơn toàn xá của Giáo Hội Công Giáo lúc bấy giờ. Giáo Hội Công Giáo chú trọng nhiều vào việc xây dựng những nhà thờ tráng lệ nguy nga, những lâu đài dinh thự của Giáo Hoàng Hồng Y đồ sộ xa xỉ… và Giáo Hội dùng việc ban ân xá và toàn xá để khuyến khích các nhà giàu đóng góp cho những chi phí lớn lao nầy. Đóng góp nhiều thì được ơn toàn xá, ít hơn thì đại xá hay tiểu xá. Như vậy, có tiền là mua được ơn xá giải, ơn tha tội của Chúa. Còn ai nghèo thì đành chịu phạt. Luther khẳng định: Con người có tội với Chúa. Chúa đã chết để ban ơn cứu độ. Vậy khi có tội chỉ cần khiêm tốn nói “Xin Chúa thương xót chúng con” là hết tội. Giáo Hội bày chuyện ban ân xá để kiếm tiền thôi!
Ai cũng nhìn nhận Luther đúng ở bước đầu cải cách nầy: Giáo Hội dùng ơn Chúa để trục lợi. Nhưng Luther đã đi xa và sai khi chối bỏ quyền tha tội do Chúa ban cho các thừa tác viên có chức thánh. Luther chối bỏ chức linh mục thừa tác… Theo ông, ai cũng có chức linh mục phổ quát cả… Ông đã kết hôn với nữ tu cùng dòng tên Katharina von Bona và có 7 đứa con với bà. Xin nói thật thế nầy: Không thể chấp nhận bí tích giải tội nếu cho linh mục lập gia đình, tức linh mục không sống độc thân như các mục sư bên Tin Lành. Có ai dám tin và tỏ bày chuyện kín đáo của mình với ông có vợ hay với bà có chồng? Có bà vợ nào không nổi cơn ghen khi ông chồng linh mục của mình rù rì trong toà giải tội với một đàn bà đẹp? … Đó là lý do mà Giáo Phái cải cách của Luther và nhiều chục ngàn giáo phái Tin Lành khác hiện nay chối bỏ bí tích giải tội. Không ai dại đi “vạch áo cho người xem lưng”. Bên Tin Lành không thừa nhận bí tích giải tội như bên Công Giáo là vì ai cũng có chức linh mục phổ quát và nếu chúng ta có tội thì xúc phạm đến Chúa, chứ nào có liên quan gì với Ông Cha! Nhiều người Công giáo tin là hợp lý vô cùng!
Cũng có nhiều chuyện tránh “vạch áo cho người xem lưng” từ phía các Giáo Phái Tin Lành: Giáo Hội Công Giáo sai vì bắt giáo dân gọi linh mục bằng CHA đang khi trong Phúc Âm Matthêu 23.9, Chúa dạy rõ ràng: “Các con đừng gọi ai dưới đất là CHA vì chúng con chỉ có một Cha trên trời”. Nếu thực sự Chúa không cho phép chúng ta gọi ai là CHA thì tại sao có điều răn thứ IV: Phải thảo kính Cha Mẹ; Trong thực tế, chúng ta gọi Cha đẻ của mình ở nhà là gì? Là Cha, là Ba, Là Bố… “Đừng gọi ai dưới đất là Cha” có nghĩa là “Không có ai dưới đất nầy qua nổi người Cha tối cao ở trên trời cả. Đi xa một chút: Mục sư Tin Lành có vợ có con đùm đề… không lẽ tín đồ gọi mục sư là cha, hóa ra tín đồ có cùng cha với con ruột mục sư à?
Cũng có những chuyện giải thích lòng vòng để trách chuyện vạch áo cho người xem lưng từ bên Tin Lành. Như mới gần đây có anh em người Công Giáo cho rằng: Giáo Hội Công Giáo đi ngược thánh ý Chúa là bắt linh mục giữ luật độc thân. Có vợ có chồng là luật tự nhiên vì Chúa dựng nên con người có nam có nữ và bảo họ chung sống với nhau và sinh con cái đầy mắt đất. Người nầy không đi tu được vì năm 16, 17 tuổi nhìn thấy con gái là “khoái” rồi. Vì luật buộc độc thân mà nhiều linh mục sống bê bối lén lút tư tình có con cái với nhiều đàn bà… Cũng vì Giáo Hội đi ngược lại tự nhiên mà phát sinh tệ nạn ấu dâm trên toàn cầu, Giáo Hội phải bồi thường hàng tỷ mỹ kim… Nên cách tốt là bỏ luật độc thân linh mục, để có nhiều người đi tu và tránh những tệ nạn trên?
Trước khi giải thích, tôi xin hỏi: Hàng năm ở Mỹ có chừng 6 triệu tai nạn xe cộ và chừng 100 ngàn người chết. Vậy có nên ra lệnh cho dân chúng ở nhà và cấm lái xe không? Không ai cấm hay buộc gì cả. Đó là quyền tự do của con người. Linh mục Công giáo không bắt buộc hay bị cưỡng bức giữ luật độc thân, nhưng là một tự nguyện hy sinh để phục vụ Chúa và tha nhân, vì như Thánh Phaolô trong Thư Thứ I gửi giáo đoàn Corintô 7:32-35: Ai có vợ thì lo làm vui lòng vợ. Ai có chồng thì lo làm vừa lòng chồng. Người độc thân thì thoát khỏi bận vướng gia đình mà lo việc của Chúa. Nên xin đừng cho là Giáo Hội bắt buộc.
Nhưng Giáo Hội Tin lành cho giáo sĩ có gia đình thoải mái, nhưng theo thống kê thì ở Mỹ có 34% giáo sĩ Tin Lành dính vô nạn ấu dâm và đang khi đó chỉ có 7% linh mục Công giáo bị công khai báo cáo là có bệnh ấu dâm. Như vậy tệ nạn ấu dâm nơi giáo sĩ không do luật độc thân linh mục chút nào. Đó là kết quả của việc các giáo phái Tin Lành sống theo thánh ý Chúa và theo luật tự nhiên chăng? Không ai chối bỏ việc cậu thanh niên 17, 18 tuổi khoái nhìn những cô gái đẹp. Đó là tự nhiên! Chủng Viện, trong chương trình đào tạo sẽ không chấp nhận cho chủng sinh 17, 18 tuổi sẽ thành linh mục, nếu anh nầy không thích con gái đẹp. Chương trình đào tạo không chấp nhận cho người bất bình thường làm linh mục. Tuy nhiên cần phân biệt tự nhiên và bản năng. Bản năng không có chỗ cho lý trí và ý chí. Tự nhiên có chỗ cho lý trí và ý chí để hướng về siêu nhiên, tầm mức cao do sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Con chó sống theo bản năng tự nhiên, khi đói và gặp đồ ăn thì nhào vô đớp bất kể hậu quả. Con người khi đói, thèm ăn, nhưng không phải nhào vô đớp ngay bất kể suy luận của lý trí và ý chí: Thức ăn này từ đâu tới và có mục đích gì? Sau cùng con người có thể dùng ý chí quyết định không ăn dù chết đói. Anh thanh niên nào năm 17, 18 nhìn gái đẹp cũng thích…tự nhiên, nhưng không phải ai cũng sáp vô để thỏa mãn bản năng. Tôi thích nhìn phụ nữ đẹp và không ít lần đã mơ ước có nàng trong đời… nhưng lý trí cho tôi biết lý luận rằng: Tôi cố gắng vượt lên trên ham muốn xác thịt tự nhiên nhằm hướng đến lý tưởng cao đẹp là hy sinh và phục vụ mà Chúa gọi tôi. Tôi sống tự nhiên có ăn uống điều tiết, nhưng tôi khác với con chó, vì tôi hướng về siêu nhiên hay hướng thượng.
Tại sao Giáo Hội Công Giáo buộc linh mục giữ luật độc thân? Ngay từ thời Cựu Ước đã có những nữ tiên tri sống đời độc thân như chuyện bà Anna con ông Phanuel thuộc chi tộc Asher trong Phúc Âm Luca 2:22-40 và nhiều người tự hoạn vì nước trời trong Mt. 19:3-12. Sâu xa hơn và siêu nhiên hơn: Linh mục là một alter Christus, một Chúa Kitô khác… Chúa Kitô không có gia đình… Linh mục nên giống người mình theo. Lý do mục vụ rất thực tế: Sau gần 30 năm làm linh mục, tôi luôn cảm tạ ơn Chúa vì món quà độc thân mà Chúa ban cho tôi. Giáo Hội là Mẹ và là Thầy – Ecclesia Mater et Magistra est – Như người Mẹ, Giáo Hội thương và muốn điều tốt cho con cái mình. Một Ông có vợ thì làm sao chăm sóc tận tình cho giáo dân. Nếu so sánh Cha sở với hình ảnh của một mục tử, thì chiều đến ông mục tử có vợ nầy sẽ lùa vợ con vô chuồng và có nơi êm ấm trước, sau đó mới tới người khác. Vợ và con hay gia đình ông phải là hàng đầu. Ông Mục sư phải có phép vợ mới đi thăm tín đồ được. Nếu không sẽ cơm không lành và canh không ngọt. Là linh mục độc thân, tôi muốn đi thăm ai, bất cứ lúc nào tùy ý. Là Thầy, Giáo Hội rất khôn ngoan với chiều dài kinh nghiệm. Mãi đến Công đồng Laterano thứ nhất và thứ hai vào năm 1123 và năm 1139 thì các linh mục mới có luật giữ độc thân tuyệt đối. Mười hai thế kỷ, trải qua bao kinh nghiệm già dặn, Giáo Hội Mẹ đã ban bố luật độc thân linh mục. Không là tùy hứng, bốc đồng nhưng là kinh nghiệm khôn ngoan và công đồng quyết định qua sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
Tôi xin kết thúc bằng quyết tâm của tôi được viết và trình bày dịp bảo vệ luận án tiến sĩ ngày 7.2.2017 ở Đại Học Giáo Hoàng Laterano: “Nếu ngày nào Giáo Hội bỏ luật độc thân linh mục hay phong chức linh mục cho nữ giới thì ngày đó tôi xin ngưng thì hành chức vụ linh mục và sẽ sống âm thầm cho đến chết. Vì không có gì để đáng gọi là hy sinh trong cuộc đời của người được Chúa chọn cách riêng và được mọi người gọi CHA.
Lm. Peter Trần Thế Tuyên