Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XIX Quanh Năm, B – Lm. Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XIX QUANH NĂM
Sách Các Vua 19.4-8;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Êphêsô 4.30-5.2
và Phúc Âm Thánh Gioan 6. 41-51
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’”.
Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. “Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Do Thái phàn nàn kêu trách:
Vì sao hắn dám làm phách quá tay.
Con nhà thợ mộc kém may,
Mà dám nổ lớn TA ĐÂY TỪ TRỜI.
Thôi đừng lẩm bẩm nhiều lời,
Xầm xì, to nhỏ, Ông Trời thấu tai:
Mấy ông chớ có làm oai,
Cha Ta thúc đẩy những ai có lòng.
Đón nhận chân lý chánh tông:
Thiên Chúa giáng thế, dân mong lâu đời.
Ta đây là bánh bởi Trời,
Bánh nuôi người thế đời đời trường sinh.
Đây là mạc khải đức tin,
Càng suy càng đoán, càng sinh nghi ngờ.
Đây là đối tượng tôn thờ,
Xin Chúa soi sáng, mù mờ trí khôn. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
- Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, từ trời xuống.
- Rước lấy Chúa Giêsu là ăn bánh do Trời ban.
Trời tức là Thiên Chúa hằng hữu. Ngài thành của ăn cho con người. Khi ăn Thiên Chúa con người ăn bánh hằng sống và có sự sống vĩnh cửu.
Con Người cảm thấy khó nghe và khó hiểu trước chân lý mạc khải vì thiếu sự soi dẫn của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhờ Thiên Chúa cho chúng ta hiểu Ngài.
II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:
Sách Xuất Hành 16.2-35 – Manna và chim cút
Trong sa mạc, con cái Israel kêu trách ông Môsê và ông Aaron: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Thiên Chúa trên đất Ai-Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng các ông đã đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói ở đây.” Thiên Chúa nghe biết liền phán với ông Môsê: “Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không. Ngày thứ sáu, khi chúng dọn phần ăn đã đưa về, sẽ có gấp đôi phần cho chúng lượm mỗi ngày để ăn vào ngày thứ Bảy.” Ông Môsê và ông Aaron nói với con cái Israel: “Thiên Chúa sẽ cho anh em chiều có thịt để ăn và sáng có bánh để được thoả thuê, vì Thiên Chúa đã nghe thấy những lời anh em kêu trách Người.”
Chiều đến, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Rồi khi sương tan đi thì trên mặt đất, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Man hu?” Nghĩa là: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Môsê bảo họ: “Đó là bánh Thiên Chúa ban cho anh em làm của ăn”. Ông Môsê nói với họ: “Đừng có ai để dành cho đến sáng.” Một số người đã không nghe lời ông Môsê: Họ để dành cho đến sáng và bánh đó đã có giòi bọ và xông ra mùi hôi thối. Bấy giờ ông Môsê nổi giận với họ vì họ không nghe lời Thiên Chúa. Sáng nào cũng vậy, mỗi người lượm tùy theo sức mình ăn được bao nhiêu. Và khi mặt trời toả sức nóng, thì nó tan ra. Israel đặt tên cho vật ấy là Man-na. Nó giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong.
Ông Môsê nói: “Đây là điều Thiên Chúa đã truyền: Hãy đong đầy một đấu để giữ lại cho con cháu các ngươi; như thế, chúng sẽ thấy bánh Ta đã cho các ngươi ăn trong sa mạc, lúc Ta đem các ngươi ra khỏi đất Ai-Cập.” Ông Môsê nói với ông Aaron: “Hãy lấy một cái bình và đổ vào đó một đấu đầy man-na, rồi đặt trước nhan Thiên Chúa để giữ lại cho con cháu anh em.” Theo như Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê, ông Aaron đã đặt cái bình ấy đằng trước Chứng Ước, để giữ lại.
Con cái Israel đã ăn man-na suốt bốn mươi năm, cho đến khi họ tới đất định cư; họ đã ăn man-na cho đến khi tới ranh giới đất Canaan.
- Manna: Bánh bởi trời, bánh do Chúa ban nuôi sống dân trong sa mạc.
- Manna: Lương thực về đất hứa. Ai ăn Manna rồi cũng chết.
- Manna: Chúa thương dân, nuôi dân trong sa mạc.
- Manna: Chúa đồng hành với dân và đáp lại lời kêu cầu của họ.
Thánh Thể: Bánh bởi Trời và là chính Ông Trời, tức Thiên Chúa, đấng hằng sống nên có khả năng cho ai lãnh nhận bánh nầy sự sống đời đời.
- Thánh Thể: Lương thực về thiên quốc, bánh trường sinh.
- Thánh Thể: Tình yêu thương trọn vẹn: Ban chính mình làm của ăn nuôi sống nhân loại.
- Thánh Thể: Có sức cảm hóa và biến đổi con người thành Chúa Kitô khác.
Tại sao Chúa không dùng loại lương thực nào khác mà lại ban chính Mình Máu Chúa làm của ăn nuôi sống chúng ta?
Chúng ta có thể trở lại một câu hỏi trước đây: Tại sao Chúa cần phải chết trên cây thánh giá cách đau đớn và khổ nhục như thế để cứu độ chúng ta? Chúa là Thiên Chúa toàn năng chắc chắn Chúa có nhiều cách khác hơn để cứu chúng ta hơn là chết trên thánh giá.
Đúng vậy, Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài phán một lời tức thì liền có mọi sự. Ngài có thể phán một lời, toàn thể nhân loại được cứu độ, không cần phải xuống thế làm người, sinh bởi người phụ nữ, lặn lội đi truyền đạo từ Nam chí Bắc, sau cùng bị phản bội, bị giết chết trên cây thánh giá. Tuy nhiên chúng ta không thể chối cãi chân lý nầy là: Không ai yêu người khác cho bằng chết cho người mình yêu. Thế giới nhân loại ngày nay có thể chối bỏ mọi chuyện, nhưng không ai có thể chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa, người dám chết cho họ. Nên nói như Thánh Phaolô: “Thập giá là sự điên rồ của nhân loại, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa!” (Thư gửi Corintô 1.23-25) Tình yêu của Chúa Kitô dám chết cho nhân loại có sức chinh phục tuyệt đối. Trong đời thường chúng ta nhận ra một sự thật: Người ta có thể ghét bỏ mọi thứ trừ tình yêu và trừ người yêu mình.
Trở lại câu hỏi: Tại sao Chúa lại cần phải ban chính Chúa làm của ăn cho nhân loại mà không ban một thứ nào khác?
Con người muốn sống phải ăn. Thức ăn không thể thiếu trong cuộc sống. Dù muốn dù không ai cũng phải đến tiệm thực phẩm mua đồ ăn. Giá cả nâng cao cách nào, chúng ta vẫn phải mua thức ăn. Miệng thì cằn nhằn là mắc quá… nhưng vẫn phải mua. Qua thức ăn Mình Máu Chúa, Chúa trở nên cần thiết không thể thiếu.
Thức ăn và bữa ăn tạo tình thân. Khi đã ngồi ăn chung một bữa ăn, con người ít nhất cũng nhìn nhận tình thân với nhau. Cùng ăn uống Mình Máu Thánh Chúa, con người là anh em với nhau.
Thức ăn có sức biến đổi: Truyền giáo tức Phúc Âm hóa hay Kitô hóa nhân loại, tức biến toàn thể nhân loại thành những người tin Chúa Kitô và là những Kitô khác. Khi ăn uống Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta thành một Chúa Kitô khác, tức thành một copy một bản sao Chúa Kitô. Người khác thấy Chúa Kitô hiện diện nới chúng ta. Nên nếu thực sự chúng ta rước lấy Mình Máu Thánh Chúa và để Chúa biển đổi, chúng ta không thể sống kiêu căng hay thiếu bác ái được. Vì thức ăn Kitô là thức ăn tình thương, không thể sinh ra hận thù hay bất hòa được. Khi chúng ta sống thiếu bác ái có nghĩa là chúng ta không chịu để thức ăn Kitô biến đổi. Nói theo quan niệm thông thường là chúng ta rước Chúa không nên. Không nên đây không có nghĩa là “không nên rước Chúa vì có tội trọng hay có lý do gì khác”… nhưng không nên đây là không trở thành hay không có kết quả như thức ăn Kitô muốn trở thành.
III. Thực hành Phúc Âm:
Bọc Nylon
Thời nay đúng thật là thời nylon: Túi nylon, bọc nylon, những phẫu thuật thẩm mỹ cũng dùng nylon. Đặc tính của nylon là nhẹ nhàng và bao bọc an toàn. Nước lỏng đựng trong bọc nylon không rò rỉ làm thấm ướt những thứ chung quanh. Đồ ăn thức uống trong bao nylon giữ kín không xông mùi khắp nhà. Nylon mềm mỏng, có thể chèn nhét vào những góc cạnh nhỏ… Tuy nhiên, nylon giữ đồ chứa bên trong không ảnh hưởng và tỏa lan sang chung quanh.
Có người đi rước lễ hằng ngày, Chúa vào lòng họ và họ cho Chúa vào bọc nylon giữ kín mít… Chúa không gây một chút cảm hóa hay ảnh hưởng gì nơi đời sống người đón nhận Chúa và người chung quanh cũng không nhận ra họ là một Kitô khác. Họ vẫn ăn tục nói phét, vẫn chùn lén chuyện dâm ô, họ vẫn ăn gian nói dối dễ dàng.
Nơi gian phòng riêng của một cựu tu sĩ già, tôi thấy thật nhiều những khẩu hiệu, thật nhiều những lời hay ý đẹp và cả những lời Chúa nữa như: “Người ta sống không nguyên bởi bánh…” hay “nên im lặng nhiều hơn nói nhiều” hay “ai cũng quí mến người khiêm nhường…” Nhưng trong thực tế tối thấy vị cựu tu sĩ nầy bọc hết tất cả những thứ ấy vào bọc nylon. Vị ấy nói rất nhiều và nói nhiều hơn cái mình biết… và vị ấy tính tình tham lam, kiêu căng và không bao giờ nhận bất cứ lỗi lầm nào… Vị ấy tức giận một cách rất dễ dàng… Vị ấy phàn nàn vì người khác vô ơn, nhưng không bao giờ biết tri ơn ai cả.
Nhiều khi tôi cũng cho Chúa vào bao nylon. Tôi rước Chúa hằng ngày. Tôi nói về Chúa không ngưng nghỉ… Nhưng kỳ thực Chúa không có chút ảnh hưởng nào nơi tôi cả. Tôi vẫn là tôi với những tính hư tật xấu thuở nào… Tôi vẫn là tôi của những lười biếng hay vô trách nhiệm từ xưa… Tôi vẫn là tôi với tính ích kỷ hay thiếu bác ái… Người khác thấy tôi không giống Chúa Kitô chút nào hay tôi thật khác Chúa Kitô thánh thiện, nhân từ và hy sinh… Những thứ nầy tôi bọc nylon hết… dòm thấy đó chứ chẳng ảnh hưởng hay chẳng có hiệu quả gì với môi trường chung quanh tôi sống. Đúng là Chúa Kitô bọc nylon hay Đạo Công giáo bọc nylon hay Phúc âm bọc nylon.