Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XVII Thường Niên, B – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XVII QUANH NĂM
Sách Các Vua quyển thứ II b4.42-44;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Êphêsô 4.1-6
và Phúc Âm Thánh Gioan 6, 1-15
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư. Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Chúa sang bên kia biển Hồ,
Dân chúng kéo đến tha hồ mừng vui.
Chúa thành điểm tựa tới lui,
Bệnh hoạn cứu chữa, Tin Vui Nước Trời.
Dân chúng đói khát rã rời,
Có bánh nuôi họ! Tuyệt vời lắm thay!
Philip nghe thấy nói ngay:
Hai trăm đồng bạc họa may chút gì.
Anrê mách bảo rằng thì:
Năm bánh hai cá thấm gì số đông:
Năm ngàn chỉ số đàn ông,
Ngồi xuống lố nhố chờ trông ơn Trời.
Cầm bánh, cá tạ ơn Trời,
Môn đệ phân phát ai thời ăn no.
Bánh vụn mười hai thúng to,
Chúa là lương thực phỉ no lòng người. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa có quyền năng ban lương thực phần xác và phần hồn cho dân chúng như Ngài đã từng tuyên bố “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào!” (Gioan 10,10)
Phép lạ hóa bánh ra nhiều là mô thức của Thánh Lễ: Dân chúng đến để nghe Lời Chúa và được ăn no Mình Máu Thánh Chúa.
Thánh Thể là một giao hòa, một lễ tế và là một thể hiện tình yêu tột cùng. Yêu là trao ban. Yêu tột cùng là trao ban chính mạng sống mình. Một trao ban trọn vẹn.
Chúa không trực tiếp mang bánh và cá đến dân chúng, nhưng Ngài trao cho các tông đồ phân phát cho dân chúng. Chúng ta nhận lương thực từ Chúa và chúng ta có nhiệm vụ phân phát, chia sẻ cho người khác.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Biển Hồ Galilê và nơi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều
Nguyên ngữ Do Thái: Chinereth, có nghĩa là đàn thụ cầm, để mô tả hình dạng của biển hồ Galilê.
Chinereth còn được gọi là biển Galilê. Biển duy nhất và lớn nhất ở Do Thái nằm ở phần đất Galilê.
Cũng gọi là Genezareth: Một thành phố trù phú nằm cạnh biển hồ Galilê.
Cũng gọi là Tiberias Ceasarê, là tên thủ phủ của Galilê. Vua Hêrôđê Antipas con của Hêrôđê Cả đặt tên hồ Tiberias để ghi nhớ công ơn của Hoàng Đế La Mã Tiberias Cêsarê, người đã cất nhấc ông lên hàng vương đế của Israel.
Biển hồ Galilê dài độ chừng 21 cây số và bề ngang chừng 12 cây số. Tuy nhiên, nơi qui tụ tất cả những thành phố giàu có thời đó. Chung quanh biển hồ có thành phố Capharnaum, Genezareth, Betsaida, làng của các ông Philip, Phêrô, Anrê và có lẽ của cả Giacôbê và Gioan, vì họ là ngư dân, là những môn đệ đầu tiên Chúa gọi khi đang đánh cá ở biển hồ Galilê.
Nơi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất gọi là Tabgha, trong vùng Betsaida.
Nơi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai cũng gần đó gọi là Tel Hadar, vẫn trong hoang địa của Betsaida.
Hai phép lạ hóa bánh ra nhiều
Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 5.000 người ăn no không kể đàn bà và trẻ em được gọi là Phép Lạ năm chiếc bánh và hai con cá. Phép lạ nầy được tường thuật trong Phúc Âm Gioan 6, 1-13 và trong Phúc Âm Thánh Luca 9, 11-17 Chúa Nhật Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa. Cùng tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người trong hoang địa và thu được mười hai thúng bánh vụn, nhưng Phúc Âm Gioan và Phúc Âm Thánh Luca cũng có những khác biệt:
Phúc Âm Gioan nói là năm chiếc bánh lúa mạch (Barley loaves) và hai con cá được một bé trai mang theo. Còn Phúc Âm Luca bảo “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Xem chừng như quên đi hay không có sự đóng góp của em bé trai trong Phúc Âm Luca. Phúc Âm Gioan cho rằng Chúa rút lui xuống thuyền ở chỗ gần Bethsaida sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị chém đầu. Dân chúng đón tin, đi bộ đuổi theo sang tận bờ bên kia hồ. Vừa lên khỏi thuyền, thấy đoàn lũ dân chúng, Chúa chạnh lòng thương xót họ. Ngài bắt đầu giảng dạy chữa lành bệnh tật. Chiều đến, môn đệ đề nghị giải tán đám đông để họ kịp thời về nhà và ăn tối, vì đã xế chiều và họ đang ở nơi hoang vắng xa chợ búa.
Trong tường thuật của Luca thì các môn đệ Chúa quay về sau những ngày thực tập truyền giáo. Chúa đề nghị tìm nơi hoang vắng nghỉ ngơi. Họ đi và dân chúng tìm đến. Chúa giảng dạy, chữa lành bệnh tật. Sau đó làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá. Tuy nhiên cả Gioan và Luca đều nói đến đề nghị của các tông đồ là giải tán dân chúng để kịp về nhà cơm nước nghỉ ngơi. Chúa bảo các tông đồ cho họ ăn. Họ mang đến năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa cho lệnh họ ngồi qui tụ thành nhóm. Cầm bánh tạ ơn Chúa, phân phát cho môn đệ và môn đệ phân phát cho dân chúng. Sau cùng còn dư mười hai thúng bánh vụn.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi bốn ngàn người trong hoang địa từ bảy chiếc bánh và một ít cá, thu lại được bảy thúng bánh vụn được gọi là Phép lạ bảy chiếc bánh và một vài con cá. Phép lạ nầy được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 14:13-21 và Marcô 6:34-44. Phúc Âm Matthêô và Marcô tường thuật Phép Lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 4.000 người trong hoang địa gần giống nhau trong những chi tiết sau:
Khi thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo theo Chúa. Chúa gọi các tông đồ và nói với họ là Chúa thương dân chúng vì họ đã theo Chúa nghe giảng dạy ba ngày rồi và không có gì ăn. Chúa không nỡ giải tán họ vì họ sẽ quị ngã dọc đường. Các tông đồ nói: Không có đủ bánh cho ngần ấy người. Họ chỉ có bảy chiếc bánh và một ít cá. Chúa cho lệnh dân chúng ngồi bệt trên cỏ theo từng nhóm. Ngài lấy bánh và cá, chúc tụng Chúa bẻ ra trao cho các tông đồ và các ông phân phối cho dân chúng. Mọi người ăn no. Còn thu được cả bảy thúng đầy bánh vụn. Số người ăn 4.000 đàn ông không kể đàn bà và trẻ con.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Thánh Thể trong Tân Ước:
Từ “tiền trưng” nhằm có ý nói về một sự việc được dùng để trưng dẫn trước một việc quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn theo sau.
Con rắn đồng trong sa mạc mà ông Môsê treo lên (sách Dân Số 21,4-9) để ai nhìn vào sẽ không bị chết vị nọc rắn độc là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ai tin vào Chúa, nhìn lên Chúa sẽ được cứu sống. Manna nuôi sống dân chúng Do Thái trên đường về Đất Hứa là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Thánh Thể (sách Xuất Hành 16,4), Chúa Giêsu thành lương thực nuôi sống chúng ta trên đường về quê trời.
Dân chúng Do Thái được cứu khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ khô chân và sang bến bờ tự do làm con Chúa và sống trong Đất Hứa là Đất của Chúa. Đó là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Rửa tội trong Tân Ước: Chúng ta được tái sinh qua nước rửa tội, thoát ách nô lệ tội lỗi và được làm con Chúa thừa hưởng gia nghiệp thiên đàng.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân ăn no trong sa mạc là hình ảnh tiền trưng gần nhất của Thánh Lễ: Dân chúng theo Chúa nghe giảng dạy. Họ được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống của Chúa. Họ đóng góp phần hy sinh của họ trong việc tế lễ như em bé trai góp phần bánh và cá riêng của mình vậy. Dân chúng được phân nhóm khác nhau, nhưng cùng hiệp thông và cùng lãnh nhận phần lương thực từ tay các tông đồ sau khi Chúa Giêsu đã chúc phúc và bẻ ra.
Trong cả hai phép lạ, Chúa không trực tiếp mang bánh và cá đến dân chúng, nhưng Ngài trao cho các tông đồ và đến lượt họ, họ phân phát cho dân chúng. Đó là nhiệm vụ của Linh Mục là những người được chỉ thị “Hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta”. Họ có bổn phận “cho dân chúng ăn”, tức nuôi dân bằng lương thực hằng sống là Mình Máu Thánh Chúa. Nên làm Linh mục là làm lễ, làm phép lạ hóa bánh nuôi sống dân chúng hàng ngày.
III. Thực hành Phúc Âm:
Năm chiếc bánh và hai con cá của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
- Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại.
- Chiếc bánh thứ hai: Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa
- Chiếc bánh thứ ba: Một bí quyết: Cầu nguyện
- Chiếc bánh thứ tư: Một sức mạnh: Phép Thánh Thể
- Chiếc bánh thứ năm: Yêu thương đến hiệp nhất: Chúc thư Chúa Giêsu
- Con cá thứ nhất: Mối tình đầu của tôi: Mẹ Maria Vô Nhiễm
- Con cá thứ hai: Tôi chọn Chúa
Năm chiếc bánh và hai con cá trong hoàn cảnh thực tế của bản thân tôi:
- Chiếc bánh thứ nhất: Kinh sáng và thánh lễ Misa mỗi ngày ban sáng.
- Chiếc bánh thứ hai: Hoàn tất việc bổn phận phải làm trong ngày hay trong tuần
- Chiếc bánh thứ ba: Làm ít là một chuyện bác ái: Cầu nguyện cho ai yêu cầu, biên thư an ủi hay giúp đỡ tài chánh.
- Chiếc bánh thứ tư: Mở mang kiến thức: Đọc sách báo hay theo dõi tin tức
- Chiếc bánh thứ năm: Suy niệm Lời Chúa và viết ra những gì mình suy nghĩ.
- Con cá thứ nhất: Kết hiệp với Chúa qua Thánh Lễ dâng mỗi ngày.
- Con cá thứ hai: Tạo tình thân với người chung quanh: Sống đạo tình thương
Bánh hay cá trong đời tôi đều là những ân huệ tôi lãnh nhận từ Thiên Chúa. Không hệ tại chỗ phải giống y chang bánh và cá của ĐHY Thuận. Vì ơn Chúa, tức bánh và cá ban tặng cho nhu cầu cá nhân. Chúa là Cha tôi, Chúa biết tôi cần gì và ban cho ân huệ thích hợp.
Hãy thưởng thức năm chiếc bánh và hai con cá trong hoàn cảnh thực tế của mỗi người…