Tín hữu Colombo kiến nghị ĐHY Ranjith mở án phong thánh cho 171 tín hữu chết trong vụ khủng bố vào Phục Sinh năm 2019
Tưởng niệm 5 năm sau vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 2019 tại Colombo, Sri Lanka (ANSA)
Hàng ngàn tín hữu đã ký một bản kiến nghị gửi tới Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục của Colombo, Sri Lanka, yêu cầu ngài mở án phong chân phước cho 171 tín hữu Công giáo đã bị sát hại trong vụ tấn công hai nhà thờ Thánh Sebastiano và Thánh Antôn ở thành phố Colombo của Sri Lanka cách đây 5 năm.
Hồng Thủy – Vatican News
Cha Gregory Vajira Silva, một tu sĩ Dòng Ba Phanxicô, không hề nghi ngờ rằng các nạn nhân của Chúa Nhật Phục Sinh đó đều là những vị tử đạo, vì họ đã chết vào ngày định mệnh đó vì quyết định ở lại Giáo Hội, tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô và vào Sự Phục Sinh.
Vào ngày 21/4/2019, thị trấn Kutuwapitiya, ở Sri Lanka, đã chứng kiến Chúa Nhật Phục sinh vui tươi biến thành một cảnh tượng kinh hoàng không thể tưởng tượng được. Một vụ nổ đã phá hủy hoàn toàn Nhà thờ Thánh Sebastiano, cướp đi sinh mạng của 115 người, trong đó có 27 trẻ em. Thảm kịch này là một trong tám cuộc tấn công phối hợp do bảy kẻ khủng bố thực hiện ở các vùng khác nhau của đất nước, khiến 264 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.
Ký ức đau thương
Devanjalie Marista Fernando là một người trẻ sống sót sau cuộc tấn công này, đã chia sẻ với tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ về những sự kiện khủng khiếp khiến cô bị ám ảnh suốt đời. Tôi đi nhà thờ với mẹ tôi. Tôi ngồi phía sau, dưới quạt để có thể hít thở không khí nhiều hơn vì nhà thờ đã đông người. Tuy nhiên, mẹ tôi lại ngồi xa hơn ở phía trước. Chúng tôi rước lễ, sau đó chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ rất lớn và tôi nhìn thấy một quả cầu lửa. Sau đó, mái nhà bắt đầu rơi xuống. Tôi lấy tay che đầu và chạy ra khỏi nhà thờ, nơi tôi gặp thấy cha tôi. Tôi đã bị sốc. Cha tôi hỏi tôi mẹ ở đâu, và tôi chạy vội vào nhà thờ thì thấy mẹ bị thương và chết giữa những chiếc ghế dài”.
Còn cha Silva thì cho biết mọi chuyện diễn ra quá nhanh, bất ngờ và tàn nhẫn; ngài nhìn thấy xác người ở khắp mọi nơi. Katuwapitiya, nơi được mệnh danh là “Roma thu nhỏ” vì có đông dân số theo Công giáo và nhiều di tích tôn giáo, đã phải để tang và biến thành một nhà tang lễ lớn đầy đau đớn.
Tầm quan trọng của đức tin trong thời kỳ bị bách hại
Sau vụ tấn công, các nhà thờ ở Katywapitiya đã đóng cửa vì lý do an ninh, nhưng các tín hữu vẫn gọi đi gọi lại để hỏi về giờ Thánh lễ. Cha Silva và những linh mục khác bắt đầu cử hành Thánh lễ tại nhà dân, giống như các Kitô hữu trong thời Giáo hội Sơ khai. Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin trong thời kỳ bị bách hại: “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không có sự sống nếu không có Thánh lễ”.
Đồng hành cùng các gia đình nạn nhân
Giúp đỡ các gia đình vượt qua nỗi đau đã trở thành sứ mạng quan trọng nhất đối với Giáo hội. Cha Silva giải thích: “Chúng tôi quyết định đi bên cạnh họ, vào thời điểm đó chúng tôi không rao giảng, chúng tôi chỉ ở đó vì họ và họ có thể cảm nhận được điều đó. Chúng tôi đã giúp đỡ họ, lắng nghe họ, khóc cùng họ, chia sẻ những gì họ đang trải qua lúc đó”. Mỗi linh mục được chỉ định giúp một nhóm gia đình, những người mà ngài sẽ hỗ trợ về mặt tinh thần và thực tế.
Mặc dù những vết sẹo của Chúa Nhật Phục Sinh đó vẫn còn, Katuwapitiya, thị trấn Công giáo ở Sri Lanka, nổi bật lên như một nhân chứng sống cho niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. (CSR_1728_2024)