Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia – L.m Peter Trần Thế Tuyên
LỄ THÁNH GIA THẤT
Sách Sáng Thế 15.1-6; 21.1-3;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Do Thái 11.8.11-12.17-19
và Phúc Âm Thánh Luca 2.22-40
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con. Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”. Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm:
Khi đã đủ ngày thanh tẩy,
Ông Bà mang trẻ đi trẩy lên thành.
Đúng như luật dạy rõ rành,
Trai đầu thánh hóa trở thành lễ dâng.
Lạ thay xuất hiện vĩ nhân,
Simêon ẵm Chúa lâng lâng nỗi mừng.
“Con thật sung sướng quá chừng,
Được thấy được bế Đấng từng ngóng trông.
Giờ đây con rất thong dong,
Mãn nguyện ôm ấp hoá công trong lòng.
Còn Bà sẽ có lưỡi đòng,
Khổ đau cay đắng như hòng chết đi.
Trẻ nầy thành kẻ thị phi,
Cho người bán tín bán nghi ơn Trời.
Trẻ nầy Đấng Thánh cao vời,
Là lộc là phước của người chờ trông. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Trong Cựu Ước Chúa hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông đúc. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, con của lời hứa. Ngài cũng sẽ tạo một dòng dõi đông đúc.
Ông Abraham tuân lệnh Chúa, đi về Đất Chúa hứa và tin là mình có dòng dõi đông đúc dù bà Sara đã lớn tuổi mà chưa có con.
Thánh gia hoàn toàn sống và hành động theo thánh ý Chúa: Đem dâng con vào đền thánh và nhận những lời tiên báo không may về con trẻ. Nhưng vẫn một lòng vững tin.
II. Diễn giải Phúc Âm:
Tiên báo của ông Simêon:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,xin để tôi tớ này được an bình ra đi.Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài.”
Cụ Simêon tỏ ra mãn nguyện vì đã được bồng ẵm Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa ban và muôn dân hằng trông đợi. Thánh Luca đã dùng miệng ông Simêon để tiên báo về trẻ Giêsu mà Ông đang bồng ẵm: Một trẻ sơ sinh, nhưng chính là Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng – còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”.
Cụ Simêon đặc biệt nói với Mẹ Maria, mẹ của Hài Nhi, vì số phận của Mẹ và con liên kết mật thiết đặc biệt. Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ vì con mình bị chối từ. Lời tiên tri cho Mẹ biết trước: Con Mẹ là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế nhưng không được mọi người tin nhận. Do đó, Hài Nhi là dấu hiệu mâu thuẫn, là đá vấp ngã. Con Mẹ sẽ phải khổ nhục do sự mâu thuẫn đó.
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Asê. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, nhưng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
Thêm một người đạo đức và có uy tín nói về trẻ Giêsu: Đấng thiên sai mà muôn dân đang mong đợi. Chúng ta cũng không rõ tại sao như cụ Simêon, hay bà Anna, những người đạo đức và được linh ứng để nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng chỉ một lần rồi lịm tắt. Không nghe Kinh thánh nói về dư âm của những nhân chứng nầy. Có thể họ đã chết sau đó hay có thể những linh ứng nầy cho cá nhân nhiều hơn là có tác động cho quần chúng.
Tuy nhiên chúng ta cũng biết thế nầy: Không dễ có mấy ai hưởng ứng lời tiên báo về Chúa Giêsu của ông Simêon hay bà Anna. Tất cả đều mong chờ một Đấng Cứu Thế với binh hùng tướng mạnh và sinh sống trong hoàng gia, chứ ai tin nổi một bé trai còn khóc oe oe mà là Đấng Thiên Sai như lời Chúa hứa. Người ta không có được niềm tin như ông Abraham.
Đền Thờ Giêrusalem:
Đền thờ thứ I do vua Salomon xây:
Hoàn tất trong vòng 7 năm. Tồn tại 417 năm và bị quân đội Chalđê phá năm 587.
Đền thờ thứ II do vua Zorobabel xây:
Đế quốc Babylon sụp đổ. Hoàng đế Ba Tư cho dân Israel hồi hương năm 536 trước công nguyên. Đợt hồi hương đầu tiên có hơn 42 ngàn dân. Năm 525 khởi công kiến thiết đền thờ. Đền thờ dài 147m85, rộng 44m36, có 2 cửa. Một bàn thờ vuông mỗi chiều 8m 87, cao 4m43. Đây là chính đền thờ mà Chúa được dâng vào. Đền thờ nầy tồn tại trong 499 năm.
Đền thờ do vua Herode sửa lại:
Năm 17, Herode bắt đầu sửa lại đền thờ do Zorobalel đã bị phá. Herode cho nới rộng chu vi tường chung quanh chừng 1.544m. Xây lại pháo đài cũ về góc tây bắc. Đổi thành pháo đài Antonia, để ghi ơn hoàng đế La Mã Antonio. Chính đền thờ, vua để các tư tế xây lấy, chỗ mà chỉ có họ vào được, dài 45m và cao 54m. Đền thờ (nhỏ) này ghép bằng đá hoa trắng, mỗi phiến dài 11m25, rộng 5m40. cao 3m60.
Đền thờ nầy có bức tường ngoài cùng, xây các cửa vào đền thờ. Bên trong bức tường có sân dành cho dân ngoại. Rồi đến bức tường vòng thứ hai. Bên trong tường hai này có sân dành cho phụ nữ, sân dành cho nam giới, rồi tới sân tư tế. Đền thờ nầy bị phá hủy bởi quân đội La Mã năm 70 sau Công nguyên. Chính Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ nầy.
Bức tường than khóc tại Giêrusalem:
Bức tường Than Khóc tại khu Cổ thành Giêrusalem tức the Wailing Wall hoặc the Western Wall, di tích còn lại của Ngôi Đền Thờ Do Thái do Hoàng Để Herode Cả xây cất vào năm 19 trước Công nguyên. Khi đế quốc La Mã dẹp vụ nổi loạn của người Do Thái vào năm 70 sau Tây Lịch thì ngôi đền đã bị phá hủy chỉ còn lại một bức tường phía Tây mà thôi vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Sở dĩ bức tường này có tên là Than Khóc là vì nơi đây chính là nơi mà người Do Thái thường tới cầu nguyện và than khóc cho thân phận lạc loài, lưu vong mất nước của họ từ cả ngàn năm về trước. Dân tộc Do Thái phải chịu kiếp lưu đày lang thang, không nhà, không tổ quốc và thỉnh thoảng họ phải chịu nhiều tai biến, nhất là trong thời Trung Cổ và sau cùng là thảm họa lò sát sinh khi 6 triệu người Do thái bị Hitler bỏ vào các lò thiêu xác.
Bức tường Western Wall dài 57m tọa lạc tại khu vực Temple Mount và phần còn lại thì bị vùi lấp bởi các di tích khác. Bức tường bằng đá vôi cao 20m và gồm có 45 phiến đá rất lớn, trung bình mỗi phiến nặng từ 2 đến 3 tấn và có phiến lớn nhất nặng hàng trăm tấn. Cho đến nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra được kỹ thuật của cổ nhân làm thế nào để di chuyển những phiến đá đó và ráp thành những bức tường tại ngôi đền thờ… Nhưng vào thời Hoàng Đế Constantine chấp nhận theo Thiên Chúa giáo thì người Do Thái được quyền trở lại Giêrusalem để “than khóc” tại bức tường Western Wall. Trải qua bao nhiêu thời đại dân tộc Do Thái bị phân tán khắp nơi trên thế giới nhưng dù ở bất cứ nơi nào họ vẫn duy trì tôn giáo của họ, chờ đợi một ngày kia sẽ có một vị Chúa Cứu Thế mà họ gọi là đấng Messiah , ra đời và sẽ đưa dân tộc Do Thái trở về quê hương của họ là Giêrusalem và khi đó họ sẽ xây dựng lại một ngôi đền thờ mới.
III. Thực hành Phúc Âm:
Thánh gia vào đền thánh
Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đều lên đền thánh Giêrusalem để dâng tiến Chúa và Đức Mẹ được nhận sự thanh tẩy sau khi sinh con theo tập tục Do Thái. Hình ảnh rất đẹp: Cả gia đình lên đền thờ làm việc tôn giáo. Ngày xưa trong nhiều xóm đạo, người ta đi lễ cả nhà, có nhiều khi cả xóm. Một xứ đạo, mỗi chiều dài một cây số, ngày Chúa Nhật ngập tràn màu sắc, người ta mặc quần áo đẹp đi lễ Chúa Nhật.
Ngày nay chuyện đi nhà thờ cả gia đình thật khó kiếm: Mỗi người một việc, giờ giấc khác nhau, ăn uống khác giờ và đương nhiên không mấy đi lễ chung… Thiếu một cái gì “thánh gia” hay gia đình thánh. Thêm vào đó, nhiều đôi vợ chồng theo chủ trương đạo ai nấy giữ: Chồng đi vợ ở nhà hay ngược lại. Con cái cũng chả hiểu chuyện gì mà kẻ đi người ở.
Tự do cá nhân nhiều làm mất đi những cái chung rất đáng quí như ăn chung, đi lễ chung, đọc kinh chung hay đi chơi chung. Cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt những cái chung nầy. Khi gia đình bị mất đi một người, người còn ở lại mới thấy quí những cái chung đã mất.
Kinh tối gia đình
Ôi đẹp làm sao giờ kinh tối!
Cha mẹ con cái quay quần.
Hướng mắt về bàn thờ Chúa.
Lời kinh vang lên ấm gia đình.
Có Chúa tức có tình!
Tình gia đình thương yêu đùm bọc.
Tình vợ chồng gắn bó nhiều năm.
Tình anh em đậm đà sâu sắc.
Có Chúa người lòng nguồi sám hối
Nhận ra lỗi bản thân mình.
Xin Chúa cho mình biết sửa đổi.
Đời sống mỗi ngày thêm tốt hơn.
Nhớ hoài giờ kinh tối!
Có Cha, có Mẹ có anh em.
Không nhiều kinh, nhưng đậm tình!
Tình Chúa cho tình mình gắn bó. Amen.