Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXV Quanh Năm . A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XXV QUANH NĂM
Sách Tiên Tri Isaia 55, 6-9;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê 1,20c-24.27a
và Phúc Âm Thánh Matthêô 20, 1-16
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”. Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm
Nước trời ví thể chủ ông,
Sáng sớm thuê thợ làm công cho mình.
Một đồng sòng phẳng công bình,
Nhân công vui vẻ an bình vô tư.
Thương người không ngại số dư,
Giờ ba, giờ bốn lại đi tìm người.
Được thuê, thợ sướng nhất đời,
Cơm bánh no đủ tuyệt vời cầu mong.
Giờ ngọ, xế bóng chủ ông,
Mang về thêm thợ làm công vườn mình.
Chưa hết, chiều đến, khó tin,
Rinh thêm đám thợ linh tinh rỗi nghề.
Một đồng trả thợ cho về,
Kẻ làm sớm sủa tưởng bề có thêm.
Thiên đàng phần thưởng không thêm,
Sớm muộn đồng hạng đòi thêm chỗ nào?
Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Vừa tảng sáng đã ra mướn thợ… Ơn cứu rỗi của mọi người là mối quan tâm hàng đầu của Chúa. Chúa xuống trần để cứu độ nhân loại.
Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra… khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín.. Không những Chúa quan tâm đến phần rỗi nhân loại, nhưng còn kiên nhẫn mời gọi nhiều lần để mọi người có dịp mời gọi vào Nước Chúa.
Khoảng giờ mười một, ông trở ra… Như vậy là suốt cả ngày, hay suốt cả đời người… Chúa đều tạo cơ hội và mời gọi người ta làm vườn nho cho Chúa.
Thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Tất cả đều được cứu rỗi. Ơn cứu rỗi là nước thiên đàng là hạnh phúc bất diệt không hơn không kém cho mọi người.
II. Diễn giải Phúc Âm:
Giáo lý căn bản về Bí Tích Rửa Tội
Bí Tích Rửa Tội là bí tích Chúa Giêsu đã lập để sinh ta lại làm con Ðức Chúa Trời và con Hội Thánh. Thừa tác viên bình thường của Bí Tích Rửa tội là Giám Mục, Cha sở, linh mục hay Thầy Phó Tế. Thừa tác viên ngoại thường trong trường hợp nguy tử là bất cứ ai kể cả người chưa rửa tội miễn là làm đúng cách thức là lấy nước lã xối trên đầu và đọc “Tôi rửa…. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.”
Có 3 cách rửa tội: Bằng nước, bằng máu và bằng lòng muốn. Ai cũng có thể lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội miễn là chưa bao giờ được rửa tội trong bất cứ một giáo phái nào mà có cùng nghi thức rửa tội kêu tên Chúa Ba Ngôi như bên Công Giáo. Ngoài ra, ứng viên của Bí Tích Rửa Tội còn phải có lòng ước muốn, có đức tin và quyết tâm cải thiện đời sống cũng như phải học giáo lý.
Khi được rửa tội, chúng ta được nhận ơn thánh hoá làm con Chúa. Chúng ta được Chúa ban cho đức tin, đức cậy và đức mến cũng như được tha tội tổ tông và tội mình làm, được gia nhập vào Giáo Hội, tức thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và được phần thưởng nước thiên đàng mai sau. Bí tích Rửa Tội rất cần thiết để được cứu độ. Tuy nhiên không phải ai đã không rửa tội thì bị sa hỏa ngục. Nếu thế thì ông bà tổ tiên chúng ta đều không có mặt trên thiên đàng chăng? Khi nói Bí Tích Rửa Tội cần để được ơn cứu độ. Điều đó không có ý nói ai không được rửa tội thì không được lên thiên đàng. Nhưng chỉ có ý nói rằng: Nếu có điều kiện để được rửa tội thì phải nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội. Từ chối trong điều kiện nầy là từ chối nước thiên đàng.
Nghi thức rửa tội bên Việt Nam vẫn còn câu hỏi: Ông bà muốn đặt tên thánh cho em bé là gì? Đây chỉ là truyền thống Công Giáo của người Việt Nam dưới thời các nhà truyền giáo Âu Châu. Nếu giữ được, rất tốt vì ít là có một vị thánh cho mình bắt chước và cầu bầu cho mình. Nhưng nếu bỏ đi, dùng tên thật của mình cũng vẫn tốt và thực tế hơn. Ngày nay người ta cũng không cần có tên thánh Thêm Sức. Một tên là đủ hơn là có tên thánh mà không biết vị thánh đó như thế nào. Nếu không biết vị thánh bổn mạng như thế nào thì làm sao để bắt chước? Không hợp lý chút nào khi Giám Mục xức dầu thánh trên trán ứng viên Thêm Sức và nói “Phêrô hãy nhận ấn tín Chúa Thánh Thần!” Như vậy là Phêrô nhận chứ đâu phải em A hay em B nhận.
Khi nói thừa tác viên bình thường của Bí Tích Rửa Tội là Giám Mục, Cha sở, linh mục và thầy phó tế. Xin phân biệt giữa Cha sở và linh mục. Cha sở là người được Đức Giám Mục địa phận bổ nhiệm chăm sóc giáo dân ở một giáo xứ nhất định dưới quyền của Đức Giám Mục. Mỗi giáo xứ có một Cha sở mà thôi. Giáo dân cần lãnh nhận bí tích, phải đến với Cha sở trước. Giáo Hội không chấp nhận chuyện quen biết hay bà con với một linh mục nào đó rồi vị nầy ngang nhiên rửa tội theo yêu cầu của thân nhân mà không có phép của Cha Sở. Những bí tích được ban không qua Cha Sở hay không được ủy quyền của Cha sở, trừ trường hợp nguy tử, đều bất hợp pháp.
Chúa như Ông chủ tốt lành, đi ra kêu thợ làm vườn từ sáng tới chiều. Cuối ngày tất cả đều lãnh đồng đều: Một quan tiền hay nói khác đi là nước thiên đàng. Vậy thì hãy thong thả… có được không?
Không được vì:
Bao giờ sớm sủa cũng an tâm và chắc ăn hơn. Thường chúng ta nghĩ là sớm muộn gì thì cũng một đồng lương hay cũng là nước thiên đàng như nhau. Nhưng thực sự người có việc làm từ sáng sớm, dù vất vả đổ mồ hôi cả ngày, nhưng họ nắm chắc phần thưởng vào cuối ngày. Phần thưởng nước thiên đàng đang đợi họ. Còn những người được thuê mướn trễ hơn hay được gia nhập Giáo Hội muộn màng hơn hơn. Họ thật sự sống trong bấp bênh, trong lo lắng. Không biết mình có gì ở cuối ngày. Không biết cuối đời sẽ đi về đâu? Chúng ta dễ nhìn thấy hình ảnh nầy nơi những người không có công ăn việc làm vững chắc. Họ ngồi chờ người đến mướn. Có ngày may mắn, có người đến mướn và họ có tiền nuôi thân. Nhưng có ngày, cứ sốt ruột, cứ trông đứng trông ngồi. Sau cùng có thể là bụng đói và túi không vì không ai mướn. Cuộc đời thật qua bấp bênh và thất vọng.
Phúc âm nói rằng: Những người làm từ sáng sớm phàn nàn là chúng tôi vất vả cả ngày mà cũng chỉ được bằng số người đến muộn làm chỉ có một giờ. Họ không nên phàn nàn, vì họ đã được cái may mắn của bình an, của khỏi lo lắng ngày từ sáng sớm hay ngay từ đầu đời. Người Công Giáo được rửa tội ngay từ còn bé là một may mắn lớn vì đã định hướng cuộc đời ngày từ lúc mình chưa biết hướng: Biết Chúa là ai? Lãnh nhận các bí tích như thức ăn nuôi dưỡng đời Kitô hữu. Mỗi ngày Chúa Nhật được đến nhà thờ dâng lễ với những Kitô hữu khác. Sẽ kết thúc đời sống trần gian bằng cuộc sống vĩnh hằng trên quê trời.
Không nên thong thả hay từ từ hay để “xem coi thế nào…” Lý do đơn giản là chúng ta không nắm chắc vận mạng mình? Tai nạn hay bệnh hoạn có thể đến bất cứ lúc nào. Người ta có thể chết bất kỳ ở tuổi nào. Nên việc đáp trả lời mời gọi của Ông chủ vườn nho cách mau mắn là đều tốt và rất có ích cho chúng ta.
Thương yêu Ông chủ và tận tình giúp đỡ Ông chủ trong việc mở mang vườn nho hay làm phát triển Nước Chúa.
Thật sự bài Phúc Âm không nói đến vườn nho như thế nào, nhưng chỉ nói đến việc làm đầy tình thương của Ông chủ là đi ra ngoài nhiều lần trong ngày để tìm thợ làm vườn nho. Điều đó cho thấy trọng tâm của bài Phúc Âm không là miếng vườn hay thửa đất mà là đồng lương hay sự ích lợi cho thợ làm vườn. Nếu dùng vườn nho làm hình ảnh là Nước Chúa hay Giáo Hội Chúa thì chúng ta cũng biết là: Nếu Nước Chúa là nước thiên đàng trên trời thôi thì không cần đến chuyện phát triển hay mở rộng hay chuyện đóng góp của chúng ta. Nhưng Nước Thiên Chúa ở đây được nhiều người hiểu là Giáo Hội trần gian mà chúng ta được kêu gọi để đi làm vườn, để phát triển.
Mảnh vườn nầy hay Giáo Hội trần gian nầy được gọi là thánh thiện, hay là Hội Thánh. Hội Thánh vì Chúa là Đấng thánh sáng lập. Hội Thánh vì mọi người được hưởng dùng những bí tích thánh. Hội Thánh vì mọi người đang về thiên đàng là nơi thánh. Tuy nhiên không phải mọi phần tử của Giáo Hội là thánh. Đây là vai trò của chúng ta. Đây là nhiệm vụ của những người thợ được vào làm vườn nho Chúa: Chu toàn nhiệm vụ của mình. Việc chu toàn bổn phận của một Kitô hữu hằng ngày là lời kêu gọi người khác vào làm việc ở vườn nho Chúa. Chúng ta được hưởng hoa trái của chính mảnh vườn Giáo Hội mà chúng ta đang sống. Người Việt Nam hay nói: Ăn cây nào rào cây nấy. Xin đừng gièm pha chỉ trích hay bôi xấu mảnh vườn Giáo Hội nơi mình đang sống và hưởng lợi.
III. Thực hành Phúc Âm:
Gương Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp: Mở mang nước Chúa cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Suốt 15 năm làm Cha Sở Tắc Sậy, Cha đã rửa tội cho 1.643 người còn ghi tên trong sổ. Đồng thời thêm 5 người Cha rửa tội trong lẫm lúa nhà ông Giáo Sự, chỉ trước khi Ngài bị giết chết. Nếu tính luôn 2 quyển số thất lạc, số người được rửa tội không dưới 2.000 người. Trung bình, mỗi năm Cha rửa tội cho 133 người. Cha đã là một thợ làm vườn nho thật tận tuỵ với Nước Chúa. Xin đọc bài phỏng vấn nhân chứng sống: Bà Trần Thị Hường và bà Trần Thị Cảnh. Bà Cảnh lúc đó được 4 tuổi và được Cha Diệp rửa tội một giờ trước khi Cha chết. Bà lấy tên thánh Anna.
Phỏng vấn bà Bà Trần Thị Hường tức Bà Tư Phẩm và em ruột là Trần Thị Cảnh ngày 16.8.2011 tại Cái Răng, Cần Thơ.
Bà Hường sinh năm 1933 tại Tắc Sậy – Cha FX. Trương Bửu Diệp rửa tội cho bà năm 1943. Gia đình ngoại giáo, nhưng cha mẹ gửi con cái đến học với bà phước ở Tắc Sậy và được rửa tội. Bà có người anh ba tên Trần Văn Nghĩa và em thứ bảy Trần Thị Phụng cũng được rửa tội trước cha mẹ mình.
Năm 1946 giặc giã và ly loạn. Một buổi sáng sớm khoảng sau Tết, lính mặc áo trắng như lính Cao Đài đến lùa giáo dân từ Đất Thánh cách nhà thờ chừng hơn một cây số vô nhà thờ. Từ nhà thờ họ lùa Cha, các bà phước và giáo dân vô Cây Gừa cách đó chừng 3 hay 4 cây số. Hai em trai của bà là Trần Văn Nhân và Trần Văn Ân đi coi bò trong đồng, nên không bị lùa chung. Không nhớ tháng nào nhưng nhớ là sau Tết vì đất nứt nẻ khô ráo đi đau chân lắm. Không biết bao nhiêu người nhưng khá đông chừng bảy hay tám chục người. Đến nơi, bà bị ở chung một chỗ với các bà phước. Cha mẹ bà ở chung với Cha FX. Trương Bửu Diệp. Cha mẹ bà kêu la kiếm bà. Bà được cho đi sang với cha mẹ. Đang khi chạy sang với cha mẹ, bà bị một người lính Nhật chận lại, đưa dao dài và bén vào cổ, bà té bẹp xuống đất. Lính người Việt nói gì với anh lính Nhật bà không biết và bà được vào chung chỗ với cha mẹ bà.
Chừng 8 giờ sáng, Cha bị mời ra ngoài chừng 15 hay 20 phút. Cha trở vô không có gì là buồn phiền hay lo lắng gì cả. Người ta chất rơm rạ chung quanh lẫm lúa nhà ông Giáo Sự và biết chắc là họ sẽ đốt chấy tất cả. Cha bị mời ra lần thứ hai khoảng 10 giờ sáng. Khi trở vào, mặt Cha đỏ ngầu như bị đánh hay bị tát. Cha bảo ăn năn tội và Cha giải tội lòng lành. Anh Ba Nghĩa của bà nói với cha mẹ bà là: Thôi cha má hãy rửa tội để rồi tất cả chết chung vối Cha và được lên thiên đàng chung. Anh ba Nghĩa xin nước nơi người canh nói là uống, nhưng đưa cho Cha FX. Diệp rửa tội cho bà nội bà, không nhớ tên, cha bà tên Trần Văn Năng, mẹ bà tên Dư Thị Lượm, em trai bà tên Trần Văn Nuôi lúc đó 7 tuổi, lấy tên thánh Phanxicô Xaviê, chết năm 2007 và em gái bà tên Trần Thị Cảnh lúc đó 4 tuổi, lấy tên thánh Anna. Sau nầy, Cha Huỳnh Minh Ký ở Bạc Liêu đã làm phép bù cho cha mẹ và 2 em của bà.
Lần thứ ba Cha bị mời ra khoảng hai ba giờ chiều. Cha không trở lại. Đoán là Cha đã bị thủ tiêu. Khá lâu sau đó, chừng 7 giờ tối họ bỏ cửa trống cho ra về nhưng căn dặn là phải bỏ Tắc Sậy, nếu không sẽ giết chết không còn con đỏ. Ngươi ta quay về thu gom đồ đạc và tản cư. Hôm sau, người được biết là Cha chết. Người ta đi lấy xác Cha ở ao nhà chỗ ông Giáo Sự. Có nhiều người đàn ông thương mến và nóng lòng đi tìm lấy xác Cha, trong đó có ông Năng, cha của bà. Họ mô tả: Cha bị chém từ phía sau ót, chết trần truồng và úp mặt. Người ta bỏ Cha lên xuồng chở về nhà ông Biện Thơ ở Khúc Tréo và chôn Cha trong phòng thánh.