Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXIV Quanh Năm A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XXIV QUANH NĂM A
Sách Huấn Ca 27,20-28,7;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 14,7-9
và Phúc Âm Thánh Matthêô 18, 21-35
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. “Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. “Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. “Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm:
Anh em xúc phạm đến con,
Bảy lần tha thứ là ngon thưa Thầy!
Tha thứ phải như thế nầy:
Bảy mươi lần bảy, lòng đầy bao dung.
Vua kia nhân ái vô cùng,
Con nợ kêu khóc vô cùng thê lương.
Thánh thượng ban chút tình thương,
Con đây sẽ trả nợ vương cuộc đời.
Lòng vua thương cảm ban lời:
Tha hết tất cả cho đời bình an.
Vừa thoát ra khỏi cổng quan,
Nó túm con nợ đòi mang ra tòa.
Tha thứ sẽ được thứ tha,
Từ tâm quảng đại như Cha trên trời.
Tha thứ là được, là lời:
Được người! Được Chúa cho đời trường sinh. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa rất từ tâm và luôn tha thứ cho chúng ta như Ông chủ nợ bao dung luôn tha nợ cho kẻ mắc nợ trong Phúc Âm.
Chúa quảng đại và bao dung với chúng ta thế nào thì chúng ta cũng phải tỏ ra quảng đại và bao dung với người khác như vậy.
Nếu không sống quảng đại và bao dung chúng ta sẽ phải trả nợ cho tới đồng xu cuối cùng.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Chúa là Ông chủ quảng đại và bao dung! Tại sao còn vấn đề tội vạ và hình phạt luyện ngục hay hỏa ngục đời sau.
Luyện Ngục theo giáo lý Công Giáo.
Mọi người chết trong ân sủng, chắc chắn sẽ lên thiên đàng; nhưng không phải tất cả đều sẵn sàng lên thiên đàng lập tức. Một người có thể chết trong tội nhẹ, hay chết khi họ còn mắc vài hình phạt vì những tội đã phạm. Những người như thế không xứng đáng lên thiên đàng; họ xuống luyện ngục để được thanh luyện trong lửa đau đớn.
Chúng ta không thể hiểu nỗi những khổ hình của các linh hồn luyện ngục; nhưng chúng ta biết điều họ đau khổ nhất là xa cách Thiên Chúa. Các linh hồn nơi luyện ngục mong về cùng Ngài trên thiên đàng; họ đau buồn vì tội lỗi giữ họ xa các Ngài. Họ đau khổ; nhưng họ kiên nhẫn và vui vẻ đón nhận đau khổ. Họ biết chắc họ sẽ lên thiên đàng; họ biết rằng các khổ hình sẽ cho họ xứng đáng lên thiên đàng.
Các linh hồn nơi luyện ngục là phần tử của Giáo Hội. Các người ở trên thiên đàng, ở trong luyện ngục, và các phần tử của Giáo Hội trần thế, đều kết hợp thành một Giáo Hội của Chúa Kitô. Sự kết hợp này được gọi là Các Thánh Thông Công. Chúng ta ở dước thế giúp các linh hồn nơi luyện ngục nhờ thánh lễ dâng tiến hàng ngày, nhờ kinh nguyện và hy sinh.
Hỏa ngục theo quan niệm Công Giáo:
Tất cả chúng ta đều biết là những ai khi ở trần gian không chấp nhận rằng Thiên Chúa hiện hữu, ngay cả khi Thiên Chúa giúp đỡ họ. Thiên Chúa luôn hướng dẫn họ đi đến con đường thánh thiện nhưng họ nói rằng họ không tin và họ từ chối Thiên Chúa. Họ từ chối Chúa ngay cả trong giờ chết. Sau khi chết, họ cũng vẫn từ chối Chúa. Đó là sự chọn lựa của họ. Đó là ý muốn của họ nên họ vào hỏa ngục. Họ chọn vào hỏa ngục.
Thường chúng ta hay dùng tiếng “NGỤC” để chỉ nơi ngục tù đầy đoạ khổ sở theo cách hiểu thông thường của nhân loại. Cũng theo cách hiểu thông thường nầy thì không có ai chọn đày đoạ mình trong tù ngục cả. Nhưng luyện ngục hay hoả ngục không là “ngục” theo nghĩa nơi chốn hay hoàn cảnh mà chỉ diễn tả tình trạng khổ sở và đọa đày vì chối bỏ Thiên chúa là Đấng cực Thánh và hạnh phúc trọn vẹn.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể nói thế nầy: Hai người yêu nhau tha thiết và thề nguyền sống chết có nhau. Họ phải xa nhau vì lý do gì đó như chiến tranh loạn lạc. Hai người yêu không được gần nhau là “ngục” là khổ, là đọa đày rồi.
Nên đừng nói rằng Chúa không rộng lượng bao dung vì có luyện ngục hay hoả ngục. Con người tự do chọn để thanh luyện trong luyện ngục hay chọn hoả ngục để xa rời Thiên Chúa.
Nếu tha thứ vô điều kiện và vô giới hạn thì có hiệu quả tốt trong việc hoán cải không hay là chuyện nuông chìu và dung túng làm cho người khác xấu đi?
Luật Cựu Ước dù là luật Chúa, nhưng được ban bố cả gần hai ngàn năm trước Chúa Giêsu. Nên mức độ hoàn thiện của lề luật rất thấp. Hay nói khác đi: Luật Chúa được ban truyền phù hợp với hoàn cảnh và trình độ của thời đó. Điều nầy đễ hiểu, vì như VN mình cũng mới có luật một vợ một chồng, hay nhất phu nhất phụ đây thôi. Bảy mươi năm trước, thời Tự Lực văn Đoàn, vợ chánh còn lấy vợ lẽ cho chồng mình kia mà như trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Luật Cựu Ước không có tha thứ mà là mắt thế mắt răng đền răng, tức cho phép trả thù hay sòng phẳng ân oán.
Chúa đến canh tân luật cũ. Chúa khẳng định là không phá bỏ, nhưng rượu mới phải cho vào bầu da mới. Người trong thời Tân Ước là thứ rượu mới phải có nồng độ mới, phải thờ Chúa trong tinh thần và chân lý, phải biết xuống lừa, đưa nạn nhân bị kẻ cướp về quán trọ chăm sóc bất kể họ là ai.
Không phá bỏ nhưng canh tân hay nâng cao. Cách thức canh tân và nâng cao nầy được diễn tả thật mạnh mẽ theo kiểu: Nếu ai tát má phải, thì đưa luôn má trái. Nếu ai đòi lấy áo ngoài thì cho luôn áo trong. Không phải chỉ tha bảy lần mà bảy mươi lần bảy. Bảy mươi lần bảy không chỉ giới hạn ở chỗ 490 lần nhưng có nghĩa là luôn luôn quảng đại tha thứ cho anh em mình.’
Phúc âm không phải không thấy chỗ dung túng hay nuông chìu hay làm hư người đi. Nhưng đó không là chủ đề hay trọng điểm của Phúc Âm hôm nay mà là lòng bao dung tha thứ. Con số bảy mươi lần bảy không hề có ý nói số lần nhưng có ý diễn tả tâm hồn bao dung tha thứ.
Tại sao phải bao dung và tha thứ vô điều kiện?
Vì Chúa đã tha thứ chúng ta một cách bao dung và vô điều kiện. Chúng ta là con Chúa, chúng ta phải làm giống như Cha mình làm. Chúng ta phải là người Cha nhân hậu luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho người con hoang và đối xử với người từng có tội như chưa hề phạm tội bao giờ.
Bao dung tha thứ có lợi chỗ nào?
Được thêm người anh chị em. Người bao dung quảng đại luôn có nhiều bạn bè và được mọi người quí mến nể trọng. Nếu chúng ta có người bạn hay người con xúc phạm đến chúng ta và chúng ta theo chủ trương “ân đền oán trả” thì thử hỏi những người nầy có còn dám đến với chúng ta không? Không tha thứ là mất và thua thiệt.
Có được tâm hồn bình an. Có những người gây bất hoà với người khác và cố gắng tỏ ra bình tĩnh hay dửng dưng và tuyên bố rằng: Tôi vẫn bình an và ngủ ngon. Ít nhiều, người nầy cũng đã nói dối. Bất hoà luôn luôn đi liền với bất an. Bình an là Chúa. Chúa không thể có trong những tâm hôn bất chính và bất hoà.
Nếu ai đó dám nói rằng: Mình sống trong bất hoà, trong hận thù hay trong ganh tị với người khác mà vẫn bình an thì xem chừng lương tâm người đó đã chai cứng hay chai lì rồi.
III. Thực hành Phúc Âm:
Gương Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp: Hiền lành và bao dung
Những cảm nhận của những người đã đến cầu nguyện với Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Cảm nhận về chính Cha Phanxicô Xavier Trương Bửu Diệp.
- Cha là con người đơn sơ, bình dân.
- Cha là con người sẵn sàng đón tiếp.
- Cha là con người luôn lắng nghe.
- Cha là con người có cái tâm.
- Cha là con người dạt dào tình xót thương.
- Cha là con người để ý đến cuộc sống từng người.
Nói tắt một lời: Ai cũng cảm nhận Cha Diệp là con người dễ thương. Ngài thương hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ, giai cấp, giáo lý, lễ nghi.
Ngài thương cách riêng những người nghèo túng, khổ đau. Ngài có Chúa ở cùng.
Cảm nhận về chính bản thân mình
Sau khi đến với Cha, tâm sự với Cha, cầu nguyện với Cha, hầu như mọi người đều có những cảm nhận về bản thân mình như sau:
- Mình được Cha yêu thương.
- Mình được Cha chia sẻ.
- Mình được Cha giải cứu.
- Mình thấy mình được liên hệ với thế giới thần thiêng.
- Mình thấy mình cần sống tốt hơn.
- Mình thấy mình cần năng cầu nguyện nhiều hơn. Cầu nguyện một cách hồn nhiên và chân thành.
- Mình thấy Hội Thánh của Cha Diệp trở nên gần gủi với mình.
- Mình thấy Chúa của Cha Diệp trở nên người Cha xót thương hơn mình tưởng. Riêng những người túng nghèo, khổ đau lại tìm được nơi Chúa của Cha Diệp một nguồn an ủi và hy vọng đặc biệt, mà họ không tìm được ở đâu khác.
Cảm tưởng của riêng tôi.
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp là mẫu gương rất hợp thời cho những người hoạt động mục vụ và truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.
Tâm lý người Việt Nam hôm nay tuy vốn trân trọng những đấng anh hùng, nhưng thích tìm đến những vị lãnh đạo dễ thương. Dễ thương ở chỗ có đời sống bình dị, đơn sơ, gần gũi, biết đưa con người vào chiều kích thiêng liêng bằng những thái độ sống cảm thương và thương xót.
Sau khi gặp gỡ với những vị lãnh đạo dễ thương, họ cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương, được hy vọng. Thiết tưởng đó là một khởi đầu tốt cho mục vụ truyền giáo.
Long Xuyên, ngày 06 tháng 8 năm 2011
+ GB. Bùi Tuần