Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XIX Quanh Năm A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XIX QUANH NĂM A
Sách Các Vua quyển I 19.9a.11-13;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 9.1-5
và Phúc Âm Thánh Matthêô 14.22-33
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm:
Môn đệ xuống thuyền vượt biển,
Chúa lo từ giã, lo tiễn biệt dân.
Thuyền bị gió ngược, tròng trành.
Không Chúa sao quá mong manh thuyền đời.
Đi trên, mặt biển, tuyệt vời,
Chúa đến, đêm tối thuyền đời mong manh.
Hoảng sợ la hoảng thất thanh,
Rằng ‘ma’ mang xác phàm nhân đến gần.
Lên tiếng Chúa phán bảo rằng:
An tâm đừng sợ, Thầy hằng bên con.
Phêrô bạo phổi chơi ngon,
Nếu thật thầy hả! Cho con đến cùng.
Cứ đến! Phêrô nhảy đùng!
Đi trên mặt nước, đến cùng Sư tôn.
Gió thổi, nghi hoặc, mất khôn,
Kém tin, chìm xuống, “Lạy Thầy cứu con!”
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa Giêsu tỏ lộ quyền năng bằng cách đi trên mặt biển.
Ai tin vào Chúa sẽ được chuyển giao thần lực, có thể đi trên mặt biển như Chúa.
“Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Đó là điều Chúa muốn các tông đồ nhận ra. Đó là điều mà chúng ta phải tuyên xưng, dù có lúc chúng ta hồ nghi về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Tại sao Phêrô lại bị chìm?
Vì ông kém tin và hoài nghi như lời Chúa trách.
Nhưng tại sao ông lại kém tin và hoài nghi? Vì gió thổi và ông đâm sợ.
Tại sao gió thổi làm ông sợ? Vì ông nhận ra thực tại kỳ lạ là mình đang đi trên mặt biển. Gió không làm ông chìm, nhưng gió cho ông cảm giác của con người? Ý thức mình là người đưa đến vấn đề tại sao người lại có thể đi trên biển và ông quên là mình đã đi trên biển nhờ thần lực của Chúa.
Bao lâu còn kém tin và hoài nghi là sẽ chìm tức sẽ không thể làm được những điều phi thường. Nói khác đi: Không có Chúa, chúng ta không làm được gì cả. Những lúc bị chìm cũng mang ý nghĩa tích cực của nó. Đó là lúc mà chúng ta có thể kêu lên “Lạy Chúa! Xin cứu con!”
Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Như vậy thiên tính của Chúa Giêsu đã được nhìn nhận ngay sau lần Chúa đi trên mặt biển?
Như nhiều lần đã chia sẻ là Phúc Âm Thánh Matthêô thành hình 50 năm sau khi Chúa Giêsu về trời. Phúc Âm là những bài giáo lý của các tông đồ. Matthêô viết Phúc Âm cho người Do Thái sống ngoài Do Thái.
Câu nói tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có thể thật sự xảy ra lúc đó. Tuy nhiên nhiều phần trăm cho thấy rằng: Matthêô và các tông đồ đã chứng minh về quyền năng của Chúa Giêsu khi Ngài đi trên mặt biển. Không ai có thể đi trên mặt biển trừ người đó là thần thánh, như lúc đầu các tông đồ nghĩ là ma, sau đó mới nhận ra Chúa Giêsu. Câu nói nầy có thể có hay không có, không quan trọng, điều quan trọng là: Chỉ có thần thánh hay Thiên Chúa mới có thể đi trên mặt biển thôi.
Lần tuyên tín nầy dù có xảy ra cũng chưa phải là dứt khoát và đầy đủ. Vì nhiều lần các tông đồ Chúa hồ nghi về bản tính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Nên có lần Chúa đã hỏi các tông đồ: Người ta bảo Con Người là ai… Và các con bảo Thầy là ai? Lúc đó Phêrô tuyên tín: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” như trong Phúc Âm Matthêô 16,13-15.
Nếu quả thật đây là lần tuyên tín dứt khoát và thật sự tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đầy quyền năng thì các tông đồ đã không bỏ trốn khi Chúa bị bắt. Đây cũng là thực tế đời người: Có lúc chúng ta nhìn thấy quyền năng và sự nâng đỡ của Chúa, nhưng có lúc chúng ta bị chìm vì hồ nghi về sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình. Nhiều người cũng đã có câu hỏi: Nếu có Chúa sao lại có chuyện bất công hay thiên tai bão tố như thế nầy xảy ra?
III. Thực hành Phúc Âm:
Lội ngược dòng – Đời ngược gió
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại… Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa? Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. “Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?”. Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm… Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiaret để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu. Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo. Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: Anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao? Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: Ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện… Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội… Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa. Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld. (Trích Lẽ Sống).
Đức Chúa Giê-su ban sự bình an cho các môn đệ, những người đang bị thử thách trong cơn bão tố. Các môn đệ đang bị mắc kẹt giữa biển vì những cơn gió ngược. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đến cùng họ, bước lên thuyền và dùng Lời Ngài an ủi họ. Những loại gió ngược hay bão tố nào đang ngăn trở trong đời sống của bạn? Đừng nản chí nhưng hãy hướng mắt về Chúa Giêsu, Đấng dẹp yên mọi sóng gió và nói rằng “Hãy yên tâm, Ta đây, đừng sợ!” Hãy can đảm lội ngược dòng hay sống đời ngược gió. Vì Chúa đang đi trên mặt biển và Ngài muốn chia sẻ thần quyền để chúng ta có thể lội ngược dòng và sống đời ngược gió.