Công nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia
Chị Lucia dos Santos – Vatican News
Hôm 22 tháng Sáu vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh cha Phanxicô, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia dos Santos, người lớn nhất trong số ba mục đồng đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, năm 1917.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Với sắc lệnh này, từ nay chị Lucia được gọi là “Đấng Đáng kính” và cần có một phép lạ được công nhận để có thể được phong chân phước.
Chị Lucia dos Santos sinh ngày 28 tháng Ba năm 1907, cùng với hai em họ Francesco và Giacinta Marto, đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ngày 13 tháng Năm năm 1917, tại Cova da Iria, Fatima, Bồ Đào Nha. Hai người em họ này qua đời vì dịch sốt Tây Ban Nha và được Đức Thánh cha Phanxicô tôn phong hiển thánh hồi năm 2017.
Chị Lucia là người duy nhất còn sống sót và cẩn giữ sứ điệp của Đức Mẹ. Do sự thúc đẩy của Đức cha José Alves Correia da Silvia, chị đã ghi lại trong bốn văn kiện, từ năm 1935 đến 1941. Một tài liệu khác, được viết ra năm 1944, có chứa đựng “bí mật thứ ba” và được gửi về Roma và được mở ra lần đầu tiên năm 1960, nhưng không được thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI công bố.
Thánh Gioan Phaolô II, người có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Fatima, đã công bố bí mật này hồi năm thánh 2000.
Chị Lucia về sau đã vào Dòng kín Cát Minh ở Coimbra và qua đời tại đây, ngày 13 tháng Hai năm 2005, thọ 98 tuổi. Ngày 13 tháng Năm năm 1967, chị đã đến Fatima để gặp Đức Giáo hoàng Phaolô VI, và cũng vậy, vào ngày 13 tháng Năm năm 1982 để gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi các ngài đến viếng thăm Fatima.
Sau khi chị Lucia qua đời, cả Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã đến Fatima năm 2010, và Đức Giáo hoàng Phanxicô đến đây năm 2017. Đức Thánh cha Phanxicô sẽ trở lại đây vào ngày 05 tháng Tám năm nay, trong dịp đến Bồ Đào Nha, nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa Bồ Đào Nha.
Cùng ngày 22 tháng Sáu vừa qua, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của 20 vị tôi tớ Chúa, bị sát hại tại thành Sevilla năm 1936, trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha. Trong số các vị, có cha Manuel González-Serna Rodríguez, sinh năm 1880 và làm cha sở tại làng Constantina gần đó, năm 1911. Cha bị dân quân cộng hòa bắt trong đêm 19 tháng Bảy năm 1936 và hành quyết tại nhà mặc áo của thánh đường, bốn ngày sau đó. Các vị còn lại gồm chín linh mục, và mười chủng sinh, giáo dân nam nữ, là những người bị dân quân cộng hòa bắt và sát hại vào khoảng đầu cuộc nội chiến.
Ngoài các sắc lệnh trên đây, có năm sắc lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của năm vị tôi tớ Chúa người Brazil, Ý, Cuba.
(Vatican News 22-6-2023)