Bài giảng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Lm Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI
Sách Xuất Hành 34.4-6.8-9;
Thư thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 13.11-13
và Phúc Âm Thánh Gioan 3,16-18
Diễn ý Phúc Âm
Nicôđêmô Biệt Phái,
Thành viên công nghị Do Thái lẫy lừng.
Đêm khuya gặp Chúa dè chừng,
Nghe Lời chân lý chưa từng tinh thông.
Rằng Thiên Chúa, Đấng Hoá Công,
Yêu người đến nỗi ban không con mình.
Để cho nhờ đó mà tin,
Không hư không mất! Phúc vinh ngàn đời.
Ngài là con Đức Chúa Trời,
Không đến luật phạt nhưng mời vô chung.
Gia đình có Chúa Cha chung,
Anh em huynh đệ đóng khung chữ tình.
Tin là sinh sống an bình,
Không tin tự chối phúc vinh vĩnh hằng.
Còn gì cao quí cho bằng:
Thiên Chúa cao cả! Con hằng tuyên xưng. Amen.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”. Đó là Lời Chúa.
I. Giáo lý Phúc Âm:
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người: Chúa Cha rất yêu Chúa Con và cũng rất yêu nhân loại. Chúa Cha ban chính Con mình là tình yêu. Bởi Tình yêu, con người được tạo thành. Bằng tình yêu, con người được cứu độ.
Chúa Con nhập thể sinh làm người và ở giữa nhân loại là một minh chứng về tình yêu và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta cũng là một luận phạt cho bất cứ ai chối từ tình yêu Thiên Chúa hay không tin Chúa.
II. Diễn giải Phúc Âm:
Tại sao gọi là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi?
Xin trưng dẫn mạc khải và giáo huấn về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm mạc khải hay mầu nhiệm đức tin là những chân lý do chính Chúa mạc khải nhưng “anh em không có sức chịu nỗi!” Vì vượt quá sự hiểu biết của con người. Vì là đối tượng của đức tin. Để chấp nhận được hay để tin những chân lý mạc khải cần được Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn và soi sáng.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin trong đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin (Directorium Catecheticum Generale – Hướng dẫn Giáo Lý tổng quát số 43).
Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi (Directorium Catecheticum Generale – Hướng dẫn Giáo Lý tổng quát số 47).
Mạc khải và giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi:
Tân Ước:
- Matthêô 28,19: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”
- Matthêô 25,31: “Khi Con Người đến trong vinh quang … để phán xét.” được hiểu là Ba Ngôi Thiên Chúa là thẩm phán xét xử nhân loại.
- Matthêô 21,33: Đức Kitô mô tả Ngài như người con trong gia đình có trách nhiệm quán xuyến công việc của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Matthêô 24,31: Ngài là Chúa của các thiên thần trên trời và truyền bảo họ thừa hành lệnh truyền của Thiên Chúa.
- Matthêô 16,16-17: Tuyên tín của Phêrô về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế được nhìn nhận là do sự soi dẫn của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Luca 22, 66-71: Trước thượng tế Caipha, Chúa Giêsu tự nhận mình là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Ngài bị qui tội phạm thượng vì dám nhận mình là Con Thiên Chúa.
- Gioan 20,31: Phúc Âm được viết để chứng minh về thiên tính nơi con người Giêsu.
- Gioan 14,7; Gioan 14,10; Gioan 16,15; Gioan 17,21… Đức Kitô bảo “Ai thấy Ta là thấy Cha; Ai tin Ta thì tin Đấng đã sai Ta…”
- Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 13,13: “Nguyện xin ân sủng của Đức Kitô và tình yêu của Thiên Chúa Cha và sự thông hiệp với Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”
- Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi Côrintô 12,4-11: “Nhiều ân sủng khác nhau, nhưng cùng một Thánh Thần. Nhiều nhiệm vụ, nhưng cùng một Chúa. Nhiều hoạt động nhưng cùng một Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong mọi người.”
- Tông Đồ Công Vụ: 13,2; 16,7; 5,3; 15,28
Cựu Ước:
- Sáng Thế Ký 16,7: 16,18; 21,17 31,11: Thiên Chúa tỏ mình ra qua công việc sáng tạo cũng như qua những sứ giả của Chúa.
- Isaia 7,14; Isaia 9,6: Tên Đấng Cứu Thế là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng toàn năng.
- Sách Giáo Sĩ 24 nói về sự khôn ngoan đến từ tập thể Thiên Chúa.
III. Thực hành Phúc Âm:
Không thấy Chúa. Không tin Chúa.
Năm 1961, phi hành gia của Nga tên Yuri Gagarin đã là người đầu tiên bay trên không gian, đường như ông bay đến gần 18 lần chung quanh trái đất. Mọi người hết sức ngưỡng mộ ông. Nhưng ông cũng đã làm nhiều người thất vọng khi tuyên bố: Không thấy Đức Chúa Trời đâu cả.
Thiên Chúa không phải là đối tượng của nhãn quan hay của tri thức, nhưng là của đức tin. Yuri không có đức tin thì làm sao thấy Chúa được? Có ai đó không thấy Chúa, không có nghĩa là không có Chúa. Nhưng phải hiểu là có Chúa nhưng người ta không tin có Chúa. Nên vô thần là kiêu ngạo và là một bất hạnh, vì chối bỏ Đấng sinh thành nên mình. Có người con nào được gọi là con ngoan hay người tốt khi chối bỏ cha mẹ sinh ra mình?
Điều kiện đầu tiên để có đức tin là khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của trí óc chúng ta. Có nhiều điều hiện hữu mà chúng ta không thấy. Thí dụ: Ai thấy tình yêu thế nào? Màu sắc hay nặng nhẹ ra sao? Không, chúng ta không thấy, nhưng ai cũng sống vì tình yêu và nhờ tình yêu. Chúng ta cũng không hiểu hết công dụng của những thành phần trong thân thể chúng ta thí dụ như ruột thừa, để làm gì? Rún ở giữa bụng chúng ta dành cho việc gì? Những côn trùng trong vũ trụ để làm gì? Chúng ta không hiểu tại sao những thứ trên hiện diện? Trí óc chúng ta thật giới hạn.Do đó, hãy bắt đầu một giờ phụng vụ hay đạo đức bằng kinh Tin, kinh Cậy và kinh Kính Mến để xin Chúa ban thêm những nhân đức đối thần nầy cho chúng ta.