Nói về Cha Trương Bửu Diệp – bài 4 / Lm Phêrô Trần Thế Tuyên.
Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, sống với đàn chiên và chết cho đàn chiên.
Bài số 1, 2 và 3 nói về Cha PX. Trương Bửu Diệp sống với đàn chiên đã được trao phó tức giáo dân Tắc Sậy và 8 họ đạo lẻ. Những bài viết kế tiếp nói về Cha PX. Trương Bửu Diệp ở lại và chết thay cho đàn chiên.
Căn cứ vào hồ sơ Chabalier «Những lá thư chung 1941 – 1947»
Ngày 12 tháng Ba [1946], cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân.
[…] Trong cuộc đi kinh lý vào tháng Tư [1946], ở mỗi chặng đường, tôi đều nghe thấy việc thảm sát một số người uy tín (quới chức) trong cộng đoàn tín hữu của chúng tôi. Từ đó, các vụ ám sát [trang 77] càng gia tăng; người ta sẽ không bao giờ có thể biết số nạn nhân. [trang 102] Từ Cà Mau đến Bạc Liêu, tất cả những nhiệm sở nhỏ của chúng tôi chỉ còn là đống đổ nát. [trang 103] Sóc Trăng… tất cả những cảnh tàn phá này là do phe Cao Đài gây ra, nhưng chính quyền tuyên bố bất lực không thể ngăn cản được những tội ác này.
[…] Nhất là tháng Tư 1946, các vụ ám sát bắt đầu; xác chết bị ném trôi sông. Liệu người ta có bao giờ đếm nổi số nạn nhân không? Đôi khi những vụ ám sát tàn ác vô phương tả. Chúng tôi phải thương tiếc cái chết của cha David*, đã nói ở trên; cái chết của một Cha An-nam, bị sát hại bởi một tên Nhật ly khai, vì Cha đã không muốn bỏ rơi đàn chiên của mình** [trang 108]; cái chết của hai Sơ người Pháp, bị thảm sát ở vùng Cà Mau…* Pierre-Marie David, linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, bị lính Nhật chận lại và bị bắn chết ngày 22 tháng Tám 1945 ở Kratié, Campuchia. ** Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (Xem hồ sơ «Các thư chung 1941-1947». Lý do gây ra cái chết là vì: Cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân » Ngày 12 tháng Ba [1946].
Tại sao ở lại với giáo dân mà bị sát hại ? Nói cách khác: Giáo dân Tắc Sậy ở lại Tắc Sậy vì có Cha Diệp. Thời đó, nếu chỗ nào có linh mục Công giáo, thì tương đối an toàn hơn vì có quân đội Pháp giữ gìn an ninh – Nên việc ở lại với giáo dân Tắc Sậy của Cha Diệp là một cản trở lớn cho việc kháng chiến chống Pháp. Họ đạo Tắc Sậy nằm gần như ở giữa Giồng Bốm (Bộ chỉ huy của quân đội Cao Đài do Cao Triều Phát lãnh đạo) và Giá Rai, một quận lị có đồn lính Pháp. Ông Ba Lập, đi lính Tây kể là hàng ngày quân lính Cao Đài mặc đồ trắng đi lùng tìm người Pháp để giết. Nếu gặp quân đội Pháp đông, họ đưa cờ trắng (cở đầu hàng) để người Pháp tha cho họ. Nhưng nếu chỉ có vài lính Pháp thì họ sẽ ra tay sát hại ngay.
Tại sao biết đó là lính Nhật và theo Cao Đài? Bà Trần thị Hường kể: Họ mặc toàn đồ trắng! Thật sự dân chúng bị lùa đi gần cả trăm người và nhốt vào hai lẫm lúa chứ không phải một. Bà Hường không bị nhốt chung với ông Trần Văn Năng là cha bà. Nên khi bà vừa khóc vừa chạy đi tìm cha mẹ bà… bị một anh lính kề dao vào cổ, bà té bẹp xuống đất… người lính Cao Đài nói cái gì đó mà bà nghe không hiểu – anh ta là người Nhật! – Người lính khác hỏi bà chạy đi đâu? Bà Hường trả lời: Đi tìm Cha tôi… và họ cho bà vô chỗ nhốt chung với ông bà Trần Văn Năng.
Những dẫn chứng trên đi đến xác quyết: Hai người lính Nhật đầu quân cho thủ lãnh Cao Triều Phát đã chém chết Cha Diệp ngày 12.3.1946. Nhưng bằng chứng nào cho thấy là 2 anh lính Nhật nầy giết Cha Diệp theo lệnh Cao Triều Phát? Chắc một điều là 2 anh lính Nhật đào tẩu nầy không có thù hằn gì với Cha Diệp. Cũng chắc một điều là 2 anh nầy đào tẩu trốn lại Việt Nam, chắc chắn không có thân nhân bà con xa gần nào cả. Hai anh nầy, dù có chết cũng không gây chút thương cảm nào cho người còn sống. Họ như cây đồng cỏ nội thôi. Vì thế họ được dùng. Xin nghe lời kể của ông Nguyễn Văn Đức: «Có một người lính Cao Đài tên là Mười Thính nói rằng: Khi nghe báo tin Cha Diệp đã chết thì Cao Triều Phát kêu trời… nhưng sau nầy, chính Cao Triều Phát cho người thanh toán cả Cao Triều Thắng và Cao Triều Ngươn là 2 anh lính Nhật để bịt đầu mối…»
Sau khi Cha Diệp bị sát hại, bà con tản cư… Và nhà thờ Tắc Sậy cũng như những nhà thờ và cơ quan hành chánh trong vùng bị Cao Đài đốt phá. Nhiều Quới chức (hội đồng giáo xứ) ở các họ đạo bị thủ tiêu thả trôi sông như hồ sơ Chabalier minh định.
Có những dẫn chứng về cái chết của Cha Diệp khác với điều tôi vừa nêu trên. Tuy nhiên, tôi vẫn tin vào hồ sơ hiếm và quí của Đức Cha Chabalier còn lưu lại trong văn khố của Hội Thừa Sai Balê ở Pháp mà tôi trích dẫn nhiều đoạn phía trên.
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên