Nam Úc: Thánh Lễ mừng Kim Khánh Linh mục Roland Jacques Dương Hữu Nhân OMI
Hình ảnh Thánh Lễ tạ ơn mừng Kim Khánh cha Dương Hữu Nhân OMI
LINH MỤC ROLAND JACQUES, LẬT LẠI TRANG SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO SAU 356 NĂM
Vận động thành công án tuyên Chân Phước Anrê Phú Yên.
Nói đến cha Dương Hữu Nhân thì phần lớn những người tín hữu công giáo VN đều biết đến Ngài. Đặc biệt qua 2 cuộc vận động thành công, án tuyên thánh cho thầy giảng Anrê Phú Yên vào năm 2000 và án tuyên thánh cho 17 chân phước tử đạo của giáo hội Công giáo nước Lào năm 2016.
Nhìn lại lịch sử của giáo hội Công giáo VN cách nay hơn 350 năm từ khi đạo công giáo được truyền bá trên quê hương VN. Ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua, một biến cố quan trọng ghi dấu cuộc tử đạo tiên khởi của Thầy giảng Anrê Phú Yên đã anh dũng chịu chết vì đức tin vào ngày 26 tháng 7 năm 1644 (thế kỷ thứ 17)
Theo tài liệu lịch sử của Giáo hội VN thì thầy giảng Anrê Phú Yên được ghi nhận là vị tử đạo đầu tiên, nhưng trong dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 117 vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam ngày 19/06/1988 tại Roma, thì không có tên Thầy giảng Anrê Phú Yên. Vì thế trong dịp này đã có nhiều thắc mắc về số mệnh Thầy Anrê Phú Yên, vị Tử Đạo đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Được hỏi về sự việc này thì linh mục Phaolô Molinari SJ, ngài là Tổng Cáo Thỉnh viên án Phong Thánh lúc bấy giờ đã cho biết : vụ án của Thầy đã hoàn tất, chỉ đợi thời gian để được tuyên phong, chính vì thế mà Thầy Anrê không có tên trong dịp phong thánh năm 1988.
Thầy Anrê Phú Yên, Sinh năm 1625 tại sở dinh Trấn Biên, nay thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc giáo phận Qui Nhơn, Việt Nam. Anrê là con út của một người góa phụ mộ đạo. Năm 1641 khi lên 15 tuổi, được linh mục Đắc Lộ Alexandre de Rhodes rửa tội cùng với 91 người khác trong đó có bà mẹ góa và các anh chị của ông và được đặt tên thánh là Anrê.
Ông đi theo linh mục Alexandre de Rhodes với vai trò là giáo lý viên (còn gọi là thầy giảng). Năm 1642, ông được linh mục Alexandre de Rhodes đưa ra Hội An (Đà Nẵng) để theo học trường các thầy giảng, trở thành học viên xuất sắc nhất mặc dù tuổi còn rất trẻ.
Ngày 31 tháng 7 năm 1643, cùng với một số bạn đồng lớp, ông phát lời nguyện tận hiến đi phục vụ Giáo hội suốt đời, tức là đi phụ giúp các linh mục truyền giáo và cổ vũ, nâng đỡ niềm tin cho ngưới giáo dân. Sau đó, ông cùng các bạn đi truyền giáo ở các tỉnh Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam.
Việc truyền đạo gặp rất nhiều khó khăn do quan niệm của triều đình và các quan lại ảnh hưởng Tam giáo và các sắc lệnh cấm đạo cho rằng, đạo Công giáo là bàng môn tả đạo cần phải bị diệt trừ. Ngày 25 tháng 7 năm 1644, trong khi truyền đạo ở Quảng Nam, ông bị quan binh sở tại bắt giữ và tống giam vào ngục. Khi bị xét xử trên công đường, quan viên nhiều lần khuyên ông bỏ đạo để bảo toàn tính mạng, tuy nhiên ông đã từ chối, cương quyết xưng mình là Kitô hữu, là thầy giảng, và sẵn sàng hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa Kitô.
Ngày 26 tháng 7 năm 1644, ông bị tuyên án tử hình, chém đầu thị chúng. Ngay chiều hôm đó, ông bị giải qua các phố xá, thôn làng dẫn đến cánh đồng là pháp trường ở Kẻ Chàm, Quảng Nam. Tương truyền, ông bị đâm nhiều nhát giáo xuyên cạnh sườn rồi sau cùng bị chém đầu, khi mới vừa tròn 19 tuổi. Máu của ông đã đổ ra trên mảnh đất Phước Kiều (thuộc Quảng Nam) hiện nay là Đền Thánh Anrê Phú Yên thuộc Giáo xứ Phước Kiều, Giáo phận Đà Nẵng.
Ngày 15 tháng 8 năm 1644, thi hài của Andrê Phú Yên được linh mục Alexandre de Rhodes mang đến Macao, và được an táng tại nhà thờ Thánh Phaolô ở đó. Riêng thủ cấp của ông thì được linh mục Alexandre de Rhodes mang theo bên mình cho đến khi được đem về cất giữ tại nhà bề trên Tổng quyền Dòng Tên ở Rôma.
Trải dài qua 356 năm, gương trung kiên của vị anh hùng tử đạo đã được các vị sử gia lật lại những trang sử cũ của dân tộc Việt để trưng dẫn những bằng chứng lịch sử mà hoàn tất việc tuyên thánh, vì đã qua bao thời kỳ bị đình trệ, dở dang …Trong số những người đóng góp vào công trình tuyên thánh Chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên, phải kể đến công lao của cha Phaolô Molinari dòng Tên, cáo thỉnh viên án phong Chân Phước Anrê và cha bề trên Cả Dòng Tên về tất cả những công lao của Dòng trong việc truyền giáo tại Việt Nam, đặc biệt trong việc bảo quản những chứng cớ, tài liệu …Chính yếu phải kể đến công lao của linh mục Roland Jacques Dương Hữu Nhân OMI (dòng hiến sĩ) một nhà nghiên cứu sử học đã dày công tìm kiếm sử liệu để trình bày chi tiết về cuộc đời Thầy Anrê. Cha đã vận dụng ngôn ngữ và những khả năng chuyên môn về văn chương, luật học, thần học và nhất là phương pháp và tinh thần khách quan của sử học để đọc lại một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam mà minh chứng cho cuộc tử đạo Thầy Anrê và sau cùng Giáo hội Việt Nam có được ngày vinh quang tuyên phong Chân Phước cho vị thánh tử đạo tiên khởi .
Ròng rã trong 4 năm (1994 đến 1998) Cha Roland đã rảo khắp nẻo đường Việt Nam và nhiều quốc gia Âu châu có liên hệ với Việt Nam, một mình cha, đã đến 37 cơ sở khác nhau tại nhiều nước, tìm tài liệu và tham khảo trong các: đại học, thư viện, cơ sở văn hóa và đã thu thập được 654 trang tài liệu vô cùng quý giá về Thầy Anrê Phú Yên. Đem về đệ trình lên Cha P. Molinari Sj, Cáo Thỉnh viên tuyên thánh cho Thày Anrê. Nhờ những tài liệu gía trị làm bằng chứng cùng với luận án (quen gọi là Positio) do cha Dương Hữu nhân nghiên cứu và soạn thảo để nộp lên Bộ Phong Thánh. Cuốn I gồm 263 trang, mô tả về đời sống đạo đức cá nhân, về cuộc tử nạn, các nhân chứng …Cuốn II có 654 trang, gồm các tài liệu lịch sử, đã thu thập trong 37 cơ sở nói trên, thành một bản tường trình tổng quát, làm bằng chứng vững vàng cho án tuyên thánh thầy Anrê Phú Yên.
Với những chứng tích và tài liệu đầy đủ và phong phú được bộ phong thánh đệ trình, thày giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong, tôn vinh là Chân Phước Tử đạo ngày 05-03-2000 tại Rôma .
Nhìn vào những thành qủa kể trên, thì Cha Roland Jacques được coi như vị ân nhân của giáo hội Công Giáo VN, vì Ngài đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian, tâm huyết, để nghiên cứu và dấn thân góp phần làm rạng rỡ cho những trang sử của Giáo Hội Mẹ VN.
Vào tháng 6/2022 vừa qua, Hội Ái Mộ Cha Diệp Nam Úc đã mời cha đến thăm Adelaide để chia sẻ với cộng đoàn tín hữu và những người Ái mộ cha Diệp những thông tin về tiến trình tuyên thánh cho Cha Trương Bửu Diệp với những thành qủa tốt đẹp và nhiều hy vọng, cũng nhờ sự đóng góp tích cực của cha Dương Hữu Nhân.
Được biết vào ngày 24/09/2022 là ngày kỷ niệm 50 năm linh mục của cha, người linh mục tận tuỵ và nhiệt thành trong công việc và cũng là một vị ân nhân của Giáo hội Công giáo VN.
Trong tâm tình tri ân và cảm tạ Thiên Chúa cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn cha Dương Hữu Nhân. Hội Ái mộ cha Diệp Nam Úc sẽ tổ chức một thánh lễ tạ ơn, nhân ngày kỷ niệm 50 năm HỒNG ÂN LINH MỤC của cha Dương Hữu Nhân sẽ được tổ chức:
Vào lúc 6. 30Pm Thứ Hai ngày 19/09/2022 tại Nhà thờ Ottoway/Nam Úc.
Kính mong quý vị đến tham dự thánh lễ, để hiệp lời cầu nguyện cho cha Nhân trong dịp Kim Khánh đặc biệt này. Xin Thiên Chúa ban dồi dào ơn Thánh Chúa và gìn giữ cha luôn được an lành, mạnh khỏe mà phục vụ tha nhân và Giáo hội.
ĐH – truyền thông cha Diệp Nam Úc