Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Chay, C | Lm. Peter Trần Thế Tuyên CHÚA NHẬT II MÙA CHAY Sách Sáng Thế Ký 15,5-12,17-28; Thư Thánh Phaolô gửi Philipphê 3,17-4,1 và Phúc Âm Luca 9. 28b-36
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Đó là Lời Chúa.
Diễn ý:
Thầy trò, núi cao, riêng biệt, Biến hình, vinh sáng, siêu việt, tuyệt vời. Thiên nhan sáng tựa mặt trời, Y phục như tuyết rạng ngời trắng trong.
Mô-sê tâm huyết một lòng, Bao năm khổ sở lòng vòng lang thang. Êlia đói khổ hoang mang, Bánh thiêng nuôi dưỡng lạc hoan phục hồi
Phêrô sướng quá “đây rồi!” Cắm dựng ba lều núi đồi sướng êm. Chúa bảo: xuống núi đi thêm! “Thánh giá” đau khổ, đặt “TÊN” CON NGƯỜI
Thấy Chúa nhục nhã chê cười, Hồi tưởng có lúc sáng ngời vinh quang. Tin rằng Chúa chết hiên ngang, Muôn người được sống được mang về Trời. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Cuộc đời Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, giống như cuộc đời các nhà lãnh đạo và các Tiên Tri trong Cựu Ước, có cả đau khổ và vinh quang.
Hôm nay, Chúa cho tông đồ thấy Chúa biến hình tức thấy Chúa lúc vinh quang.
Sau nầy, khi các ông chứng kiến Chúa chết nhục nhã trần truồng trên thánh giá tức lúc Chúa đau khổ. Hy vọng các ông vẫn giữ vững niềm tin vào Chúa.
Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, là người được tuyển chọn để cứu độ nhân loại qua đường thập giá. Chương trình cứu độ và Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian không là chuyện tùy hứng hay xốc nổi, nhưng đã “được tuyển chọn” và đã được định trước.
II. Diễn giải liên quan Phúc Âm:
Thời đó không có một phương tiện ghi nhận hình ảnh gì cả. Thêm vào đó, Phúc Âm Luca còn nói “Ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt!” Vậy thì làm sao Phêrô có thể nhận ra hai người đang đàm đạo với Chúa Giêsu là Môsê và Êlia?
Có người cắt nghĩa rằng: Từ thời nầy sang thời khác, người ta kể cho nhau nghe chuyện Môsê và Êlia. Phêrô nhận ra người xuất hiện đàm đạo với Chúa Giêsu ám hạp với lời kể đã từng nghe. Đồng thời nội dung cuộc đàm thoại giúp Ông nhận ra và xác định danh tánh các nhân vật.
Cách giải thích khác xem chừng hợp lý hơn. Thánh sử Luca là môn đệ của Phaolô. Cả thầy trò, đều không thuộc nhóm mười hai, tức không biết gì về chuyện biến hình. Phúc Âm Luca thành hình trễ sau hai Phúc Âm Matthêô và Matcô. Nên Luca có cơ hội để thu thập những tường thuật từ các Phúc Âm khác như Ông xác nhận “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra…” (Luca 1,1-4). Luca không cần chứng kiến cảnh Chúa biến hình và cũng không cần mô tả chính xác. Không thấy thì làm sao biết thế nào là chính xác. Ông chỉ cần viết lại theo những tường thuật của những người đi trước và đặt vào đó quan điểm thần học của mình. Nên danh tánh của những nhân vật trong biến cố biến hình đã có sẵn từ trước. Không ai đặt vấn đề: có thật là Môsê và Êlia không? Và cũng không ai thắc mắc làm sao Phêrô nhận ra hai bậc tiền bối sống trước Ông hơn một ngàn năm? Đó không là mấu chốt Giáo lý Phúc Âm dạy. Nhưng là vấn đề Đức Kitô, con Thiên Chúa, mang cả hai bản tính: Thiên Tính và nhân tính. Ngài đau khổ như con người chúng ta. Nhưng Ngài là Thiên Chúa đầy vinh quang sáng láng.
III. Thực hành Phúc Âm:
Cầu nguyện cho nhau – Let us pray for one another – Oremus pro invicem
Tôi thích nhất câu kết thúc nầy ở mỗi lá thư của Đức Cha Kiệt. Ngài chỉ viết ít dòng cần thiết và kết thúc “Chúng ta cầu nguyện cho nhau!”
Chúng ta cầu nguyện cho mình và cầu nguyện cho người khác. Chỉ có Chúa mới có khả năng hoán cải con người. Luôn vững tin rằng không việc gì mà Chúa không làm được. Khi xem Video “Le Saint Curé D’Ars” tôi thấy vừa khi đến giáo xứ là Cha Gioan Maria Vianney vào ngay trong nhà thờ cầu nguyện, rồi Ngài dọn dẹp bàn thờ, giật chuông và kêu gọi giáo dân đến dâng lễ cầu nguyện. Một bà cụ già đến, vài người đến xem coi chuyện gì xảy ra… nhưng rồi sau đó tất cả đã được hoán cải. Người ta được hoán cải vì lời cầu nguyện, vì đời sống cầu nguyện và vì con người cầu nguyện của Cha Gioan Maria Vianney.
Có một Cha vừa nhận giáo xứ thì làm việc ngày đêm, sửa đổi hết mọi chuyện có từ trước…Cha giảng dài hơn và nhiều hơn… Cha viết đầy những chỉ dạy khôn ngoan, những nguyên tắc mục vụ trong tờ thông tin….và cha quả quyết rằng: mọi người phải thay đổi tốt hơn vì ai mà không thấy việc Cha làm… ai mà không đọc điều Cha viết… ai mà không nghe Cha giảng dài….Nhưng sau sáu tháng, không có một ai được hoán cải mà còn có người chán bỏ đi lễ vì Cha giảng dài…. Sau giờ một thánh lễ Chúa Nhật, cha gạn hỏi một ông đứng tuổi và sẵn giọng hỏi: sao ông không lấy tờ tin tức về nhà đọc… nhiều điều hay trong đó… Ông kia né sang bên vừa đi vừa trả lời “có đọc sơ qua một lần… và sẽ không bao giờ đọc nữa…”
Cha vỡ lẽ: Chỉ có Chúa mới có sức hoán cải người khác… bài văn, bài nhạc, bài giảng… chỉ là phương tiện khiêm tốn trong chương trình hoán cải của Thiên Chúa… sau khi đã cầu nguyện. Tôi luôn ghi nhớ lời Đức Cha của tôi: “Giáo xứ nầy có trước khi cha đến và sẽ tồn tại sau khi Cha đi. Đừng cho mình là chủ, nhưng chỉ là công cụ. Thành bại là do Chúa.”