Cùng với Chúa Giêsu đi loan báo Tin Mừng | Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm C
truongbuudiepapt.net
vo ha
Hôm nay, Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên chu kỳ năm C.
Xin ôn lại chút bài cũ. Hai tuần trước ta theo Chúa đi bờ sông Giô-đan chịu phép rửa của Gioan Tiền Hô, rồi theo Chúa đi dự tiệc cưới Cana. Lần nầy, cùng đi với Chúa trở về Nagiarét, vào Nguyện Đường quê hương vào ngày lễ nghỉ tức thứ bảy hằng tuần, để “trình làng” cùng những môn đệ, với danh tiếng qua những phép lạ, lời rao giảng và việc làm từ các làng chung quanh.
Ta thêm tin rằng Thánh Thần phải linh hướng cách nào đó, để “người ta” từ trong bản văn Việt ngữ, thường là vị quản lý Hội Đường, trao cho Chúa Giêsu cuộn sách của Tiên Tri Isaia. Người mở sách ra, gặp đúng đoạn Tuyên Ngôn cho sứ mệnh cứu chuộc của Đấng Mêsiah Thiên Sai mà người được ủy thác. Danh từ thời đại bên Á Châu thì gọi mấy dòng nầy là bản Tuyên Ngôn hay Bản Cương Lĩnh hoặc Đề Cương ; còn Tây Phương thì gọi là Road Map – Lộ Đồ cho sứ mệnh tương lai.
Vậy ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới, cùng xin ơn thêm soi sáng.
BÀI ĐỌC I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10
“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.
Bài trích sách Nơ-khe-mi-a.
Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12: 12-30
“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác” có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?
PHÚC ÂM: Lc 1: 1-4; 4: 14-21
“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận. Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình
Trước hết, bài đọc 1 từ sách Nơ-khe-mi-a (Nehemiah) không rõ tác giả là ai. Thời gian viết vào khoảng năm 440-350 TCN, thời gian được tường thuật trong sách vào khoảng năm 445-425 TCN.
Dân Do thái Giuđa miền nam bị thua trận và bị lưu đày sang Babylon (586-538) Irắc bây giờ. Đế quốc nầy chiếm một vùng rộng lớn từ Assyria qua tới Ai Cập, trong đó có nước Ba Tư, Iran hiên nay.
Năm 538 TCN, tướng Kirô của Ba Tư thắng Babylon, lên làm vua thì Ông Nơhêmia phục vụ cho triều đình mới nầy, vì có công giúp Kirô kháng chiến, chiếm chính quyền. Bù lại, vua Kirô ký sắc lệnh cho dân Do Thái hồi hương, giúp xây lại đền thờ tôn vinh Giavê Thiên Chúa. Ông Nơkhênia được coi như tổng trấn hay thống đốc Giêrusalem, và ông như con thoi, đi tới lui Ba Tư và Thành đô Do Thái nhiều lần để đốc thúc việc tái định cư và xây Đền Thờ. Cùng đi với ông là tư tế kinh sư Ét-ra, lãnh đạo tinh thần cho đoàn dân hồi hương về Giêrusalem. Vị Giáo sĩ nầy giúp chấn chỉnh dân ô hợp sống cho đúng luật Chúa, cùng đi song song với công trình xây dựng tổng thể.
Chi tiết trong bài đọc 1, cho thấy uy quyền lãnh đạo tôn giáo là quan trọng hơn công việc chất. Cả hai ông đều đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, cầu tìm sự trợ giúp từ Chúa trong mọi hoàn cảnh của toàn thể con dân Chúa còn sót lại, trở về cố hương.
Cộng đoàn nầy sẽ nối tiếp hay kế thừa truyền thống cha ông trước kia để hoàn thành lời Chúa hứa với tổ Phụ Abraham qua lề luật Môsê. Nhưng trước tiên và quan trọng nhất, phải tinh luyện đời sống sao cho đẹp lòng Chúa, để tai họa không còn xảy ra nữa. Do đó, Étna được coi như Môsê mới khác trong giai đoạn cần thiết trên, cũng góp phần cho đạo Do Thái còn duy trì được tới ngày nay.
Qua bài Phúc Âm, sau khi được Thánh Thần đổ đầy quyền lực, Chúa Giêsu về quê hương “trình làng” tại Hội Đường Nadarét với mục tiêu tóm gọn 5 điểm đã được tiên tri Isaia loan báo từ 6 thế kỷ trước:
Loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Giải thoát cho kẻ bị giam cầm. Chữa cho người mù sáng mắt. Tự do cho kẻ bị áp bức. Khai mở một năm hồng ân.
Chúa Giêsu mới thực sự là Tin Mừng cho người nghèo đang trong tình trạng khốn khổ, thêm kẻ bị giam cầm, áp bức, mùa loà, cùng kẻ đói khát.
Nhưng Tin Mừng chỉ có giá trị – như người chịu nhận và uống thuốc bổ – khi biết mình nghèo, bị áp bức, mù lòa đói khát tổng quát, về cả thể lý hoặc tinh thần.
Một khi Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đi, rồi Chúa Giêsu cũng lại sai chúng con đi. Khi đã chịu chấp nhận cho Chúa sai, thì chúng con phải dốc toàn tâm toàn lực thực hiện và báo cáo, như người tôi tớ nhận nén bạc từ tay người chủ (Lc 19: 15-18).
Chúng con tin chắc rằng đi theo Chúa, như các đấng tiên tri xưa kia, Chúa sẽ trao cho quyền năng và ơn sủng để thi hành sứ vụ, vì Người giảng dạy như Đấng có đầy năng quyền. Ngày xưa Lời của người được thực hiện thế nào, thì hôm nay cũng còn ứng nghiệm như vậy, khi chúng con biết mở lòng ra và từng bước nhiều thực hiện trong đời sống.
Tới đây, để dẫn vào bài đọc 2, xin sơ lược truyện “Lục súc tranh Công” trong kho tàng văn chương Việt Nam, tác giả vô danh thời Lê Mạc Nguyễn Sơ (1428- 1570) vùng Nghệ Tĩnh trở vào. Tác phẩm văn thơ 570 câu, được dạy tại Trung Học Đệ Nhị Cấp phía Nam trước 1975. Lục súc là sáu con vật trong nhà tranh nhau kể công trạng.
Trâu kể công làm việc vất vả, để sinh ra ngũ cốc đậu, thóc, gạo, ngô, đỗ. Chó thì kể công coi nhà giữ trộm. Ngựa dành công đưa chủ gia đi lại & chiến chinh đông tây. Dê lại hiến thịt tế lễ. Gà thêm có công gáy sáng, báo giờ. Heo/Lợn dầy công cấp thịt trong việc quan, hôn, tang, tế. Sáu con vật tranh công mãi, gia chủ phải can thiệp, dàn xếp, giải hòa mới yên. Truyện Ngụ Ngôn trên muốn dạy rằng mỗi người lớn nhỏ có một chức vị phục vụ cho đời, và không được ganh tị lẫn nhau.
Hầu hết những nhà đạo đức Kitô Giáo ngày nay sau Công Đồng Vatican 2, đều nhìn nhận rằng ánh sáng của Thánh Thần hay Thánh Thần đã hiện diện trong các nền văn hóa qua những truyện dụ ngôn và lời hay ý đẹp giáo hóa thế nhân từ bao đời. Mục đích là dọn đường cũng như qui chiếu về Chúa Kitô sẽ đến.
Còn chính bài đọc II, Thánh Phaolô giảng dạy vể Mầu nhiệm Giáo Hội, khi viết cho giáo dân Côrintô vì có nhiều tranh chấp cao thấp đủ thứ và chia rẽ nhiều bề. Nên Người phải dùng thân thể Chúa Giê-su làm biểu tượng cho sự hợp nhất của thời đại mới, thời đại của tình thương và ân sủng, mà răn dạy tín hữu.
Qua đó, mỗi người thừa hưởng tình thương của Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su, được trở thành thành viên trong đại gia đình của Thiên Chúa, thành công dân trong vương quốc của Chúa. Nên không phân biệt sắc tộc, giai cấp. Tất cả đã được liên kết với và được tham dự vào sự sống thần linh trong nhiệm thể của Người.
Thánh Phaolô đã đưa ra thí dụ rất cụ thể. Xin thí dụ rộng ra một chút, như tay chân bị đặt ở vị trí thấp hơn, lại thường phải làm việc cực nhọc, thêm lắm lem bùn đất, lại ghen tị với mắt và tai nằm phần trên, còn được trang sức đắc giá. Nên tay chân buồn tình, lên cơn nổi loạn, không thèm làm việc nữa. Kết quả là toàn thân bất động. Sau đó tất cả đều chết.
Thánh Phaolô còn tinh tế hơn khi thấy những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn. Nói rõ ra là, thí dụ cơ quan bài tiết nằm phần dưới chót cơ thể, thêm bị coi là không sạch sẽ. Nhưng nếu cơ quan nầy không hoạt động chỉ vài giờ thôi, thì những cơ quan danh dự phía trên bị cấm vận ngay và toàn thân nửa sẽ lăn quay.
Nhân đây, xin ghi lại một mẫu gương đáng nêu cao và bắt chước. Đó là Đức Khâm Sứ Angelo Palmas (1914-2003) của Toà Thánh tại Việt Nam (1964-69) đã thấy ít nhất một vị trí thấp nhất trong xã hội, lại quan trọng nhất trong đời sống hằng ngày. Nên, mỗi khi đi tiếp ngoại đến bất cứ nơi nào mời ăn, khi xong bữa, Ngài đứng phắc dậy, một mình đi thẳng nhà bếp, ân cần bắt tay cám ơn mọi anh chị em nuôi. Còn con thì sao? Có làm được chút nào như vậy chưa?
Ở đâu có bá nhân thì bá tánh, dễ bất hoà chia rẽ vì miếng mồi danh lợi thú, dù ngay trong lúc thi hành những việc thánh thiện. Nhưng, nếu đã tin nhận và đi theo Chúa, ngoài con đường hẹp thập giá để vào vinh quang với Chúa, thì mỗi người, tuỳ theo ơn gọi mà đóng góp phần tốt nhất của mình, để cho gia đình Giáo Hội, qua họ đạo được mạnh mẽ và bền vững.
Lý thuyết thì rất dễ hiểu. Con biết quá đi rồi. Còn thực hành thì không mấy khi. Xin Chúa giúp con nghị lực để tự thắng chính mình mà can đảm.
Sau hết, HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI LUMEN GENTIUM Ánh Sáng Muôn Dân, ngày 21 tháng 11 năm 1964 CHƯƠNG IV GIÁO DÂN, phần lớn dựa trên ý chính thư Côrintô của Thánh Phaolô.
Xin Dâng Lời Cầu
Thánh Thần Chúa đã đến trên chúng con ngày chịu phép rửa tội, biến chúng con nên những tông đồ nhiệt thành cho nước Chúa.
- Xin Thánh Thần Chúa sửa chữa lại cõi lòng chúng con, để chúng con biết thật tình yêu thương, giúp đỡ những người khó nghèo, ốm đau, bệnh tật chung quanh. Xin cho chúng con mở rộng tầm mắt nhận thấy Chúa trong mọi người, để hoà hợp với những anh chị em khác niềm tin, cùng chung tay chống dịch bệnh, đói nghèo, bất công, áp bức.
- Xin cho mọi người trong họ đạo chúng con biết xây dựng hoà bình bằng lời nói việc làm với tình thương, xóa bỏ tranh chấp, chia rẽ, bất hoà.
- Xin giúp chúng con biết hiệp nhất và yêu thương nhau vì cùng là anh em trong gia đình nhân loại và cũng có cùng một Cha chung trên trời.
- Xin giúp chúng con trở nên sứ giả của tình thương, biết đem niền vui Tin Mừng nước Chúa đến với những người mà chúng con gặp được trong cuộc sống nầy. Amen.