Vinh phúc các thánh Tử Đạo Việt Nam – Chúa Nhật 33 Thường Niên
truongbuudiepapt.net
Tính đến hôm nay, Đạo Công Giáo vào Việt Nam được 488 năm, nếu tính từ khi thương nhân/giáo sĩ Inikhu ghé lại và đặt cây thánh giá trên núi tại Cửa Hàn, Hội An, Đà Nẵng năm 1533. Trong thời gian trên, đã có hơn 300 năm Đạo Chúa bị cấm cách và đã có rất nhiều, hàng trăm ngàn giáo hữu thà mất mạng hơn mất Chúa. Những vị nầy là những người bình thường, nhưng đã “ngộ” được Thiên Chúa Cao Cả, nên đã can đảm hy sinh mạng sống làm chứng cho đức tin Kitô giáo và được vinh phúc là Thánh Tử Đạo.
Mỗi năm vào giữa tháng 11, toàn thể tín hữu Công Giáo Việt Nam hân hoan cử hành trọng thể Lễ Các Thánh tử đạo tại VN một tuần trước lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc năm Phụng vụ. Các Thánh tử đạo nầy thuộc nhiều thế hệ trên hàng ông bà cha mẹ hiện nay, có gốc gác người Việt, thêm nhiều giáo sĩ nước ngoài đã đem đạo Chúa tới. Tất cả cùng hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin Kitô Giáo.
Đa số các Thánh Anh Hào trên đều vô danh, mới chỉ có 117 vị được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên dương lên bậc Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988, và Thầy Giảng Anrê Phú Yên cũng được tuyên phúc lên bậc Chân Phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.
Mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam năm nay, chúng con vui mừng và hãnh diện là con cháu các Ngài, đồng thời cũng xin Chúa giúp chúng con noi gương các Ngài, là dám làm chứng cho Chúa trong mọi môi trường sống thuận nghịch. Xin Chúa soi sáng và thêm nghị lực cho chúng con qua những dòng Lời Chúa bên dưới.
BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9
“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.
Bài trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25
“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.
PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22
“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
Bài đọc 1 được trích từ Sách khôn Ngoan. Vua Salomon sáng chói và đặc sắc về đức khôn ngoan, được coi là tác giả của Sách để tăng phần giá trị. Tác giả thật của Sách là một Hiền Nhân hay Kẻ Sĩ Israel, am tường lịch sử Do Thái và văn hóa Hy lạp, sống tại Alexandria, một thành phố sung túc trên bờ Địa Trung Hải từ năm 330 (TCN) nay thuộc Ai Cập. Tác giả dùng tiếng Hi Lạp – ngôn ngữ phổ biến rộng rãi thời đó như tiếng Anh hiện nay – để tổng hợp trong thời gian từ năm 50 (TCN) – năm 30, nhiều nguồn khôn ngoan đã có của Do Thái và của khắp vùng Trung Đông.
Điểm đặc biệt của Sách là nối kết và qui chiếu mọi khôn ngoan tốt lành về một cùng đích duy nhất là Thiên Chúa, cũng thêm để giữ vững niềm tin vào Ngài giữa một thế giới bị đầy dẫy tục hóa của Hi Lạp thời đó.
Nên cuộc đời nầy, có mục đích là để chuẩn bị đời sau cho cho linh hồn bất tử. Khi đó, người công chính được tưởng thưởng tỏ tường và kẻ ác xấu bị trừng phạt xứng đáng. Chính các Thánh Tử Đạo cũng đã nhận ra chân lý trên và đã đi đến cùng đích của con đường khó khăn mang lại vinh phúc nầy.
Qua bài đọc 2, có cùng đại ý với bài đọc 1 và Phúc âm mà ít khi gặp được. Theo cái nhìn của Thánh Phaolô về mặt tôn giáo hay tinh thần, chấp nhận điên dại nơi Thiên Chúa thì hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối trong Thiên Chúa thì cũng mạnh mẽ hơn của nhân loại.
Sự khôn ngoan được đề cập trên đây cùng với sức manh, chính là Thánh giá mà Chúa Giêsu dùng để cứu chuộc trần gian và tạo ra kho báu ơn phước tuôn chảy cho dân Chúa mọi thời đại từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.
Nói cách khác, thánh giá, ngày nay không chỉ để trang sức với người tin hoặc không tin, mà chính là biểu tượng tinh thần cho những ai tin cậy mến yêu tôn thờ Thiên Chúa. Thánh giá còn là tâm điểm rốt ráo của kho tàng thánh kinh, thánh truyền cũng như những sinh hoạt phụng vụ trong Hội Thánh Chúa. Mỗi khi nhìn thấy hay tự làm dấu thánh giá, tín hữu cùng chúc tụng và tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vậy.
Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã tiên báo vì danh Thầy, chúng con sẽ bị ghét bỏ, bị giết chết nữa; trong gia đình có khi cũng hại nhau. Tại sao? – Có nhiều lý do phức tạp trong lịch sử, nhưng lý do chính là vì:
Trên thực tế nhiều thời đã qua trước kia và riêng thời nầy, nhiều người đưa ra và còn lập lại lý thuyết nhân loại thế giới đại đồng rất ư kiêu sa, nhưng nói mà không làm hay nói một đàng làm một nẻo, chỉ vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm bằng con đường tắt.
Còn những ai tin cậy mến Chúa hết lòng thì lại sống và hành động theo lời Chúa dạy: sự thật giải thoát anh em (Ga 8: 31-42) cùng sống trong ánh sáng và hành động theo chân lý lẽ phải (Ga, thư 2 và 3). Chính cách sống hay cố gắng sống lương thiện, làm cho kẻ ác xấu bực bội và tiêu diệt họ cho khỏi làm cảm đường ác xấu của họ. Nhưng Chúa sẽ bảo vệ người công chính trên đời nầy khi cần, và đón nhận họ vào cuộc sống muôn đời nếu phải chấp nhận hi sinh.
Đối với các Thánh tử đạo, từ chối Chúa hay bỏ Chúa để thêm chút lợi lộc và vài chục năm sống, cũng không là gì so với phần thưởng muôn đời mà Chúa dành cho “những ai bền đỗ đến cùng” ( Mt 10:22; 2 Mcb 6: 12-31; 7: 1- 42).
Tóm lại: xin cùng đọc chậm rãi, suy tư và hướng lòng lên Chúa theo Thánh Inhaxiô (Loyola):
Mạng người công chính ở trong tay Chúa
Không khổ hình nào làm nản họ đâu
Trước mắt thế gian họ như đã chết
Nhưng họ vẫn sống trong cảnh thanh nhàn
“Tôi như hột lúa của Đức Chúa Trời
Bị bầy ác thú nghiền nát xé tan
Để nên tấm bánh trong trắng tinh tuyền
Hầu làm của lễ dâng Đức Kitô”
Từ ngữ “bầy ác thú” được hiểu là mọi chướng ngại nghịch cảnh, nhờ đó mà con dân Chúa nhận ra được thị kiến cải dữ về lành, không có ý khinh dễ những kẻ đã làm khốn mình.
Xin dâng lời cầu
Tổ tiên dân Việt chúng con đã tin nhận Chúa là đường, là sự thật, là sự sống. Trong những giai đoạn khó khăn của đức tin, các Ngài đã can đảm hy sinh mạng sống đễ chọn Chúa là cứu cánh của cuộc đời.
- Xin giúp mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh, làm chứng cho Chúa trong mọi môi trường sống, bằng cách đóng góp lao động tâm trí thể và tuân giữ luật pháp địa phương, đồng thời cũng yêu Chúa hết lòng trong việc thi hành giới luật của Chúa.
- Xin cho những ai mất đức tin vào Chúa, nhất là giới trẻ ngày nay, tìm lại được lẽ sống cho đời mình, bằng cách siêng năng tới những buổi học hỏi Thánh Yếu Giáo Lý và chia sẻ Lời vàng ngọc chân thật của Chúa.
- Xin giúp chúng con cố gắng noi gương các thánh tử đạo bước đi trên lối mòn chật hẹp thập giá, chính là nẻo thần vững vàng mà Chúa đã đi qua, để cùng vào vinh quang với Chúa.
- Xin cho mọi thành viên trong Họ Đạo chúng con biết noi theo tấm gương của các Thánh tiền nhân, là vững lòng tin yêu Chúa, dù muôn vàn giông tố thách đố chông gai trên cõi đời nầy.
- Xin giúp chúng con noi gương các Thánh tử đạo cha ông, can đảm sống đức tin qua ơn gọi riêng của mình giữa thế giới đầy cỏ dại của thời đại, trong niềm vọng vững chắc vào cuộc muôn đời. Amen.