Bài Giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên, B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXXII Thường Niên – B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XXXII QUANH NĂM
Sách Các Vua quyển I. 17.10-16;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 9.24-28
và Phúc Âm Thánh Matcô 12.38-44
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.} Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Coi chừng kinh sư luật sĩ,
Dáng vẻ đạo mạo liêm sỉ chỉnh tề.
Kỳ thực là những trò hề,
Tài sản bà goá thu về túi riêng.
Chúa để ý, thấy nể kiêng,
Bà goá nghèo khổ lạc quyên hai đồng.
Chúa phán: Tiền ít lắm công,
Tiền nhiều bố thì cũng không bằng bà.
Nghèo khổ chơn chất thật thà,
Bao nhiêu để sống, làm quà Trời cao.
Tình Chúa quảng đại lớn lao,
Rồi đây sẽ trả gấp bao trăm lần.
Dâng cúng là chuyện rất cần,
Tin rằng của cải có phần để cho.
Đừng nên tom góp bo bo,
Nhớ phân phát cái Chúa cho mọi người. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Trước mắt người đời, những kinh sư mô phạm xem chừng hào hiệp và rộng lượng với việc chung, nhưng kỳ thực, họ là những người ích kỷ, tìm kiếm danh lợi cho bản thân, nhiều khi ti tiện đến độ biển lận cả những tài sản của các bà góa.
Goá phụ, người đàn bà goá chồng, cô đơn, nhưng có lòng đạo đức và quảng đại, biết hy sinh cả những điều cần thiết và trở nên những phụ nữ gương mẫu.
Hai mẫu người đối nghịch nhau trong lối sống: Những kinh sư, có gia đình, có tiếng, có tiền thì lại ích kỷ và biển lận. Những người “đứt gánh giữa đường” như các bà goá, sống cô đơn, âm thầm thì lại quảng đại và sống qui hướng về việc thi công bố đức cho phần thưởng đời sau.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Câu chuyện tiên tri Êlia và bà goá Sarépta:
Elia sống dưới thời vua Ahab, Ahaziah và Giêhôram, tức tiền bán thế kỷ 9 trước Công Nguyên. Elia có nghĩa “Yahvê là Chúa” Tên gọi nầy nhằm diễn tả sứ mệnh của Elia: Bênh vực Thiên Chúa, chống lại thần Baal. Ông chủ trương độc thần: Yahvê là Chúa duy nhất của Israel. Ông chống lại nền phượng tự ngoại nhập, đa thần đang bành trướng thời bấy giờ do các hoàng hậu ngoại giáo, cụ thể là hoàng hậu I-de-ven của vua Ahab. Elia thi tài và chiến thắng 400 tư tế của Hoàng hậu I-de-ven. Dân chúng nổi dậy, giết hết tư tế ngoại giáo. Hoàng hậu I-de-ven ra lệnh lùng bắt Elia. Ông trốn chạy lên núi thánh Chúa là Horeb mất 40 ngày (Sách các vua quyển I, chương 18 và 19).
Sách các vua chương 17 tường thuật việc tiên tri Elia sang Sidon vùng Phênicia, miền dân ngoại để tránh nạn đói đang hoành hành ở Isarel. Ông gặp một bà góa nơi cổng thành Sarépta và yêu cầu được trọ ở nhà bà, được bà dọn ăn ngon. Bà góa đã thoả đáp những yêu cầu quá đáng của Elia. Để đáp trả, Elia đã làm cho nhà bà không bao giờ cạn lương thực và còn cho con trai bà chết được sống lại.
Êlia, tiên tri của Chúa, người của Chúa lại được hưởng nhờ lòng quảng đại của bà goá Sarépta người ngoại giáo. Tiên tri Êlia, người của Thiên chúa, vì trung thành với sứ mạng tiên tri, nhưng bị lùng bắt bởi một bà hoàng hậu, bà I-de-ven, gốc dân ngọai, nhưng được quyền thế nhờ hoàng gia Do Thái.
Hai người đàn bà, đều là dân ngoại, nhưng thật khác nhau: Một đàng giàu có, quyền hành và có ác tâm tiêu diệt người của Thiên Chúa. Một đàng nghèo khổ, cô đơn nhưng thành tâm giúp người của Thiên Chúa. Bà goá thành Sarépta được chúc phúc, dầu ăn trong hũ không bao giờ cạn. Ơn phúc Chúa bao phủ đời bà. Còn I-de-ven, ĐỨC CHÚA cũng tuyên án phạt I-de-ven rằng: “Chó sẽ ăn thịt I-de-ven trong cánh đồng Gít-rơ-en. Kẻ nào thuộc về A-kháp mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.” Thật, không hề có ai như vua A-kháp, đã liều lĩnh làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, vì bị hoàng hậu I-de-ven xúi giục. Vua sẽ làm chuyện rất ghê tởm là đi theo các tượng thần, như dân E-mô-ri, những kẻ ĐỨC CHÚA đã đuổi khuất mắt con cái Ít-ra-en (Sách Các Vua quyển I chương 21.23-26).
Kinh sư và luật sĩ trong tiếng Việt hay “Rabbi” và “Scribes” trong tiếng Anh là một chăng?
Kinh sư là những học giả và trí thức trong đạo Do Thái, được nhận tước hiệu rabbi hoặc người chỉ đạo như Gamaliel là Thầy dạy của Thánh Phaolô sống khoảng năm 30 trước Chúa Giáng Sinh. Họ không thuộc phe đảng nào. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều kinh sư thuộc phái Pharisêu nên họ cũng có thái độ kiêu căng, cho rằng mình thông suốt luật lệ và cầm quyền phân xử trong dân.
“Rabbi” có nghĩa là “thưa Thầy!” Các tông đồ đôi khi xưng Chúa là Rabbi như trong Phúc Âm Gioan 6.68. Bà Maria Magdalene khi nhận ra Chúa sống lại, thưa với Chúa bằng tiếng Do Thái là Rabbi, nghĩa là thưa Thầy như trong Phúc Âm Gioan 20.16. Muốn thành Kinh Sư trong Do Thái Giáo, người đàn ông trí thức nầy phải được tôn phong qua nghi thức đặt tay của hội đồng công nghị Do Thái trong đền thờ. Nghi thức tôn phong như thế nầy: Người đàn ông được gọi là kinh sư nầy được đặt trên một ghế cao, nâng lên giữa công nghị và được trao một chìa khóa và cuộn Kinh Thánh. Chìa khóa tượng trưng cho quyền giáo huấn và cuộn Kinh Thánh nói lên khoa học mà vị Kinh Sư quán triệt. Vị Kinh Sư phải mang chìa khóa quyền giáo huấn nầy cho đến chết. Kinh sư có quyền đào tạo môn sinh. Nếu những môn sinh nầy có đủ điều kiện trí thức và phẩm hạnh cũng sẽ được nâng lên hàng “rabbi”.
Như vậy thì từ Scribes trong bản tiếng Anh thường được hiểu là luật sĩ hay những thầy thông luật mà chưa được gọi là Rabbi, là kinh sư hay “Thưa Thầy!” Nên Kinh Sư phải lớn hơn và có thể giá hơn luật sĩ hay Scribes. Chúa Giêsu được gọi là Rabbi, là Kinh Sư chứ không là luật sĩ hay Thầy thông luật.
Bản tiếng Việt trong Phúc Âm Chúa Nhật 32 quanh năm hôm nay nói “Anh em phải coi chừng những ông Kinh Sư ưa dạo quanh xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng….” cho tôi một đánh giá thấp danh xưng rabbi hay nói khác đi “kinh sư” ở đây chỉ là những luật sĩ bình thường, hay những biệt phái giả hình, đang tập làm rabbi chăng? Nên có lẽ “luật sĩ” hay “thầy thông luật” xem chừng ám hạp với hạng người giả hình “họ ưa chiếm chỗ danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc…” Vì nếu kỳ thực họ là Rabbi, là kinh sư thì không cần “ưa chiếm ghế danh dự trong hội trường hay chỗ nhất trong đám tiệc…” Vì Rabbi được dành chỗ danh dự. (Viết theo www.bible-history.com)
Tại sao Chúa biết là người khác bỏ vào đó tiền dư bạc thừa còn bà goá thì bỏ vào đó tất cả những gì bà có?
Rất dễ trả lời: Vì Chúa là Thiên chúa thì Chúa biết tất cả mọi sự, biết ai giàu nghèo, biết ai bỏ tiền dư bạc thừa hay bà goá nghèo chỉ bỏ hai đồng tiền kẽm nhưng là bỏ hết tất cả những gì bà có.
Tuy nhiên, ngoài lý giải: Chúa là Thiên Chúa, Chúa biết tất cả, còn có một cắt nghĩa khác. Phúc Âm Matcô thành hình khoảng 40 năm hay 50 năm sau khi Chúa sống lại và lên trời. Matcô lại không trong nhóm 12 tông đồ Chúa, nên ông chỉ viết lại những biến cố xảy ra trong đời Chúa theo ký ức của người khác. Người khác đây là Phêrô. Nhưng lúc Phúc Âm Matcô thành hình thì Phêrô cũng đã chết (Phêrô tử đạo năm 64) Điều đáng chú ý là câu chuyện bà goá dâng cúng nầy chỉ được Matcô tường thuật ở chương 12.41-44 và trong Luca 21.1-4 . Cả Matcô và Luca đều không là tông đồ, không trong nhóm 12 và không chứng kiến cảnh người ta dâng cúng tiến vào đền thờ lúc đó. Vậy thì chuyện Chúa thấy người ta bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng và Chúa cho rằng: Người giàu chỉ bỏ tiền dư bạc thừa, còn bà goá nghèo bỏ hai đồng kẽm, bà bỏ nhiều nhất vì bà dâng cúng tất cả những gì bà có. Đó là quan điểm thần học của Thánh Matcô về điều răn quan trọng nhất là “Nghe đây hỡi Israel, người phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” như chúng ta đã nghe trong Chúa Nhật vừa qua. Dâng cúng hết tài sản là dâng cúng nhiều nhất, là yêu Chúa nhất, vì cho Chúa hết lòng… hết tất cả những gì mình có!
III. Thực hành Phúc Âm:
Ly nước đầy
Hiện nay có 33 thánh Tiến sĩ Hội Thánh, trong số này có 3 thánh nữ là Thánh nữ Catarina thành Siena, Têrêsa d’Avila, và Têrêsa Hài Đồng Giêsu được tôn phong ngày 19-10-1997. Trong các thánh nữ tiến sĩ nầy, tôi chuộng nhất là thánh Têrêsa d’Avila vì bà an ủi tôi nhiều qua một một so sánh dễ hiểu về cái ly nhỏ và cái ly cối to. Thánh nữ cho rằng khi sinh ra đời Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khả năng khác nhau. Có người có nhiều tài năng được so sánh như cái lý cối. Tuy nhiên cũng có những người khả năng thật hạn chế về mọi mặt, chỉ nhỏ chừng bằng chiếc ly nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng không là chiếc ly nhỏ hay cái ly cối to, nhưng là chuyện đong đầy nước, tức làm hết khả năng mình có. Nhớ dụ ngôn Ông chủ đi xa trao tài sản cho đầy tớ. Người nầy ông giao năm nén bạc, người kia hai nén, người khác một nén. Khi hồi hương, ông gọi đầy tớ tính sổ. Ông khen người nhận năm nén, làm lời được năm nén khác, người nhận hai nén, làm lời được hai nén. Ông không cần người nhận hai nén làm lời năm nén, chỉ cần xử dụng hết khả năng mình có.
Bà goá nghèo trong Phúc Âm hôm nay đã dâng cúng nhiều nhất. Không nhiều vì số lượng, nhưng nhiều lòng quảng đại và tình yêu với Thiên Chúa. Tôi được kêu gọi để đong đầy ly nước hay cái ly cối khả năng đời tôi. Đầy là nhiều. Đầy là hết tình, hết sức với nhiệm vụ đảm tránh. Chỉ có vậy!
Dâng hiến nhiều nhất
Chuyện kể về Cha Maximilian Kolbe: Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.
Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.
Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng. “Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”
Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.
“Mày là ai?”
“Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.
Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.
Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày áp lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14 tháng 8 năm 1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như những tù nhân khác.
Ngày nay, nếu ai có đến thăm trai tập trung Auschwitz, thì sẽ thấy trong hầm tử thần, khu vực số 18, nơi Cha Maximilian Kolbe và những bạn tử tù bị giam giữ luôn có cây nến Phục Sinh thắp sáng. Nến Phục Sinh dấu chỉ sự sống lại. Nhưng nến Phục Sinh cũng khẳng định rằng: Chỉ có phục sinh từ cõi chết. Cha Maximilian Kolbe đã dâng cúng nhiều nhất: Dâng toàn mạng sống mình cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Cha Maximilian Kolbe, như bà goá nghèo, đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có là mạng sống mình.