Bài Giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên, B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXXI Thường Niên – B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM
Sách Đệ Nhị Luật 6.2-6;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 7.23-28
và Phúc Âm Thánh Matcô 12.28b-34
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Giới răn trọng nhất chính là,
Yêu Chúa hết sức hết cả trí tâm.
Yêu người, không phải tà dâm,
Nhưng yêu như chính yêu thân xác mình.
Thiên Chúa độc nhất tài tình,
Sáng tạo hoàn vũ sinh linh con người.
Chúng ta sinh bởi Chúa Trời,
Nên phải yêu Chúa nhất đời chúng ta.
Người khác là người như ta,
Do Thiên Chúa tạo, một Cha trên trời.
Lễ vật Thiên Chúa nhậm lời,
Yêu người yêu Chúa tuyệt vời giới răn.
Yêu Chúa có Chúa nơi thân,
Yêu người hạnh phúc tràn lan cõi trần.
Yêu mang trời đất lại gần,
Yêu là Tên Chúa, là phần thiết thân.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Không có điều răn nào khác lớn hơn điều răn mến Chúa và yêu người.
Mến Chúa là điều răn đứng hàng đầu, có nghĩa là Chúa quan trọng nhất, Chúa phải đứng hàng đầu trong cuộc sống con người. Con người phải sống và chết cho Chúa.
Yêu người là điều răn thứ hai. Thứ hai không có nghĩa là thứ yếu nhưng chỉ nói lên thứ bậc: Chúa trước, con người tiếp sau. Mến Chúa và yêu người quan trọng như nhau.
Yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Chúa như Cha Mẹ, chỉ vui nhận những của lễ do lòng hiếu thảo của con cái đến từ tình yêu thương huynh đệ lẫn nhau. Nếu con người sống bất hoà hay thù nghịch với nhau thì lễ toàn thiêu hay hy tế chả có giá trị gì với vị Cha chung là Thiên Chúa.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Khi ấy có một trong các kinh sư hỏi: “Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều nào đứng hàng đầu?”
Đạo Do Thái tuân giữ 10 điều răn Chúa truyền rất nghiêm túc. Vì quá vị luật mà qua các thế hệ, người Do Thái chú giải thêm và đặt thêm có đến 613 luật lệ khác. Số 613 luật lệ đầy rắc rối nầy chia thành: 248 luật khuyên và 365 luật cấm.
Ví quá nhiều lề luật, nên người ta không còn biết luật nào chính và luật nào phụ, luật nào trọng và luật nào khinh. Cả các kinh sư là thầy dạy luật mà còn lẫn lộn huống chi dân chúng. Thật ra luật mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực thì đã có trong sách Đệ Nhị Luật 6.4-5. Còn thương người thì đã có trong Lêvi 19.18.
Cái mới mẻ của Tân Ước là xếp ngang hàng hai luật mến Chúa và yêu người và coi như “chẳng còn điều răn nào khác lớn hơn các điều đó”. Cái nổi bật của Tân Ước là “điều răn mến Chúa và yêu người không là việc tùy ý chọn lựa, nhưng là điều kiện để được cứu rỗi vì không yêu người thì có nghĩa là không thờ Chúa hay không yêu người thì của lễ toàn thiêu hay hy lễ chả có giá trị gì. Và ví mến Chúa và yêu người thì giữ trọn luật Chúa và “không còn xa nước Thiên Chúa”.
Tại sao Chúa phải đơn giản hoá luật lệ và nâng luật yêu người lên ngang hàng với luật thờ phượng Chúa? Đơn giản hoá luật có nghĩa là làm giảm vai trò giải thích luật của luật sĩ. Luật sĩ Do Thái đã tự nâng mình lên vai trò thẩm phán, vai trò làm thầy dạy muôn dân. Khi họ đồng ý, có nghĩa là đúng và có nghĩa là Chúa đồng ý. Nhưng kỳ thực họ chỉ bám vào luật mà sống và bày ra nhiều thứ luật, chồng chất nhiều gánh nặng trên người khác mà không bao giờ “để ngón tay vô lay thử”, người làm mà không bao giờ giữ. Nên Chúa đã mắng luật sĩ là bọn giả hình.
Đơn giản hóa luật giúp cho người ta giữ luật chu đáo hơn. Luật lệ được đặt ra để giúp con người sống đúng vai trò làm con Chúa và là anh em của nhau. Nên luật được đặt ra vì con người, chứ không phải con người sinh ra để giữ luật hay càng giữ luật chu đáo thì tự động được lên thiên đàng. Từ đó chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu chữa người bị quỉ ám trong ngày lễ nghỉ. Ngày lễ nghỉ không cho phép làm việc là để con người có giờ mà thờ phượng Chúa và làm việc bác ái. Người bị quỉ ám, tức quỉ thống trị mà lại không được chữa lành để giữ luật Chúa thì thật là phi lý. Chữa lành người bệnh là tôn vinh quyền năng Thiên Chúa, là giải phóng con người. Chữa lành bệnh là chu toàn hai giới luật mến Chúa yêu người.
“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” nghĩa là thế nào?
Nghĩa là độc thần: Chỉ có một Chúa và không có thần nào khác “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta…” (Đnl 5:6-7) Nghĩa là độc tôn: Tôn thờ Thiên Chúa, tức suy tôn Ngài là Chúa duy nhất và thờ lạy chỉ mình Ngài mà thôi. Nghĩa là độc quyền: Đấng Sáng Tạo độc nhất – Đấng điều hành vũ trụ vạn vật tài tình – Đấng cứu độ sinh linh và Đấng thưởng phạt công minh. Thiên Chúa độc quyền được tôn thờ.
Có những tội nghịch với điều răn thứ nhất như:
Đa thần, đa tôn: Nhiều người có quan niệm dễ dãi theo chủ trương ba phải: Thần nào cũng được, miễn “độ” mình là được rồi! Đạo nào cũng tốt, “đạo nào mà chả dạy làm lành lánh dữ!” Nhà thờ nào cũng được, vì “Chúa ở khắp mọi nơi, khấn nhậm lòng thành của mình, chứ quan trọng gì chuyện nhà thờ hay linh mục hoặc mục sư!” Cầu siêu, bói toán là tội nghịch điều răn Thứ Nhất. Cầu siêu bói toán là thiếu niềm tin nơi tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cầu siêu bói toán là tìm lối thoát cuộc đời bằng một hình thức mê tín, tin tưởng mê muội. Xin liệt kê một ít tội nghịch với điều răn Thứ Nhất:
Tội bội giáo (Apostasy)
Người bội giáo là người chối bỏ hoàn toàn đức tin Kitô giáo. Đây không chỉ là chuyện đơn giản như không đi nhà thờ, nhưng là chuyện chối bỏ đức tin bằng cách gia nhập những giáo phái nghịch với Kitô giáo hay duy trì lối sống vô thần.
Theo định nghĩa nầy thì những ai đã rửa tội công giáo mà sang gia nhập chứng nhân Giêhôva hay bỏ đạo gia nhập đảng cộng sản vô thần là bội giáo.
Tội lạc giáo (Heresy)
Những ai sau khi đã rửa tội công giáo hay gia nhập đạo mà từ chối hay nghi ngờ những tín điều Chúa dạy và hội thánh truyền, dù đã được giải thích hay thuyết phục nhưng vẫn cố chấp không tin thì mang tội lạc giáo, tức lạc đạo. Thí dụ như lạc giáo Ariô do linh mục Ariô đề xuất năm 318 chủ trương Chúa Giêsu không có thiên tính. Nếu Chúa Giêsu có thiên tính thì không thể có đau khổ và chết chóc được. Những giáo phái Tin Lành cũng được xếp vào lạc giáo hay lạc đạo, vì không tin những tín điều như Đức Mẹ đồng trinh hay vấn đề công chính hóa bởi đức tin mà thôi. Tin Lành cũng sai lạc về những học thuyết bí tích, như không tin nhiều Bí tích như bí tích giải tội, bí tích truyền chức thánh và cả bí tích Thánh Thể.
Tội ly giáo (Schism)
Không là vấn đề đức tin, nhưng là vấn đề bất đồng quan điểm về tín lý, thần học và về quyền bính trong Giáo Hội đưa đến bất hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội Công Giáo. Thí dụ năm 1054 xảy ra ly giáo và tách biệt giữa Chính Thống Đông Phương và Công Giáo La Mã. Trong thời đại mới sau công đồng Vatican II, Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre đã ngang nhiên tấn phong 4 Giám Mục ngày 30.6.1988 mà không có lệnh của Tòa Thánh. Giám Mục chủ phong, Giám Mục phụ phong và 4 Tân Giám Mục đều bị vạ tuyệt thông theo qui định của Giáo Luật điều 1382.
Giáo Luật Công Giáo cũng có những hình phạt dành cho những ai lỗi phạm điều răn thứ nhất trong những trường hợp sau:
Ðiều 1366: Cha mẹ, hay những người thế quyền, cho con cái chịu rửa tội hay được giáo dục trong một tôn giáo không công giáo, phải bị phạt vạ hay hình phạt tương xứng khác.
Ðiều 1367: Ai ném bỏ bánh thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Ngoài ra, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng hình phạt khác, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ.
Ðiều 1368: Nếu ai đã phạm tội thề gian khi quyết hay hứa điều gì trước giáo quyền, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.
Ðiều 1369: Ai, trong buổi trình diễn công cộng, hay trong buổi đại hội, hay trong bài viết phổ biến cho công chúng, hay dùng phương tiện truyền thông xã hội khác mà nói lộng ngôn phạm thượng, hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc nguyền rủa hay khích động lòng thù ghét hay khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội, phải bị phạt hình phạt xứng đáng.
III. Thực hành Phúc Âm:
Thánh giá biểu tượng trọn vẹn giới luật mến Chúa và yêu người.
Thánh giá có hai chiều: Chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc hướng về Thiên Chúa. Chiều ngang hướng về anh em đồng loại.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa chết treo trên Thánh Giá. Thánh Giá thành lễ tế hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. Thánh giá thành hy lễ mang ơn cứu độ cho nhân trần.
Thánh giá biểu tượng của tình yêu thương tột cùng: Không ai yêu người khác cho bằng kẻ dám chết cho người mình yêu. Thánh giá, bài học yêu thương: Yêu Chúa và yêu người.
Thánh giá có sức mạnh chinh phục tuyệt đối. Không ai ghét người thương mình và hy sinh cho mình. Có thể người ta từ chối giá trị của Thánh Giá ngoài môi miệng, nhưng trong lòng đầy ngưỡng mộ và tri ơn.
Thánh giá, phương cách cứu chuộc tuyệt hảo nhất. Thánh giá giương cao làm con người hướng thượng, ngước nhìn trời cao như Chúa nói: Khi ta bị treo lên, Ta kéo mọi người lên …lên đến Trời, lên đến Thiên Chúa.
Thánh giá âm thầm nhưng lan rộng khắp nơi. Vì Thánh Giá là tình yêu. Con người được sinh ra vì tình yêu. Con người sống nhờ tình yêu và con người được cứu độ bằng tình yêu hy sinh của Thánh giá.
Có khi người ta chối Chúa trong quan niệm nghĩ tưởng Chúa như một thần linh xa xôi. Nhưng không ai chối bỏ tình yêu. Chúa là tình yêu. Nên cách nào đó, con người cần Chúa, cần tình yêu. Con người mang Chúa đến cho người khác qua tình yêu thương trao ban cho nhau.
Chúa Giêsu tài tình: Biến họa thành phúc.
Thánh giá, một nhục hình gây đau khổ khủng khiếp và đáng sợ. Chúa Giêsu đã biến nhục hình thánh giá thành dấu cứu độ: Tin Chúa hy sinh chịu chết trên cây thánh giá thỉ được ơn cứu độ. Có người nói: Nếu người ta cho bạn trái chanh chua… Cố gắng tìm chút ít đường làm thành ly nước chanh ngọt mát. Mùa hè rồi máy cắt cỏ lớn, loại máy ngồi lái, của nhà xứ hư. Tôi phải dùng máy cắt cỏ nhỏ, loại phải đi bộ đẩy từ phía sau… Với máy lớn chỉ mất 2 giờ là cắt xong cỏ chung quanh khu vực nhà thờ. Với máy cắt cỏ nhỏ phải mất 6 giờ đồng hồ và phải đi bộ. Nhưng tôi tận dụng máy cắt cỏ nhỏ nầy để đi bộ tập thể dục. Rất hữu ích! Nó không thể so sánh với việc Chúa biến nhục hình thánh giá thành ơn cứu chuộc… nhưng tôi bằng lòng với cách thức biến họa thành phúc nầy, dùng việc thiếu tiện nghi để tạo sức khoẻ bản thân. Nhiều việc tương tự, nho nhỏ, nhưng mô phỏng theo kiểu thánh giá! Rất hữu ích.