Chúa Giêsu chữa lành cho người mù | Chúa Nhật 30 Thường Niên – B
truongbuudiepapt.net
Con người có 5 giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi và tay chân, thêm ý nữa. Khi tất cả hoạt động đều hòa thì gọi là lục căn bình thường. Còn chẳng may một cơ quan hay nhiều hơn, bị ngoài vòng trật tự, thì thân tâm bị trở ngại ít hoặc nhiều, đưa tới tàn tật.
Từ xa xưa, một trong những thương tật thể xác nghiêm trọng là mất thị giác, bệnh mù loà hay khiếm thị, đã có.
Trong bài Phúc Âm theo thánh Marcô hôm nay, anh Bartimê là người mù, may mắn gặp được Chúa Giêsu và Người đã chữa cho mắt anh được sáng nhờ lòng tin của anh. Ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng.
BÀI ĐỌC I: Gr 31, 7-9
“Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt”.
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel”. Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây. Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.
BÀI ĐỌC II: Dt 5, 1-6
“Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê“.
Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron. Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.
PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
Bài đọc I được trích từ sách của Tiên Tri Giêrêmia (650-570) TCN. Ông sống trong thời kỳ dân Do Thái miền Nam bị lưu đày sang Babylon năm 586 TCN và cũng qua một số nơi khác nữa. Dưới lăng kính tôn giáo, dân Israel được sánh ví như người vợ bất tín thờ tà thần, như đứa con nổi loạn chống lại cha mẹ, nên bị bị lưu đày. Vị Tiên Tri lại được sai đi theo dân và đã chết bên Ai Cập, vì lúc đó Đế Quốc Babylon thống trị một vùng rộng lớn từ Assyria qua tới Ai Cập.
Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc dân mà hứa sẽ cho một ngày về. Người sẽ tụ họp dân từ bờ cõi trái đất, gồm luôn dân lưu đày từ thời Assyria bắt đi năm 721 TCN. Tất cả được gom lại. Những kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con là những người phải ở một chỗ vì tự mình không có sức vượt qua đường xa vạn dặm, nhưng với quyền năng của Thiên Chúa, những trở ngại trên không đáng kể.
Thêm nữa, Thiên Chúa như người cha dẫn dắt đàn con, cũng không quên nhấn mạnh khi đề cập tới trưởng tử Ephraim. Ông nầy là con ông Giuse Tể Tướng thời nạn đói, nên gia đình Giacóp sang Ai Cập. Ephraim là cháu nội, được ông nội Tổ Phụ Giacóp nhìn nhận như một chi tộc, cũng vừa là đại diện cho dân Israel trong bản văn.
Chúa lại đưa tất cả trên đường thẳng bằng phẳng về quê nhà, có thêm suối nước, như hình ảnh người mục tử tốt lành đưa dẫn đàn chiên trong Phúc âm của Thánh Ga 10: 11-18 và Thánh Vịnh 22. Hình ảnh trên đây về việc Thiên Chúa quan tâm tới con dân của Người trong sách Giêrêmia thời Cựu Ước, đưa dẫn tới phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người mù trong bài Phúc Âm của Thánh Marcô thời Tân Ước bên dưới.
Qua những dòng Sách Thánh được chọn lựa cho những tuần cuối năm Phụng vụ, dẫn đưa dân Chúa theo Người từ miền Bắc xuống miền Nam, rồi từ Giêricô lên Giêrusalem. Trên đường Chúa đi, thì Bartimê, một người mù ăn xin bên lề đường nghe có Ông Giêsu Nadarét đến gần, Người mà anh tin tưởng, nên anh la lớn: “Ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”.
“Con vua Đavít” là danh hiệu của Đấng Messia (Vị Cứu Tinh) trong dân gian mà Chúa Giêsu cấm ma quỉ, người được phép lạ và cả các tông đồ xưng hô trước kia. Nhưng ở đây người mù gọi Người bằng danh hiệu ấy, thì được chấp nhận (vì thời giờ của Người sắp hoàn mãn).
Thấy lòng tin của người mù đã đủ, Chúa Giêsu truyền cho anh đến, hỏi anh muốn gì. Anh xin được thấy và Người đã chữa lành cho anh. Sau đó, khi đã được sáng mắt, anh đi theo Người.
Với chỉ sáu câu Phúc Âm ngắn gọn trên, nhiều nhà chú giải Thánh Kinh xưa nay, cũng đã giúp dân Chúa suy đoán mà thêm sáng mắt linh hồn của mình.
Trước hết người mù đã nghe biết danh tiếng của Chúa Giêsu trong dân gian. Rồi anh ái mộ Người. Ái Mộ là “mến chuộng, nghĩ nhớ, cầu tìm khắp nơi, vời tới” (Đào Duy Anh,Từ Điển Hán Việt). Chúa biết lòng tin của anh, nên đi qua lối gần nơi anh ngồi ăn xin. Chúa Giêsu mở đường chấp nhận anh trước. Đây là cơ hội ngàn năm có một của anh, nên anh hết lòng tuyên xưng niềm tin công khai “Con Vua Davit” và xin ơn chữa lành.
Riêng việc người mù đã liệng áo choàng lại, là thái độ dứt khoát từ bỏ quá khứ mù loà thể lý, ăn xin vật chất và cả tội lỗi tinh thần nữa, để đứng dậy đến cùng Chúa Giêsu. Khi sáng mắt thể xác, thì mắt tâm hồn cũng mở rộng, anh thật tri kiến Chúa Giêsu là Đấng Messia (Cứu Thế không thuộc về thế gian nầy) nên đi theo Chúa mà không do dự. Cũng không màng danh lợi thú trần thế, thí dụ bên hữu bên tả như hai môn đệ con ông Giêbêđê (Mt. 20: 20-23). Mà anh theo Thầy lên Giêrusalem trong giai đoạn cuối cùng nầy, là cùng chấp nhận đi vào gian nguy với Thầy.
Tới đây là vài suy tư của riêng con. Mỗi người được Chúa tạo dựng, thương mến và quan phòng một cuộc sống ích lợi cho riêng chính mình và cũng cho tha nhân nữa. Con không bị mù lòa thể lý, nhưng con có thấy đường hướng mà Chúa dành riêng cho con không? Con có nghi ngờ lòng yêu thương, trung tín và lời hứa của Chúa khi gặp khổ nạn, như dân Do Thái xưa bên Babylon không? Con có mau mắn chạy đến với Chúa, xin mở mắt tâm hồn mỗi khi nghi ngờ Chúa không? Rồi khi đã tri kiến Chúa thật, con có mau mắn đi theo Chúa bằng cách sống thật ơn gọi riêng của mình hay là còn ngập ngừng ái ngại thập giá khác nữa?
Trở lại bài đọc 2, theo đoạn Thư gởi Do Thái, Chúa Giêsu được sanh ra từ Chúa Cha. Phải hiểu Cha “sanh” Con không theo lối phàm tục, mà theo cung cách của Thần Thánh. Người cũng được Cha nâng lên hàng Thượng Tế để tự dâng chính mình làm của lễ đền tội thế nhân.
Sau đó Thiên Chúa đã chọn một số người phàm trong hàng con cái loài người, nối nghiệp chức vụ tư tế nầy, để tiếp tục dâng lên lễ tế và hi lễ đền tội. Thật ra, các tư tế gốc con cháu Evà chỉ khai thác “hạt nhân nguyên tử” cứu độ mà Chúa Giêsu đã lập ra và đưa về với hiện tại, hầu sinh ích lợi cho con dân Chúa khắp nơi mọi thời.
Vì chưng là gốc con người, mọi Tư Tế sau Chúa Giêsu, đều bị thiếu sót và yếu đuối tứ bề vây phủ, nên phải dâng lễ đền tội cho chính mình cùng với người. Do đó mà mỗi giây phút trong đời, mọi thành phần dân Chúa cùng hiệp thông dâng lên Chúa phần lễ tế do lao công vật chất và tinh thần của chính mình, kể cả yếu đuối tội lỗi, để cùng cầu nguyện, cảm thông và nâng đỡ nhau trong Chúa Giêsu Kitô vậy.
Xin dâng lời cầu.
Chúa Giêsu là ánh sáng Chúa Cha. Người đã đến trần gian u tối để cho chúng con được sáng.
- Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh phản chiếu ít nhiều ánh vinh quang của Chúa cho những người thất vọng, chán nản hay cố tình không nhìn thấy Chúa trong cuộc đời
- Xin cho những nhà cầm quyền trên thế gian biết dùng công quỹ lo cho người khiếm thị ăn ở mặc và những nâng đỡ tinh thần cho đúng nhân phẩm mỗi người.
- Xin cho những người khiếm thị phần xác và phần tinh thần có cơ hội gặp gỡ và nhìn nhận Đức Kitô. Ngài có thể chữa lành và giúp những người nầy tìm được ý nghĩa của cuộc sống.
- Xin cho mọi tín hữu trong họ đạo chúng con hiểu rằng mù lòa phần hồn còn nguy hại hơn phần xác. Xin cũng giữ gìn chúng con khỏi sa vào những tai họa nầy.
- Xin soi sáng cho chúng con, để nhận ra ý nghĩa thâm sâu mầu nhiệm của ý Chúa, dù đang lúc ở trong thung lũng mù mờ u tối. Amen.