Thánh Lễ Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm B
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXV Thường Niên – B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XXV QUANH NĂM
Sách Khôn Ngoan 2.12.17-20;
Thư Thánh Giacôbê Tồng Đồ 3.16-4.3
và Phúc Âm Thánh Marcô 9.30-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Dọc đàng tranh chấp thứ ngôi,
Xem ai làm lớn bầy tôi phục tùng.
Làm lớn trở nên rốt cùng,
Giống như đấy tớ phục tùng chủ ông.
Em bé đứng giữa các ông,
Dạy rằng: Đón tiếp kẻ trông cậy mình.
Người nhỏ kêu cứu thình lình,
Kẻ lớn tiếp đón quên mình xả thân.
Con Người là Chúa quyền năng,
Bị nộp bị giết đem thân cứu đời.
Hy sinh ý nghĩa cao vời,
Cho đi tưởng mất cứu đời lầm than.
Đi tìm Thiên Chúa vinh quang,
Nơi người nhỏ bé lầm than cơ hàn.
Bất công khắp chốn lan tràn,
Rao truyền Thiên Chúa cao sang xuống hèn. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Người công chính là người trung thành với Thiên Chúa nhưng luôn bị gài bẫy và bị ám hại. Chúa Giêsu là người công chính, tức người “sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người… và sau 3 ngày, Người sẽ sống lại”.
Muốn theo làm môn đệ Chúa tức phải chấp nhận bị ám hại, bị giết chết… để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, để xứng danh là người công chính.
Môn đệ Chúa phải theo gương làm người công chính của Chúa Giêsu: Phải trở nên nhỏ bé sẵn sàng hy sinh phục vụ người khác chứ không phải cầu danh, hám lợi hay tranh giành địa vị.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Nhưng các Ông không hiểu lời đó: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau 3 ngày Người sẽ sống lại” Các môn đệ Chúa không hiểu lời tiên báo về Đấng Cứu Thế. Vì Đấng Cứu Thế trong tâm trí và trong sự hiểu biết của họ là Đấng đến để đánh đuổi ngoại bang La Mã, tái lập một Do Thái phồn vinh. Đấng Cứu Thế sẽ lên làm vua thống trị mọi dân tộc và ai theo Đấng Cứu Thế như các ông đang theo thì có ngày sẽ làm lớn được hưởng vinh quang phú quí trong nước của vị vua nầy.
Nên chúng ta không lạ gì, một đàng Phêrô vừa tuyên xưng Chúa Giêsu “Thầy là Đấng Kitô” thì đàng khác vừa nghe Chúa tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” thì Phêrô “liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”. Các ông không hiểu vì không thể muờng tượng về một Đấng Cứu Thế mà lại bị đau khổ hay bị giết chết nhục nhã. Nói nôm na: Các ông hoàn toàn không cùng “tần số” với Chúa Giêsu. Nói theo tiếng bình dân mình là “Ông nói gà bà nói vịt”.
Và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Chắc chắn các ông còn nhớ lời Chúa quở mắng Phêrô không lâu trước đó “Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” Nên có thể nói là các ông sợ không dám hỏi lại, vì như đã nói là những gì Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế hoàn toàn ra ngoài ước đoán và hiểu biết của các ông. Nếu có đặt câu hỏi thì cũng nằm trong tư tưởng của loài người và đi ngược với Thiên Chúa. Nên đừng hỏi thì hay hơn.
Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.
Giáo huấn Phúc Âm hoàn toàn đối nghịch với đời thường.
Đời thường: Đứng đầu là kết quả của một quá trình đấu tranh và giành giựt để được người khác hầu hạ, cung phụng mình.
Phúc Âm: Đứng đầu là đứng hàng đầu trong hy sinh và phục vụ người khác. Đúng như Chúa nói: Con Người đến không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cho người khác.
Tại sao Chúa phải đảo lộn quan niệm đứng đầu trong Phúc Âm với đời thường nầy?
Đứng đầu mà hy sinh phục vụ và dám chết cho người khác thì không mấy ai bon chen hay giành giựt chém giết nhau để trở nên lãnh tụ hay làm người đứng đầu. Nên muốn trở thành người đứng đầu theo tiêu chuẩn Phúc Âm sẽ là một đấu tranh với bản thân mình hơn là với người khác.
Đứng đầu theo Phúc Âm mới thực sự là đứng đầu, tức người đứng hàng đầu trong việc nêu gương hy sinh phục vụ cho người khác. Đứng đầu theo Phúc Âm thành một lãnh tụ đáng mọi người và muôn đời ngưỡng mộ.
Mẹ Têrêsa, Đấng sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái, đã trở nên người nghèo trong các người nghèo nhất, đã là người đứng đầu gương mẫu trong nghĩa Phúc Âm. Muôn người ngưỡng mộ Mẹ và tôn sùng Mẹ gấp nhiều lần so với những nhà lãnh đạo chính trị khác.
Nếu như thế, tại sao trong Giáo Hội vẫn còn duy trì những bậc lãnh đạo như Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, linh mục hay Bề Trên lớn nhỏ ở các dòng tu?
Giáo Hội là một tổ chức trần thế.
Không một tổ chức nào có thể loại bỏ lãnh đạo hay người đứng đầu. Không lãnh đạo, có nghĩa là vô tổ chức và xáo trộn.
Tuy nhiên, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội luôn sống tinh thần Servus Servorum, đầy tớ của các đầy tớ. Nói như thế, chúng ta cũng không thể chối bỏ thực tại trần thế của Giáo Hội. Người ta vẫn thấy còn rất nhiều những vị lãnh đạo trong Giáo Hội đang chờ được phục vụ hay đòi hỏi người khác phục vụ.
III. Thực hành Phúc Âm:
Khéo nói hay nói khéo:
Sau phiên họp với Hội Đồng Mục Vụ, ai cũng khen Cha xứ “khéo thật!” Số là như thế nầy: Cha xứ khôn khéo cho Hội Đồng Mục Vụ tí quyền để gọi là hoạch định chương trình Hội Chợ gây quỹ mùa hè. Quí ông quí bà, các ban ngành đoàn thể thầm ngưỡng mộ tinh thần dân chủ, tôn trọng quyền hạn lớn lao của Hội Đồng Mục Vụ đến độ cho họ tự do hoạch định phương án Hội Chợ gây quỹ.
Sau một tuần hội họp đôi lần, HĐMV đi đến quyết định chung và thông qua Cha xứ. Cha xứ im lặng lắng nghe, gật gù tán thành nhiều chuyện và khen là quí ông thật có đầu óc tổ chức. Sau cùng, trước khi biểu quyết dứt điểm tán thành, thì Cha xứ có ý kiến nói: Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án của quí HĐMV. Tôi phải cám ơn Chúa vì chúng ta có nhiều tài năng, nhiều sang kiến xây dựng giáo xứ. TÔI CHỈ XIN GÓP Ý MỘT CHÚT NHƯ THẾ NẦY… Cha xứ bắt đầu thay đổi MỘT CHÚT kéo dài gần một tiếng đồng hồ… và sau cùng quí HĐMV đầy trí tuệ nầy khám phá ra là: Cha thay đổi TOÀN BỘ theo ý Cha chứ không phải một chút.
Nhưng sau cùng ai cũng phải chấp nhận SỰ THAY ĐỔI MỘT CHÚT CỦA CHA vì Cha luôn nói rằng: Ý KIẾN NẦY HAY LẮM, CHỈ THÊM MỘT CHÚT NẦY THÔI … Điều nầy thường được người Bắc gọi là KHÉO NÓI hay NÓI KHÉO. Các vị nầy rất thành công và được tiếng là KHÉO là KHÔN.
Đối với tôi, đây không là khôn theo nghĩa khôn ngoan của Kinh Thánh mà là mánh khoé hay mị dân. Tôi chấp nhận bị chê cười là kém KHÔN KHÉO hay không KHÉO NÓI và lãnh chịu nhiều hậu quả không tốt cho mình. Tuy nhiên, tôi không KHÔN KHÉO theo kiểu kém ngay thật nầy được.
Trong các cộng đoàn Công giáo Việt Nam, không thiếu người thích danh. Nên có những linh mục KHÔN KHÉO hay KHÉO NÓI đã nói như thế nầy:
- “Tôi làm được gì là nhờ chị nầy!”
- “Kính chào Ông Bà cựu Chánh trương!”
- “Không nghe tiếng con hát, Cha không dâng lễ sốt sắng chút nào!”
Người có học và hiểu biết thường thích khuyến khích hơn là lời mánh khoé, khách sáo hay bịp bợm mà chúng ta quen gọi KHÉO NÓI. Không nói thật mà nói cho vừa lòng người thích danh. Thẳng thắn là nói xạo.