Thánh Lễ Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm B
Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật VI Thường Niên, năm B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT VI QUANH NĂM
Sách Lêvi 13.1-2.44-46;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 10.31-11.1
và Phúc Âm Thánh Marcô 1.40-45
Tin Mừng chúa Giêsu theo Thánh Mátcô
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người. Đó là Lời Chúa!
Diễn ý:
Có người phung hủi nài van:
Nếu như Ngài muốn xin ban sạch lành.
Lòng thương ngoảnh mặt sao đành,
Giơ tay chạm đến mạnh lành sạch trơn.
Kín miệng, trình diện, được ơn,
Dâng lễ xá tội đền ơn biển Trời.
Mừng quá quên mất giữ lời,
Cao rao danh thánh rạng ngời khắp nơi.
Thế là Chúa chẳng nghỉ ngơi,
Bệnh nhân khắp chốn “đánh hơi!” kéo về.
Niềm vui náo nức tràn trề,
Thiên Chúa cứu độ đang kề chúng ta.
Mát-cô có ý viết ra:
Giê-su là Chúa bôn ba khắp miền.
Đúng như Kinh Sấm lời truyền:
Chữa bệnh, trừ quỉ, khắp miền Giu-đa…
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Chúa Giêsu là Đấng cứu thế giàu lòng thương xót, Chúa “giơ tay đụng vào anh cùi và bảo: Tôi muốn anh sạch đi!” Chúa dùng quyền năng Thiên Chúa, Chúa dùng chính thân thể thánh thiện và thanh sạch của mình để làm cho những thân thể dơ bẩn do bệnh cùi, hay do tội lỗi được lành sạch.
Cứu chữa về mặt thể lý có nghĩa là mang bệnh nhân phong cùi, người từng bị khai trừ khỏi cộng đoàn trở lại với những sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt xã hội trong cộng đoàn. Cứu chữa về mặt tinh thần có nghĩa là hoán cải người tội lỗi, người tự khai trừ mình khỏi cộng đoàn dân Chúa vì người tội lỗi quay trở về với tương quan Cha con với Chúa và tương quan anh em với người khác.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Người bị phong cùi thời Cựu Ước
Đối với người Do Thái và luật Cựu Ước, người mắc bệnh phong cùi được coi như người tội lỗi, bị Thiên Chúa và xã hội chúc dữ. Họ không xứng đáng vào hội đường tôn thờ Chúa cũng như sinh hoạt chung với người khác. Họ phải giấu mình trong rừng sâu, xa tránh xã hội loài người. Người bị phong cùi đi tới đâu cũng phải la lên “Dơ bẩn! Dơ bẩn!” để mọi người xa tránh. Nếu ai chạm phải họ, người đó phải tắm rửa, thanh tẩy. Nếu vì lý do gì đó, họ được may mắn khỏi bệnh phong cùi. Họ phải đi trình diện với Thầy tư tế và phải được tư tế xác nhận là hết bệnh. Lúc đó họ mới được quay về sinh sống với gia đình và bà con chung quanh.
Thầy tư tế là người chứng nhận người nầy hết cùi, tức hết tội và được xứng đáng tôn thờ Chúa và chung sống với anh chị em chung quanh. Nên phong cùi không chỉ là sự do bẩn thân xác mà là tội bên trong nặng và nhiều đến nỗi bị Chúa phạt cho cùi, cho thành dơ bẩn bên ngoài. Trong Sách Biên Niên Sử quyển II chương 26.19-21 kể chuyện vua Osias phạm thượng xúc phạm đến Chúa và bị phạt bị phong cùi và tự mình phải rời khỏi cung điện và xa tránh mọi người.
Trong nghĩa tội lỗi, dơ bẩn và bị ruồng bỏ nầy, tiên tri Isaia nhìn thấy Chúa Giêsu mang thân phận của một người phong cùi, bị Thiên Chúa trừng phạt và đày đọa. Bệnh phong cùi là hình bóng của tội lỗi và xa rời Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã đến mang thân phận con người tội lỗi để gánh lấy tội trần gian như được diễn tả thật sống động trong Sách Isaia chương 53:3-11 mang tựa đề là Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.
Ý nghĩa siêu nhiên trong việc chữa lành người phong cùi.
Chúa chạm vào người phong cùi dơ bẩn và muốn anh ta lành sạch. Chúa có khả năng cứu chữa. Chính Con người Chúa là bí tích tha tội. Hãy đến với Chúa. Hãy để Chúa chạm vào chúng ta. Hãy đến lãnh nhận bí tích giải tội để giao hòa với Chúa và người khác. Nên Giáo Hội không chấp nhận việc xưng tội qua điện thoại hay qua một hình thức gián tiếp nào. Nhưng phải đến và để Chúa chạm vào và nói: Ta muốn con được tha tội.
Khi phạm tội chúng ta làm mình ra dơ bẩn như người bị phong cùi. Vì tội là nghe theo ma quỉ. Ma quỉ là tà thần, là ác xấu và chỉ làm hại con người. Nên khi theo ma quỉ là chúng ta tự khai trừ mình khỏi hội thánh, tức hội của những người thánh, hội của những người con cái Chúa. Do đó, bí tích giải tội làm cho chúng ta lành sạch, tức làm cho chúng ta quay về nhà Chúa và sống tình nghĩa với anh chị em mình.
III. Thực hành Phúc Âm:
Khuynh hướng than khổ:
Người Việt Nam vượt biên tỵ nạn thường hay kể lể những khó khăn khổ sở của mình lúc mới đặt chân đến định cư ở nước tự do: Mỹ, Canada, Úc, Đức… “Khổ lắm Cha ơi! Tiếng tăm không biết! như câm như điếc; không người quen biết; không biết đường biết xá… Khổ ơi là khổ! Có lúc muốn quay về Việt Nam sống cho khỏe thân… Nhưng rồi mọi khó khăn lúc đầu cũng dần dà qua đi… bây giờ thì có đầy đủ mọi thứ còn hơn người bản xứ… và nói thật là chỉ về Việt Nam chơi chứ sống thì thôi xin bye bye forever…”
THAN KHỔ! Một lối thoát cuộc đời. Nhưng xin đừng nghĩ rằng chỉ có mình mình khổ. Không đâu! Khổ gắn liền với cuộc đời của mỗi người chúng ta như hình với bóng. Tôi nói “mỗi người chúng ta” tức khổ không miễn trừ ai cả. Đi tu cũng có cái khổ của đời tu, đó là chưa nói đến những dòng khổ tu như Châu Sơn hay Phước Sơn. Lập gia đình lấy vợ lấy chồng có con cái… cũng có cái khổ của đời sống hôn nhân… Có người chọn đời sống độc thân: Không đi tu và cũng không lấy vợ lấy chồng… cho khỏe thân. Nhưng biết bao nhiêu người độc thân đang khổ và muốn lấy vợ lấy chồng… nhưng trễ rồi.
Người nghe chúng ta than khổ cũng đang khổ lắm! Nên tôi có đề nghị như Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ trong lễ Phục Sinh 2017: Đời là bể khổ và khổ không tránh ai cả. Chúa Giêsu đau khổ cùng cực đến toát mồ hôi máu… nhưng Chúa gánh chịu không hỏi Chúa Cha: TẠI SAO CON, THƯA CHA! Không bao giờ có giải đáp cho những đau khổ ở trần gian.
Xin hãy nhận chịu và tránh tuyệt đối gây khổ cho người khác qua những lới nói hay việc làm thiếu bác ái. Gây khổ cho người khác là tội. Đó là một tâm hồn dơ bẩn vì bệnh ích kỷ và ác tâm.