CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM B
Sách Ngôn Sứ Isaia 42.1- 4.6-7; Sách Tông Đồ Công vụ 10.34-38
và Phúc Âm Thánh Matcô 1.7-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matcô
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Gio-an rao giảng khắp vùng,
Rằng Đấng Cứu Thế vô cùng cao sang.
Sau tôi, không phải hàng ngang,
Thân tôi hèn mọn, lớn gan cởi giày!
Tôi chỉ dùng nước tỏ bày,
Lòng thành sám hối những ngày bất trung.
Còn Ngài, rất mực bao dung,
Thánh Thần thanh tẩy tận cùng tội nhơ.
Giêsu chịu phép rửa tỉnh bơ,
Vừa lên khỏi nước ngẩn ngơ mọi người.
Thánh Thần, tiếng phán từ trời,
Đây là Cứu Chúa trần đời chờ mong.
Thánh Tử dấu ái khởi công,
Đem Trời xuống đất bẻ gông xích xiềng.
Từ nay Trời Đất nối liền,
Ơn lành cứu độ loan truyền muôn dân. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
- Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.
- Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha công khai nhìn nhận là Con Thiên Chúa “Con là con yêu dấu Cha, Cha hài lòng về con!”
- Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên Chúa Giêsu: Chúa Thánh Thần luôn ở cùng Chúa Giêsu.
- Con Thiên Chúa xuống trần rao giảng Lời Chúa, mang ơn cứu độ cho muôn người làm đẹp lòng Chúa Cha và có Chúa Thánh Thần soi dẫn Ngài trong sứ mạng.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Nơi Chúa Giêsu nhận lãnh Phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.
(nguồn Hiển Quang – Liengiaositusi)
Cách trung tâm thành phố Tiberias khoảng 10 km về phía Nam trên sông Jordan, có một địa điểm thu hút khoảng nửa triệu người hằng năm. Đó là trung tâm Yardenit nằm bên sông Jordan – thuộc Israel Người ta đến dìm mình vào dòng sông để cử hành nghi thức rửa tội hay để tái tuyên xưng đức tin và suy niệm về đoạn phúc âm nói về bí tích rửa tội.
Trên các bức tường trong khu vực này có gắn các tấm bảng ghi lại đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bằng rất nhiều ngôn ngữ. Có cả tiếng Việt và ký tên bên dưới là Đức Ông Peter Nguyễn thanh Long, kỷ niệm ngày 15.11.2007. Đoàn hành hương Giáo Xứ Mẹ Việt Nam Washington DC. USA.
Thế nhưng theo khoa khảo cổ và kinh thánh, nơi thực sự Chúa Giêsu chịp phép rửa cách xa Yardenit cả trăm cây số, ở gần Biển Chết, thuộc về lãnh thổ Jordan được gọi là Bethania – “Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.” (Gioan 1. 28) Căn cứ trên các cuộc khai quật năm 1996, người ta tin rằng đây là khu vực Thánh Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu.
Ngày 10 tháng 5, 2009 – ĐGH Benedict XVI đã đến thăm viếng nơi này với sự hướng dẫn của Vua Abdullah và Hoàng Hậu Rania của Jordan. Con người chưa biết chính xác nơi Chúa chịu phép rửa – Tuy nhiên có một điều chắc chắn: Thánh Gioan Tiền Hô đã làm phép Rửa cho Chúa Giêsu.
Phần tôi, tôi làm phép Rửa cho anh em trong nước? Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần?
Tôi không nghĩ là Gioan Tẩy Giả nói câu trên, vì ông làm sao biết được, Chúa sẽ lập Bí tích Rửa tội để gọi là rửa trong Thánh Thần. Tuy nhiên câu nói nầy được đặt vào miệng Gioan Tẩy Giả đến sau lệnh truyền của Chúa trước khi về Trời: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần… Mục đích để nói lên ý nghĩa trọn vẹn của Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu thiết lập là ban Chúa Thánh Thần để làm tư tế, tiên tri và vương đế.
Tôi có lý do để nói điều nầy vì 3 tường thuật của 3 Phúc Âm Nhất Lãm đều khác nhau. Trong Phúc Âm Matthêu 3.13-15 thì Chúa Cha nói “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Trong Phúc Âm Luca 3.15-22, Đức Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” Trong Matcô 1.7-11 thì Đức Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con!” Cùng một người, cùng một biến cố mà lời lẽ không giống nhau. Vậy thì sự khác nhau là do các Thánh Sử. Họ không nghe Chúa phán, nhưng nghe lại của nhau và diễn đạt theo thần học của mình.
Nên các Thánh Sử muốn cho thấy Gioan nhìn nhận là: Đấng đến sau tôi, cao trọng hơn tôi… vì kiện toàn phép rửa tôi làm không phải chỉ thanh tẩy mà còn có sức thánh hóa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng thánh hóa. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, ngự xuống trên Chúa Con. Chúa Thánh Thần không có ngự xuống Gioan Tiền Hô bao giờ.
Nghi thức làm phép Rửa từ đâu mà có?
Ngay từ những ngày đầu, các môn đệ của Chúa đã làm phép Rửa cho những ai đón nhận Lời được loan báo, cụ thể là 3 ngàn người trở lại vào dịp lễ Ngũ Tuần (Cv 2.41). Phép Rửa được coi như cổng dẫn vào đời sống Kitô hữu và điều ấy chưa bao giờ bị đặt thành nghi vấn, ngoại trừ do một vài nhóm nhỏ ngoài lề. Lời giải thích tỏ tường nhất cho việc cử hành phép Rửa là chính mệnh lệnh của Chúa Giêsu trao cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19-20).
Chính Chúa Giêsu đã chịu phép Rửa tại sông Giođan. Điều gì đã thúc đẩy Chúa Giêsu nhận phép Rửa từ tay Gioan (Mt 3,13)? Thánh Gioan đã ngần ngại khi làm phép Rửa cho Đấng đến giữa đám đông những người thu thuế, lính tráng, gái điếm, làm như thể chính Người cũng là một tội nhân đang sám hối (số 535). Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói với Gioan rằng cứ làm như thế để “làm trọn đức công chính” (Mt, 3,15). Bắt đầu thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã xác định rõ vị trí của Người: Ở giữa những kẻ tội lỗi. Chính vì những tội nhân mà Người chịu phép Rửa sám hối và phép Rửa ấy báo trước một “phép Rửa khác” mà Người phải chịu, đó là trao hiến mạng sống làm “giá chuộc cho muôn người” (Mc 10.45) và để “tha thứ tội lỗi” (Mt 26.28).
Như thế, nghi thức phép Rửa của chúng ta đã bắt nguồn từ phép Rửa của Chúa Giêsu. Quyền năng và hiệu quả mầu nhiệm của phép Rửa bắt nguồn từ Thập Giá Đức Kitô: Chúng ta được “rửa tội” trong sự chết của Chúa để sự sống của Chúa khơi nguồn nơi chúng ta (số 1225, 1227). ĐHY Christoph Schönborn.
III. Thực hành Phúc Âm:
Bí tích không chấp nhận gia giảm
Bí tích rửa tội không thành vì thay đổi công thức:
Hôm 6.8.2020 Bộ Giáo Lý Đức tin từ Vatican phán quyết về Bí tích Rửa tội bất thành của Cha Matthew Hood 30 năm trước. Cha Matthew là linh mục của địa phận Detroit đã được rửa tội bất thành do Thầy Sáu Mark Springer khi ông nầy lúc xối nước đã nói: Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần thay vì phải nói “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Bộ Đức Tin nói: Thừa tác viên Bí tích Rửa tội đã nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” không truyền đạt bí tích rửa tội. Đúng hơn, thừa tác viên phải cho phép Chúa Giê-su nói qua họ “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” Chính Chúa Giêsu Rửa tội cho thụ nhân. Tất cả là thừa tác viên, tức như công cụ thừa hành mà thôi.
Xem lại bài: Hiệu ứng dây chuyền sau phép rửa tội vô hiệu của Linh mục Matthew Hood
Cũng có những thừa tác viên cho phép cha mẹ ruột, cha mẹ đỡ đầu thay phiên xối nước trên trán của em bé. Bất thành: Chính thừa tác viên xối nước và đọc “Tôi rửa con….”. Chỉ có một Chúa Giêsu rửa tội thôi… Cũng có những giáo phái Tin Lành thêm rằng: Tôi rửa con nhân danh Đấng Sáng Tạo, Đầng Cứu Thế và Đấng Thánh Linh …. Bất thành.
Ngoài ra có những sáng kiến xem chừng nhanh gọn nhưng rất sai lạc. Có linh mục khi dâng lễ, dâng bánh và rượu cùng lúc và đọc rằng: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể càng khôn, vì Chúa đã rộng ban cho chúng con Bánh rượu nầy là hoa màu ruộng đất và…” Làm sai ý Chúa vì trong đêm tiệc ly: Chúa truyền phép bánh rượu riêng 2 lần khác nhau…
Cũng có người chủ trương: Thiên Chúa không có giống! Nên nếu đọc kinh “Lạy Cha chúng con…” hóa ra chúng ta ghép Chúa vô giống đực. Tốt hơn nên đọc “Lạy Cha Mẹ chúng con ở trên trời…” Kinh Chúa dạy “Lạy Cha chúng con…” Không ai có quyền thay đổi hay thêm thắt. Nếu nói: “Lạy Cha Mẹ chúng con…” hóa ra Chúa lưỡng tính à?
Ngắn gọn: Chúa dạy sao, chúng ta làm vậy theo sự chỉ dẫn khôn ngoan của Giáo Hội. Thêm thắt, thêm lộn xộn và rắc rối.