Thánh Lễ Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng
Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng, năm B – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM B
Sách Ngôn Sứ Isaia 40.1-5.9-11;
Thư Thứ II Thánh Phêrô Tông Đồ 3.8-14
và Phúc Âm Thánh Matcô 1.1-8
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan. Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm:
Có lời Tiên tri Isaia:
Sẽ có sứ giả sinh ra dọn đường.
Hoang địa lớn tiếng tỏ tường,
San bằng uốn thẳng con đường Chúa đi.
Gioan Tẩy Giả tiên tri,
Hoang địa rao giảng thực thi công bằng.
Phép rửa sám hối ăn năn,
Bỏ đường bất chính, gia tăng việc lành.
Khắp nơi nội ngoại thị thành,
Nhận chịu phép rửa thực hành lời khuyên.
Gioan sống khổ hạnh triền miên,
Mặc áo da thú ăn kiêng hãm mình.
Ông loan báo Đấng hơn mình,
Đến sau, cao trọng, Cứu Tinh nhân trần.
Phép rửa ban bời Thánh Thần,
Dọn đường cho Đấng phàm trần đợi trông. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mệnh làm tiền hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng cách kêu gọi mọi người: “Hãy dọn đường Chúa đến! Hãy san phẳng lối người đi!”
Dọn đường Chúa đến bằng cách chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
Gioan Tẩy giả sống trọn vẹn sứ mạng của mình bằng lối sống kham khổ: Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng, đồng thời rao giảng về “Đấng đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép Người!”
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.
Gioan Tẩy Giả, tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước. Ông được Chúa kêu gọi để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, mở màn cho Tân Ước. Cả hai, Cựu Ước và Tân Ước đều phục vụ cho việc thực hiện giao ước giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người, nhưng con người phải đáp trả bằng tình yêu thương và lòng trung thành thờ phượng một mình Thiên Chúa. Để thực hiện tương quan tình yêu giữa Trời và Đất nầy. Các Tiên tri thường được kêu gọi để sống và làm những việc rất gây “ấn tượng” để nói lên sứ mệnh của mình. Thí dụ:
+ Tiên Tri Giêrêmia nhận lệnh Chúa truyền để làm một cái ách đeo vào cổ.
Sứ điệp: Dân Do Thái mất niềm tin vào Chúa, đi liên kết và dựa vào sức mạnh của ngoại bang để rồi bị chính đồng minh bỏ rơi và bị làm nô lệ ngoại bang. Điều nầy được diễn tả trong Giêrêmia chương 27.
+ Ngôn sứ Hôsêa nhận lệnh Chúa truyền đi lấy một cô nô lệ làm vợ để giải thoát cô. Nhưng sau đó chính cô vợ nấy lại đi phản bội người chồng đã cứu mình.
Sứ điệp: Dân Do Thái được Chúa thương yêu giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng sau đó lại sống bất trung, phản bội Chúa đi thờ tà thần.
Thiên Chúa đã chọn gọi Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Do Thái đón nhận Ðấng Mêsia. Gioan là nhịp cầu giữa Cựu Ứơc và Tân Ứơc. Ông thuộc về Cựu Ước như trong Phúc Âm Luca 16,16, nhưng tay ông đã đụng đến Ðấng lập ra Tân Ước. Ông biết mình được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, và được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng. Gioan thực hiện sứ mệnh mình bằng việc sống trong hoang địa và nêu gương hãm mình khắc khổ, mặc áo long lạc đà, ăn châu chấu và mật ong, thức ăn của người nghèo, của người từ bỏ thế tục. Nếp sống khổ hạnh của nhà ngôn sứ, từ bỏ mọi tiện nghi để trở thành người của Thiên Chúa để xứng đáng đón nhận Nước Trời đang gần đến. Con người phải từ bỏ chính mình, phải xa rời những tham vọng trần thế thì mới có chỗ cho Đấng Cứu Thế và đáng lãnh nhận ơn cứu độ.
Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.”
Qua câu nói nầy, Gioan xác nhận rõ vai trò làm sứ giả, chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế của mình. Gioan muốn nói với mọi người rằng: Tôi không là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để mọi người dọn đường đón Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế cao trọng hơn tôi và là Đấng mà muôn dân trông đợi. Đây cũng là lý do tại sao Phúc Âm Marcô bắt đầu bằng chuyện Gioan Tiền Hô chứ không bằng gia phả Chúa Cứu Thế hay chuyện Chúa Giáng Sinh như trong Phúc Âm Matthêô và Luca. Tin Mừng Marcô được viết cho người Rôma như chúng ta đã nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng khi nói về Thánh Sử Marcô. Theo cách thức của Rôma, khi vua Chúa hay quan lớn của triều đình đi đến đâu thì cũng đều sai quân lính hay sứ giả đi thông báo để dân chúng chuẩn bị đón tiếp cho phải đạo quân thần và Chúa tôi.
Nên khi viết Phúc Âm cho đọc giả Rôma, Marcô đề cập đến Gioan Tiền Hô, như một sứ giả đi trước để dọn đường Chúa đến. Người đi dọn đường chắc chắn không quan trọng cho bằng người được dọn đường. Nên ông Gioan Tẩy Giả đã phải xác nhận là “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi!” Để nói lên vai trò làm sứ giả cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tiền Hô đã trích lời tiên tri Malakia và Isia tiên báo nhiều trăm năm trước: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml. 3,1), “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is. 40,3).
III. Thực hành Phúc Âm:
Nếp sống đơn giản.
Đức Giám Mục địa phận tôi thỉnh thoảng nhắc nhở anh em linh mục chúng tôi là “Just live a simple life!” Hãy sống một đời sống đơn giản! Nếp sống đơn giản làm cho chúng ta tự do và thoải mái, vì nếu không đơn giản hay duy trì một nếp sống cầu kỳ phức tạp sẽ làm chúng ta bận bịu và mất giờ về quần áo mặc hay về nơi ăn chốn ở hay về những tiện nghi vận dụng mình xài.
Có một tân linh mục đã mơ ước một chiếc xe “mới cáo và đắt tiền!”, nên Cha đã phải tiêu pha nhiều tiền và nhiều ngày giờ để dò tìm, để dò giá cả. Sau cùng, Cha mua được chiếc xe mới cáo như lòng mong ước, nhưng Cha phải lái xe rất cẩn thận, sợ cọ quẹt trầy tróc, sợ dơ thảm xe và phải đậu xe chỗ thật an toàn. Nếp sống không đơn giản cho thấy chúng ta chưa dám “mặc áo lông lạc đà, chưa dám ăn châu chấu và mật ong rừng” cũng như chưa dám trình bày về một Chúa Kitô, Đấng sống đơn giản và đơn sơ đến độ “Con Người không có chỗ gối đầu!”
Một trong những yếu tố mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt được mọi người quí mến là tính đơn giản trong cách ăn mặc và đơn sơ chân thành trong lời ăn tiếng nói.
Tôi không sao quên được hình ảnh một linh mục người Mỹ tên Hank Slevin ở trại tỵ nạn Mã Lai ngày xưa. Ngài chỉ có hai bộ đồ: Quần jean xanh và áo sơ mi tay ngắn có sọc. Sau một ngày làm việc cực nhọc, lã mồ hôi, tối về, giặt đồ cũ đang mặc và sử dụng bộ đồ y chang” như vậy cho ngày mai. Nhờ nếp sống đơn sơ, không bận vướng mà Cha đã có giờ lo cho người tỵ nạn khổ sở và cần đến Cha.