CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA
Sách Ngôn sứ Êdêkien 34.11-12.15-17;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 15.20-26.28
và Phúc Âm Thánh Matthêô 25.31-46
Sách Ngôn sứ Êdêkien 34.11-12.15-17;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 15.20-26.28
và Phúc Âm Thánh Matthêô 25.31-46
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. “Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. “Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!” “Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm
Con Người đến trong vinh quang
Tập họp thiên hạ thế gian từ đầu
Dê chiên phân nhóm rõ hầu
Phán xét lành dữ vui sầu khác nhau
Chúa chỉ hỏi có một câu
Đã làm gì được bao lâu sống đời?
Những kẻ bé mọn buồn đời
Chính là Ta đó ngươi thời biết không?
Nhóm Chiên hí hửng lập công
Đã từng thương giúp kẻ trông người nhờ
Nhóm dê lững thững hững hờ
Chúng tôi nào thấy nào ngờ Ngài đâu?
Sống đời nhớ lấy một câu
Chính Chúa hiện hữu lẩn sâu vào đời
Yêu Chúa không chỉ bằng lời
Nhưng bằng thương giúp mọi người quanh ta. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Thiên Chúa là Chúa và là vua vũ trụ.
Ngài yêu thương và chăm sóc nhân loại như vị mục tử nhân hậu chăm sóc đàn chiên.
Chúa Kitô là vua của yêu thương và là vua của hy sinh.
Chúa Kitô chinh phục con người bằng tình yêu thương nâng đỡ.
Chúa Kitô, vị vua yêu thương sẽ phán xét mọi dân nước trên tiêu chuẩn yêu thương.
Yêu thương và giúp đỡ đồng loại không là một chọn lựa có thể làm hay từ chối không làm. Đó là luật buộc phải làm và là tiêu chuẩn để được thưởng hay bị phạt. Yêu thương và giúp đỡ đồng loại là yêu thương và giúp đỡ Chúa. Tất cả mang hình ảnh của Thiên Chúa.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Giáo huấn Thánh Kinh: Con người, hình ảnh Thiên Chúa – Imago Dei.
Hình ảnh Thiên Chúa là định nghĩa về bản thể con người trong Thánh Kinh. Ý nghĩa hiện hữu của con người là vì Thiên chúa hiện hữu. Con người Imago Dei cũng hiện hữu. Quan niệm Á Châu và các nước Cận Đông đều nghĩ đến nhà vua là thiên tử, là con Trời. Tất cả còn lại là thần dân. Trong Kinh Thánh, quan niệm thật nhân bản và xác thực: Tất cả mọi người là con Chúa được tạo thành theo hình ảnh Chúa. Thiên Chúa Ngôi Hai sinh làm con người. Ngài là Thiên Tử. Ngài xuống trần để nối liền Trời và Đất, để dạy cho mọi người biết: Tất cả là huynh đệ và được phép lên Trời với Chúa, vì được dựng nên giống Chúa và chung hưởng hạnh phúc nước thiên đàng như Chúa. Chúng ta thường gọi là hiệp thông.
Nói khác đi con người là Imago Dei, có nghĩa là xuất phát từ Thiên Chúa và được quy hướng về Thiên Chúa. Chúng ta có thể hình dung một vòng tròn: Điểm phát xuất và điểm kết đều cùng một chỗ. Con người đến từ Chúa và quy về với Chúa, Đấng là Alpha và Omega.
“Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai” (Gen 2, 15).
Khi làm việc, con người kiến tạo và tương quan với người khác. Thiên Chúa chúc phúc cho công việc con người trong ý hướng kiện toàn thế giới. Ý hướng kiện toàn làm con người thể hiện tình yêu thương nâng đỡ người chúng quanh . Của cải vật chất hay trần gian là của chung. Con người trong Imago Dei nhìn người khác cũng Imago Dei. Từ đó họ chia sẻ tất cả những gì đến từ Thiên Chúa sáng tạo cho mọi người chung quanh.
Bác ái Kitô giáo hay 8 mối phúc thật không là chuyện xa lạ nhưng nằm trong bản thể con người là Imago Dei. Nên con người thiếu bác ái hay lòng thương người là đánh mất bản thể mình. Hơn nữa chuyện bác ái hay lòng thương người khác không là chuyện tùy hỉ, làm được thì tốt không làm được cũng không sao. Không phải thế, không làm bác ái là được liệt kê bên tay trái của Vua Kitô, quan án ngày chung thẩm, phải nhận chịu hình phạt vì đã chối bỏ hình ảnh Chúa nơi anh em mình.
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (Gen 1, 27).
Đề nghị đọc lại bài giáo lý Thiên Chúa sáng tạo con người mà chúng ta đã học từ còn nhỏ theo kiểu hỏi thưa:
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI GIỐNG HÌNH ẢNH CHÚA
Kinh Thánh
“Thiên Chúa phán: “Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh của Ta và để cho họ làm chủ trên trái đất” (St 1,26).
Ghi nhớ
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người.
Thiên Chúa đã ban cho Tổ tông loài người được sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, trí khôn minh mẫn, không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng hạnh phúc ấy đã mất khi Tổ tông phạm tội.
Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá, để họ bổ túc cho nhau, và trong hôn nhân, họ được cộng tác với Người lưu truyền sự sống
Ta phải tỏ lòng biết ơn và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cố gắng làm cho cuộc sống của ta và của mọi người ngày càng thêm tươi đẹp, và đầy yêu thương.
III. Thực hành Phúc Âm:
Lòng tri ân:
Người Pháp có câu “Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim!”. Vậy người vô ơn là người không có tim. Thường người bết ơn sống đúng là con người: họ có tim, có óc, có đạo đức, có văn hóa và giáo dục. Thể hiện lòng biết ơn là một việc không dễ làm. Vì thường chúng ta có tính dễ quên hơn là dễ nhớ.
Hàng ngày nơi tôi sống, có một anh thổ dân thường xuyên lui tới xin tiền. Anh dùng tiền mua rượu uống và say mèm nằm ngủ ngay tại cửa nhà bất kể mưa gió hay trời lạnh. Nhìn anh tôi thấy sao xót xa cho kiếp người. Không biết sao anh lại lâm cảnh khốn cùng như thế: Không nhà, không gia đình, không một hiểu biết nào … và chắc rằng anh sẽ chết sớm, vì những cái không nầy…
Thật cám ơn Chúa, không vì tôi hơn anh, nhưng vì tôi có những cái để tôi sống đúng là con người, là hình ảnh Chúa. Cám ơn Trời! Cám ơn đời!
Chúa Kitô Vua:
Hoàng gia Anh là một hãnh diện cho người Anh. Nguyên chuyện tình của Cathy và hoàng tử William, hay chuyện con đầu lòng của họ cũng đã chiếm nhiều trang sách báo của các nước. Tôi không bao giờ để mắt đến. Lý do: Họ có ích gì cho người khác để mà chiêm ngưỡng hay thán phục? Hay họ chỉ là những người sống trong nhung lụa xa hoa tiêu tiền của dân chúng?
Vua nơi tôi là người hy sinh cho người khác. Vua nơi tôi là người dám chết cho người mình yêu. Vua là cho chứ không là nhận hay thụ hưởng. Chúa Giêsu đáp ứng tiêu chuẩn làm vua. Ngài hy sinh và chết vì người khác. Ai biết hy sinh và chết cho người khác là VUA.
Chúa Nhật 34 – Lễ Chúa Kitô Vua – Kết thúc Năm Phụng Vụ
Năm Phụng vụ được xếp đặt để trình bày toàn bộ lịch sử cứu độ: Từ khi Chúa Giêsu, con Thiên Chúa đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria – Sinh ra làm con người – Sống ẩn dật 30 năm – Đi truyền đạo – Chịu khổ hình – Chịu chết – Phục sinh và lên trời vinh hiển.
Năm Phụng vụ cũng trình bày lịch sử cứu độ được tiếp nối bằng việc “Các con hãy đi rao giảng tin mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…. cho đến ngày Con Người trở lại trong vinh quang có thiên thần hộ tống để phán xét kẻ lành người dữ từ người đầu cho đến người cuối hết.
Lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc năm phụng vụ hay lịch sử cứu độ. Tất cả đến từ Thiên Chúa từ ngày đầu sáng tạo – được lãnh đạo bởi Thiên Chúa toàn năng và được kết thúc bắng việc qui về Thiên Chúa toàn năng. Qua sự bắt đầu và kết thúc nầy, Giáo Hội muốn chúng ta nhận ra: