Thánh lễ Chúa Nhật XIII thường niên – Năm A
Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật XIII thường niên, A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XIII QUANH NĂM
Sách Các Vua quyển II 4.8-11.14-16;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 6.3-4.8-11
và Phúc Âm Thánh Matthêô 10.37-42
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó. “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”. Đó là Lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm:
Yêu cha yêu mẹ hơn Thầy,
Không là xứng đáng làm bầy tôi trung.
Gia đình cuộc sống ung dung,
Không là số một hợp cung cách Thầy.
Tông đồ thì phải thế nầy:
Hy sinh mạng sống vui vầy ngày mai.
Đi tìm sống khoẻ, sống dai,
Thì lại mất mát không ai đền bù.
Cho đi như mất, thất thu,
Nhưng rồi được Chúa đền bù gấp trăm.
Kẻ hèn thấp cổ quan tâm,
Một ly nước lã dư âm nước Trời.
Cha luôn tha thiết kêu mời,
Vác lấy thánh giá cuộc đời theo chân.
Quên mình thì lại yên thân,
Ích kỷ thu góp bất nhân ích gì? Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Điều kiện để theo Chúa là vác thánh giá “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Điều kiện để theo Chúa là quên mình: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.
Điều kiện để theo Chúa là đón tiếp người khác và quan tâm chăm sóc họ “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
II. Dẫn giải Phúc Âm:
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Ðức Kitô nói về thánh giá như sau: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” (Lc 9,23). Hay “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Như vậy thánh giá chúng ta vác không giới hạn trong hai thanh gỗ nhưng mang muôn ngàn hình dạng và sức nặng khác nhau giống như muôn người muôn vẻ thế giới con người. Thánh giá chính là con người, là gánh nặng của mỗi cuộc đời. Chúng ta không nhờ vả ai hay buông bỏ hay mướn người khác vác thay mà “phải vác và theo Chúa!” Chúng ta cũng không nhờ Chúa vác thay, vì Chúa cũng có thánh giá đời mình. Ngài đi trước và kêu gọi chúng ta “theo Ta!”
Tại sao chúng ta không thể buông bỏ, hay mướn hay nhờ người khác vác thay? Vì thánh giá là chính chúng ta. Không ai làm thay cho chúng ta cái mà chúng ta là. Chỉ có một Ông A trên trần đời nầy, sinh ra vào ngày tháng, năm đó ở nơi chốn nào đó. Không bao giờ có Ông A thứ hai y chang như vậy. Đó là thánh giá! Không ai sống và thay cho Ông A đó. Ông phải vác chính mình là Ông A theo Chúa.
Chúng ta cũng đừng trách Chúa là “Sao Chúa gửi con thánh giá quá nặng!” Chúa đâu có làm thánh giá bao giờ mà gửi. Người ta làm thánh giá cho Chúa vác. Mỗi cuộc đời là một thánh giá là một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Nên đừng có than vãn hay càm ràm, nhưng nên nhớ rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Nên hãy theo Chúa bằng chính con người của mình với những gì Chúa ban cho, với tất cả những ưu và khuyết điểm. Không sao thay đổi, không sao tìm ai khác hơn là chúng ta. Nên “vác thánh giá mà theo Ta” hay đơn giản hơn: Hãy theo Ta với thân phân phận con người của ngươi!
Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.
Nghịch lý: Tại sao giữ mà mất? Tại sao mất mà lại được. Nghịch lý nầy thường thấy trong con người và cuộc sống: Quả tim chúng ta không bao giờ giữ máu, nhưng bơm đi nuôi sống các phần thân thề và nhận lại. Máu chảy về tim và lá rụng về cội.
Nhiều người tập thể dục mỗi ngày. Càng tập họ càng khỏe. Nhưng khi tập, họ phải tiêu hủy nhiều calori trong người, thân thể mệt nhoài, nhưng sau đó họ nhận được nhiều năng lực hơn.
Một học sinh không chịu hy sinh giờ giấc hay sở thích ham vui cá nhân để học hành thì làm sao có bằng cấp và có công việc làm tốt cho bản thân và gia đình.
Cha Mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng phải để cho con mình lớn lên, trưởng thành và có nhiều khi phải mất con hay xa con… Nhưng họ sẽ có lại những đứa con thành công và tốt hơn xưa.
Chúa đã chết để muôn người được sống.
Các Thánh Tông đồ, muôn ngàn các thánh tử đạo đã thành hạt giống sinh con cái Chúa qua cái chết của mình. Tất cả đều hy sinh, đều mất và đều được nhận lại.
Đây không phải là chuyện vong thân hay đánh mất chính mình, nhưng là qui luật sống. Không chịu mất hay không chịu thiệt thòi thì không bao giờ có được những gì mình muốn. Đứa bé thường chỉ biết giữ khư khư những món đồ chơi hay món thức ăn mà mình có. Người lớn trưởng thành hơn, sẵn sàng hy sinh để được nhiều hơn. Thí dụ nếu chúng ta ngại đi mừng sinh nhật người khác , vì mất giờ hay mất tiền mua quà, thì làm sao chúng ta có được một ngày sinh nhật vui, đông người và nhiều quà.
Đòi hỏi của Phúc Âm rất tuyệt đối: Đánh mất cả chính mạng sống mình. Tuy nhiên người hy sinh cho Chúa sẽ được thưởng gấp trăm cả đời nầy và đời sau.
III. Thực hành Phúc Âm:
Thánh giá nào cho tôi?
Thánh giá nào khác cho tôi?
Không! Tôi là thánh giá đời mình.
Tham, sân, si, hỉ, nộ, thất tình.
Ái, ố, dục, cụ chình ình nơi tôi.
Đừng mong trút gánh cuộc đời
Đừng mong ai đó khuân giùm cho tôi.
Đừng mong buông gánh giữa đường
Mọi người lã chã mồ hôi đầm đìa.
Vác đi, con bước theo Thầy!
Không đường nào khác ngoài đường hy sinh.
Hy sinh, mất đó được đây!
Được phần vinh phúc thiên đàng mai sau.
Giờ đây gọt giũa mỗi ngày,
Bỏ đi ích kỷ tự cao, tị hiềm.
Bác ái, sống thánh sống hiền,
Thánh giá sẽ nhẹ tiến gần Chúa hơn.
Thánh giá đời mẹ (Nguồn Internet)
“Mẹ cõng nắng ra đồng ngày hạ cuối
Mồ hôi rơi đếm tóc bạc trên đầu
Con tập tễnh trong đời thường khúc khuỷu
Cố gánh theo nông nổi qua mình.
Mẹ cõng mưa trên chiếc áo phai màu
Cõng bận bịu lên vai gầy cháy đỏ
Con tập gánh ước mơ mình dang dở
Tập làm thơ để tự dỗ mình.
Mẹ cõng theo điệp khúc bốn mùa
Cõng Xuân, Hạ, Thu, Đông qua tuổi mình mỗi sớm
Cõng tuổi thơ con qua đời giông bão
Cay đắng mẹ mang, cho con những yên bình.