Thánh lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh
Bài giảng Chúa Nhật VI Phục Sinh A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
Sách Công Vụ Tông Đồ 8,5-8,14-17
Thư Thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ 3,15-18
và Phúc Âm Thánh Gioan 14,15-21
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Đó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm
Nếu anh em yêu mến Thầy,
Giữ lời Thầy dạy, ngày ngày thực thi.
Một khi Thầy đã ra đi,
Thần an ủi đến bất ly ở cùng.
Chân lý Thần Khí trùng phùng,
Lời giảng cuộc sống cùng chung cội nguồn.
Sống không phải để diễn tuồng,
Trình bày sự thật Chúa nguồn phát sinh.
Sự thật chân lý đức tin,
Tin Chúa mạc khải phúc vinh thiên đàng.
Thần khí làm chứng rõ ràng:
Sống thật, nói thật là đàng phải theo.
Đừng sợ đơn độc chong cheo,
Thánh Thần hiện diện bám đeo khẩn cầu.
Hãy luôn nhớ lầy một câu:
Tương tại hiện hữu con đâu, có Thầy. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Ai yếu mến Chúa là giữ những điều Chúa dạy. Nói khác đi, giữ luật Chúa là yêu mến Chúa.
Thiên Chúa Cha yêu mến những ai yêu mến Thiên Chúa Con.
Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ngôi Ba là Thần Chân Lý sẽ luôn hiện hữu trong cuộc đời các tông đồ. Nên những ai theo Chúa sẽ không mồ côi, nhưng sẽ luôn có Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn.
Cha – Con và Thánh Thần – Tam thể nhưng hoà nhập thành một Thiên Chúa, luôn ở trong nhau “Thầy ở trong Cha Thầy..” hay “Thầy không để cho anh em mồ côi”. Chúa Thánh Thần hiện diện nơi các tông đồ là chính Chúa Giêsu ở giữa các tông đồ.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu chỉ được ghi lại trong Phúc Âm Gioan.
Phúc Âm Nhất Lãm, Matthêô, Marcô và Luca đều tường thuật về bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng như việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và cơn hấp hối trong vườn cây dầu. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm Gioan có diễn từ biệt ly, dài tới 4 chương từ chương 14 đến chương 17. Tại sao?
Các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, chỉ có tông đồ Matthêô hiện diện trong bữa tiệc ly đêm tối Thứ Năm. Độc giả của Phúc Âm Thánh Matthêô là những Kitô hữu Do Thái gắn liền với truyền thống Do Thái giáo. Phúc Âm được viết để đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo hội Sơ khai sau năm 70, tức sau biến cố triệt hạ đền thờ Giêrusalem và phân tán Do Thái của đế quốc La Mã.
Phúc Âm Matthêô được biểu tượng bằng hình con người. Tác giả Phúc Âm muốn diễn tả Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng đến từ dòng dõi David chứ không nhằm diễn tả những ý niệm cao siêu và khá trừu tượng như trong Phúc Âm về diễn từ ly biệt nói về tình yêu và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thông hiệp giữa Kitô hữu và mầu nhiệm hiệp nhất hoàn hảo nầy.
Các Phúc Âm khác như Phúc Âm Marcô hay Luca được coi như những bản sao chép của Phúc Âm Matthêô. Nên đương nhiên không thể có diễn từ ly biệt vì “bản gốc” đã không có.
Phúc Âm Gioan được viết sau cùng và có mặt ở cộng đồng Kitô hữu vào đầu thế kỷ II. Vì thành hình sau cùng nên đầy đủ nhất và chứa đựng nhiều yếu tố thần học, đặc biệt về Kitô học. Phúc Âm thứ tư được biểu tượng bằng chim phượng hoàng, bay cao, xa và trên. Rất có thể Chúa Giêsu đã không có diễn từ ly biệt rất dài đến 4 chương trong Phúc Âm Gioan. Rất có thể phần chính trong diễn từ nầy đến từ những suy tư và đời sống tông đồ của Thánh Gioan. Gioan muốn dạy cho giáo dân về giới luật yêu thương, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về sự liên kết giữa con người và Chúa Giêsu, nên ông đã tận dụng những nhắn nhủ của Chúa sau khi rửa chân cho các tông đồ, để đặt vào miệng Chúa Giêsu bài diễn từ biệt ly trên.
Yếu tố chính trong diễn từ ly biệt đêm tiệc ly
Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con:
Yêu thương nhau là luật Chúa. Luật Chúa được coi là bất khả di dịch và không miễn trừ. Giới luật yêu thương có trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời. Giới luật yêu thương có trong tất cả các tôn giáo. Giới luật yêu thương được đặt định trong tâm hồn mọi người. Nên có thể nói: Yêu thương là luật tự nhiên. Ai cũng biết là mình phải yêu thương người khác và ai cũng cần người khác yêu thương mình.
Nhưng phải làm như thế nào để thể hiện giới luật yêu thương?
“Yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con!”
Thế nào là như Thầy yêu thương các con?
Vô điều kiện: Chúa Giêsu yêu các tông đồ không vì họ đáng yêu.
Vô vị lợi: Chúa Giêsu yêu các tông đồ không vì họ mang lợi lộc cho Chúa.
Vô giới hạn: Yêu thương đến chết và hy sinh tột cùng.
Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.
Tuân giữ giới răn Chúa truyền: Yêu thương nhau.
Đúng như Chúa đã trả lời cho thắc mắc: Đâu là giới răn cao trọng nhất?
Yêu Chúa hết tâm hồn và hết trí khôn. Yêu người khác như chính mình.
Hai điều trên gói trọn lề luật Chúa và các tiên tri.
Giới luật cốt lõi: Kính Chúa yêu người nầy làm người ta đi đến thắc mắc về giáo huấn của Giáo Hội cũng như về số nhiều và phức tạp trong những lề luật của Giáo Hội? Có nhiều người thắc mắc về vai trò của Giáo hội trong chương trình cứu độ. Kính Chúa và yêu người là đủ. Tại sao còn có 1752 khoản Giáo luật và vô số luật của Hội Đồng Giám Mục, của Giám Mục địa phận rồi ngay các Cha sở cũng ra luật.
Để giải thích thắc mắc trên, tôi chỉ xin trưng dẫn khoản cuối cùng trong Giáo luật, điều 1752 nói như sau: “… đặt trước mắt luật tối cao trong Giáo hội, đó là phần rỗi các linh hồn” Nên Giáo hội có bổn phận giáo huấn tín hữu bằng những luật lệ hay chỉ thị… Tuy nhiên, tất cả phải vì mang ích lợi phần rỗi cho giáo dân, tức là phải vì tình yêu thương mà ban luật. Nên nhiều giáo huấn và nhiều luật lệ để thể hiện tình bác ái cách cụ thể và thiết thực hơn.
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn Giáo Hội:
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi.
Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội trên tảng đá Phêrô. Giáo hội có tính cách trường tồn và dù cửa hỏa ngục có phá cũng không thể lay chuyển. Tuy nhiên Giáo hội nầy cần đi đúng hướng. Giáo hội cần thể hiện vai trò Mẹ và Thầy. Nên Giáo hội cần sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống và là chân lý. Ngài hướng dẫn Giáo hội đi theo Chúa Kitô, Đấng sáng lập và là đường là chân lý và là sự sống.
Mầu nhiệm cao trọng và hiện thực của đời sống Kitô hữu: Chúa Ba Ngôi, tam vị nhất thể, ba ngôi vị nhưng là một Chúa.
“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn Thầy, người ấy mới là kẻ yêu Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
Người ta dùng hình tam giác đều để diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi nầy. Cả 3 cạnh đều nhau và cả 3 cạnh tạo thành hình tam giác. Không gọi là Chúa Con, nếu không có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Không chỉ có Chúa Thánh Thần, nhưng là Thiên Chúa Ngôi Ba, được Cha sai đến với những ai yêu mến và tuân giữ những điều truyền dạy của Chúa Con. Nên Chúa Thánh Thần tiếp nối và hoàn tất chương trình cứu độ. Nên Sáng tạo – Cứu độ và Thánh hóa là chương trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tương lai bảo đảm: Sự sống trường cửu
“Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng được sống” hay những lời đầy an ủi khác “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Gioan 14,1-2)
Lúc đầu các tông đồ theo Chúa để được ngồi bên tay phải và tay trái trong nước Thiên Chúa. Nhưng rồi họ đã được hoán cải, từ những ham muốn trần tục, từ những tham vọng sống trong vinh hoa phú quí sang việc chiếm hữu kho tàng nước trời và mối mọt và trộm cướp không lấy đi được.
Chúng ta có thể nói tóm lại rằng: Diễn từ ly biệt trong Phúc Âm Gioan là một đúc kết về những điều phải tin, phải giữ và sẽ được của môn đệ Chúa. Chúa đã không nói tất cả nội dung diễn từ dài như Gioan, nhưng qua Gioan, với đời sống lâu dài trong công việc tông đồ, Ngài đã nghiền ngẫm và đã phác họa về mọi chiều kích trong đời sống Kitô hữu qua diễn từ ly biệt trên.
III. Thực hành Phúc Âm:
Lời cầu nguyện thiết thực (internet)
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng: Tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Chúa yêu Giáo Hội bất toàn , chúng ta cũng nên như vậy.
God loves Church in its imperfection . . . and so should you.
Trích từ Western Catholic Reporter 16.5.2011 – Father Raniero Cantalamessa OFM Cap. – chuyên viên giảng phòng cho Đức Thánh Cha và cộng sự viên của Ngài.
Nhiều Kitô hữu đã ngang nhiên tố cáo Giáo hội mà không nghĩ rằng: Nếu không có Giáo hội, họ sẽ không có Chúa Kitô. Cha Cantalamessa nói “Con cái tố cáo mẹ mình vì mặt đầy vết nhăn, nhưng quên là chính con cái gây cho mẹ mình những vết nhăn đó!”
Có quá nhiều Kitô hữu tố cáo rằng: Giáo hội sai ở điểm nầy, làm bậy ở điểm khác và Giáo hội phải làm như thế nầy… Giáo hội phải làm như thế khác.. Nhưng Tiên tri Isaia nói ‘hãy chỉ cho ta chỗ nào ngươi có thể lìa xa mẹ mình là Giáo hội. Chỗ nào ghi “Giáo hội không còn là hôn thê của Ta?”
Anh chị em có Giáo hội là Mẹ, không chỉ là người rửa tội chúng ta, nhưng còn là người để chúng ta kính trọng, yêu mến và trung thành trong bất cứ hoàn cảnh tốt hay xấu.
Tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo hội kiên vững muôn đời, dù Giáo hội có những yếu đuối và những tội tày trời như lạm dục tình dục trẻ em. Vinh quang Chúa vẫn sáng ngời qua sự bất toàn của Giáo hội tại thế, với những con người yếu hèn. Chúng ta không biết rõ tội của Giáo hội bằng Chúa Kitô. Nhưng Ngài chết cho Giáo hội, cho nhân loại tội lỗi và cho Giáo hội bất toàn. Chúa Kitô yêu Giáo hội, không là một cái gì lý tưởng và siêu thực nhưng là Giáo hội thực. Chúa Kitô yêu Giáo hội với hy vọng không chỉ với những gì mà Giáo hội là, nhưng với những gì mà Giáo hội sẽ là.
Kitô hữu tốt nhất nên im lặng và đừng phê bình chỉ trích Giáo hội thêm nữa.
Ý kiến cá nhân: Người Công Giáo trong các giáo xứ Việt Nam cần suy niệm thêm về những chia sẻ của Cha Raniero Cantalamessa OFM về Giáo hội nói chung và về cộng đoàn giáo xứ địa phương nói riêng. Góp ý xây dựng là điều tốt. Chỉ trích bêu xấu là tội. Không có lý do nào để biện minh cho những chỉ trích hay bêu xấu người khác.
Tôi không đủ thánh thiện, nhưng luôn chủ trương rằng: Nếu nói tốt được cho ai, tôi sẽ nói. Nếu không nói tốt được, tôi xin im lặng và không một lời nói xấu.