Bài giảng Chúa Nhật lễ Dâng Chúa trong Đền thờ.
CHÚA NHẬT LỄ DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ
Sách Ngôn Sứ 3:1
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 2:14-18
và Phúc Âm Thánh Luca 2:22-40
A. Video bài giảng
B. Bản văn Bài giảng | Download file Word tại đây
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con. Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”. Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. Đó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm
Con trai đầu lòng được sống,
Máu chiên Vượt Qua dòng giống tổ tiên.
Luật nầy sách sử biên niên:
Quí tử đầu lòng thành chiên hiến tế.
Thiên tử lẽ ra châm chế,
Nhưng ông bà không nệ bế lên đền.
Dâng con thủ tục bù đền,
Lấy đôi chim gáy đáp đền ơn cao.
Bỗng dưng ôi lạ làm sao:
Samuen bế cháu cất cao lời nguyền:
Thân con giờ đã mãn nguyền ,
Đã nhìn đã thấy Đấng quyền cứu tinh.
Bé nầy có lắm kẻ tin,
Nhưng là duyên cớ, nhục vinh nhiều người.
Phần bà, đau khổ cả đời,
Lưỡi gươm sắc bén Thiên thời định cho. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Dâng Chúa trong đền thờ để nói rằng: Chúa và mọi người được sinh ra trong đời như một hồng ân, như một món quà ban tặng từ trời cao và con người phải được mang vào đền thờ dâng tiến như một hiến lễ tạ ơn Chúa.
Chúa sinh làm người chấp nhận tuân thủ mọi luật lệ của xã hội và tôn giáo.
Chúa là ánh sáng cứu độ. Nhận lấy Chúa cứu tinh là cứu cánh của đời người. Người ta mãn nguyện vì được cứu độ.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Luật Môsê qui định về việc thanh tẩy thế nào?
Luật Môsê được ghi lại trong sách Lêvi 123.2-8 qui định rằng: Một phụ nữ sinh con trai bị coi là ô uế trong vòng 40 ngày: Ngày thứ tám, đứa bé trai phải được cắt bì, và người mẹ còn phải chờ thêm 33 ngày nữa, “cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của bà” (Lv 12,4), trước khi bà được đụng chạm vào bất cứ vật thánh nào hoặc đi vào các sân Đền Thờ. Sau ngày thứ bốn mươi, bà mẹ phải đem đến cho vị tư tế phục dịch tuần ấy tại Đền Thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Nếu không thể dâng con chiên, bà phải dâng 2 chim gáy hoặc 2 bồ câu non như trường hợp thánh gia.
Tại sao phải dâng chiên hay đôi chim gáy khi đem con trai mình dâng trong đền thờ?
Người Do Thái thường dùng chiên sát tế làm lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa xin ơn tha tội. Nên người ta bán chiên bò trong sân đền thờ để khách hành hương mua và thiêu tế trước bàn thờ Chúa xin chuộc lỗi lầm mình.
Đêm Vượt Qua rời khỏi đất nô lệ Ai Cập, dân chúng đã giết chiên một tuổi trọn, lấy máu chiên bôi trên cửa. Nhờ đó thiên thần Chúa vượt qua nhà có máu chiên, không vào sát hại con trai đầu lòng của người Do Thái. Con trai đầu lòng được cứu sống. Tri ân ơn cứu sống, những con trai đầu lòng sau nầy đề phải cắt bì và dâng cho Chúa trong đền thờ. Dâng con như một hiến tế… nhưng vì không thể giết con mình… Cha mẹ đã mua con chiên sát tế thay vào. Nhà nghèo thì có thể thay thế bằng đôi chim câu. Căn cứ vào ý nghĩa chiên hy tế nầy mà Chúa Giêsu được gọi là Chiên Chúa. Con chiên vô tội nhưng chết thay cho tội nhân. Nhờ máu chiên vô tội mà người có tội được giải thoát.
Tại sao trong ngày lễ Chúa vào đền thờ, Giáo hội lại có thói tục làm phép nến và được coi như là ngày cổ động cho ơn thiên triệu thánh hiến của các nữ tu Công giáo?
Người ta làm phép nến để tưởng nhớ lời tiên tri Simêon gọi Đức Kitô là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32) và tổ chức kiệu nến trong nhà thờ, tượng trưng cho việc Đức Giêsu tiến vào đền thờ Giêrusalem.
Làm phép nến và kiệu nến trong nhà thờ chỉ có từ sau công đồng Vatican II, lễ ngày 02 tháng 02 không còn thuần ý nghĩa lễ dành kính Đức Maria, nhưng được đổi thành lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, 40 ngày sau khi Chúa giáng sinh tại Bêlem, tính từ ngày 25 tháng 12. Đây cũng là lời mời gọi con người đón nhận Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu soi trong tâm hồn và nhắc nhớ chúng ta về cây nến sáng mà mình đã lãnh nhận trong nghi thức Rửa tội. Nhiều nơi, giáo dân tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép trong ngày này. Họ mang nến đã làm phép về thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện khi có người ốm đau hoặc đi xa, trong những dịp vui mừng cưới hỏi hay tang chế.
Lễ Dâng Chúa trong đền thánh cầu nguyện cho đời sống thánh hiến của các tu sĩ nam nữ. Bài giảng của Đức Cha Phanxicô trong dịp lễ nến cầu cho đời sống thánh hiến:
Chiều ngày 02.02.2018 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ, thường gọi là Lễ Nến. Đây cũng là thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi nhân ngày Quốc tế Đời sống Thánh hiến lần thứ XXII. Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Nếu không có cuộc gặp gỡ ấy, sẽ chẳng thể có ơn gọi thánh hiến. “Cuộc sống ngày nay quá bận rộn làm cho chúng ta đóng cửa trước nhiều cuộc gặp gỡ, thường là vì chúng ta sợ người khác, nhưng cửa của các trung tâm và mạng lưới mua sắm thì lúc nào cũng mở. Trong đời sống dâng hiến thì không được như thế. Các anh em chị em mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là một phần của lịch sử, là quà tặng mà chúng ta cần trân quý giữ gìn. Đừng nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn là nhìn vào ánh mắt của các anh chị em, hoặc đừng bị dính chặt vào các chương trình hoạch định hơn là kết nối với Chúa. Bởi vì một khi các chương trình, các kỹ thuật, các cấu trúc được đặt ở trung tâm, thì đời sống thánh hiến không còn hấp dẫn và không còn kết nối nữa. Khi ấy, đời sống thánh hiến không được nuôi dưỡng vì nó đã bị lãng quên giống như nén bạc bị chôn giấu. Đời sống thánh hiến nảy sinh và tái sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục. Điều ấy luôn luôn có hai chiều. Một mặt là sáng kiến của tình yêu Thiên Chúa, để từ đó mọi sự khởi đầu và cũng từ đó chúng ta phải trở về luôn luôn. Mặt khác là sự đáp lại của chúng ta với tình yêu mến chân thành, muốn theo gương Chúa Giêsu nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
III. Thực hành Phúc Âm:
Người ta thích thắp nến nhưng ngại cống hiến và hy sinh:
Trong những cửa hàng lớn như Walmart, người ta có thể tìm thấy hàng trăm loại đèn nến làm bằng sáp. Trong nhiều gia đình cũng có nhiều đèn nến để thắp sáng trong những dịp kỷ niệm. Trong những quán càphê, người ta cũng thấy nhiều ngọn nến nhỏ toả ánh sáng lung linh nên thơ trên các bàn dành cho khách về đêm. Nhà thờ cũng dùng thật nhiều đèn nến: Đèn Phục Sinh, nến cầu nguyện ở các bàn thờ Chúa Giêsu, Đức Mẹ… Rửa tội, thêm sức, lễ cưới đều có thắp nến… Nến đẹp, ai cũng thích có nến trong dịp đặc biệt… Tuy nhiên người ta quên một việc: Dâng hiến chính mình khi thắp nến… Chúng ta thắp nến trong nhà thờ và dâng cúng ít tiền… nhưng chúng ta thường quên điều quan trọng: Dâng hiến và hy sinh chính mình. Thật vậy, cây nến ngày thành hôn nói lên ý nghĩa phải tan chảy và hy sinh cho nhau trong đời sống vợ chồng. Chồng cứ sống ích kỷ theo sở thích. Vợ cứ sống theo những gì mình thích, bất kể chồng mình… thì thật là không có cống hiến và hy sinh cho nhau. Nến vẫn cháy, sáp vẫn tan… đó là nến chứ không phải đôi vợ chồng hoà nhập hy sinh cho nhau.
Khi mừng lễ Chúa vào đền thánh, xin hãy nhìn lại cây nến sáp đời mình: Nó còn nguyên những toan tính ích kỷ hay nó tan rửa dần với những hy sinh qua ngày tháng.
Trong nhiều năm tháng chuẩn bị làm linh mục và lãnh chức thánh. Chủng sinh được học được nghe giảng dạy và được có nhiều dịp sống hy sinh… tức hy sinh cho Chúa, cho Giáo hội và cho người khác… Nhưng vừa khi biết ngày thụ phong thì đã vẽ họa cho mình một chương trình vinh qui hoành tráng: Mời những ai biết hy sinh cống hiến cho tân chức nhiều tiền. Dùng những lời khen ngợi tâng bốc nào để bà con, ca đoàn và người tổ chức xả thân cho lễ phong chức hay vinh qui của mình. Gia đình Bà Cố phải làm sao để gửi đi nhiều thiệp mời, mời thật đông người tham dự vì đời người chỉ có một lần, sơ sót sẽ thua thiệt.
Sau cùng tân chức đã có công thắp nến và buộc những cây nến này hy sinh cháy sáng và tan xác xả thân cho sự toàn vẹn ích kỷ và ngại mất mát cống hiến của mình. Xin trích chuyện học làm người:
Một người đi tìm việc làm, trên hành lang đến phòng phỏng vấn thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách phỏng vấn vô tình nhìn thấy, bèn quyết định nhận anh vào làm việc. Hóa ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản, chỉ cần tập rèn luyện những thói quen tốt. Hy sinh không bao giờ mất đi! Kinh nghiệm bản thân.