Đức Thánh Cha viếng đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử Nagasaki.
Lúc 6:40 sáng Chúa Nhật 24/11, Đức Thánh Cha rời tòa Sứ thần để ra phi trường Tokyo lấy máy bay đi Nagasaki cách đó 1100 cây số.
Nagasaki – trái tim của Giáo hội Công giáo Nhật Bản
Nagasaki là thành phố có hơn 400 ngàn dân, nằm trên đảo Kyushu và là một trong những hải cảng chính của Nhật Bản. Cảng này được xây dựng khi làn sóng những người châu Âu đầu tiên đến châu Á. Những nhà truyền giáo đầu tiên từ Tây Ban nha, Bồ Đào Nha cũng như các thành phố khác đã đến thành phố này, cùng với các thương nhân, để truyền đạo. Nagasaki trở thành một trong những trung tâm chính của sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Năm 1585, những người quý tộc trở lại đạo đã gửi bốn người trẻ Nhật Bản đến gặp Đức Giáo hoàng ở Roma. Các nhà thờ được xây dựng trong thời gian này và nền văn hóa Kitô giáo nở rộ đến độ thành phố này được gọi là “Roma nhỏ”. Sau đó, các hoàng đế Nhật vì sợ bị ngoại quốc xâm chiếm nên đã cấm cách và bách hại đạo.
Vụ nổ bom nguyên tử ngày 06/08/1945
Trong thế chiến thứ hai, ngày 06/08/1945, Hoa Kỳ đã thả một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki, khiến cho 150 ngàn người chết và bị thương, nhiều người khác chịu ảnh hưởng của tia hóa học, và 1/3 thành phố bị san bình địa. Người dân Nagasaki đã làm việc để khôi phục lại vẻ đẹp của thành phố. Nhiều vết tích của bom nguyên tử ngày nay được đặt tại Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki và cạnh đó là Đài quốc gia tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử Nagasaki, được xây dựng năm 2003.
Đài tưởng niệm
Đến sân bay Nagasaki lúc 9:20, Đức Thánh Cha dùng xe hơi di chuyển đến Công viên Hòa bình cách đó 35 cây số. Công viên được xây dựng năm 1955 để tưởng nhớ thảm kịch bom nguyên tử, đồng thời cũng để phổ biến niềm hy vọng hòa bình. Tại đây có Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử, là một khối đá cẩm thạch màu đen trên đó khắc tên các nạn nhân.
Đến công viên, Đức Thánh Cha được chính quyền và thị trưởng Nagasaki tiếp đón. Sau đó, hai nạn nhân dâng vòng hoa cho Đức Thánh Cha và ngài đặt trước đài tưởng niệm. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đốt một ngọn nến và thinh lặng cầu nguyện trước đài tưởng niệm.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Mở đầu bài diễn văn Đức Thánh Cha nói: “Nơi này khiến chúng ta nhận thức hơn về nỗi đau và sự kinh hoàng mà những con người chúng ta có thể gây cho nhau. Cây Thánh giá bị bỏ bom và tượng Đức Mẹ, mới được tìm thấy tại nhà thờ chính tòa Nagasaki, một lần nữa nhắc chúng ta về nỗi kinh hoàng không thể nói được mà các nạn nhân và gia đình phải chịu trên da thịt của họ.”
Ước vọng về thế giới phi hạt nhân
Một thế giới phi hạt nhân là khát vọng của hàng triệu người nam nữ ở khắp mọi nơi. Đức Thánh Cha khẳng định rằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt không phải là giải pháp đáp lại khao khát bình an và an ninh của con người. Đó là sự an ninh sai lầm xuất phát từ sự sợ hãi và thiếu tin tưởng; nó chỉ hủy hoại các mối quan hệ giữa các dân tộc và ngăn cản mọi hình thức đối thoại. Đức Thánh Cha nói: “Hòa bình và sự ổn định quốc tế chỉ có thể đạt được trên nền tảng của một đạo đức liên đới và cộng tác toàn cầu, để phục vụ cho một tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ trách nhiệm trong toàn bộ gia đình nhân loại hiện tạ và tương lai.”
Sự lãng phí các nguồn lực
Đức Thánh Cha tái khẳng định rằng cuộc đua vũ trang lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, những thứ có thể được sử dụng tốt hơn để mang lại lợi ích cho sự phát triển toàn diện của các dân tộc và bảo vệ môi trường tự nhiên. Ngài nói: “Trong một thế giới nơi hàng triệu trẻ em và gia đình sống trong điều kiện không xứng với con người, số tiền bị lãng phí và cơ hội được tạo ra thông qua việc sản xuất, nâng cấp, bảo trì và bán vũ khí hủy diệt hơn bao giờ hết, là một tiếng kêu thấu đến trời.”
Để xây dựng thế giới hòa bình, phi hạt nhân, Đức Thánh Cha nhắc rằng cần có sự cộng tác của mọi thành phần và mọi quốc gia. Để đáp trả lại sự đe dọa của vũ khí hạt nhân, chúng ta phải phối hợp và lấy cảm hứng từ nỗ lực liên tục để xây dựng niềm tin lẫn nhau và do đó vượt qua được tình trạng mất lòng tin hiện nay.
Sự dấn thân của Giáo hội
Đức Thánh Cha khẳng định sự dấn thân của Giáo hội trong việc thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia, vì “đây là một nghĩa vụ mà Giáo hội cảm thấy mình có trọng trách trước mặt Chúa và mọi người nam nữ trên thế giới.” Đức Thánh Cha nói: “Ước mong rằng lời cầu nguyện, việc hoạt động không mệt mỏi để ủng hộ các thỏa thuận và không ngừng đối thoại là những vũ khí mạnh nhất mà chúng ta đặt niềm tin và cũng là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng và liên đới, có thể mang lại sự bảo đảm cho hòa bình.”
Một thách đố cho mọi người
Đức Thánh Cha tin rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều có thể và cần thiết. Cần suy nghĩ về ảnh hưởng tàn khốc của nó và và từ chối gia tăng bầu khí sợ hãi, ngờ vực và thù địch được thúc đẩy bởi các học thuyết hạt nhân. Và Đức Thánh Cha nói rằng nghĩa vụ kiến tạo các công cụ để bảo đảm sự tin tưởng và phát triển hỗ tương là một trong những mối quan tâm và thách thức đối với mỗi chúng ta.
Cuối cùng Đức Thánh Cha mời mọi người cùng cầu nguyện mỗi ngày “cho sự hoán cải con tim và cho sự chiến thắng của nền văn hóa sự sống, hòa giải và huynh đệ. Một tình huynh đệ có thể nhận biết và tôn trọng sự đa dạng trong cuộc tìm kiếm vận mệnh chung.
Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời cầu nguyện cho hòa bình của thánh Phanxicô:
Lạy Chúa xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa:
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem nguồn vui đến chốn u sầu.
Đức Thánh Cha nói: “Tại nơi tưởng niệm đáng nhớ này, nơi khuấy động sự thờ ơ của chúng ta, sẽ ý nghĩa hơn khi chúng ta hướng về Chúa với niềm tin tưởng, xin Ngài dạy chúng ta trở thành khí cụ hiệu quả của hòa bình và nỗ lực hết mình để không lặp lại sai lầm của quá khứ.”