Bài giảng Chúa Nhật XXVIII thường niên – Năm C.
Mười người phong hủi được lành,
Chỉ có một mống thực hành tri ân.
Anh ta quì mọp dưới chân,
Cảm tạ Thiên Chúa thi ân cứu đời.
Chín người cùi khác im hơi,
Có lẽ mừng quá vui chơi thoả lòng.
Anh cùi không phải chính tông,
Ngoại bang, ngoài đạo, không mong chữa lành.
Nhưng anh lại tỏ lòng thành,
Nhìn nhận ơn phước rành rành trao ban.
Ơn lành cứu độ tràn lan,
Người đạo kẻ ngoại được mang về Trời.
Ai ơi! Khi sống ở đời,
Nhận ra ơn Chúa cao vời thương ban:
Chính Chúa là thuốc là thang,
Tẩy sạch tội lỗi thưởng ban nước Trời. Amen.
CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM – C.
Sách Các Vua quyển thư II 5.14-17;
Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Timôtê 2.8-13
và Phúc Âm Thánh Luca 17. 11-19
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.
Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
I. Giáo huấn Phúc Âm:
Thế giới loài người tội lỗi như những người mắc bệnh phong cùi: Họ bị trở nên xấu xa, ô uế và bị từ chối quyền hiệp thông trong gia đình Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, Người của Thiên Chúa, được sai đến trần gian như vị cứu tinh để chữa lành thế giới tội lỗi. Muốn được chữa lành phải tin Chúa Giêsu là Vị Cứu Thế và phải kêu cầu “Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi!”.
Chúa Giêsu đến với người tội lỗi để mang con người trở lại tình trạng tốt lành nguyên thủy: Trong sạch và được hoàn trả lại tình trạng làm con Thiên Chúa, sống trong gia đình Thiên Chúa.
Con người phải ý thức thân phận tội lỗi của mình để kêu Chúa cứu chữa. Một khi đã được chữa lành, phải biết cúi đầu cảm nhận và tri ơn Chúa.
II. Diễn giải Phúc Âm:
1. Ý nghĩa chuyện tiên tri Elisha và tướng Naaman, người phong cùi xứ Aram trong bài đọc một lấy từ sách các Vua quyển II.
Tiên tri Elisha: Tiên tri Elisha là con trai của Shaphat, người vùng Abel-Meholah. Elisha được chọn làm môn đệ của Đại Tiên Tri Elia đang khi ông nầy đang cày ruộng với 12 con bò. Elia chọn Elisha bằng cách ném chiếc áo choàng lên Elisha, như dấu chỉ thừa hưởng quyền làm tiên tri. Elisha giết bò và lấy cày làm củi để nấu thức ăn đãi tiên tri Elia. Sau khi Elia được cất về trời trong cơn gió lốc. Elisha đóng vài trò làm tiên tri cho Do Thái suốt 60 năm từ năm 832-892 trước Công nguyên như trong sách Các Vua quyển II ghi lại ở chương 5.8.
Elisha kế thừa sự nghiệp tiên tri của Elia và nổi tiếng với những việc lạ thực hiện nhân danh Thiên Chúa Giavê như sau:
Elisha đã trả ơn cho bà góa thành Sarepta bằng cách cho dầu ăn trong bình chứa nhà bà không bao giờ cạn như được ghi lại trong sách các Vua quyển II chương 4:1-7. Tiên tri đã cho con trai người đàn bà xứ Shunam được sống lại như được ghi trong sách các Vua quyển II chương 4.38-41. Nhất là tiên tri đã chữa tướng Naaman, người Aram khỏi bệnh phong cùi bằng cách bảo ông tắm 7 lần trong giòng sông Jordan như được ghi lại trong sách Các Vua quyển II chương 5.1-19. Khi quân đội vua Giêhôram lâm cảnh khát nước trầm trọng, tiên tri đã cầu cho mưa rơi xuống có nước cho toàn quân uống thỏa thuê như ghi lại trong sách Các Vua quyển II chương 3.9-20. Tiên tri đã làm phép lạ biến 20 ổ bánh nuôi một trăm người ăn uống phủ phê.
Bài đọc I một hôm nay, chuyện tiên tri Elisha chữa tướng Naaman khỏi bệnh phong cùi có một tương quan rất gần với ý nghĩa của bài Phúc Âm Thánh Luca, việc Chúa chữa lành 10 người phong cùi.
Tướng Naaman đã tìm đến với tiên tri Elisha và đã được khỏi bệnh cùi. Ông ta đã phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa nơi con người của Chúa là tiên tri Elisha. Ông đã phải vâng theo lệnh của tiên tri và xuống tắm 7 lần trong giòng sông Giôđan, cho dù nước của sông nầy không sạch bằng sông Damacus bên xứ ông. Tướng Naaman dìm người 7 lần trong giòng sông Giôđan và da thịt ông trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Tướng Naaman đã tuyên tín rằng: Không đâu có Thiên Chúa ngoại trừ ở Do Thái.
Naaman được sạch bệnh phong cùi không phải vì nước sông Jordan. Nước sông Jordan chỉ là một phương tiện Thiên Chúa dùng để làm cho Naaman được sạch. Đi tắm 7 lần tại sông Jordan, giúp Naaman diễn tả thái độ tin tưởng cần thiết để có thể lãnh nhận ơn Thiên Chúa. Nếu Naaman không có thái độ thần phục tin tưởng nầy qua việc đi tắm như tiên tri yêu cầu, thì ông không thể khỏi bệnh. Nước sông Jordan và lòng tin phải có, đã giúp Naaman được lành bệnh.
Trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót và chữa lành 10 người phong cùi vì họ đã van xin “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. Lời van xin của 10 người phong cùi bộc lộ niềm tin nơi Chúa Giêsu là người của Thiên chúa, là Đấng có thể chữa lành bệnh tật, là Đấng sẽ làm cho họ được thanh sạch và hoàn trả họ lại cuộc sống trong cộng đoàn dân thánh Chúa.
Người ta thường giải thích rằng: Ý chính của bài Phúc Âm chữa 10 người phong cùi là bài học về lòng biết ơn vì chỉ có một người trở lại sấp mình dưới chân Chúa và tạ ơn Ngài. Chính Chúa đã hỏi “Không phải tất cả 10 người được khỏi bệnh sao? Còn 9 người kia đâu sao không thấy trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này?”.
Tôi không nghĩ rằng giáo huấn về lòng biết ơn hay tri ơn là chủ đề hay trọng tâm giáo huấn của Phúc Âm hôm nay. Nhưng là niềm tin vào Chúa Giêsu, là người của Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế, Đấng có thể làm cho con người khỏi bệnh tật và mang con người trở lại tình trạng trong sạch buổi ban đầu. Đây là trọng điểm của giáo huấn, vì:
Bài Phúc Âm hôm nay nối tiếp bài phúc âm Chúa Nhật XXVII Quanh Năm của tuần vừa qua, Phúc Âm Luca 17.5-10 nói về lòng tin nhỏ bé chỉ cần bằng hạt cải cũng có thể làm những chuyện chuyển núi dời non. Việc chuyển núi dời non không là chuyện con người làm được, nhưng là chuyện của Thiên Chúa quyền năng, Chúa thực hiện vì con người có lòng tin vào Chúa. Vì Chúa làm tất cả, nên con người phải nhìn nhận mình chỉ là đầy tớ vô dụng.
Phúc Âm hôm nay, chương 17 từ câu 11-19, nói về niềm tin của mười người phong cùi, niềm tin họ chỉ bằng hạt cải được thể hiện qua lời kêu xin thành khẩn “Lạy Thầy Giêsu, xin thương cứu chúng con!”. Niềm tin nhỏ bé nhưng bày tỏ đúng lúc, đúng người và đúng trọng điểm của đức tin “Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế!
Tôi không chối bỏ bài học về lòng tri ơn Thiên Chúa trong bài Phúc Âm 10 người phong cùi được chữa lành. Nhưng bài học về lòng tri ơn không là trọng tâm của giáo huấn. Hơn nữa, lòng biết ơn nầy phải được thực hiện bằng việc: Quay lại, sấp mình dưới chân Chúa và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, tức chân nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và mình đã được nhận lãnh ơn cứu độ. Ơn cứu độ là được tha tội và được hoàn trả lại tình trạng ân sủng, tức tình trạng nghĩa tử lúc ban đầu. Nếu so sánh lòng biết ơn với Đức Mến, thì phải cần có Đức Tin: Tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và cảm tạ ơn Ngài vì ơn cứu độ Ngài ban cho chúng ta. Nên lòng biết ơn hay đức mến đến sau và làm trọn vẹn cho Đức tin vào Chúa Giêsu “Lạy Thầy Giêsu, xin thương cứu chúng con!”
2. Luật liên quan tới sạch và dơ được qui định trong sách Lêvi Lv 13,18-59
Tư Tế có quyền thẩm định bệnh phong cùi cũng như sạch và dơ
Sách Lêvi chương 13,18-23 nói: “Khi thịt có ung nhọt trên da mà đã lành, nhưng nếu nơi mọc ung nhọt lại có mụt trắng hay đốm trắng hoe đỏ, người ấy sẽ để tư tế xem bịnh. Tư tế xem bịnh và nếu thấy nó có vẻ lõm hơn nền da, và lông đã hóa trắng, tư tế sẽ tuyên bố nó dơ: Đó là vết thương bịnh phong đã lở lói trong ung nhọt. Nếu tư tế xem vết thương và thấy trong đó không có lông trắng và không lõm hơn nền da, và nó đã sạm lại, tư tế sẽ giam cứu người ấy 7 ngày. Nếu nó cứ lan trên da, tư tế sẽ tuyên bố nó dơ: Đó là vết thương. Nhưng nếu đốm ấy dừng lại không lan, đó là sẹo của ung nhọt! Tư tế sẽ tuyên bố người ấy sạch.
Sách Lêvi Chương 13, từ câu 24-28 nói: “Khi da thịt bị lửa phỏng và vết thương phỏng sinh thịt non làm thành đốm trắng hoe đỏ hay toàn trắng nhợt, tư tế xem bịnh và nếu thấy lông hóa trắng trên đốm và hình như lõm sâu hơn nền da: Đó là phong lở lói nơi vết phỏng! Tư tế sẽ tuyên bố nó dơ: Đó là vết thương bịnh phong! Nhược bằng tư tế xem bịnh và thấy nơi đốm không có lông trắng cũng không lõm hơn nền da và nó đã sạm lại, tư tế sẽ giam cứu người ấy bảy ngày. Ngày thứ bảy, tư tế xem bịnh nó. Nếu thực đốm lan trên da, tư tế sẽ tuyên bố người ấy nhơ: Đó là vết thương bịnh phong! Còn nếu đốm dừng yên không lan trên da, nhưng đã sạm lại: đó là mụt vì phỏng! Tư tế sẽ tuyên bố là người ấy sạch, vì đó là sẹo vết phỏng.
Sách Lêvi Chương 13, từ câu 29-37 nói: Khi người đàn ông hay đàn bà nào có vết thương nơi đầu hay nơi cằm, tư tế sẽ xem vết thương và nếu thấy hình như nó sâu hơn nền da và lại có lông hoe vàng trong đó và mịn, tư tế sẽ tuyên bố người ấy dơ: đó là chốc; đó là chứng phong nơi đầu hay nơi cằm! Khi tư tế xem vết thương chốc và nếu thấy hình như không sâu hơn nền da và không có lông đen trong đó, tư tế sẽ giam cứu người có vết thương chốc bảy ngày. Ngày thứ bảy, tư tế sẽ xem vết thương và nếu thấy chốc không lan và nơi đó không có lông hoe vàng và chốc hình như không sâu hơn nền da, người ấy sẽ cạo đầu, cằm, nhưng không cạo chốc. Và tư tế sẽ giam cứu người bị chốc bảy ngày nữa. Ngày thứ bảy tư tế sẽ xem vết chốc và nếu thấy chốc không lan trên da và hình như nó không sâu hơn nền da, tư tế sẽ tuyên bố người ấy sạch. Người ấy sẽ giặt áo sống đi và được sạch. Nhưng nếu khi tẩy uế rồi, chốc cứ lan ra thực, 36 tư tế xem bịnh nó và nếu chốc lan trên da, tư tế sẽ không cần xem có lông hoe vàng hay không: người ấy nhơ! Nhưng nếu theo mắt ngài thấy, chốc ngừng yên và có lông đen mọc trong đó, thì chốc đã lành: người ấy đã sạch và tư tế tuyên bố người ấy sạch.
Sách Lêvi chương 13, từ cầu 45-59 nói về qui chế cách ly dành cho người bị bệnh phong cùi và thiêu huỷ những vật dụng liên quan đến bệnh phong cùi
“Người bị bịnh phong có vết thương nơi mình, thì áo xống phải xé tả tơi, đầu để tóc rối che mình đến râu mép và kêu: nhơ, nhơ! Bao nhiêu ngày còn mang vết thương nơi mình, người ấy mắc uế, nó nhơ, nó sẽ ở riêng một mình, chỗ nó ở phải để bên ngoài trại. Khi áo mà có vết thương phong hủi, dù là nơi áo len hay áo vải, nơi sợi dọc hay sợi ngang của tấm vải hay tấm len, nơi da hay nơi vật gì bất cứ làm bằng da, nếu có vết thương xanh xanh hay đo đỏ nơi áo, nơi da, nơi sợi dọc sợi ngang hay nơi đồ gì bất cứ bằng da: Đó là vết phong hủi: người ta sẽ tỏ cho tư tế xem. Tư tế sẽ xem xét vết thương ấy và giam cứu vật có vết thương bảy ngày. Ngày thứ bảy ngài sẽ xem xét vết thương, nếu thấy vết thương loang ra nơi áo, nơi sợi ngang hay sợi dọc, nơi da và vật gì bất cứ làm bằng da, vết thương ấy là phong hủi dễ lây: Đó là vật dơ. người ta sẽ đốt đi, áo hay sợi ngang sợi dọc len hay vải hay đồ đoàn gì bất cứ bằng da mà có vết thương ấy: Đó là phong hủi dễ lây! Phải phóng hỏa nó đi! Đó là phòng loang lở, ngươi sẽ phóng hỏa vật có vết thương ấy! Áo hay sợi ngang sợi dọc hay đồ gì bất cứ bằng da, ngươi giặt rồi và vết thương đã biến, người ta giặt nó lần nữa và nó là sạch. Đó là luật về vết thương phong hủi nơi áo len hay áo vải, hay sợi ngang sợi dọc hay đồ gì bất cứ bằng da, để tuyên bố nó là sạch hay là dơ”.
Luật liên quan tới sạch và dơ trong Sách Lêvi được áp dụng triệt để trong thời Chúa Giêsu. Phúc Âm nói “Lúc Người vào một làng kia thì có 10 người phong cùi đón gặp Người. Họ đứng lại đàng xa và kêu lớn tiếng “Lạy Thầy Gisêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi! Thấy vậy, Đức Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế!”.
Người phong cùi bị coi như dơ bẩn, ô uế, phải sống xa người lành sạch. Họ ăn mặc rách rưới và trên tay luôn có chuông để báo động “dơ bẩn!” cho mọi người xa tránh họ. Họ đứng từ đàng xa kêu cầu Chúa Giêsu cứu họ. Chúa Giêsu đã bảo họ “Hãy đi trình diện với các thầy tư tế!” Thầy tư tế có quyển thẩm định bệnh cùi và tuyên bố ai sạch và ai dơ là vì: Có bệnh, có nghĩa là có tội. Có bệnh có nghĩa là bị loại khỏi sinh hoạt cộng đoàn. Linh mục trong thời Cựu Ước là người có quyền tuyên bố người mắc bệnh hay khỏi bệnh, người nào sạch hay kẻ nào dơ, người nào được quyền trở lại sống chung trong cộng đoàn và người nào không.
Đau khổ tinh thần của người bị bệnh phong cùi: Bị khai trừ khỏi cộng đoàn nhân loại và bị xếp vào hạng dơ bẩn, bị mọi người xa tránh.
Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, như tiên tri Elisa trong bài đọc một trích từ sách Các Vua. Họ tin tưởng kêu Chúa cứu chữa. Chúa chữa người phong cùi khỏi bệnh, có nghĩa là phục hồi quyền chung sống trong cộng đoàn nhân loại. Cùng một cách thức, Chúa cứu chúng ta khỏi tội lỗi và dơ bẩn. Ngài trả lại cho chúng ta tình trạng sạch sẽ như thuở ban đầu và phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, sống trong cộng đoàn Dân Thánh chúa.
3. Chúa Giêsu chữa bao nhiêu người phong cùi? Sao Ngài không chữa hết tất cả người phong cùi thời ấy?
Người ta có thể liệt kê được tất cả 34 phép lạ Chúa Giêsu thực hiện. Trong số nầy có 2 phép lạ chữa lành những nạn nhân phong cùi:
Trong Phúc Âm Matthêô 8:1-3 và trong Phúc Âm Thánh Marcô 1:40-42 tường thuật rằng: Sau bài giảng trên núi, đám đông kéo đến với Chúa. Có một người bị bệnh phong cùi đến quì trước Ngài và van xin “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi hết bệnh!”. Chúa Giêsu chạm đến người phong cùi và nói “Ta muốn anh khỏi bệnh!”. Lập tức bệnh cùi biến mất.
Trong bài Phúc Âm Thánh Luca 17:11-19 hôm nay, Chúa chữa 10 người phong cùi vì họ đã tin Chúa là Đấng Cứu thế và kêu cầu “Lạy Thầy Giêsu, xin cứu chữa chúng tôi!”. Chúa bảo họ đi trình diện tư tế và tất cả 10 người đã được lành sạch.
Như vậy chỉ có 11 người được chữa khỏi bệnh cùi. Chắc chắn còn hàng ngàn nạn nhân phong cùi khác rất ước mong được chữa lành? Chúa không chữa lành tất cả nạn nhân phong cùi. Cũng giống như Chúa cũng không cho tất cả những ai chết sống lại, mà chỉ có con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô và Lazarô bạn của Chúa. Lý do:
Phép lạ được thực thi không nhằm mục đích chữa bệnh hay cứu sống phần xác, nhưng nhằm chứng minh rằng:
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đã được các tiên tri loan báo.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu con người khỏi tội và ban cho con người sự sống vĩnh cửu.
Chúa Giêsu không làm vai trò của thầy thuốc chữa bệnh thể lý. Nhưng qua việc chữa bệnh phần xác, Chúa hướng đến việc chữa trị phần tâm hồn mà chúng ta gọi là cứu độ.
Chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện không chỉ với quyền năng phi thường, nhưng với sự hợp tác của các tông đồ và của các môn đệ Chúa.
Tất cả chúng ta được kêu gọi làm môn đệ Chúa để mang tin mừng cứu độ loan truyền khắp thế gian. Chúng ta có bổn phận tiếp tục thực hiện những phép lạ chữa bệnh tâm linh mà Chúa đã dùng phép lạ chữa bệnh thể lý để chứng minh vai trò cứu nhân độ thế của Chúa và của Giáo hội.
III. Thực hành Phúc Âm:
Đôi tay cầu nguyện: Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ XVI. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh “Ðôi tay cầu nguyện”.
Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt. Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữa. Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: “Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn”.
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ. Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội lỗi… Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài. Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: Nơi nào Tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tới.
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: Tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời. Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: Trong 3 nhân Đức Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời. Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử… (Lẽ Sống, Radio Veritas)