Nghe đồn quản lý bất trung, Chủ gọi tính sổ kết chung thế nào? Quản lý cho gọi nợ vào? Sửa lại số nợ, đón chào ngày sau!
Chủ khen quản lý mưu cao, Thất nghiệp, vẫn giữ hầu bao dự phòng. Sống là tiên liệu, đề phòng, Của cải tạm bợ, chớ hòng mang theo.
Một chủ! một Chúa! bám đeo, Coi tiền là Chúa, sẽ gieo khốn cùng. Nô lệ tiền của là khùng, Chỉ là phương tiện, xin dùng khôn ngoan.
Thương người đói khổ lầm than, Rộng tay giúp đỡ, bình an cuộc đời. Đó là mua lấy nước Trời, Bằng chính tiền của tạm thời chóng qua. Amen.
CHÚA NHẬT XXV QUANH NĂM – C.
Sách Tiên Tri Amos 8, 4-7; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Timôtê 2, 1-8 và Phúc Âm Thánh Luca 16,1-13
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’
“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’
“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
I. Giáo huấn Phúc Âm:
Người khôn ngoan là người biết chọn Thiên Chúa làm chủ duy nhất đời mình. Vỉ chỉ có Thiên Chúa mới ban cho chúng ta hạnh phúc thật. Tiền của vật chất tạm bợ và chóng qua và không cho hạnh phúc vĩnh cửu thiên đàng.
Không nên gian manh, nhưng biết khôn ngoan, biết trù liệu để dùng của cải vật chất mau qua mà tạo gia sản hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
II. Diễn giải Phúc Âm:
1. Bài đọc I trích trong sách Tiên tri Amos, Tiên tri Amos là ai?
Tiên tri Amos, một người chăn cừu trong vùng xa mạc Yuđa, ở Têqoa, một miền nghèo khó và quê mùa, ông lên Nước Israel phía Bắc ngay vào thời cực thịnh nước ấy, dưới triều Giôrôboam II. Ông nhìn thấy những hậu quả của giàu sang và cảnh xa hoa đang tiến. Nhưng qua cái vẻ hào nhoáng ấy, ông nhận ra căn bệnh suy đồi của xã hội. Xã hội Israel đã ra thối nát và khoái cảm, vì những bất công áp bức trên hạng lê dân nghèo khó. Đối với lòng tin vào Giao Ước của ông, đó là một sự lăng nhục đến chính Thiên Chúa. Đạo quốc gia bề ngoài được ưu đãi, và nguồn lợi tức dồi dào. Trên có nhà vua bảo vệ, dưới thì có hạng giàu có, những mệnh phụ Samari nâng đỡ. Lễ nghi rất mực trang trọng, phụng vụ cử hành oai nghiêm. Nhưng Amos lại phán đoán theo những tiêu chuẩn khác: Sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực là phải thương yêu và nâng đỡ người nghèo.
Amos tin về liên lạc mật thiết đã có giữa Thiên Chúa và Israel: Đó là Giao Ước, kết lại trong châm ngôn: Israel là dân của Yavê và Yavê là Thần của Israel. Amos tin Thiên Chúa của Israel là một Thần sống, hoạt động cách quyền năng trên lịch sử. Ông cầm chắc rằng, quyền năng phép tắc của Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra trong một biến cố lịch sử kinh hoàng. Vào ngày của Yavê, Thiên Chúa của Israel sẽ thi thố uy quyền của người trên mọi dân thiên hạ. Thiên Chúa yêu mến Israel, dĩ nhiên rồi. Nhưng Nguời còn chuộng sự chính trực hơn. Người không lo đến quyền lợi của dân Nguời, cho bằng sự thiện muôn thuở. Israel mà rẻ rúng sự thiện, thì án Thiên Chúa sẽ đến trên họ.
Trong loạt sấm ngôn mở đầu, Amos hạch tội các dân láng giềng. Dân Aram sẽ bị phạt vì đã dã man giết người. Dân Philitin, dân Phênikia mắc tội bán người làm nô lệ cho Edom, vì chém giết một dân anh em. Dân Ammôn, vì muốn khuếch trương bờ cõi mà gieo chiến tranh tàn khốc, giết cả đàn bà trẻ con. Dân Moab, vì đã hành hạ dã man thây chết một vua Eđom bại trận. Một lũ phạm nhân chiến tranh đáng tội theo quả báo việc chúng làm. Nhưng tội nhân được dành cho án phạt nặng nhất, một cách bất ngờ lại là Israel (Am. 2 6-7).
Như vậy được làm dân Thiên Chúa có nghĩa là mang một trách nhiệm đặc biệt, chứ đâu có phải là để hưởng đặc ân (Am. 3, 2). Lễ nghi, tế tự dẫu có tăng thêm mấy đi nữa cũng không thể thay đổi được sự thật này là: Thiên Chúa hằng sống chí công quản cai vũ trụ, đâu có tội, đó có vạ, dân có tội, dân sẽ chịu lấy họa. Những kẻ coi như tín điều là ngày của Yavê đến, Israel vì là dân của Thiên Chúa, sẽ toàn thắng mọi địch thù: Những kẻ đó chỉ ôm ấp một ảo tưởng. Thiên Chúa nhắm đến trong ý định của Người không phải là cái thắng trận của Israel, nhưng là sự toàn thắng của sự thiện.
Đừng ngủ mê trên xuôi thuận yên hàn. Tiên tri có linh cảm là thời thế nguy ngập. Cuộc xâm lược của Assur coi như xa xôi, nhưng chẳng bao lâu cơn giông sẽ đến, và án Thiên Chúa sẽ trút xuống dân phản bội. Chỉ còn một điều có thể ngăn được đại họa là ghét sự dữ và mến điều lành, chuộng công lý ( Am, 5, 15). Đó là tín thư cốt yếu của các sấm ngôn Amos, vào giữa thế kỷ thứ VIII một quả quyết: Lịch sử được diễn ra trong một trật tự luân lý. Theo dòng lịch sử, lanh hay chậm, tương quan quả báo tội và vạ sẽ không phải là sự ngẫu nhiên, đó là sự phán xét của Thiên Chúa hằng sống và chí công, vì chính Người là Chúa trên lịch sử. Mạc khải sẽ còn tiến và vì thế cái nhìn của Amos có khi còn khá giản lược. Nhưng quả quyết của ông: Lịch sử không phải do ngẫu nghiên mù quáng hướng dẫn, nhưng được đặt trên bình diện lý trí phán đoán và tự do lựa chọn và có trách nhiệm dưới sự quản cai của Thiên Chúa – quả quyết ấy rất căn bản, đó là khơi điểm cho tư tưởng tiên tri, cũng như cho sự Amos hiểu lịch sử và thực tế nếu không muốn hạ giá vũ trụ nhân loại xuống dưới luật dã thú rừng hoang vô tư vô hại.
2. Phải hiểu thế nào vế việc làm bất chính của người quản gia: Thay đổi biên nhận của những con nợ từ 100 thùng dầu còn 50, từ 1.000 thùng lúa còn 800… Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo.
Ông chủ biết quản gia mình bất tín, yêu cầu thanh toán sổ sách và cho nghỉ việc.
Ông chủ biết quản gia mình gian manh biển lận sửa đổi biên nhận của các món nợ.
Nhưng ông vẫn để anh ta làm và còn khen là khôn ngoan. Khôn ngoan chắc chắn không đồng nghĩa với gian manh xảo trá hay biển lận. Nhưng anh quản gia khôn ngoan vì biết lo xa, biết dự trù cho mình có cuộc sống thoải mái sau khi mất việc.
Từ đó chúng ta hiểu được lời khuyên của Phúc Âm là “hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc họ sẽ đón anh em vào nơi vĩnh cửu” Người quản gia bất tín được nhìn nhận khôn ngoan ở chỗ biết tận dụng thời gian còn tại chức tạm thời mà thu xếp cho một tương lai ổn định lâu dài. Cũng vậy: Cuộc sống trần gian chóng qua ai cũng biết. Tiền của nay còn mai mất ai cũng rõ. Vậy người khôn ngoan là người biết dùng thời gian tạm bợ ở trần gian và tiền của vật chất chóng qua để tạo cho mình một cuộc sống vĩnh cửu trên nước thiên đàng mai sau.
Có nhiều người thất mắc: tại sao lại gọi là ‘dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè’ hoá ra giống như lợi dụng, mua chuộc hay hối lộ hay na ná như bên Việt Nam mình phải ăn nhậu, hay quà cáp cho các quan chức, cán bộ nhà nước thì mới được phép mua bán làm ăn hay được nhận làm việc. Thật sự đây chỉ là cách nói đời thường tạo sự dễ hiểu cho mọi người: Đừng quá coi trọng tiền của vật chất mau qua. Tiền bạc không là đích điểm đời người. Nhưng là hạnh phúc, là sự sống vĩnh cửu mai sau. Nên phải hy sinh cái tạm bợ, cái chỉ có giá trị nhất thời để đạt đến cái có giá trị trường cữu. Vắn tắt: Tiền bạc của cải vật chất chỉ là phương tiện, đừng biến nó thành chủ nhân ông. Chỉ có Chúa mới là chủ nhân đích thực để chúng ta phụng sự tôn thờ. Vì Chúa là trường cửu mới có khả năng ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu. (Từ Vựng thông thường trong Kinh Thánh dựa trên Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh)
III. Thực hành Phúc Âm:
Xin Chúa tha thứ cho tôi:
Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẫu chuyện như sau: Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.
Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn là chưa hề làm được một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: “Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi”. Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa ước nguyện như sau: “Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng”. Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: “Ít ra mình cũng làm cho người vui”. Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: Đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không. Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay. Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình. Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng”. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết. Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mồng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.
Chúa Giêsu đã nhìn thấy quả tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta. (Lẽ Sống, Radio Veritas)