Bài giảng Chúa Nhật thứ I Mùa Chay – Năm C.
Tuần này Hai Lúa ra đồng
Bận sáng bận tối lo trồng lo chăm
Mùa Chay sám hối hồi tâm
Vậy mà dân chúng như câm như mù.
Lửa dục bốc, mắt tối hù!
Ăn nhiều ăn vặt vù vù lên cân
Đức tin lạnh ngắt nghĩa ân
Chúa ơi! dẫn lối cho dân đường về. Amen
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Sách Đệ II Luật 26, 4-10;
Thư Thánh Phaolô gửi Rôma 10,8-13
và Phúc Âm Luca 4. 1-13
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Đó là Lời Chúa
Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
Thơ diễn ý:
Chay tịnh lâu, Chúa thấy đói
Ma quỉ đến gần dở thói điêu ngoa:
Chỉ cần một câu phán ra
Đá cuội thành bánh! Hoan ca thoả lòng!
Quỉ ơi! Nhớ học thuộc lòng
Lời Chúa! sức sống thoát vòng hư danh.
Quỉ chưa hết thói lưu manh
Góc tường thành thánh tinh ranh dở trò
Nhảy đi chẳng có lọi giò
Thiên thần nâng đỡ hộ phò từng li
Quỉ ơi thách thức làm chi!
Quyền năng Thiên Chúa đem đi trổ tài?
Phạm thượng hỗn láo hết xài
Nếu thờ lạy nó: tiền tài giàu sang
Thiên Chúa Tạo Hoá Vinh Quang
Thờ lạy mình Chúa! vẻ vang cuộc đời. Amen
I. Giáo Huấn Phúc Âm:
- Có ma quỉ, có tà thần, có tranh chấp giữa Chúa Giêsu và ma quỉ.
- Có tranh chấp giữa Giáo Hội và ma quỉ .
- Có tranh chấp giữa cá nhân và ma quỉ.
- Ma quỉ cám dỗ không trừ ai. Cám đỗ đến với mọi người.
- Cám dỗ và tranh chấp xảy ra mọi chỗ.
- Cuộc sống là một cuộc chiến liên lỉ, thắng hay bại, tùy theo những gì mình trang bị cho đời sống: đầy Chúa Thánh Thần và phải ăn chay cầu nguyện liên lỉ.
II. Dẫn giải Phúc Âm.
1/ Phúc Âm Nhất Lãm và tường thuật về việc Chúa bị cám dỗ trong sa mạc – (Đã có in trong GLPÂ Năm A&B)
Tường thuật việc Chúa ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỉ cám dỗ trong Phúc Âm Nhất Lãm có phần khác nhau:
Luca và Matcô tường thuật: Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỉ cám dỗ…có vẻ như Chúa bị cám dỗ liên lỉ suốt bốn mươi ngày. Còn Phúc Âm Thánh Matthêô bảo: Sau khi ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày.. Ngài thấy đói và ma quỉ xuất hiện cám dỗ…(Matt.4,1-11) Cám dỗ đến sau khi ăn chay cầu nguyện? Tường thuật nào đúng?
Trong ba Thánh Sử của Phúc Âm nhất lãm, chỉ có Matthêô là tông đồ Chúa chọn. Trong thực tế, khi được dẫn vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện, Chúa chưa chọn tông đồ hay môn đệ nào cả. Như vậy ba thánh sử tường thuật lại chuyện Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa theo lời kể của Chúa hay của ai đó.
Như có lần đã nói: Phúc Âm không là phóng sự chiến trường hay một thứ tường thuật tại chỗ mắt thấy tai nghe. Nhưng là Giáo Lý của các Tông đồ: Nhiều chục năm sau, sau khi Chúa về trời các Tông Đồ đi truyền đạo và viết lại hay nhờ người viết lại để dạy giáo lý và để trình bày quan điểm thần học của mình. Nên chúng ta không nên trả lời là trường thuật nào đúng? Không có tường thuật nào chính xác trăm phần trăm với sự kiện xảy ra cả. Nhưng chúng ta phải trả lời là qua tường thuật, thánh sử muốn nói gì?
Chúa bị cám dỗ suốt bốn mươi ngày theo tường thuật của Matcô và Luca để nói rằng: Cám dỗ không bao giờ mệt mỏi hay cho chúng ta “nghỉ xả hơi” hay có thời gian “hưu chiến” trong cuộc đời chúng ta. Quan điểm thần học nầy xem chừng rất thật trong cuộc sống Kitô hữu. Thí dụ: Lúc nào? Tuổi nào? và ở lên tới địa vị nào thì chúng ta sẽ không còn bị cám dỗ về ham muốn nhục dục? Cám dỗ bất chấp thời điểm, tuổi tác hay địa vị. Còn địa vị nào cao cho bằng Tổng Thống nước Mỹ như Tổng Thống Bill Clinton, nhưng ông vẫn bị cám dỗ và tằng tịu với Monica ngay trong phủ tổng thống? Nên chúng ta thấy thánh Luca kết thúc bài phúc âm hôm nay bằng câu “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi để chờ dịp khác!” Ma quỉ chưa chịu thua! Đây là cuộc chiến dai dẳng không ngưng nghỉ.
Còn tường thuật Thánh Matthêô cho thấy “Ma quỉ xuất hiện cám dỗ Chúa sau khi đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày” Thánh Matthêô có ý nói: Chúa là Con Thiên Chúa. Chúa đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày… vậy mà vẫn bị cám dỗ: Cám dỗ không trừ ai và cũng không ngán một khí giới nào cả. Đừng nghĩ mình chức cao quyền trọng, đi đâu cũng đọc kinh lần hột mà ma quỉ không dám cám dỗ. Lầm to! Đức Cha Raymond Lahey, giám mục địa phận Antigonish của Canada tháng 10.2009 đã phải từ nhiệm vì lưu trữ hình trẻ em trần truồng. Ngài sinh năm 1940, tức đã 69 tuổi, và đã lên làm Giám Mục, hàng giáo sĩ cao cấp nhất trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1986. Muốn lên làm Giám Mục, điều kiện không chỉ là linh mục mà còn là linh mục đạo đức, vững chắc trong đức tin, tinh thông khoa học thánh và đáng tín nhiệm. Vậy mà ….vẫn tiêu!
2/ Phúc Âm diễn tả “quỉ xuất hiện cám dỗ, hay quỉ nói với Người hay quỉ trích dẫn Kinh Thánh… Nếu Ông là Con Thiên Chúa…”, xem chừng quỉ hiện hình và mặt đối mặt với Chúa trong sa mạc
Trưới khi trả lời xem khi cám dỗ Chúa, ma quỉ có hiện hình hay không? Chúng ta thử nghiệm lại xem: hằng ngày chúng ta bị ma quỉ cám dỗ để phạm vô số tội khác nhau, ma quỉ có hiện hình không? Chúng ta có thấy ma quỉ như thế nào không?
Nến chắc một điều là quỉ không hiện hình như chúng ta có trong trí về quỉ: Một tên thân thể trần trụi, đen thủi đen thui như than, có hai sừng nhọn hoắc, rồi còn thêm cái đuôi phe phẩy sau đít, mặt mày nham nhở xấu xí… Quỉ là thần, làm sao có hình để hiện. Hơn nữa nếu quỉ hiện hình ghê tởm như vậy thì làm sao cám dỗ được ai?
Như vậy quỉ cám dỗ Chúa cách nào?
Satan khuấy động bản năng tự nhiên nơi con người Chúa Giêsu.
Đói sinh thèm ăn hay cần ăn.
Cần ăn hay thèm ăn sinh sáng kiến kiếm ăn.
Phương thế kiếm ăn được dự định thực hiện bằng chuyện dùng thần quyền: Biến đá thành bánh.
Cám dỗ thứ hai: Chúa biết mình có khả năng “gieo mình xuống đất từ nơi cao mà không vấp chân vào đá” Satan khuấy động việc thi thố khả năng “làm xiếc” của Chúa Giêsu.
Chúa bị khuấy động muốn thi thố khả năng, làm cho Satan lé mắt, nể sợ một phen.
Ai trong chúng ta cũng đã từng bị cám dỗ và cũng đã từng sa chước cám dỗ. Chúng ta có thể nghiệm lại xem mình đã bị cám dỗ như thế nào và đã sa chước cám dỗ ra sao? Chúng ta thường bị cám dỗ để nói xấu người khác. Người thứ ba đến gợi lên cho chúng ta vài khuyết điểm của đối tượng và thêu dệt một viễn ảnh tốt “giúp xây dựng nhau trong tình bạn!”. Hay quá! Thực tế, chúng ta chưa có ý và cũng chưa biết xây dựng trong tình bạn là như thế nào. Cái chúng ta biết là khuyết điểm người khác. Rồi chúng ta chia sẻ những khuyết điểm nầy với người chung quanh để gọi là giúp xây dựng nhau cho tốt hơn. Sau cùng, chuyện xây dựng không thấy, nhưng ai cũng biết người kia có những khuyết điểm do chúng ta cung cấp.
Chắc chắn quỉ không có hiện hình. Nhưng quỉ dùng thủ đoạn để khơi dậy bản năng hướng chiều về tội của chúng ta. Chúng ta gọi là bị cám dỗ và sa ngã.
Tôi cũng không chối bỏ những trường hợp đặc biệt như Thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars ở Pháp. Quỉ đã ra tay mạnh để đuổi Ngài ra khỏi giáo xứ: như ném Ngài xuống đất ban đêm và đốt giường ngủ của Ngài. Đó là những tấn công từ bên ngoài. Rất ít thấy! Đại đa số là khuấy động dục vọng, lòng ham muốn thấp hèn tự tại nơi chúng ta. Vì thế có nhiều người bị mắng “con quỉ!” hay “thằng quỉ!” hay “đồ quỉ” để cho thấy, hành động của những người kể trên do quỉ hướng dẫn. Chúa cũng có lần mắng Phêrô “Satan hãy lui ra đàng sau Ta!” (Matt.16,23) Vì ý kiến của Phêrô ngược lại ý Chúa.
III. Thực hành Phúc Âm:
1/ Tên quỉ háo danh thịnh hành
Tôi học ở Rôma hai năm. Làm học trò già cắp sách đến trường cũng chả vinh sang hay danh dự gì. Mướn chỗ ở trong một học viện người Canada năm thứ I, tới năm thứ II sang học viện Philuậttân vửa mắc mỏ, vừa chật chội, gò bó… Vật giá cao, tiền bạc thiếu thốn… nên cũng phải dè sẻn từ xu….Đi thì toàn xe bus hay di chuyển công cộng….Tôi muốn nói là không có gì đáng hãnh diện. Vậy mà khi đi đâu đó…MC. buổi lễ giới thiệu: Đây Cha….mới vừa từ Rôma đến… Ối chu choa, muôn người trố mắt nhìn… tưởng đâu nhân vật quan trọng lắm…. Quỉ háo danh, ham tiếng trong tôi cũng quậy dữ! Được ai hỏi: Cha có hay dâng lễ với Đức Giáo Hoàng hay Cha có gặp Đức Giáo Hoàng không? Thì tôi cũng gật gù xem chừng mình cũng là cái gì đó trong tương quan với toà thánh…. Kỳ thực… Toà Thánh có tới 4000 ngàn nhân viên. Tôi không được vô số nầy thì làm sao gọi là người quan trọng….. Nhưng quỉ háo danh cứ lặp đi lặp lại từ “Rôma và Rôma!” làm tôi cũng thích thích.
Cũng có nhiều và khá nhiều người đang luồng lách với các hồng y bộ trưởng để tìm một chỗ làm trong bộ nào đó ở Vatican….Ai cũng muốn mình có chỗ quan trọng, có chút ít danh tiếng với núi sông….quỉ hám danh đang hoành hành dữ tại đó!
2/ Thách thức và thi thố
Khi còn nhỏ tôi hay đánh lộn và hay ăn thua đủ với những bạn bè trang lứa trong họ đạo. Đánh lộn thường do những chuyện trẻ con như giành sân chơi hay giành trái banh để đá. Nhưng nhiều khi đánh lộn vì bị người khác thách thức: Thằng đó nó chưởi ba mầy, thằng kia nó ăn hiếp chị mầy… thế là hai thằng bé đánh nhau nhiều khi sưng cả mặt mày, trầy da chảy máu. Thường tôi thắng, nhờ to con một chút, tôi đè được đối thủ xuống. Nhưng thật sự ai là người thắng cuộc?
Không phải tôi chút nào! Nhưng là người thách thức để tôi gây chiến, đánh nhau và thi thố sức lực của mình.
Thế giới nầy có rất nhiều thầy dùi, chuyên thách thức người khác thi thố khả năng để thủ lợi. Chiến tranh Việt Nam hai mươi năm tàn khóc là một bài học nhớ đời cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc thông minh, cần cù, nhưng dễ bị thách thức. Máu người Việt chảy thành sông và xương người Việt chết vì chiến tranh chất thành núi. Chính nghĩa nào? Tư bản hay cộng sản? Tất cả chỉ là những trò phỉnh gạt để cho những cường quốc có chỗ tiêu thụ vũ khí và tranh giành quyền bá chủ thế giới. Sự tàn ác của những tên thầy dùi là tiêm vào máu dân nhược tiểu lý tưởng bảo vệ hòa bình, tranh đấu cho chính nghĩa. Sau cùng là lòng thù hận lẫn nhau, nhảy vào cuộc chiến để xâu xé và giết chết nhau. Những thầy dùi nầy không khác gì Satan thách thức Chúa? Sao không biến đá thành bánh mà ăn? Sao không bỏ bom oanh tạc để trừng phạt nó cho đích đáng?
Thách thức để thi thố khả năng hay chỉ để trổ tài là chuyện của ma quỉ. Nếu chúng ta thi thố khả năng hay thực hiện chuyện thách thức hay ăn thua đủ với người khác là chúng ta bị sa chước cám dỗ. Khả năng Chúa ban, dù nhiều như người nhận năm nén bạc hay ít như người nhận chỉ một nén bạc, đều được kêu ngọi để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho cá nhân và người khác. Khả năng không được dùng để thỏa mãn tự ái hay trổ tài dằn mặt người khác. Mỗi ngày chúng ta đọc kinh lạy Cha nhiều lần. Xin hãy thật sự cầu xin “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” Amen.