Bài giảng Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng – Năm C.
Giữa tuần bận bịu bào chế:
Thuốc ngủ nặng đô không ế bao giờ
Cho vô thần trí vật vờ
Lời Chúa lương thực, bến bờ BÌNH AN.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, NĂM C
Sách Ngôn Sứ Xôphônia 3.14-18;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Phillipphê 4.4-7
và Phúc Âm Thánh Luca 3.10-18
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Ðó là lời Chúa.
Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
Thơ diễn ý:
Dân chúng đến hỏi Gio-an
Làm gì nếu muốn canh tân cuộc đời?
Ông Gioan mau mắn trả lời
Chia cơm, xẻ áo cho người kém may
Thu thuế bày tỏ lòng ngay
Làm sao để gọi ăn ngay ở lành?
Ông Gioan cắt nghĩa ngọn ngành
Không đòi quá mức hiện hành ước qui.
Quân nhân muốn biết thực thi?
Bằng lòng lương bổng, gian phi tránh chừa.
Nhiều người mộ mến thân thưa:
Ông là Đấng LỜI HỨA xưa đây mà
Ông Gioan ngắn gọn thật thà:
Tôi không phải Đấng từ nhà Jes-sê
Đấng ấy cao trọng khỏi chê
Tôi đây không đáng cởi bê dép Người.
I. Giáo Huấn Phúc Âm:
Giáo huấn của các bài đọc trong Chúa Nhật III Mùa Vọng năm C là ‘hãy vui mừng’
Tiên tri Xôphônia bảo hãy reo vui, vì án lệnh phạt đã được thu hồi.
Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Phillipphê là “vui lên anh em! Vì Chúa đã gần đến”
Phúc Âm Thánh Luca cho thấy: Dân chúng chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế bằng cách đến gặp Gioan để xin chịu phép rửa sám hối và hỏi xem phải làm gì để đón Đấng Cứu Thế?
Gioan Tiền Hô loan báo về Đấng CứuThế đích thực, Đấng đến sau Ông và cao trọng hơn Ông, Đấng làm phép rửa trong lửa và trong Thánh Thần.
II. Dẫn giải Phúc Âm.
Tiên tri Isaia
Isaia sinh khoảng năm 765 trước Công Nguyên. Vào năm 740, ông lãnh nhận sứ vụ tiên tri, loan báo sự sụp đổ của Israel và của Giuda, hình phạt dành cho những bất công của dân (Is 6,1-13). Ông sống và làm việc lâu năm tại Giê-ru-sa-lem dưới triều bốn vua nước Giu-đa. Đó là thời kỳ loạn lạc, do dự bành trướng của đế quốc A-si-ri gây nên. Giu-đa thời ấy nhiều lần bị đe dọa do các cuộc xâm lăng của ngoại bang, nhất là cuộc xâm lăng đến từ A-si-ri. Vua quan và dân chúng sợ hãi, lo phòng thủ, tính chuyện liên minh, cầu cứu ngoại bang. Nhưng Isaia nhắc nhở họ không nên đặt niềm tin vào quyền lực con người, chỉ đặt niềm tin vào một mình Thiên Chúa vì: Ngài có quyền trên mọi dân nước (Is 7,18-20; 9,10-11; 10,5-6; 30,31-32); Ngài hạ bệ những ai kiêu căng chống lại Ngài (Is 2,6-22; 5,15-16;10,15.33-34; 13,11); ai tin tưởng vào Ngài sẽ đứng vững không nao núng (Is 7,1-9; 30,15-18). Những ai đặt niềm tin tưởng vào Đức Chúa, sẽ được cứu trong “Ngày của Ngài”:
Tiên Tri Isaia lấy người vợ được gọi là ‘nữ tiên tri’. Không biết vì bà nầy thật là tiên tri hay vì chồng bà là tiên tri và bà được ‘ăn có’? Tiên tri Isaia có hai con trai, một được đặt tên là Shearjashub có nghĩa là “hồi hương” và một tên là MaherShalal Hash Baz, có nghĩa “cướp phá” Tên gọi người con thứ I nói lên sứ vụ tiên tri của Isaia như báo tin ân xá cho kẻ lưu đày, phóng thích cho tù nhân, công bố năm hồng ân… Tên gọi người con Thứ II nói lên thời gian mà Israel phản bội Chúa, cấu kết với ngoại giáo và nhận chịu hậu quả trừng phạt.
Qua việc đặt tên cho hai người con nầy, nhiều người có thể thắc mắc tại sao thời đó mà chỉ có hai con? Hay tại sao chỉ có con trai mà không có con gái. Nêu tên hai con trai không nói rằng: Isaia chỉ có hai con trai hay không có con gái mà chỉ có ý nói về vai trò của tiên tri liên quan đến tên hai người con trai nầy.
Ảnh hưởng lớn của sách Tiên Tri Isaia: Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã dùng Sách Tiên Tri Isaia rất nhiều nhất là lời hứa về Đấng Emmanuel cũng như hình ảnh đầy tớ đau khổ mà người ta thấy thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Kitô. Nhiều bài đọc trong mùa vọng và tuần thánh trích từ sách Tiên Tri Isaia.
Một trong sứ mạng của tiên tri là: Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (Anna Dei gratia – Year of the Lord’s favor) Năm hồng ân của Thiên Chúa dựa trên Sách Lêvi 25.10-13 được công bố cứ từng 25 năm. Năm hồng ân công bố rằng: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá. Đất đai và mọi thứ hiện hữu trên vũ trụ là do Ngài sáng tạo. Thiên Chúa phân phát những sản nghiệp nầy cho nhân loại là những người quản lý gia sản của Ngài. Không ai là chủ cả, mà là tá điền thôi. Nên năm hồng ân cho phép huỷ bỏ mọi thứ cầm cố, vay mượn. Năm hồng ân làm cho mọi người thoát nợ nần và được tự do.
Hiện tại Giáo Hội Công Giáo vẫn giữ năm hồng ân, tuy nhiên hướng chiều về điều linh thánh như năm Thánh 2000 được tuyên bố ban hồng ân Chúa cho nhân loại. Ngoài ra Đức Giáo Hoàng cũng có thể tuyên bố năm nào đó là năm thánh, thí dụ từ 19/6/2009 đến 11/6/2010 là Holy Year for priest, Năm Thánh Linh Mục. Giáo Hội Việt Nam lấy năm, 2010 làm Năm Thánh tổ chức Đại Công Nghị cho toàn Giáo Hội. Tất cả chỉ còn là dịp để canh tân, cầu nguyện và hâm nóng đời sống thiêng liêng, chứ không còn là chuyện tha nợ nần vật chất gì nữa.
“Nhưng có một vị đang ở giữa các Ông mà các Ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người!”
Tôi xin dùng kiểu diễn tả tượng hình của người Việt Nam mình để giải thích câu nói về bản tính Thiên Chúa cao cả nơi Đức Kitô của Gioan Tiền Hô.
Để diễn tả cảnh chen chúc đông người chật chội, người Việt Nam hay nói: đông nghẹt người, hay đông như nêm hay đông như bánh canh.
Để diễn tả Tỉnh Bặc Liêu vừa có nhiều cá chốt mà cũng có nhiều người Tàu Triều Châu thì người ta bảo: Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Để diễn tả về sang hèn giữa khách mời và gia chủ thì người ta nói: Cám ơn đã dời gót ngọc đến tệ xá.
Để diễn tả về vẻ đẹp của một phụ nữ thì người ta bảo: sắc đẹp làm chim sa cá lặn hay hoa nhường nguyệt thẹn hay nghiêng thành đổ nước.
Mới đây, một người bạn linh mục đã diễn tả xứ đạo khỉ ho cò gáy của Cha ấy bằng một diễn tả thật gợi hình như thấy được. Cha ấy nói: Chỗ tôi muốn mua cục kẹo cũng không có hay chỗ tôi, lúc chín giờ tối chạy xe tìm người đụng cũng không thầy. Còn chỗ nào vắng hơn!
“Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép người” Đây là cách diễn tả của Gioan Tẩy Giả để chứng mình Thiên Tính nơi Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả được xếp vào hạng tiên tri và người ta những tưởng Ông là Đấng Messiah, vậy mà so sánh với Chúa Giêsu, ông không đáng cởi dây dép cho Người. Đấng Cứu Thế đang ở giữa chúng ta là Thiên chúa, là Con Thiên Chúa, giữa Chúa và con người, dù là tiên tri như Gioan cũng không thể so sánh. Hoàn toàn khác biệt như chủ nô. Gioan so với Chúa không bằng tên nô lệ với Ông chủ mình, nô lệ còn có thể cởi dép cho chủ, đàng nầy Gioan “không đáng cúi xuống cởi dép Ngài”.
Cách diễn tả để tuyên xưng Thiên Tính cao trọng nơi con người Chúa Giêsu, thành Nagiarét, Ngài là Con Thiên Chúa, sinh làm người và ở giữa phàm nhân.
III. Thực hành Phúc Âm:
Thân con hèn mọn:
Chúng ta thường nghe xáo ngữ nầy nơi những người không chịu hèn mọn chút nào:
Có linh mục kia làm phó xứ biên thư mời Ông Bà Cố nọ trong xứ đến tham dự tiệc vui hàng xứ. Thư tay có phong bì hẳn hoi được gửi đi. Sau đó bị trả lại với chú thích: Cha làm linh mục mà không biết cách xưng hô cho phải phép….Vì ngoài phong bì chỉ đề đơn giản: Kính gửi Ông Bà… Ông Bà Cố nầy cho rằng Cha phó không biết lễ độ xưng hô vì không đề Ông Bà Cố…Đúng là: chúng con rất cao cả thay vì chúng con hèn mọn.
Gia đình kia có giúp đỡ cho Cha mới khi còn làm Thầy. Ngày mở tiệc mừng vinh qui, Cha ấy quên có bàn dành riêng cho Ông bà và gia đình….Họ bảo Cha mới quên ơn hay thất lễ….Đúng ra chỗ ngồi của họ không phải ở đó… Cao cả lắm thay!
Tôi thấy chúng ta không cần nói: chúng con hèn mọn hay chúng con thân phận hẩm hiu gì cả…. Vì đó chỉ là xáo hay nói theo tiếng Miền Nam VN là xạo. Nó không thật chút nào. Vả lại con người ai cũng có những thiếu sót…Quên gọi Ông Bà Cố hay thiếu xếp đặt một bàn riêng… đâu là tội trọng hay một xúc phạm lớn. Bỏ qua đi cho nhẹ lòng.