Tưởng nhớ cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhân lễ giỗ 16 năm.
Bậc Đáng Kính Phanxicô Xavier NGUYỄN VĂN THUẬN
Ngày 04-05-2017 Đức Thánh Cha Francis đã chính thức ký một văn thư công nhận vị mục tử Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận là Bậc Đáng Kính trong Giáo Hội Công Giáo La Mã. Đây là một tin rất vui cho Giáo Hội Hoàn Vũ và là một niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng ngời cho tín hữu giáo dân VN noi theo. Trong suốt 13 năm tù (có 9 năm bị biệt giam) Ngài đã sống can đảm và anh hùng trong đức tin Kitô giáo. Những ai sống gần Ngài đều được ơn biến đổi trở nên tốt lành. Giáo Hội Việt Nam của dân tộc ta đã có một người con của Giáo Hội đã trở thành một ngọn nến Phục Sinh, chiếu sáng trong bóng đêm nhà tù cộng sản đầy tội lỗi và đầy sợ hãi trong căn nhà tù biệt giam. Từ nơi đó Ngài đã sống dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần trong tâm hồn Ngài. Ngài đã kể lại cho chúng ta về tình yêu, về hy vọng, về sự tha thứ, về sự giao hòa. Tình yêu, sự tha thứ, ơn giao hòa đã là sức mạnh Ngài viết lên cuốn ” ĐƯỜNG HY VỌNG ” trong nơi tối tăm nhất là nhà tù cộng sản.
Bậc Đáng kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17-04-1928 tại Phủ Cam, Huế trong một gia đình truyền thống rất đạo hạnh, đã sản sinh nhiều vị tử đạo.. Từ thuở bé, bà thân sinh cậu Thuận dạy con biết nhìn nhận cuộc sống là một ơn ban của Thiên Chúa và cuộc đời con người thật cao quý vì thế phải biết tôn trong cuộc sống của người khác dù họ là ai, thế nào… Cậu Thuận được dạy khi ăn, khi chơi, khi học v.v… đều luôn làm đẹp lòng Chúa, biết chia sẻ giúp đỡ người khác, nhất là người nghèo khổ, mỗi sáng đi dự Thánh Lễ với mẹ, cậu Thuận luôn luôn đem theo tiền lẻ để biếu người ăn xin trước nhà thờ. Cậu không cầm đồng xu mà ném vào giỏ của người ăn xin, cậu ngồi xuống bên cạnh thăm hỏi tên người đó và trao tiền vào chiếc mũ hay chiếc giỏ một cách ân cần trân trọng.
Từ tuổi thơ ấu cậu Thuận đã nhận ra ơn gọi đời sống thánh hiến của mình. Năm 13 tuổi cậu được cha đưa vào tiểu chủng viện An Ninh ở Cửa Tùng, Quảng trị. Cậu là một cậu ấm trong gia đình bề thế, nên được bà nội và bố mẹ cưng chiều quá sức, nhưng khi nghe cậu muốn vào chủng viện thì cả nhà ai cũng mừng vui, vì những bậc song thân đạo đức của cậu đã rất quảng đại cho con mình được tự do thực hiện ao ước cuộc đời của con mình. Song bà nội của cậu sợ cậu ở chủng viện thì ăn uống cực khổ nên không đành lòng vì thế khi cậu Thuận xách vali ra đi xuống đò đến tiểu chủng viện, bước những bước chân đầu đời xa mái ấm thân yêu, phải tránh mặt bà nội và mẹ mình vì sợ hai bà khóc quá mà đi không đành.
Năm 1947 cậu Thuận đã là một thanh niên khôi ngô tuấn tú tại Đại Chủng Viện Phú Xuân, Huế. Vào một kỳ nghỉ hè, cậu Thuận đưa 5 người bạn cùng học về nhà. Khi xuống đò các cậu đi nhầm đò vì thế khi về đến nhà thì đã nửa khuya, cậu Thuận không dám gõ cửa mà cậu và các bạn ngủ ngoài hàng ba (hành lang). Buổi sáng sớm bà nội cậu Thuận đi lễ. Khi mở cửa ra bà thấy có ai nằm ngủ ngoài hè nhà mình bà la lớn và khi biết cháu đích tôn cưng quý nhất của mình và các bạn, bà đã mắng cậu tại sao không gõ cửa vào nhà mà ngủ như vậy rồi sinh bịnh hay trúng gió thì còn tai hại biết bao nhiêu!…
Ngày 11-06-1953 cậu Thuận được thụ phong linh mục. Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận nhận bài sai về làm cha phó Tam Tòa, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Cha Nguyễn Văn Tâm là cha chánh xứ, một vị mục tử rất nhân đức, đã từ lâu thưa với Đức Giám Mục sở tại, xin gởi cho giáo xứ một cha phó khỏe mạnh để giúp ngài trong sứ mệnh phục vụ, vì ngài đã già yếu. Khi LM Thuận đến trình diện cha xứ thì ngài hỡi ôi, Ngài nói:”Tôi đã xin giám mục gởi cho tôi một cha phó khỏe mạnh mà cha gởi một LM liễu yếu đào tơ” thế này thì tôi phải giúp cha thôi chứ mong gì cha giúp tôi được. Thôi thì tôi giao cho cha làm 3 chuyện. 1: làm tuyên úy nhà tù, thứ 2: làm tuyên úy trại cùi, thứ 3: coi các em thiếu nhi.”
Từ những ngày LM Thuận nhận nhiệm vụ trong mục vụ này, LM đã có cơ hội tập lắng nghe và yêu thương nhiều hơn. LM chia sẻ: “khi đến với những người tù và những người bất hạnh bị chứng bệnh phong cùi thì mình chỉ đem đến cho họ lòng thương yêu, kính trọng họ “. Trong sứ mệnh phục vụ này là cơ hội ngài tập lắng nghe nhiều hơn và ngài ý thức được tâm hồn một con người dù khốn khổ bao nhiêu, không bao giờ thiếu vắng những điều trân quý tồn tại trong họ.
Thời gian này LM Thuận phải vào bịnh viện ở Huế để chữa bịnh lao phổi… Khi chiếu điện lần đầu, bác sĩ nói ngài phải mổ để cắt đi một lá phổi… Nhưng hội đồng y bác sĩ sau khi xem xét bịnh thì đề nghị phải chiếu điện một lần nữa xem lá phổi kia có bị như lá phổi này không thì mới quyết định. Ngài nằm chờ quyết định của các bác sĩ ở bệnh viện, ngài sẵn sàng lên bàn mổ theo lệnh của họ. Thời gian chữa bịnh kéo dài 9 tháng. Sau cùng vị bác sĩ chẩn đoán bệnh cho ngài cầm sấp hồ sơ đến nói với Ngài: “Tôi không biết giải thích thế nào với ông vì bây giờ xem trong phim thì hai lá phổi của ông hoàn toàn không có dấu vết gì là bệnh, ông có thể ra về”. LM Thuận thật bất ngờ, thắc mắc và ngạc nhiên ra về.
Năm 1954 LM Thuận làm phó xứ tại giáo xứ Phanxicô Xavier. LM chánh xứ là cố Triết. Sau đó LM Thuận làm chánh xứ giáo xứ này kiêm tuyên úy lao xá Thừa Thiên, tuyên úy trường Pellerin, tuyên úy bệnh viện Huế.
Năm 1956 LM Thuận qua Rô Ma học giáo luật tại đai học Urbaniana.
Năm 1959 LM Thuận đậu bằng tiến sĩ giáo luật với kết quả “Maxima cum laude” luận án ” Tuyên úy quân đội trên thế giới”. Trở về VN làm giáo sư dạy tại tiểu chủng viện Phú Xuân Huế.
Năm 1962 LM Thuận làm giám đốc tiểu chủng viện Hoan Thiện, mới được thành lập thay thế tiểu chủng viện Phú Xuân. Thời gian này ngài thường xin mẹ mình thỉnh thoảng gởi cho 15 kg kẹo để cho các cậu học trò trong chủng viện, mỗi lần các cậu vào phòng ngài dọn dẹp thì tự nhiên lấy mà ăn, vì ngài biết các em ở quê, nhà nghèo rất ít khi được ăn kẹo.
Năm 1964 LM Thuận làm tổng đại diện tổng giáo phận Huế.
Ngày 04-5-1967 Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Nguyễn Văn Thuận làm giám mục Nha Trang.
Ngày 24-06-1967 lễ phong chức giám mục Nha Trang tại tiểu chủng viện Hoan Thiện. Chiều ngày 10-07-1967 Ngài chính thức nhận chức giám mục Nha Trang do Đức Khâm Sứ Palmas chủ lễ. Khẩu hiệu của Ngài là “Gaudium et Spes = Vui mừng và hy vọng”.
Thời gian này Ngài thành lập:
1. Hội đồng giáo dân gồm 1.200 vị được bầu từ cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận có nhiệm kỳ 3 năm. Thành viên đều được huấn luyện và phải tĩnh tâm hằng năm.
2. Phát triển các đoàn thể công giáo tiến hành
3. Thành lập trung tâm văn hóa Chàm tại Ninh Thuận.
4. Thành lập ban Công Lý và Hòa Bình.(1-1-1969)
5. Thành lập viện Lâm Bích (1969)
6. Thành lập phong trào Cursillo và phong trào Focolare.
7. Thành lập phong trào Học Hội Kitô giáo
8. Công bố “Quy Chế Giáo Dân”.
9. Phát hành tuần báo “Dấn Thân”
Ngày 24-04-1975 Ngài làm giám mục phó tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị (ĐGH Phaolô IV bổ nhiệm). Ngày 08-5-1975 ngài về Sài Gòn nhận nhiệm sở.
Ngày 07-06-1975 Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn không cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận hoạt động tại đây.
Ngày 01-7-1975 họ bắt buộc ngài phải về nơi cư trú trước 30-04-1975 là thành phố Nha Trang. (Ông Trương Tấn Sang, lúc đó là chủ tịch UBNDTP Sài Gòn, gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình có nhắc lại việc bổ nhiệm TGM Nguyễn Văn Thuận như sau: “Như cụ đã biết, năm 1975, chính phủ ta đã không chấp nhận ông Nguyễn Văn Thuận về giáo phận thành phố và dứt khoát sẽ không bao giờ chấp nhận, vì ông Thuận đã từng gắn bó với một gia đình có nhiều nợ máu với nhân dân và bản thân ông Thuận cũng có một quá trình lâu dài và tinh vi chống phá sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc” (đây chính là nguyên nhân TGM Nguyễn Văn Thuận bị giam 13 năm).
Ngày 15-08-1975 – Lễ Đức Mẹ Lên Trời, Ngài bị việt cộng đến bắt Ngài về Nha Trang giam tại Cây Vông, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Vài ngày sau, họ đưa Ngài về giam tại Phú Khánh, Nha Trang. Mỗi ngày, nơi bị giam giữ, nghe tiếng chuông nhà thờ Ngài nhớ lại những tiếng chuông thời thơ ấu từ gia đình đầm ấm đến những quãng đời đi học và khi phục vụ Thiên Chúa. Ngài thấy mình phải gạt bỏ qua những tiếng chuông của quá khứ. Ngài sống với tiếng chuông trong giây phút hiện tại, nghe tiếng chuông và tiếng sóng biển Ngài thương cảm biết bao đàn chiên của mình quanh đây mà họ không biết mình đang ở gần họ… nhắc nhở Ngài bổn phận chủ chiên, bổn phận của một công dân yêu nước… tia sáng hy vọng đến nhắc nhở Ngài sống giây phút hiện tại. Với thân phận tù đày trong lúc đất nước đang rối reng, Ngài trải lòng yêu quê hương qua bài thơ:
“Con có một tổ quốc”
Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Tiếng chuông ngân trầm,
Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông não nùng,
Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng,
Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thoát,
Việt Nam hy vọng.
Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao, xương chất cao hơn.
Ðất tuy hẹp, nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.
Một Nước Việt Nam,
Một Dân Tộc Việt Nam,
Một Tâm Hồn Việt Nam,
Một Truyền Thống Việt Nam.
Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.
Ngày 16-08-1975, sau một ngày bị bắt, Ngài viết cuốn “Năm chiếc bánh và hai con cá”. Đồng thời ngài viết cuốn “Đường Hy Vọng” với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân sống đạo trong hoàn cảnh mới của đất nước. Cuốn sách này được ngài coi là di chúc tinh thần của ngài gởi tới giáo dân Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Ngài kể: “Một buổi sang tháng 10-1975, tôi ra dấu cho cậu bé tên Quang, 7 tuổi, đi dự lễ 5 giờ về, khi trời chưa sáng: “Con nói với mẹ mua cho cha mấy bloc lịch cũ”. Chiều tối, khi mặt trời lặn, bé Quang đem cho tôi các bloc lịch cũ. Từ khi ấy trong tháng 10 và 11-1975 hằng đêm tôi viết cho dân tôi thông điệp từ cảnh tù đày. Mỗi sáng, bé Quang đưa các tờ lịch ấy về cho các anh chị chép lại và phổ biến.”
Ngày 29-11-1976 Nhà nước đưa Ngài vào giam tại trại Thủ Đức. Hai ngày sau, Ngài cùng nhiều tù nhân là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa và một số chính trị gia xuống tàu Trường Xuân đưa ra miền Bắc.
Bị giam trong tù, có năm người cai ngục trẻ canh gác Ngài. Chỉ huy của họ thấy những anh này có cảm tình với người tù này nên cấm không cho họ được nói chuyện với Ngài. Ban đầu mỗi người được thay đổi 15 ngày. Rồi sau họ không dám thay đổi nữa vì họ sợ người nào canh gác Ngài cũng đều bị ảnh hưởng (họ dùng chữ bị lây nhiễm) của Ngài vì lòng nhân từ yêu thương họ và dạy học cho họ nhiều điều hay, hữu ích v.v… Ban đầu công an canh gác ngài, họ không nói một lời chỉ trả lời có hay không. Thật là buồn, tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Đêm nọ, một tư tưởng đến với ngài : “Phanxicô, con giàu lắm, con có tình yêu của Chúa trong trái tim, hãy yêu thương họ như Chúa yêu thương con.” Hôm sau, ngài bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa bằng cách trao đổi cười nói vài câu thân tình, kể cho họ nghe qua cánh cửa về cuộc sống các quốc gia mà ngài đã đến thăm, về gia đình ngài thời thơ ấu. Ngài dạy họ học ngoại ngữ, Anh và Pháp cả tiếng Nga nữa và dạy hát tiếng Latinh vì trong tù có vài anh công an học tiếng Latinh để đọc các tài liệu của Hội Thánh.
Một hôm có một anh hỏi ngài. “Ông có thể dạy tôi một bài thánh ca tiếng Latinh không?. – Được, nhiều bài lắm mà bài nào cũng hay.- Vậy ông hát đi, tôi nghe rồi tôi sẽ chọn… Thế là tôi hát: “Kính chào Mẹ là sao Bắc Đẩu”. (Ave Maris Stella), “Chào Mẹ (Salve Mater)” “Lạy Thần Khí Sáng Tạo, xin hãy đến” (Veni Creator Spiritus) và anh ta chọn bài sau cùng. Ngài không ngờ một anh công an lại hát bài thánh thi đó và mỗi sáng lúc 7.00, anh leo xuống thang gỗ để tập thể dục và đi tắm trong vườn Anh ta hát đi hát lại bài thánh ca nhiều lần và làm các cử điệu khác nhau khi múc nước tắm: “Lạy Thần Khí Sáng Tạo xin hãy đến, viếng thăm tâm trí các tín hữu Chúa….” Và anh ta kết thúc lời cuối bài thánh thi: “cho đến muôn đời Amen”. Là khi anh bước vào phòng làm việc với quần áo chỉnh tề.
Ban đầu tôi lấy làm lạ, nhưng dần dà tôi nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần đã dùng anh công an đó để giúp một giám mục bị tù cầu nguyện, khi vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần đến độ không còn cầu nguyện được nữa. Chỉ có công an mới có quyền hát to “Lạy Thần Khí Sáng Tạo…”. Tôi không bao giờ được hát lên như vậy bởi vì làm thế là báo cho mọi người biết có một linh mục đang bị giam ở trong ngục (trích “Chứng Nhân Hy Vọng”)
Một lần khác, trong trại tù Vĩnh Quang, trên núi Vĩnh Phú, trời mưa, ngài phải bổ củi, ngài hỏi người canh tù: “ Tôi có thể xin anh một điều không? Đó là tôi muốn đẽo một hình thánh giá bằng gỗ” họ đã tránh đi để cho Ngài đẽo được cây thánh giá, . Ngài dấu nó trong bánh xà phòng, mặc dù trong tù cấm tất cả các biểu tượng tôn giáo. Trong một trại tù khác, ngài xin anh canh tù một sợi dây điện làm anh ta hết hồn vì thường tù nhân xin dây điện chỉ để tự tử, nhưng ngài trấn an anh ta và xin anh ta đem cho hai cây kìm nhỏ, người này nói: “tôi sẽ đem lại cho ông nhưng ông phải hoàn thành trong ba tiếng đồng hồ”. Ngài đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn bằng que diêm. Và làm thành sợi dây để đeo. Thánh giá này ngài đã đem ra hải ngoại mạ bạc và luôn đeo theo bên mình. Ngài nói: “Chỉ có tình yêu Kitô mới có thể thay đổi con tim, chứ không phải khí giới, các lời đe dọa và phương tiện truyền thông”.
Trong tù, ngài vẫn cử hành Thánh Lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm ngài tại trại cải tạo đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ngài, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử. “Mỗi ngày tôi dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Thánh Lễ. Những người tù được chia làm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimet. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp có 5 người công giáo nằm cạnh tôi. Đến 9.30 là giờ ngủ, trong bóng tối, tôi cúi mình trên giường để dâng Thánh Lễ thuộc lòng và phân phát Thánh Thể cho nhau bằng cách luồn tay dưới các tấm màn chống muỗi. Chúng tôi dùng bao thuốc lá để cất giữ Mình Thánh và đem cho người khác, riêng tôi luôn giữ Mình Thánh Chúa trong túi”. (trích “Chứng nhân Hy Vọng”)
Ngài tâm sự: “Trong nhà tù, mỗi ngày với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Đây là bàn thờ của tôi, là nhà thờ chính tòa của tôi. Thánh Lễ là phương dược chữa xác cứu hồn, là thang thuốc trường sinh bất tử… “
Trong nhà tù thật ẩm ướt và nóng, thật gian nan khốn khó, ngài nằm dưới đất để ngủ cho mát. Chỉ có một cái lỗ để thông hơi, để cho nước chảy ra. Khi trời mưa thì rết, giun v.v… bò vào mà ngài yếu đến nỗi không thể đưa tay ra mà đuổi chúng. Thì thôi cứ nằm yên và đọc kinh Lạy Cha mà có lúc yếu đến nỗi đọc không được. Sau một tuần ngài ngó lên chỗ nằm (tạm gọi là giường) thì nấm mọc đầy.
Một hôm, có một người đến thăm ngài mà không hề mở miệng nói gì cả. Ngài nói: “Xin ông cầu nguyện cho tôi”. Người đó đáp: “cha nhớ là một kinh cha đọc trong nhà tù bằng một ngàn kinh ở ngoài”. Ông ta là một cán bộ cao cấp ở La Vang, người trước kia được nhà nước cho đến dò xét cha. Ông hứa khi về nhà, Chúa Nhật tôi sẽ cầu nguyện cho cha. Thời gian sau, cha nhận được 1 lá thơ, ông ta kể cứ 5.00 chiều nghe chuông nhà thờ La Vang là ông ta đạp xe đi 3 km đường đến La Vang cầu nguyện cho ông Thuận. Ông nói: “Tôi cầu nguyện như thế này. Tôi không biết đọc kinh, nhưng tôi hứa cầu nguyện cho ông Thuận nên tôi đến đây xin bà thấy ông Thuận cần gì thì bà ban cho ông ấy”.
Ở tù 13 năm tôi mất đi 22 kg. Giờ đây trong người không còn Cholesteron, không còn di chứng bịnh lao phổi,( hồi sống ở ngoài thì chữa bịnh 9 tháng, thổ huyết hơn một tháng) không được giảng, không được đi xe đạp, sống đơn sơ, không cảm thấy thiếu gì cả. Đời linh mục của Chúa rất hạnh phúc, vui và đáng sống. Chưa biết thù ghét ai kể cả những người làm mình đau khổ (ghi lại Lời Cha Thuận kể ).
Năm 1988 Ngài được trả tự do, sau 13 năm tù (9 năm biệt giam) và được chỉ định nơi cư trú là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngày 21-11-1988 một cán bộ đến gặp ngài:
– Ông Thuận, ông ăn cơm chưa?
– Chưa, tôi đang nấu.
– Ăn cơm xong, ăn mặc sạch sẽ để đi gặp lãnh đạo.
– Lãnh đạo nào ạ?
– Tôi không biết. Tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên.
Cơm trưa xong, ngài được đưa đến nhà khách chính phủ. Sau khi bắt tay, ông Mai Chí Thọ, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ nói:
– Ông Thuận, ông có nguyện vọng gì không?
– Tôi muốn được tự do.
– Bao giờ?
– Ngay hôm nay.
Thấy ông bộ trưởng bối rối, ngài nói tiếp: “Tôi ở tù trải qua 3 đời Đức Giáo Hoàng là Phaolô Đệ lục, Gioan Phaolo đệ nhất và Gioan Phaolo đệ nhị. Và thời gian ở tù của tôi cũng đã trải qua 4 đời Tổng Bí Thư Liên Xô: Breznev, Andropov, Chernenko và Gobachev.”
-Đúng! đúng! Nói vậy rồi bộ trưởng quay qua nói với người cán bộ: “Hãy làm những gì cần thiết để thỏa mãn cho ông Thuận.”
Lúc ấy lòng tôi nhảy mừng: Mẹ Maria đã giải thoát tôi. Lạy Mẹ con cám ơn Mẹ. Mẹ yêu kính! Con mừng Lễ Mẹ!
Năm 1989 Ngài được qua Úc thăm bố mẹ.
Khi gia đình Đức cha Thuận được tin Ngài sẽ rời Việt Nam qua Úc thăm gia đình thì các con trong nhà không dám cho hai cụ cố biết tin, vì không thể biết được nhà nước việt cộng có cho Ngài ra đi thật không. Gia đình chỉ nói là có một vị của Tòa Thánh đến thăm hai cụ. Trong gia đình chuẩn bị đón tiếp. Khi Đức cha Thuận bước vào nhà thì cụ bà đã nhận ngay ra con trai minh. Nhưng cụ ông thì chưa nhận ra nên chào “Bonjour Monsengeur”, nhưng ngay sau đó thì nhận ra Đức Cha Thuận.
Trong nhiều năm trời, gia đình ngài không nhận được bất cứ tin tức gì về ngài cả. Gia đình nghĩ rằng ngài đã bị giết chết. Nhưng hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, qua nhiều năm truy tìm, họ báo cho gia đình biết ngài vẫn còn sống và hiện đang bị giam trong trại cải tạo. Thời gian sau, những người cộng sản bảo ngài viết thư cho gia đình mua thuốc tây gởi vào vì ngài bị bịnh. Mỗi tháng, gia đình đều gởi toa thuốc đến một dược phòng ở Pháp đặt mua hàng trăm loại thuốc kháng sinh gởi vào trại cải tạo. Gia đình biết rõ, những loại thuốc này không dành cho ngài, nhưng không có chọn lựa nào khác. Họ còn nhắn gia đình gởi sữa vào để nuôi người bệnh. Gia đình đã gởi sữa hộp vào trại. Khi ngài được thả, ngài cho biết, cán bộ chỉ đưa cho ngài hộp không và nói là chuột ăn hết rồi. (Lời bà Thủy Tiên, em gái ĐC Thuận)
Năm 1991 Ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam qua Rô Ma. Thời gian này ngài được mời đi giảng và thuyết trình tại nhiều quốc gia (giảng mùa chay tại nhà thờ Notre Dame de Paris. Các trường đại Học trên thế giới. Tại Mexico giảng cho hơn 5.000 người tuổi thanh niên). Ngài đến thăm và giảng dạy tại các cộng đoàn dân Chúa Việt Nam tại Âu Châu, Úc Châu và Mỹ Châu. Đến đâu ngài cũng được khán thính giả hâm mộ, kính trọng và yêu mến.
Năm 1994 Ngài được ĐGH bổ nhiệm làm Chủ Tịch Danh Dự Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình tại Rô Ma. (Lần đầu tiên một giáo sĩ Việt Nam được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này) ngài tuyên bố: “ Tôi mơ ước một Giáo Hội là chứng nhân của hy vọng và tình thương, bằng những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng tiếp nhận tất cả mọi người: Chính Thống, Anh Giáo, Luther, Calvin… trong ơn thánh Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần sống trong kinh nguyện và trong sự khiêm nhường.”
Năm 1996 Đại Học Dòng Tên ở New Orleans, Louisiana, USA trao tặng bằng Tiến Sĩ Danh Dự.
Năm 1998 Ngài được chính thức làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.
Ngày 09-06-1999 Chính Phủ Pháp trao tặng Ngài Huy Chương Commandeur de L Ordre National du Mérite.
Ngày 12-1-2000 Hội “Cùng Nhau Xây Dựng Hòa Bình” đã trao tặng ngài Huy Chương Hòa Bình tại Tòa Thị Chính Rô Ma.
Năm 2000 Ngài giảng tĩnh tâm mùa chay cho Giáo Triều Rô ma. Những bài giảng trong nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều 12-3 đến 18-3-2000. Ngày 18-3-2000 được in thành sách “Chứng Nhân Hy Vọng”. ĐTC thay mặt các giám mục cám ơn ĐC Thuận và tặng ngài một chén thánh rất đẹp.” ĐC Thuận nói, tất cả là hồng ân của Chúa. Trong tù từ ngày bị quản thúc ở Cây Vông, Phú Khánh tôi dùng chén thánh là bàn tay, dâng lễ với 3 giọt rượu và một giọt nước, tôi không bao giờ nghĩ ngày hôm nay, 24 năm sau, thật cảm động, tôi nhận được một chén thánh mạ vàng từ tay ĐGH”.
Ngày 21-01-2001 Ngài được tuyển chọn vào Hồng Y Đoàn. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã trao mũ Hồng Y cho Ngài và đặt ngài làm Hồng Y Phó Tế. Khẩu hiệu Hồng Y của Ngài là ”Gaudium et spes” “ Vui Mừng và Hy Vọng”. Hiệu Tòa nhà thờ Santa Maria della Scala. Nhà thờ này do các LM Dòng Đức Bà Camelo coi sóc, tại vùng Trastevre, Rô Ma.
Cùng năm này Ngài bị bịnh, có một bướu lạ ở trong bụng, phải qua Boston Hoa Kỳ giải phẫu. Tháng 5-2002 bệnh tái phát. Ngài về Úc Châu thăm gia đình và mừng thọ Bà Cụ Cố 100 tuổi vào ngày 28-4-2002. Ngày 08-5-2002 ngài trở về Milano để mổ lần thứ hai, nhưng vì sức khỏe và tuổi già nên cuộc giải phẩu đang dang dở mới có một phần ba thì phải ngưng lại.
Ngày 16-09-2002. Đến 6.00 chiều Ngài qua đời tại Rô Ma. Thánh Lễ an táng được cử hành trọng thể chiều 20-09-2002 do chính ĐGH Gioan P:II cử hành với khoảng 4.000 người tham dự. “Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của ĐHY, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo (…..) ĐHY đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “chọn một minh Chúa thôi”như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin Mừng Hy Vọng” và ĐHY giải thích rằng: “Chúng ta chỉ có thể chu toàn ơn gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất (……) Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo”
Sau 10 năm an nghỉ tại nghĩa trang Verano, Rô Ma, di hài của ngài được cải táng về nhà thờ hiệu tòa của Ngài, nhà thờ Đức Mẹ Scala vào ngày 08-6-2012.
Elisabeth Nguyễn.