Trích sách Tiên tri Isaia Is 49, 1-6; Trích sách Tông Đồ Công Vụ Cv 13, 22-26
Và Phúc Âm Thánh Lc. 1.57-66.80
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.
Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.
Đó là lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm Ý:
Y-sa-ve sinh hạ con trai
Láng giềng nhận biết bàn tay Chúa Trời
Kéo đến hiệp ý chung lời
Chúc tụng Thiên Chúa ngàn đời thương dân
Cắt bì dâng hiến tri ân
Đặt tên con trẻ như dân thường làm:
Tên Gioan không giống người phàm
Là tên Chúa muốn bao hàm nghĩa cao
Con trẻ rồi sẽ ra sao?
Quyền năng Thiên Chúa cao rao ngàn đời
Bỗng dưng Ông Bố mở lời
Hết câm, lớn tiếng dâng lời ngợi ca
Gioan chắc khác với người ta
Thiên Chúa chọn gọi tách ra đời thường
Hoang địa thanh vắng tỏ tường
Tìm ra ý Chúa theo đường Tiền Hô. Amen
I. Giáo lý Phúc Âm.
Gioan được Chúa chọn gọi làm Tiền Hô: sinh ra, tên gọi và lối sống…. tất cả được Chúa xếp đặt sao cho phù hợp với chương trình của Chúa.
Mỗi người chúng ta được sinh ra, lớn lên… nằm trong chương trình của Chúa.
II. Vấn nạn Phúc Âm.
Chương trình của Thiên Chúa qua việc sinh hạ Gioan Tiền Hô:
Ông Giacaria, tư tế thời Cựu Ước: Thời Chúa Giêsu, trong đạo Do Thái, có khoảng 7000 tư tế, được chia làm 24 chi tộc. Mỗi chi tộc tư tế phục vụ đền thờ hai lần trong năm, mỗi lần khoảng một tuần. Ông Giacaria thuộc chi tộc Abijah, dòng tư tế Aaron.
Giacaria bắt thăm trúng phiên được vào dâng hương cho Chúa trong gian cực thánh. Nơi đây sứ thần Gabriel xuất hiện và tiên báo việc Elizabeth, vợ Ông sẽ mang thai. Vì nghi ngờ lời tiên báo của sứ thần. Nên Giacaria bị câm điếc cho đến ngày vợ ông hạ sinh và đặt tên con trẻ là Gioan.
Khi Elizabeth mang thai Gioan được sáu tháng thì Đức Mẹ đến thăm và Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ và bà Elizabeth đã cất cao lời Magnificat chúc tụng Chúa.
Phúc Âm Luca 1.5 nói “ Số là vào những ngày thời Hêrôđê ”. Đây là Hêrôđê cả, Ông làm vua Do Thái từ năm 37 trước Chúa Giáng Sinh cho đến năm 4 trước Chúa Giáng Sinh. Vậy Gioan Tiền Hô sinh ra dưới thời Hêrôđê cả và bị Hêrôdê Antipas chém đầu trong ngục thất theo như vài nét lịch sử dưới đây:
Hêrôđê cả được kế thừa bởi những người con làm quận vương như sau:
Hêrôđê Archelaus được phân chia cai trị miền Giuđêa, Samaria và Idumea cũng gọi là Edomn từ năm 4 trước Công Nguyên cho đến năm 6 sau Công nguyên.
Hêrôdê Antipas làm vua cai trị Galilêa từ năm thứ 4 trước Công Nguyên cho đến năm 39 sau Công Nguyên. Hêrôđê Antipas là người lấy Hêrôđia, vợ của anh trai mình là Philip. Gioan Tẩy Giả tố cáo ông là loạn luân. Ông cầm tù Gioan và cho lính vào ngục chém đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm mang cho con gái bà Hêrôdia (Matthêô 14.3-12; Matcô 6.17-29 và Luca 3.19-20) Ông cũng chính là kẻ mà sau này Chúa Giêsu gọi là “con cáo già” (Lc 13,32).
Hêrôđê Philip cũng là con của Hêrôđê cả và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai Cập), tức là anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai quản năm 4 trước Công nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công nguyên. Vì không có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria. Hêrôđia là vợ của Philip và bị Hêrôdê Antipa chiếm đoạt.
Gioan được tiền định làm Tiền Hô hay Gioan có định mệnh làm Tiền Hô cho Chúa?
Câu hỏi nầy ám chỉ rằng Gioan không có tự do trong việc chọn lựa làm tiền hô cho Chúa hay không mà ông đã được tiền định để thực hiện định mệnh làm tiền hô. Vì việc mẹ Ông mang thai trong lúc tuổi già cũng như cả tên gọi của Ông cũng đã tiền định rồi.
Thật sự Công Giáo không chấp nhận định mệnh hay tiền định. Vì đó là hình thức chối bỏ tự do nơi con người. Không lẽ Chúa là Đấng tuyệt đối thánh thiện mà lại tiền định cho ai đó phạm tội gây ra án mạng giết người chẳng hạn. Nếu chấp nhận tiền định hay định mệnh thì những việc đạo đức chúng ta đang làm chả có công đức gì, vì chúng ta được xếp đặt để làm như vậy. Chúng ta không có tự do chọn lựa.
Chúng ta nên hiểu những từ tiền định hay định mệnh theo nghĩa nầy, phù hợp với Giáo Lý Công Giáo. Tiền định (determined destiny tức điểm đến của một xếp đặt. Thí dụ Chúa xếp đặt trước cho công trình sáng tạo là đi đến cứu độ, đi đến dích điểm mà Chúa muốn là con người được hạnh phúc. Vì yêu thương, Chúa tạo dựng con người và tiền định cho họ có hạnh phúc. Còn định mệnh (divine providence) tức ơn Chúa quan phòng, giúp đỡ để con người đi đến định mệnh là cứu độ và hạnh phúc. Con người có tự do và trách nhiệm trong chương trình tiền định nầy qua việc dùng ơn Chúa quan phòng giúp đỡ hay không. Khi chối bỏ ơn thánh có nghĩa là không đi đến tiền định hay một đích điểm xấu.
Từ chỗ đó, ta hiểu được rằng Gioan được tiền định làm tiền hô và Chúa đã quan phòng mọi chuyện để Gioan chu toàn sứ mạng tiền hô như chương trình của Chúa. Nên Gioan đã thực hiện thánh ý Chúa trọn vẹn.
III. Thực hành Phúc Âm
Gioan – John – Jean – Do Thái: YOPCHANAN có nghĩa là THIÊN CHÚA LÀ ÂN HUỆ
Gioan Tiền Hô quả thật đã sống trọn vẹn tên mình được đặt: Ông vào hoang địa chuẩn bị cho nhiềm vụ tiền hô, đi trước để chuẩn bị mọi người đón Đầng Cứu Thế là ân huệ cho trần gian. Ông làm phép rửa sám hối để con người nhận ra vô ân của mình. Ông đã giới thiệu Chúa Giêsu, đấng Ân Huệ cho dân chúng. Sau cùng Ông đã chết vì không chấp nhận hành động tội lỗi, vô ân của Hêrôđê Antipas.
Ai trong chúng ta cũng có một tên gọi do Cha Mẹ đặt hay sau nầy do nghề nghiệp hay sở thích chúng ta chọn một tên thích hợp. Tên gọi để chúng ta được gọi. Tên gọi để chúng ta nhận ra ý nghĩa mà Cha Mẹ hay người lớn muốn chúng ta thực hiện. Nên hãnh diện và quí trọng tên mình được gọi… đừng để tên mình bị ố danh hay bị có biệt danh như: A bay bướm, hay B bê bối hay C thời tiết…..