Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy tuần thánh được gọi là Tam Nhật Thánh. Nguồn gốc và ý nghĩa thế nào ?
I. LỊCH SỬ TAM NHẬT THÁNH.
1.Trung tâm của Tuần Thánh là 3 ngày Thứ Năm, Sáu, Bảy với các việc cử hành vừa nhiều hơn vừa long trọng hơn các ngày khác trong năm Phụng vụ.
2. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ IV, thời Thánh Ambrôsiô (ở Milano nước Ý) và Thánh Augustinô (ở Hippone, Bắc Phi).
Lý do cử hành trong “ba ngày” là để làm đúng theo công thức “ba ngày” được nhiều câu Sách Thánh nói tới, như Hs 6,2 Ga 2,1 và Mt 12,40).
Thực ra thì không chính xác 3 ngày mà chỉ có 1 ngày rưỡi và 2 đêm từ chiều Thứ Sáu đến rạng sáng Chúa nhựt :
– Chiều Thứ Sáu : Phụng vụ Lời Chúa và tôn kính Thánh Giá.
– Đêm Thứ Bảy : Phụng vụ Lời Chúa, nghi lễ ánh sáng và lễ nghi ban Phép rửa.
– Rạng sáng Chúa nhật phục sinh : Thánh lễ long trọng.
3. Dần dần về sau, Giáo Hội thêm vào :
– Đêm Thứ Năm Tuần Thánh : cử hành Bữa Tiệc Ly trong đó Đức Giêsu rửa chân các môn đệ và lập Bí tích Thánh Thể.
– Ngày Thứ Năm : Thánh lễ do Giám mục chủ tế cùng với các Linh mục trong giáo phận đồng tế, để tưởng niệm việc Đức Giêsu lập Bí Tích truyền chức thánh – đồng thời Giám mục làm phép các thứ dầu sẽ dùng trong các bí tích.
4. Điều đáng chúng ta lưu ý nhất là tất cả các nghi lễ được cử hành trong 3 ngày này không được coi là những nghi lễ riêng lẻ, độc lập, mà là thành phần của một cuộc tưởng niệm bao quát trong đó mỗi nghi lễ được coi như một mắc xích trong một dây chuyền duy nhất nhằm tưởng niệm một biến cố duy nhất gọi là biến cố Vượt Qua. Chính vì vậy mà Giáo Hội cũng gọi Tam nhật thánh là Tam nhật Vượt qua.
II. Ý NGHĨA LỄ VƯỢT QUA.
Nguồn gốc Lễ Vượt qua.
Đây là một lễ của dân du mục hoặc bán du mục. Vào mùa xuân, họ tế lễ một con thú tơ để cầu xin cho đoàn vật của họ sinh sản đông đúc, đất đai của họ trổ sinh nhiều hoa trái. Máu con vật được phết lên cọc lều (sau này khi đã có nhà thì lấy máu phết lên ngạch cửa) để xua trừ tà ma. Thịt con vật được nướng trên lửa chứ không cần dùng dụng cụ nấu nướng gì cả ; thịt đó ăn chung với bánh không men (thói quen này ngày nay vẫn còn nơi dân du mục Bé-douins) và với rau đắng tức là loại rau không do người ta trồng mà mọc tự nhiên. Khi ăn thì mang thắt lưng, chân mang giày như sắp sửa đi xa, tay cầm gậy chăn chiên.
Nhận xét : Nơi dân du mục, lễ này còn nặng tính vụ lợi, mê tín và thụ động.
Lễ vượt qua do thái
Môsê đã mượn lễ này, thay đổi vài chi tiết, và gán ý nghĩa mới cho tất cả các chi tiết để làm nổi lên ý nghĩa chung là tưởng niệm việc Thiên Chúa giải phóng dân do thái khỏi ách nô lệ.
– Thời gian : xưa là vào mùa xuân ; Môsê định rõ là ngày 14 tháng Nisan.
– Thời điểm buổi tối : ý nghĩa xưa là thời gian thuận tiện cho lễ hội, ý nghĩa mới là thời điểm thuận tiện để trốn khỏi Ai cập.
– Bánh không men : ý nghĩa xưa là trước mùa xuân thì hết men ; ý nghĩa mới là vì vội quá không kịp trộn men.
– Rau đắng : ý nghĩa xưa là vì đó là một loại rau có sẵn nhiều ở các cánh đồng ; ý nghĩa mới là nhắc nhở sự cay đắng của kiếp nô lệ.
– Thắt lưng : nghĩa xưa là để dễ nhảy múa trong lễ hội ; nghĩa mới là gọn gàng để dễ xuất hành.
– Giết một con thú tơ : nghĩa xưa là cầu cho các thú nuôi được sinh sản đông đúc ; Môsê buộc phải là con chiên được tuyển lựa kỹ với ý nghĩa là một lễ tế.
– Máu bôi lên thành cửa : nghĩa xưa là để xua đuổi tà ma ; Nghĩa mới : để làm dấu cho thiên thần không vào nhà ấy.
Nhận xét : Lễ Vượt qua của dân do thái không còn vụ lợi mà nhằm tạ ơn, không còn mê tín mà hướng lên Thiên Chúa ; tuy nhiên vẫn còn thụ động.
Lễ vượt qua của Đức Giêsu
Đức Giêsu cũng ăn tiệc Vượt qua, nhưng Ngài biến bữa tiệc đó thành Cuộc Vượt qua của Ngài
– Thay đổi ngày : không phải là Thứ Sáu áp lễ Vượt Qua, mà là Thứ Năm (một ngày trước đó)
– Thay đổi món ăn : xem các bài tường thuật bữa tiệc Vượt qua của Đức Giêsu (Mt 26,20-29 ; Ga 13,1-30), ta không thấy những món rất quan trọng là Con chiên và rau đắng, mà chỉ có bánh và rượu.
– Thay đổi cung cách ăn : Đức Giêsu và các môn đệ không đứng, cầm gậy, nai nịt gọn gàng… Nhưng các ngài ngồi hoặc nằm (cho nên khi bắt đầu rửa chân, Đức Giêsu “đứng dậy” Ga 13,4 ; khi người môn đệ yêu dấu muốn hỏi Ngài về kẻ phản bội thì người này “nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu” Ga 13,25)
Những thay đổi đó nhằm cho thấy Đức Giêsu chính là Con Chiên Vượt qua ; và chính Ngài thực hiện cuộc Vượt qua (chứ không phải thiên thần)
Ý tưởng này được các sách Tin Mừng nói rõ hơn nữa qua một số chi tiết khác :
– Ngài chết vào đúng giờ người do thái giết con chiên vượt qua (Mt 27,46 “Giờ thứ chín” của ngày áp lễ Vượt qua (Ga 19,31), xương Ngài không bị đánh gãy (Ga 19,33)
– Máu của Ngài (chứ không phải máu của con chiên) sẽ đóng ấn Giao ước mới (Mt 26,28).
– Chính vì bữa tiệc Vượt qua này là Tiệc Vượt qua của Đức Giêsu nên Tin Mừng thứ tư viết : “Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết Giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1)
Nhận xét : Đức Giêsu hoàn toàn chủ động thực hiện cuộc Vượt qua : qua thế gian để với với Chúa Cha, qua đau khổ để đến vinh quang.
Lễ Vượt qua của chúng ta
Khi cùng Đức Giêsu sống lại những biến cố trong Tam nhật Vượt qua xưa, chúng ta đừng nghĩ rằng Đức Giêsu sắp hay đang tiến dần đến cái chết và sẽ sống lại. Trái lại chúng ta phải hoàn toàn ý thức và tuyệt đối tin rằng Ngài đã trải qua các biến cố đó và đã sống lại.
Bởi vậy, tâm tình của chúng ta không phải là đau buồn, thông cảm (có tính tình cảm, bi thương) mà là tin tưởng và lạc quan (tâm tình tin, cậy, mến) : Đức Giêsu đã vượt qua tất cả và đã chiến thắng vinh quang. Nếu chúng ta cùng chết với Ngài thì cũng sẽ cùng sống lại với Ngài.
Nói cách khác, chúng ta hãy nhìn Đức Giêsu như một người đã chiến thắng và cho chúng ta xem lại đoạn phim lúc Ngài đang chiến đấu gian khổ, để rút ra những bài học cho cuộc chiến đấu của chính chúng ta.
Như thế Lễ Vượt qua của chúng ta vừa chủ động vừa thụ động : Trong khi nhìn lại cuộc Vượt qua của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy nghĩ đến những tình huống khó khăn, những sự xấu và sự dữ nào của chúng ta mà chúng ta phải vượt qua. Rồi với sự trợ giúp của Đức Giêsu, chúng ta thực hiện cuộc Vượt qua của chính mình.