Sách Sử Biên Niên Sử II, 36.14-16.19-23; Thư Thánh Phaolô gửi Tín hữu Êphêsô 2.4-10
và Phúc Âm Thánh Gioan 3.14-21
Tin Mừng chúa Giêsu theo Thánh Gioan
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm Ý:
Sa mạc, rắn được giương cao
Con Người cũng sẽ hao hao như vầy.
Những ai Tin Cậy đong đầy
Sự sống vĩnh cửu rồi đây thông phần.
Thiên Chúa yêu mến nhân trần
Ban Con Chí ái giáng trần cứu dân
Không để xét xử cân phân
Nhưng để giáng phước thi ân cứu đời
Ai tin Con Đức Chúa Trời
Không bị án xử cuộc đời bình an
Không tin bướng bỉnh nghênh ngang
Là tự nhận lấy ách mang đoạ đày.
Chúa Con ân đức cao dày
Ánh sáng cứu độ phô bày khắp nơi.
Bỏ “SÁNG” nhận “TỐI” dở hơi!
Mang lấy hình phạt đời đời khổ đau. Amen
I. Giáo Huấn Phúc Âm:
Con rắn đồng trong sa mạc được giương cao trên cây trụ cao – Chúa Giêsu cũng sẽ được giương cao trên thập giá để mọi người có thể nhìn, tin tưởng và được cứu sống.
Thánh giá đã giương lên cao thành lời mời gọi và sự thách đố: Mời gọi nhìn lên thánh giá và tin tưởng để được cứu. Chối từ thánh giá, tức chối từ ơn cứu độ chắc chắn sẽ không được cứu sống.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Nhân vật Nicôđêmô.
Chúng ta thấy trong Tin Mừng Gioan, Nicôđêmô xuất hiện ba lần:
Lần thứ nhất trong bài tường thuật của Phúc Âm Gioan 3.1-21. Nicôđêmô lén đến với Chúa Giêsu “ban đêm” để thảo luận với Ngài về tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ. Ông là một người trí thức có địa vị và có thiện chí muốn tìm chân lý và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng thiên sai. Nhưng Ông “lén” đến gặp Chúa vào một buổi tối. Sau đó ông ra đi. Tuy nhiên, đêm tối đưa Ông tìm đến ánh sáng chân lý.
Lần thứ hai trong Phúc Âm Gioan 7.51, khi các thủ lãnh tôn giáo Do Thái quyết định thanh toán Đức Chúa Giêsu. Là thành viên của Thượng Hội Đồng, Nicôđêmô phản đối quyết định ấy bằng cách trưng dẫn luật Do Thái: “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” Ánh sáng chân lý xuất hiện, nhưng con người thích bóng tối hơn ánh sáng. Con người tìm cách khử trừ ánh sáng.
Lần thứ ba tường thuật trong Phúc Âm Gioan 19. 39-40, Nicôđêmô đến để tẩm liệm thi hài Ðức Giêsu một cách thật trang trọng “Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái” Ánh sáng chân lý xem chừng bị đẩy lùi. Tuy nhiên, mầm sống Phục Sinh đang bừng dậy.
Nicôđêmô và Chúa Giêsu cho ta một tiến trình đi tìm chân lý: Thưa chuyện hay trao đổi với Chúa là chân lý – bênh vực chân lý và sống niềm hy vọng phục sinh.
Tại sao chỉ có Phúc Âm Gioan đề cập đến Nicôđêmô?
Không ai có thể quyết đoán dứt khoát tại sao chỉ có Phúc Âm Gioan đề cập đến Nicôđêmô ba lần, còn Phúc Âm Nhất lãm không thầy nói đến nhân vật nầy.
Tôi chỉ xin được có ý kiến:
Ba lần đề cập đến Nicôđêmô trong Phúc Âm Gioan:
3.1-21: Nicôđêmô lén gặp Chúa Giêsu ban đêm, rất có thể có Gioan hiện diện vì Tông đồ Gioan thường hiện diện bên Chúa trong nhóm gọi là “bộ tư”: Chúa Giêsu – Phêrô – Giacôbê và Gioan
7.51 : Nicôđêmô đứng lên bênh vực cho Chúa Giêsu giữa công nghị Do Thái. Công nghị Do Thái điều hành bởi Thượng tế đương nhiệm, Gioan quen thân với thượng tế Caipha thời bấy giờ như chính Gioan nhìn nhận trong Gioan 18.15-16 “Ông Simon Phêrô và một môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Ðức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào” Nên chắc chắn Gioan đã được âm thầm thông báo về lời bênh vực Chúa Giêsu của Nicôđêmô trong Công Nghị.
39-40 Mai táng Chúa Giêsu – Gioan là môn đệ duy nhất đứng dưới chân thánh giá trong giờ hấp hối, để nhận lời trối của Chúa “nầy là Mẹ con! Và Nầy là con bà!” Chắc chắn ông chứng kiến việc mà ông đã tường thuật trong 19.38-42 “Sau đó, ông Giôxép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống. Ông Giôxép này là một môn đệ theo Ðức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxép đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó”
Những thánh sử khác như Matcô và Luca, không phải là tông đồ của Chúa Giêsu, các ông là môn đệ của Phêrô và Phaolô. Còn Thánh sử Matthêô là tông đồ, Chúa trực tiếp chọn gọi, tuy nhiên ông không có trong “bộ tứ!” và cũng không có mặt dưới chân thánh giá khi Chúa hấp hối. Thêm một yếu tố khác trong quan điểm thần học của Phúc Âm Gioan. Gioan nhấn mạnh đến Chúa Giêsu là Lời sáng tạo – Lời cứu độ và Lời thánh hóa. Nên ý nghĩa ánh sáng cứu độ đến đẩy lùi bóng tối tà thần là điểm sáng trong thần học Gioan. Nicôđêmô, nhân vật ngưỡng mộ Chúa âm thầm, tìm gặp Chúa ban đêm, Ông cố gắng thoát khỏi bóng tối để tìm thấy ánh sáng chân lý cứu độ. Trong quan điểm thần học nầy, Thánh Gioan đã bỏ nhiều phần xem chừng rất quan trọng trong Phúc Âm Nhất Lãm. Thí dụ: Gioan bỏ phần Chúa bị cám dỗ trong hoang địa, Chúa biến hình, những phép lạ trừ quỉ, bài giảng trên núi. . .Ngoài ra chúng ta cũng thấy là trọng tâm thần học của Gioan nhằm vào Chúa Giêsu là nhân vật mới, đến để thiết lập nền phượng tự mới và tuyên bố “phá bỏ đền thờ nầy đi và ta xây lại trong ba ngày” Nên Gioan cho thấy là Chúa Giêsu hành trình từ Galilê xuống Giêrusalem nhiều lần, chứ không phải chỉ có một lần từ Bắc xuống Nam rồi chết như trong Phúc Âm Nhất Lãm.
III. Thực hành Phúc Âm:
Thánh giá giương cao
Rắn đồng được giương cao trong sa mạc để những ai bị rắn độc cắn, nhìn lên và được cứu sống. Rắn đồng không là rắn thật và còn sống, tức không có nọc độc, nhưng lại thành phương dược tiêu trừ nọc độc nơi người bị rắn độc cắn.
Phương dược không là rắn đồng, nhưng là rắn đồng được giương cao cho mọi người nhìn thấy, sám hối và được chữa lành.
Chúa Giêsu chết treo trên thánh giá. Người chết rồi không làm được gì để cứu sống người khác. Nhưng thánh giá hay đúng hơn ảnh chuộc tội, tức thánh giá và corpus Christi, được giương cao để mọi người nhìn thấy, tin tưởng tức đến với niềm tin Kitô giáo là tin vào Chúa Giêsu và theo giáo huấn của Ngài để nhận được ơn cứu độ. Thánh giá giương cao để người ta nhận ra lý do tại sao Chúa chết trên thánh giá. Từ đó người ta nhìn ngắm, hiểu ý nghĩa thánh giá và sám hối để đón lấy phương dược cứu độ.
Ảnh chuộc tội trưng bày khắp nơi.
Chúng ta vẽ hình thánh giá trên thân thể mình khi làm dấu thánh giá.
Điều cần là nhìn thấy thánh giá, hiều ý nghĩa hy sinh của Chúa và tin tưởng cầu xin phương dược cứu độ.
Thánh giá, phô bày ý nghĩa hy sinh và phương dược cứu độ.
Thánh giá thành chứng tích của một tình yêu hy sinh tột cùng. Thánh giá thành bất tử.
Chúng ta ai cũng sẽ có ngày mai một, tức biến khỏi trần gian nầy. Tuy nhiên những hy sinh của chúng ta, dù âm thầm, dù nhỏ bé sẽ tồn tại, sẽ thành một chứng từ bất tử trong tâm hồn người nhận được hy sinh từ chúng ta.
Thánh giá giương cao hay giương cao thánh giá, tức cố gắng có một hy sinh nhỏ mỗi ngày trong đời sống.
Ai cũng có quyền và có bổn phận giương cao thánh giá.