Sách Sáng Thế 22.1-2.9a10-13.15-18; Thư của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Rôma 8.31-34
và Phúc Âm Thánh Matcô 9.2-10
Tin Mừng chúa Giêsu theo Thánh Mátcô
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm ý:
Thầy trò, núi cao, riêng biệt
Biến hình, vinh sáng, siêu việt, tuyệt vời
Thiên nhan sáng tựa mặt trời
Y phục như tuyết rạng ngời trắng trong.
Mô-sê tâm huyết một lòng
Bao năm khổ sở lòng vòng lang thang.
Êli-a đói khổ hoang mang
Bánh thiêng nuôi dưỡng lạc hoan phục hồi
Phêrô sướng quá “đây rồi!”
Cắm dựng ba lều núi đồi sướng êm
Chúa bảo: xuống núi đi thêm!
“Thánh giá” đau khổ, đặt “TÊN” CON NGƯỜI
Thấy Chúa nhục nhã chê cười
Hồi tưởng có lúc sáng ngời vinh quang.
Tin rằng Chúa chết hiên ngang
Muôn người được sống được mang về Trời. Amen.
I. Giáo Huấn Phúc Âm:
Cuộc đời Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, giống như cuộc đời các tổ phụ, các nhà lãnh đạo và các Tiên Tri trong Cựu Ước, đã được kêu gọi để thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Sứ mạng các Ngài hàm chứa cả đau khổ và vinh quang.
Hôm nay, Chúa cho tông đồ thấy Chúa biến hình tức thấy Chúa lúc vinh quang. Sau nầy, khi các ông chứng kiến Chúa chết nhục nhã trần truồng trên thánh giá tức lúc Chúa đau khổ. Hy vọng các ông vẫn giữ vững niềm tin vào Chúa.
Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, là người được tuyển chọn để cứu độ nhân loại qua đường thập giá. Chương trình cứu độ và Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian không là chuyện tùy hứng hay xốc nổi, nhưng đã “được tuyển chọn” và đã được định trước.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Nhất Lãm không có nghĩa là giống nhau hoàn toàn nhưng có nghĩa là dựa vào nhau mà trình bày Giáo Lý Phúc Âm:
Matcô 9.2-10: Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.
Matthêu 17.1-9: Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
Phúc Âm Luca 9, 28b-36: Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.
Xin trưng dẫn ba đoạn Phúc Âm Nhất Lãm, tức đồng loạt trưng bày 3 đoạn Phúc Âm của 3 tác giả để chúng ta thấy ý nghĩa của nhất lãm, tức có giống và có khác. Hay nói khác đi, các Ngài dựa vào nhau để viết Giáo Lý Phúc Âm.
Thời đó không có một phương tiện ghi nhận hình ảnh gì cả. Thêm vào đó, Phúc Âm Luca còn nói “Ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt!” Vậy thì làm sao Phêrô có thể nhận ra hai người đang đàm đạo với Chúa Giêsu là Môsê và Êlia?
Có người cắt nghĩa rằng: Từ thời nầy sang thời khác, người ta kể cho nhau nghe chuyện Môsê và Êlia. Phêrô nhận ra người xuất hiện đàm đạo với Chúa Giêsu ám hạp với lời kể đã từng nghe. Đồng thời nội dung cuộc đàm thoại giúp Ông nhận ra và xác định danh tánh các nhân vật.
Cách giải thích khác xem chừng hợp lý hơn: Phúc Âm là Giáo Lý của các Tông Đồ, được biên soạn rất muộn, phải từ 50 năm cho đến 80 năm sau ngày Chúa Giêsu về Trời. Như vậy, sự chính xác theo loại tường thuật không là điểm then chốt, vì không có tác giả Phúc Âm nào chứng kiến tận mắt việc Chúa biến hình cả. Không thấy thì làm sao biết thế nào là chính xác. Các Thánh Sử chỉ cần viết lại theo những tường thuật của những người đi trước và đặt vào đó quan điểm thần học của mình. Nên danh tánh của những nhân vật trong biến cố biến hình đã có sẵn từ trước. Không ai đặt vấn đề: có thật là Môsê và Êlia không? Và cũng không ai thắc mắc làm sao Phêrô nhận ra hai bậc tiền bối sống trước Ông hơn một ngàn năm? Đó không là mấu chốt Giáo lý Phúc Âm dạy. Nhưng là vấn đề Đức Kitô, con Thiên Chúa, mang cả hai bản tính: Thiên Tính và nhân tính. Ngài đau khổ như con người chúng ta. Nhưng Ngài là Thiên Chúa đầy vinh quang sáng láng.
Phân biệt hai Giacôbê:
Giacôbê tiền (James the Greater), tức Giacôbê anh em ruột với Gioan tông đồ, cả hai là con Ông Giêbêđê và bà Salomê, là một trong bốn tông đồ được Chúa chọn đầu tiên chung với hai anh em Phêrô và Anrê. (Matcô 1, 16-20 và Matt.4,21-22).
Giacôbê hậu (James the less), con của Ông Alphê, truyền thống Giáo Hội thời bấy giờ cũng gọi là James người công chính (James the Just). Giacôbê hậu, con Ông Alphê được Kinh Thánh Tân Ước nhắc đến bốn lần trong Matt. 10,3; Matcô 3,18; Luca 6,15 và Tông Đồ Công Vụ 1,13
III. Thực hành Phúc Âm:
Biến hình vô ích.
Sau năm 1975, anh em cùng lớp, ra trường thần học cùng khóa nhưng được chịu chức linh mục rất khác nhau, vì điều kiện chính trị khó khăn. Có người chịu chức sau khi mãn trường chỉ một năm. Anh em nầy làm linh mục, ai cũng kính trọng gọi Ngài là Cha. Người anh em khác cùng lớp, đơn chịu chức không được chính quyền chấp nhận, nên cứ làm thầy già giúp xứ từ năm nầy sang năm khác.
Làm Cha khác xa làm thầy. Làm Cha cao trọng gấp nhiều lần làm thầy. Làm Cha là biến hình hoàn toàn. Anh em tốt phước được làm linh mục sớm nầy lại còn được thăng cấp, được chọn làm thành viên của Hội đồng linh mục, hội đồng tư vấn Giám Mục. Thế là thầy già cùng lớp phải cúi đấu kính cẩn chào và thưa một điều Cha hai điều Cha… Có lần thầy quên Cha đã biến hình, nên cãi lại Cha. Thế là thầy bị phê là không biết vâng phục. Lơ mơ là mất ơn gọi.
Nhiều lần tôi than thầm rằng: Cha ơi, cha biến hình chi cho vô ích quá vậy! Mất cả tình nghĩa bạn bè.
Đến trại tỵ nạn cũng có nhiều cảnh biến hình thật lố bịch. Ai cũng vượt biên tìm tự do, sống nhờ làm thân tỵ nạn trong các trại ở Đông Nam Á. Sau ngày 14.3.1989, tình trạng tỵ nạn rất thê thảm, vì mất quyền định cư cho những ai đến sau ngày giờ nói trên.
Để được định cư, ai cũng phải qua thanh lọc để Cao Ủy xét duyệt xem có quyền tỵ nạn hay không? Nhiều cảnh thương tâm xảy ra: Nhiều người bỏ cả sản nghiệp ra đi, bây giờ phải hồi hương. Đang khi đó cũng có người may mắn được quyền đi định cư. Từ ngày được chấp nhận đi định cư cho tới khi rời khỏi trại là thời gian biến hình: Quần áo tươm tất hơn, ăn nói xem ra hiểu biết nhiều hơn về nước Mỹ hay hay Canada. Nhiều người đến nhờ cậy chuyện nầy chuyện nọ, vì tương lai sẽ hoàn toàn khác với đời tỵ nạn một trời một vực.
Nhìn những bà con đã biến hình nầy, tôi buồn vô hạn: Dù có biến hình cách mấy, chúng ta cũng là người Việt Nam chịu lắm oan khiên, chúng ta cũng là người tỵ nạn bị Mã Lai hành hạ, chúng ta cũng là những người ngày đêm khẩn cầu để có may mắn định cư. Biến hình làm chi khi có quá nhiều người đang đau khổ lầm lũi tủi thân đếm ngày buồn?
Nên thay đổi, nên biến hình, nhưng nên biến mình thành một khuyến khích và thành một phấn khởi cho người khác như Chúa đã làm cho các tông đồ hơn là làm biến mất hình ảnh bạn bè thân tình gần gũi.