CHÚA NHẬT I MÙA CHAY Sách Sáng Thế 9.8-15; Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô Tông Đồ 3.18-22 và Phúc Âm Thánh Matcô 1.12-15
Tin Mừng chúa Giêsu theo Thánh Mátcô
Và ngay sau đó, Thần khí xua Ngài vào sa mạc. 13 Và Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, Ngài ở giữa dã thú, và các thiên thần hầu hạ Ngài.
14 Sau khi Gioan đã bị nộp, thì Ðức Giêsu đến xứ Galilê, rao giảng tin mừng của Thiên Chúa 15 mà rằng:” Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến bên; Hãy hối cải vào tin mừng”
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm ý:
Sau khi chịu phép rửa xong
Giê-su thực hiện điều mong từng ngày:
Vào rừng cầu nguyện ăn chay
Sứ mạng truyền đạo đổi thay gian trần.
Sa-tan cám dỗ dữ dằn
Thiên thần hầu hạ đỡ đần ủi an
Dã thú hết “dã” hiền ngoan
Lai vãng gần gũi bình an hiền lành.
Tính Gioan khẳng khái trung thành
Sửa sai vua chúa nên đành bị giam
Gian trần, quyền thế, gian tham
Đúng lúc để Chúa đảm đang cứu đời.
Hỡi ai, trông ngóng Nước Trời
Thời giờ đã mãn, đổi đời tốt hơn!
Ăn năn sám hối cầu ơn
Tin Mừng hoán cải thành NHƠN thành NGƯỜI. Amen
I. Giáo HuấnPhúc Âm:
Hoang địa, hình ảnh của thử thách và gian khổ, nhưng là giai đoạn cần thiết để củng cố sứ mạng rao giảng tin mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Giống như dân Do Thái trong hoang địa bốn mươi năm để củng cố niềm tin vào Chúa.
Đừng nghĩ là giữa hoang địa không có cám dỗ. Cám dỗ chổi dậy từ bên trong con người.
Muốn chiến thắng ma quỉ, hãy để giờ của Chúa đến, hãy để quyền lực Thiên Chúa lãnh đạo cuộc sống chúng ta, tức hãy thuộc về Chúa và chương trình của Ngài.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật việc Chúa ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỉ cám dỗ có phần khác nhau.
Luca và Matcô tường thuật: Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỉ cám dỗ…có vẻ như Chúa bị cám dỗ liên lỉ suốt bốn mươi ngày. Còn Phúc Âm Thánh Matthêeô bảo: Sau khi ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày… Ngài thấy đói và ma quỉ xuất hiện cám dỗ… (Matt.4,1-11) Cám dỗ đến sau khi ăn chay cầu nguyện? Tường thuật nào đúng?
Trong ba Thánh Sử của Phúc Âm nhất lãm, chỉ có Matthêô là tông đồ Chúa chọn. Trong thực tế, khi được dẫn vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện, Chúa chưa chọn tông đồ hay môn đệ nào cả. Như vậy ba thánh sử tường thuật lại chuyện Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa theo lời kể của Chúa hay của ai đó.
Như có lần đã nói: Phúc Âm không là phóng sự chiến trường hay một thứ tường thuật tại chỗ mắt thấy tai nghe. Nhưng là Giáo Lý của các Tông đồ: Nhiều chục năm sau, sau khi Chúa về trời các Tông Đồ đi truyền đạo và viết lại hay nhờ người viết lại để dạy giáo lý và để trình bày quan điểm thần học của mình. Nên chúng ta không nên trả lời là tường thuật nào đúng? Không có tường thuật nào chính xác trăm phần trăm với sự kiện xảy ra cả. Nhưng chúng ta phải trả lời là qua tường thuật, thánh sử muốn nói gì?
Chúa bị cám dỗ suốt bốn mươi ngày theo tường thuật của Matcô và Luca để nói rằng: Cám dỗ không bao giờ mệt mỏi hay cho chúng ta “nghỉ xả hơi” hay có thời gian “hưu chiến” trong cuộc đời chúng ta. Quan điểm thần học nầy xem chừng rất thật trong cuộc sống Kitô hữu. Thí dụ: Lúc nào? Tuổi nào? và ở lên tới địa vị nào thì chúng ta sẽ không còn bị cám dỗ về ham muốn nhục dục? Cám dỗ bất chấp thời điểm, tuổi tác hay địa vị. Nhiều Giám Mục, linh mục đang ở địa vị cao trong Giáo Hội vẫn bị sa chước cám dỗ.
Tuy nhiên, Phúc Âm Matcô nói: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người!” Chúa bị cám dỗ suốt thời gian trong hoang địa, nhưng bao giờ cũng được giữ gìn bởi các thiên sứ. Chúa là Con Thiên Chúa xuống từ trời cao. Dù trong hoang địa, sống giữa loài dã thú, nhưng Ngài vẫn an toàn vì Chúa luôn gìn giữ Ngài. Con người chúng ta cũng vậy: Dù sống giữa trần đời, nhiều khi thật nguy hiểm như trong hoang địa, nhưng Thiên Chúa luôn giữ gìn ai biết trông cậy Ngài.
III. Thực hành Phúc Âm:
Ma quỉ trong ta và có nhiều cách cám dỗ ta.
Chúa bị thử thách! Đó là điều Phúc Âm muốn nói. Phúc Âm không hề mô tả quỷ xuất hiện với da vẻ đen thui xấu xí, có hai sừng nhọn hoắc và có chiếc đuôi ngoa ngoe như chúng ta thường có về quỷ.
Vậy chuyện ma quỷ cám dỗ là chuyện thử thách đến từ bên trong con người dưới nhiều thúc bách nội tại: Muốn diệt quỷ! Không cần đi xa! Quay về với chính mình và tìm cách chận đứng hay khống chế những ao ước bản năng tự nhiên. Thử thách có luôn và kéo dài cho đến hơi thở cuối cùng. Nó ở trong chúng ta. Ngày xưa khi còn nhỏ, mỗi lần đọc kinh tối là tôi ngủ gục, không thưa kinh với Mẹ tôi được. Thỉnh thoảng bà ngưng đọc kinh và mắng “Thằng quỉ làm cho mầy buồn ngủ nhắm mắt lại khi đọc kinh!” Thật vậy trước khi đọc kinh tối, tôi tỉnh queo và sau khi kinh tối, tôi có thể tiếp tục chơi.. nhưng trong khi đọc kinh tối thì buồn ngủ vô cùng… Má tôi đổ thừa oan cho thằng quỉ. Một chú bé trai đang lớn thích chơi giỡn hơn là đọc kinh. Nên giờ đọc kinh là ngủ la liệt vì sau khi chơi giỡn mệt, ngồi yên thì ngủ thôi. Đâu cần ma quỉ gì cám dỗ. Tự nơi con người chú bé thích chơi hơn đọc kinh.
Một số anh em chủng sinh được bảo lãnh sang Canada tu học làm linh mục. Xa nhà, xa xứ và phải đương đầu với nhiều thử thách về ngôn ngữ và văn hoá. Cần một nâng đỡ….Gia đình nọ có vài ba cô con gái…mời quí Thầy đến vui chơi…dần dà, sau nhiều lần tiếp xúc, gần gũi riêng tư….những anh em nầy bị “kẹt” ơn nghĩa và tình cảm… thế là không còn phù hợp với đời sống độc thân mà rất khít khao với đời sống lứa đôi.
Đương nhiên, không ai có quyền buộc người khác chọn bậc sống tu trì độc thân. Đây đúng là chuyện vận dụng nhiều cách để cám dỗ. Hay cám dỗ được thực hiện qua nhiều cách: bên ngoài tốt và đưa đến kết quả không tốt. Đời sống lứa đôi là chuyện tự nhiên và vẫn là ơn gọi. Tuy nhiên vẫn không thể chối bỏ đây là một thư cám dỗ có dụng tâm và người đã gây ra cám dỗ nầy.
Chắc một điều những anh em chủng sinh trên đã thiếu “ăn chay và cầu nguyện” hay nói khác đi đã coi thường mưu chước “ngọt ngào” của trần gian. Chắc chắn, ít nhiều họ sẽ ân hận vì đã đánh mất sự ân cần chăm sóc của Chúa.