Sách tiên tri Giôen 2.12-18; Thư II của Thánh Phaolô gửi Côrintô 5.20-6.2
và Phúc Âm Matthêô 6,1-6.16-18
Tin Mừng chúa Giêsu theo Thánh Mátcô
1 Hãy coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta, để hòng được thấy; chẳng vậy, các người mất công nơi Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời. 2 Vậy khi ngươi bố thí, thì chớ thổi loa trước mặt, như bọn giả hình làm nơi hội đường và phố xá, hầu được vinh nơi người đời. Quả thật, Ta bảo các ngươi: họ đã lĩnh đứt công lênh họ rồi. 3 Còn ngươi bố thí, thì tay trái đừng biết điều tay phải làm, 4 hầu việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi là Ðấng thấu suốt kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi.
5 Và khi các ngươi cầu nguyện thì chớ làm như bọn giả hình; chúng ưa đứng cầu nguyện trong hội đường và các ngả đàng, hầu được bày ra cho người ta thấy. Quả thật, Ta bảo các ngươi, chúng đã lĩnh đứt công rồi. 6 Còn ngươi khi cầu nguyện thì hãy vào buồng, khóa cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi, có mặt cả nơi kín ẩn; và Cha ngươi, Ðấng thấu suốt cả nơi kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi. 16 Khi các người ăn chay thì chớ sầm mặt lại như bọn giả hình: chúng làm mặt mày mất dạng, để ra dáng ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các ngươi, chúng đã lĩnh đứt công chúng rồi. 17 Còn ngươi ăn chay thì đầu hãy xức dầu, và mặt mày hãy lau rửa, 18 hầu đừng lộ ra là ăn chay trước mặt người ta, nhưng trước mặt Cha ngươi, có mặt cả nơi kín ẩn, và Cha ngươi, Ðấng thấu suốt cả nơi kín ẩn, sẽ hoàn trả lại cho ngươi.
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm ý:
Mùa chay, Thứ Tư Lễ Tro
Những việc đạo đức phải lo hàng ngày:
Bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Sám hối, xưng tội, ăn ngay ở lành.
Bố thì, kín đáo, chân thành
Không cần loan báo rõ rành phô trương.
Cầu nguyện khỏi dán bích chương
Đóng cửa phòng lại, Chúa thương đủ rồi.
Ăn chay cũng kín đáo thôi
Mặt mày sáng sủa miệng môi tươi cười
Thiên Chúa thấu suốt mười mươi
Trả công khen thưởng cho đời của con.
Mùa chay dâng chút lòng son:
Xét mình, nhận lỗi: lo toan bạc tiền.
Xin cho sống thánh sống hiền:
Hãm mình cầu nguyện như kiềng ba chân.
Amen
I.Giáo Huấn Phúc Âm:
Thực tế của đời người: Tội lỗi và bất hạnh! Nên con người cần sám hối để nhận ơn tha thứ và ơn cứu độ.
Những việc đạo đức phải làm để tỏ lòng sám hối là: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Tất cả phải làm trong âm thầm, kín đáo và chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự biết và ban phần thưởng cho việc lành phúc đức chúng ta làm.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Bài đọc thứ nhất, sách tiên tri Giôen. Một hiểu biết căn bản về tiên tri Giôen
Đếm tất cả được 18 sách tiên tri trong Cựu Ước. Số tiên tri có nhiều hơn 18, nhưng có một số chỉ lưu danh mà không có lưu văn, tức không có sách như Gioan Tẩy Giả được xếp vào số các tiên tri, nhưng không có sách tiên Tri Gioan Tiền Hô hay Gioan Tẩy Giả. Thường chúng ta hiểu tiên tri theo nghĩa thầy bói hay chiêm tinh gia của Việt Nam. Đây chỉ là một phần nhỏ trong sứ mạng tiên tri của các Ngài. Tiên Tri là những phát ngôn viên của Chúa, tức những sứ giả có nhiệm vụ loan báo những lệnh truyền của Chúa mà chúng ta quen gọi là sấm ngôn.
Những sấm ngôn nầy thường mang nhiều tính cách tiên tri, tức loan báo trước những điều sẽ xảy ra trong tương lai, thí dụ: bị ngoại bang xâm chiếm, dân chúng bị lưu đày làm nô lệ. tất cả các tiên tri trong Cựu Ước đều thi hành sứ mạng giống như nhau: Chỉ cho dân chúng thấy tội lỗi họ đang phạm và tiên báo hình phạt – Dân chúng bị phạt và ăn năn sám hối xin Chúa tha tội – Chúa tha tội và ban cho những ân huệ hay phúc lộc…Sau một thời gian, sang thế hệ khác, dân chúng lại làm y chang những gì Cha Ông đã làm… Chúa sai tiên tri đến và lại tuyên bố hình phạt và kêu gọi sám hối.
Giôen có nghĩa là YHWH, tức Thiên Chúa. Ông xuất hiện thi hành sứ mạng tiên tri khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Không có nhiều chi tiết về đời sống của Giôen. Sách của Ông lại quá ngắn, chỉ gồm có 4 chương với những tiểu đề như sau: Tội lỗi và hình phạt – Sám hối – Ơn tha thứ và Ơn cứu độ.
Thường khi nói đến tiên tri, chúng ta hay nghĩ đến những sứ giả Thiên Chúa sai đến để cảnh cáo và chỉ dạy cho dân trong Cựu Ước. Chuyện xưa rỗi, chuyện cũ lắm rồi. Nhưng nếu có cái nhìn về nội dụng giáo huấn của Tiên Tri, chúng ta thấy thời nào cũng có tiên tri cả. Trong Giáo Xứ, các Cha là những tiên tri, các Ngài luôn nhắc nhở chúng ta đi xưng tội, đi dự tuần tĩnh tâm cầu nguyện, đi lễ rồi làm chuyện bác ái…Các Ngài thật là tiên tri. Trong gia đình Cha Mẹ luôn quan tâm đến việc giữ đạo và sống đạo của con cái…. Các Ngài là những tiên tri cho chúng ta… Nên tiên tri nhan nhãn mọi nơi, mọi thời. Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3.18.27; Giob 34. 17; Gr 6. 26; 25, 34; Est 4.13; Is 58. 5; Dn 9.3; Giona 3,6; Giudith 4.16; 9,1).
Thứ Tư Lễ Tro và Mùa Chay: Trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.
Từ ngữ tiếng Việt Mùa Chay, lấy từ tiếng La tinh Quadragesima, chỉ định thời gian Phụng vụ trước Mùa Phục Sinh, có nghĩa là 40, một từ chủ chốt bao gồm nhiều biến cố quan trọng, được Kinh Thánh nói tới nhiều lần. Bốn mươi ngày của Mùa Chay gợi nhắc đến bốn mươi ngày Chúa Giê-su chay tịnh và chịu cám dỗ trong sa mạc (Mt 4, 1 – 11; Mc 1, 12 – 13; Lc 4, 1 – 13). Nhưng khi chúng ta đọc những bản tường thuật của Phúc Aâm về các cơn cám dỗ của Chúa, luôn được đặt vào Chúa Nhật đầu Mùa Chay, nó lại hướng chúng ta về nhiều chủ đề khác. Những cám dỗ Chúa chịu cũng còn gợi lại 40 năm dân Israel chịu thử thách trên đường tiến về Đất Hứa…Nối tiếp con số 40 này chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm những chủ đề khác.
Ý nghĩa của bốn mươi ngày chay tịnh
Phải nói ngay là không ai biết Chúa ăn chay và cầu nguyện bao lâu. Như đã có lần nói: Phúc Âm không là bài phóng sự, nhưng là giáo lý của các tông đồ, thành hình sớm nhất là 40 năm sau khi Chúa lên Trời. Khi Chúa vào sa mạc ăn chay cầu nguyện thì chưa có các tông đồ, nên không có ai gọi là “chứng kiến tận mắt” việc Chúa làm trong sa mạc và làm trong bao lâu.
Tất cả ba Phúc Âm Nhất Lãm, Mathhêô, Matcô và Luca đều tường thuật việc Chúa dành riêng một thời gian đặc biệt 40 ngày trước khi xuất hiện công khai truyền đạo. Nhưng những tường thuật nầy không đồng nhất: Thánh Matthêô nói: Thánh Thần hướng dẫn Chúa vào Sa Mạc để bị ma quỉ cám dỗ, Ngài ăn chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm (Matt. 4,1-2) Phúc Âm Matcô thì nói “Ngài lưu lại đó 40 ngày, bị ma quỉ cám dỗ. Ngài ở giữa những hoang thú và có các thiên thần hầu cận” (Matcô 1,12-13) Matcô nói ngày mà không nói đêm. Còn Luca như chúng ta sẽ thấy trong Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay “Thánh Thần dẫn Ngài vào sa mạc bốn mươi ngày, chịu ma quỉ cám dỗ… Ngài không ăn gì cả.” (Luca 4,1-2) Thực tế có vậy không? Nếu một người không ăn gì cả bốn mươi ngày?
Theo cách hiểu của Kinh Thánh, bốn mươi ngày là thời gian cần thiết để giáo hóa và thanh luyện để chuẩn bị cho một sứ mạng lớn.
– Sách Sáng Thế Ký chương 6 và 7 tường thuật việc Chúa cho mưa trút nước suốt 40 ngày đêm gây ra Lụt Đại Hồng Thủy giết chết nhân loại tội lỗi, thanh tẩy địa cầu thời Ông Nôe.
– Môsê lên núi Sinai 40 ngày đêm nhận mười điều răn.
– Dân Do Thái lang thang trong sa mạc suốt 40 năm tìm về Đất Hứa.
– Chúa Giêsu vào rừng vắng ăn chay, cầu nguyện và bị cám dỗ 40 ngày đêm.
– Chúa Giêsu sau khi sống lại ở với các tông đồ 40 ngày trước khi lên trời.
– Mùa chay kéo dài bốn mươi ngày trước Phục Sinh là thời gian để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và để tôi luyện bản thân hầu đáp ứng cho sứ mạng Phục Sinh: Rao Giảng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Đó là việc các tông đồ đã làm sau ngày Chúa lên trời.
III. Thực hành Phúc Âm:
Bocca della verita: Phía trái cửa ra vào của nhà thờ Santa Maria ở Roma có một dĩa tròn bằng đá cẩm thạch, trên đó có hình người: mắt mở to, miệng mở rộng, được gọi là Bocca della verity: Miệng nói thật. Người ta nói rằng: Miệng nói thật nầy dùng để thử xem người ta có nói đúng với hành động mình làm không. Muốn chứng minh mình nói thật thì cứ để tay vào miệng bocca della verita nầy. Nếu người đó nói dối thì miệng nói thật sẽ ngậm lại giữ lấy tay của người nói dối.
Ai cũng biết đấy chỉ là hình ảnh để khuyên bảo chúng ta nên thành thật trong lới ăn tiếng nói. Có sao thì nói vậy.
Chúa dạy bố thí, ăn chay hãm mình….phải làm trong kín đáo tránh phô trương. Vì người đánh giá việc chúng ta làm không ai khác hơn là Chúa, Đấng chân thật. Ước gì chúng ta không ngần ngại đưa tay vào bocca della verity vì mình nói và hành động đúng sự thật. Không thêm bớt, không phô trương để nhận lời khen của người khác vì họ “tưởng là chúng ta đã làm được điều đó!” nhưng thực tế chỉ là dỏm.