Sách Ngôn Sứ Giôna 3.1-5,10; Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 7.29-31 và Phúc Âm Thánh Matcô 1.14-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matcô:
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người. Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm ý:
Tin Mừng Chúa đi rao giảng:
Sám hối ăn năn! Đã mãn thời kỳ!
Trông xem đã thấy những gì.
Nước Chúa gần đến còn chi mà chờ.
Chúa đi tản bộ theo bờ
Biển Ga-li-lê sương mờ buổi sáng
Ngư phủ nhọc nhằn ngao ngán
Vất vả suốt đêm chả đáng đồng tiền.
Tiếng Chúa gọi thật nhân hiền:
“Thôi thì bỏ lưới bỏ thuyền theo Ta!”
Bốn người theo Chúa bôn ba:
Tin Mừng rao giảng: Quê Cha Nước Trời
Tất cả đều được kêu mời
Làm tông đồ Chúa cuộc đời bình an
Rằng ơn cứu độ Chúa ban
Cần được loan báo tràn lan gian trần. Amen
I. Giáo HuấnPhúc Âm:
Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần’.
Đấng Cứu Thế đã đến, đang ở giữa muôn dân! Không còn chờ đợi hay tìm kiếm gì khác. Chuyện phải làm bây giờ là sám hối và Tin Lời Ngài giảng.
Đấng Cứu Thế mà muôn dân trông đợi đã đến. Ngài rao giảng tin mừng sám hối. Ngài kêu gọi các tông đồ đầu tiên, những người sẽ tiếp tục sự nghiệp rao giảng tin mừng của Ngài.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” Lời giảng nầy có ý nghĩa gì?
Thời kỳ đã mãn: Thời gian hàng ngàn năm mong đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế đã viên mãn và đã tròn đầy. Đấng Cứu Thế của lời hứa trong vườn địa đàng “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”(STK 3.15) đã đến và đang rao giảng tin mừng sám hối cho muôn dân.
Triều đại Thiên Chúa đã đến gần: Đất nước Do Thái nhỏ bé và yếu kém. Nên thường hay bị ngoại bang xâm chiếm. Có lúc đất nước bị sơ tán, dân chúng bị lưu đày: Làm nô lệ cho Ai Cập cả nửa thế kỷ; Lưu đày Babylon ba đợt vào các năm 597, năm 587 và năm 582 và hồi hương năm 538; cũng như bị Đế quốc La Mã giải thể và phân tán năm 70 sau Chúa Giêsu cho đến năm 1949 mời được Liên Hiệp Quốc giúp cho hồi hương cho đến ngày nay.
Người Do Thái hơn ai hết mong một triều đại được thiết lập bởi một vị vua hùng mạnh, đánh đuổi ngoại bang và mang no ấm, độc lập cho toàn dân nước. Đó là triều đại của Thiên Chúa đã được hứa từ ngàn xưa. Chúa Giêsu đến, với những phép lạ lẫy lừng, với những lời giảng đầy uy quyền. Nên dân chúng đã nghĩ đến ngày giải phóng, ngày chấm dứt nô lệ. Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ mình đến hỏi Chúa: Thầy là Đấng mà muôn dân mong đợi hay chúng tôi còn phải đợi ai khác? Nên các môn đệ theo Chúa lúc đầu là để được một chỗ trong Nước Chúa.
Triều đại Thiên Chúa đã đến với Chúa Giêsu, Đấng cứu tinh. Ngài không là cứu Chúa theo kiểu quyền lực chính trị nhưng là Đấng cứu dân độ thế, đưa con người khỏi tội lỗi và làm cho mọi người thành công dân trong Nước Thiên Chúa. Đúng là Chúa Giêsu làm cho triều đại Thiên Chúa đến.
Vài nét về đời sống củaBốn môn đệ đầu tiên:
Simon Phêrô – Anrê – Giacôbê và Gioan. (Dựa trên Bách Khoa Tự Điển Wikipedia)
Simon (tên gọi trong tiếng Do Thái) đổi sang Phêrô (tiếng Hy Lạp) hay Kêpha (Árập) – Phêrô hay Kêpha có nghĩa là Đá. Ông sinh tại Bethsaida một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên bờ biển Tiberia, Palestin. Ông đã có một người mẹ vợ chính thức được đề cập đến trong Kinh thánh và được Giêsu chữa lành một cách kỳ diệu (Matt.8.14-15, Luca 4:38, Matcô 1.29-31). Theo Clement thành Alexandria thì Phêrô đã lập gia đình, có những đứa con, vợ của ông đã chịu đau khổ và chịu tử vì đạo.
Theo một số truyền thuyết có ít nhất từ thế kỷ thứ sáu thì con gái của Phêrô là Petronilla. Tại Vương cung Thánh Đưừng thánh Phêrô có một bàn thờ của St. Petronilla được vẽ bởi Guercino, 1623, Cristofari, 1730. Giáo hoàng Clement I viết: “Phêrô và Philip là cha của những đứa trẻ; Khi thánh Phêrô nhìn thấy vợ của mình bị dẫn đi tử hình, ông đã rất hoan hỉ bởi vì lệnh đòi và sự trở về nhà cha của bà, bà là nguồn động viên, an ủi rất lớn và ông nói với bà: “Hãy nhớ tới Thiên Chúa”. Đó là sự kết hợp của những vị thánh và họ là một sự sắp đặt hoàn hảo hướng về những gì thánh thiện nhất”. Phêrô là anh em với ông Anrê. Hai ông làm nghề đánh cá ở Caphanaum bên cạnh hồ Galilê (Matt.4.23). Ông đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của Anrê. Ông đến gặp Chúa Giêsu và được Người đặt tên là Phêrô (Gio. 1. 42). Phúc âm Luca cho chúng ta biết thêm: Ông trở thành môn đệ của Chúa Giê-su sau khi Chúa cho ông đánh được một mẻ lưới đầy cá (Lc 5, 4:11). Theo các sách Phúc âm (Mc 1,16-18; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11; Ga), ông thuộc vào số những người đầu tiên được Ðức Giêsu kêu gọi làm môn đệ (cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê). Trong danh sách của 12 tông đồ, ông luôn được xếp hàng đầu (Mc 3,16-19; Mt 10,2-4; Lc 6,14-16; xc. Cv 1,13). Tên của ông luôn được nhấn mạnh (Mt. 10:2)
III. Thực hành Phúc Âm:
Những người đi trước.
Chúa Giêsu, người sáng lập Kitô giáo. Từ một mình Ngài với một nhóm nhỏ 12 người. Giờ đây danh hiệu Ngài trổi vượt trên mọi danh hiệu. Đang có hai tỉ người và sẽ có nhiều hơn nữa tin nhận Chúa Giêsu và theo đạo Chúa Giêsu. Bốn tông đồ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan… rồi sau đó thêm 8 người nữa cho đủ số 12. Bây giờ trên thế giới có 5000 Giám Mục Công Giáo, có 420 ngàn linh mục Công Giáo, có 800 ngàn nữ tu sĩ và gần 250 ngàn nam tu sĩ trên toàn thế giới theo thống kê năm 2007.
Giáo Hội Việt Nam, năm 1533 thừa sai đầu tiên đặt chân tới và truyền đạo. Đạo chưa lớn mạnh đủ thì thời bắt đạo ập đến giết chết hàng trăm ngàn người, nhưng bây giờ cũng đã có 8 triệu giáo dân được phân chia trong 26 địa phận, được chăm sóc bởi 45 Giám Mục và hơn ba ngàn linh mục Dòng Triều. Có dịp đến Miền Sông Nước Nam Việt Nam, ai cũng phải nhìn nhận, không những đất đai trù phú mà tương lai truyền giáo cũng thật đầy hứa hẹn. Tất cả những họ đạo lớn và trù phú đều do những nhà truyền giáo hay do Ông bà tổ tiên của chúng ta chạy trốn bắt đạo từ Miền Trung và Miền Bắc vào. Những địa danh Công Giáo lâu đời như Cái Nhum, Cái Mơn, Mặc Bắc… đều được các nhà truyền giáo thiết lập. Những họ đạo như Trà Lồng, Kinh Đức Bà hay Hoà Thành tận Cà Mau… đều là những địa điểm trong vùng sâu vùng xa, nơi tốt để trốn mà giữ đạo, nơi quan quân triều đình không dòm ngó tới. Tất cả do người đi trước, do Ông bà tổ tiên chúng ta hay do những linh mục thừa sai đã tìm ra và xây dựng họ đạo và nhà thờ. Họ là những tiền phương trong việc mở mang Nước Chúa.
Nhìn thấy những địa danh Công Giáo trù phú và sâm uất nầy, ai cũng phải xúc động vì không biết bao nhiêu công khó của người đi trước đã đổ ra để mở mang nước Chúa, để khai sáng đạo Chúa khắp nơi. Xin cám ơn Chúa và xin tri ân những tiền bối đã hy sinh để Nam tiến và để giữ đạo và truyền đạo. Hãy nghĩ đến công ơn người đi trước để duy trì tinh thần mở mang đạo Chúa ở vùng sâu vùng xa.
Ưu tiên hàng đầu:
Có người nói: Chúa Giêsu suốt ba năm truyền đạo mà chả xây dựng được một nhà thờ hay một nơi thờ phượng nào cả. Tệ hơn nữa là không có chỗ gối đầu, cứ lang thang từ nhà nầy sang nhà khác. Có chỗ được tiếp đón, có chỗ bị xua đuổi.
Một nhà thờ hay nơi thờ phượng hay một chỗ gối đầu không là ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ của Chúa chút nào. Rao giảng tin mừng – chọn gọi các tông đồ là việc Chúa làm trước tiên.
Có những linh mục, ưu tiên hàng đầu là xây dựng, là đập phá, là sửa sang, là tổ chức ….Xem chừng có vẻ lo lắng cho giáo xứ nhiều, nhưng kỳ thực có khi “cho danh Cha cả sáng!” Có đi khỏi đây cũng có gì đó cho bà con nhắc nhở. Nhưng kỳ thực, chính Cha muốn đập phá, xoá bỏ đi công khó xây dựng của những bậc tiền nhiệm….Nên kết quả là vị kế nhiệm cũng sẽ đập phá, xoá bỏ những gì Cha đang xây dựng.
Xây dựng, sửa sang hay chỉnh trang cơ sở vật…. không bao giờ là ưu tiên số một trong nhiệm vụ mục tử. Nhưng là giảng dạy, cử hành bí tích và chăm sóc phần hồn cho đàn chiên. Giáo dân có quyền lắng nghe mục tử hướng dẫn và chỉ dạy họ.