Sách Ngôn Sứ Isaia 42.1 – 4.6-7; Tông Đồ Công Vụ 10.34-38
Phúc Âm Thánh Matcô 1.7-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matcô:
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.” Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm ý:
Bắt đầu sứ vụ công khai
Chúa lãnh phép rửa giống ai mọi đàng.
Trời mở, tiếng phán rõ ràng:
Con Ta chí ái! Lòng tràn niềm vui.
Trời Đất thuận thảo êm xuôi
Niềm vui cứu độ không nguôi không ngừng
Thiên đàng rộng mở đón mừng
Trung gian Trời Đất sáng bừng hồng ân.
Xin cho con biết theo chân
Nhận lãnh phép rửa dấn thân cứu đời.
Không cần thêu dệt xa vời
Chỉ cần thanh khiết gọi mời hướng tâm.
Thế giới nặng nhất tà dâm
Thứ đến danh lợi bận tâm đêm ngày.
Dù có sống ngắn hay dài
Luôn là con thảo của Ngài mà thôi. Amen
I. Giáo HuấnPhúc Âm:
Cứu độ là chương trình của Ba Ngôi Thiên chúa: Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha công khai nhìn nhận là Con Thiên Chúa “Con là con yêu dấu Cha, Cha hài lòng về con!” và Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên Chúa Giêsu: Chúa Thánh Thần luôn ở cùng Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là trung gian Đất Trời – Ngài xuất hiện, cửa trời mở ra, khai mở thời đại cứu độ, thời giao hoà Trời Đất.
II . Vấn nạn Phúc Âm:
Nơi Chúa Giêsu nhận lãnh Phép rửa bởi Gioan tẩy Giả. (nguồn Hiển Quang – Liengiaositusi)
Cách trung tâm thành phố Tiberias khoảng 10 km về phía Nam trên sông Jordan, có một địa điểm thu hút khoảng nửa triệu người hằng năm. Đó là trung tâm Yardenit nằm bên sông Jordan – thuộc Israel Người ta đến dìm mình vào dòng sông để cử hành nghi thức rửa tội hay để tái tuyên xưng đức tin và suy niệm về đoạn phúc âm nói về bí tích rửa tội.
Trên các bức tường trong khu vực này có gắn các tấm bảng ghi lại đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bằng rất nhiều ngôn ngữ. Có cả tiếng Việt và ký tên bên dưới là Đức Ông Peter Nguyễn thanh Long, kỷ niệm ngày 15.11.2007. Đoàn hành hương Giáo Xứ Mẹ Việt Nam Washington DC. USA.
Thế nhưng theo khoa khảo cổ và kinh thánh, nơi thực sự Chúa Giêsu chịu phép rửa cách xa Yardenit cả trăm cây số, ở gần Biển Chết, thuộc về lãnh thổ Jordan được gọi là Bethania – “Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.” (Gioan 1. 28) Căn cứ trên các cuộc khai quật năm 1996, người ta tin rằng đây là khu vực Thánh Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu.
Ngày 10 tháng 5, 2009 – ĐGH Benedict XVI đã đến thăm viếng nơi này với sự hướng dẫn của Vua Abdullah và Hoàng Hậu Rania của Jordan. Con người chưa biết chính xác nơi Chúa chịu phép rửa – Tuy nhiên có một điều chắc chắn: Thánh Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu.
Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước?
Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần?
Câu chuyện Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa xảy ra vào những ngày đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Lúc đó, Chúa chưa chọn một môn đệ nào cả. Thánh Mátcô không là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng của Phêrô sau nầy, lúc truyền đạo ở Roma. Nên không biết ai đã nghe Gioan Tẩy Giả nói về phép rửa trong nước và trong Thánh Thần rồi nói lại cho Mátcô chăng?
Tôi không nghĩ là Gioan Tẩy Giả nói câu trên, vì Ông làm sao biết được, Chúa sẽ lập bí tích Rửa tội để gọi là rửa trong Thánh thần. Tuy nhiên câu nói nầy được đặt vào miệng Gioan tẩy Giả đến sau lệnh truyền của Chúa trước khi về Trời: các con hãy đi giảng dạy muôn dân và làm phép rửa cho họ nhân danh cha và Con và Thánh thần… Mục đích để nói lên ý nghĩa trọn vẹn của bí tích rửa tội mà Chúa Giêsu thiết lập là Ban Chúa Thánh Thần để làm tư tế, tiên tri và vương đế.
Tôi có lý do để nói điều nầy vì 3 tường thuật của 3 Phúc Âm Nhất Lãm đều khác nhau. Trong Phúc Âm Matthêu 3.13-15 thì Chúa Cha nói “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Trong Phúc Âm Luca 3.15-22, Đức Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” Trong Matcô 1.7-11 thì Đức Chúa Cha phán: “Con là Con Yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con!” Cùng một người, cùng một biến cố mà lời lẽ không giống nhau. Vậy thì sự khác nhau là do các Thánh Sử. Họ không nghe Chúa phán, nhưng nghe lại của nhau và diễn đạt theo thần học của mình.
Nên các Thánh Sử muốn cho thấy Gioan nhìn nhận là: Đấng đến sau tôi, cao trọng hơn tôi… vì kiện toàn phép rửa tôi làm không phải chỉ thanh tẩy mà còn có sức thánh hóa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng thánh hóa. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, ngự xuống trên Chúa Con. Chúa Thánh thần không có ngự xuống Gioan Tiền Hô bao giờ.
III. Thực hành Phúc Âm:
Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội: Về tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội đối với Dân Thiên Chúa, lịch sử của cộng đồng Kitô hữu tại Nhật Bản là một mẫu gương. Họ bị bách hại một cách trầm trọng trong những năm đầu thế kỷ XVII. Có nhiều vị tử vì đạo; các thành viên giáo sĩ đã bị trục xuất và hàng ngàn người bị giết. Đã không còn một linh mục nào ở lại Nhật Bản, tất cả đều bị trục xuất. Sau đó, cộng đồng rút lui vào bóng tối, giữ đức tin và cầu nguyện trong trốn tránh. Và khi một em bé được sinh ra, người cha hoặc người mẹ rửa tội cho em, bởi vì tất cả các tín hữu có thể rửa tội trong những trường hợp cụ thể. Sau gần hai thế kỷ rưỡi, 250 năm sau, khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật Bản, hàng ngàn Kitô hữu đã ra công khai và Hội Thánh có thể tái phát triển. Họ đã sống sót nhờ ân sủng của Bí Tích Rửa Tội của họ! Điều này thật vĩ đại: Dân Chúa truyền thụ đức tin, rửa tội cho con cái mình và tiến bước. Họ đã duy trì, thậm chí trong bí mật, một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, bởi vì Bí Tích Rửa Tội đã làm cho họ nên một thân thể trong Đức Kitô: họ đã bị cô lập và trốn tránh, nhưng họ luôn luôn là phần tử của Dân Thiên Chúa, phần tử của Hội Thánh. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ câu chuyện này!
Bình nước thánh ở cuối nhà thờ, nơi cửa ra vào:
Nước thánh, tức nước được làm phép để thanh luyện và thánh hóa.
Người Công Giáo bước vào nhà thờ, lấy tay chấm nước thánh, làm dầu thánh giá, tiến vào bên trong và bái gối mặt hướng về nhà chầu. Sau đó vào chỗ mình muốn.
Cử chỉ thật đáng quí và đáng duy trì, vì:
Nhắc chúng ta bí tích rửa tội, chúng ta được thanh tẩy bằng nước thánh để sạch tội.
Nhắc chúng ta ơn Tái sinh của Chúa Thánh Thần để chúng ta thành con Chúa và gia nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô.
Nhắc chúng ta thánh hóa bản thân mình bằng hình thánh giá. Chúa dùng Thánh giá cứu chúng ta và mỗi lần vẽ hình thánh giá là mỗi lần chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi và Ngôi Hai dùng Thánh Giá cứu chuộc nhân loại.
Mỗi nhà nên có bình nước thánh trong gia đình và chúng ta không những được phép và còn được khuyến khích là rảy nước thánh trong gia đình, làm dấu thánh giá để xua trừ ma quỉ và xin ơn bình an.