Sách Ngôn Sứ Isaia 63.16-17; 64.1,3-8; Thư Thứ I của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô 1.3-9 và Phúc Âm Thánh Matcô 13.33-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” Ðó là lời Chúa.
Giáo HuấnP.Â.:
“Trời cao hãy đổ sương xuống!” Lời nguyện cầu của Dân Do Thái đau khổ.
“Trời cao hãy đổ sương xuống!” Lời cầu xin của mỗi người chúng ta
Con người cần Chúa và lệ thuộc vào Chúa như đất sét trong tay thợ gốm.
Việc Chúa đến là hồng ân cứu độ, nhưng xảy ra bất ngờ.
Biến cố bất ngờ đòi hỏi phải tỉnh thức và cảnh giác luôn.
Vấn nạn P.Â.
Phụng Vụ năm B với Phúc Âm Thánh Matcô Matcô không thuộc nhóm 12. Có khi Ông được gọi là Gioan theo danh xưng Do Thái. Có khi Ông được gọi là Matcô theo danh xưng Rôma. Matcô là con của một bà đạo đức tên Maria. Nơi căn nhà của bà Maria nầy, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ở Giêrusalem thường tụ họp để cầu nguyện chung. Những tín hữu đầu tiên đã tụ họp nơi đây để cầu nguyện cho Phêrô và khi Phêrô được thiên thần Chúa giải cứu khỏi ngục tù cũng đã đến tạm trú ở căn nhà nầy (Tông Đồ Công Vụ 12,3-4 và 12.)
Có lẽ Matcô chính là người thanh niên bỏ cả áo choàng chạy thoát thân khi lính đến bắt Chúa trong vườn cây dầu (Matcô 14,51) Matcô có họ hàng với Thánh Barnabê tông đồ. Matcô đồng hành với Phaolô và Barnabê từ năm 46-48. Nhưng khi đến Pamphilia thì chia tay và trở về Giêrusalem (Cvtđ 13.13). Phaolô tỏ ra bất bình trong việc chia tay nầy (Cvtđ.15.36-40) Nhưng sau đó hai người đã gặp lại nhau lúc Phaolô bị bắt giam lần thứ nhất ở Rôma như được diễn tả trong Thư Thánh Phaolô gửi Côlossê 4.10)
Theo lưu truyền, Matcô còn là môn đệ của Thánh Phêrô (Thư I Phêrô 5.13) và đã thành lập giáo đoàn ở Alexandria bên Ai Cập. Matcô chết cách tự nhiên và hài cốt được giữ lại tại Venezia, thành phố trên biển của nước Ý. Vẫn còn đền thờ Thánh Matcô rất lớn và đẹp ở thành phố nầy cho đến ngày nay.
Matcô là tác giả Phúc Âm Thứ II. Có nhiều bằng chứng:
Trong Phúc Âm, Matcô tỏ ra là một người Do Thái chính ngốc và hiểu biết về địa dư, nghi lễ trong đền thờ và giáo quyền thời ấy.
Là môn đệ của Phêrô, nên chính ông và chỉ có ông biết những yều điểm của Thánh Phêrô như nóng tính và nhút nhát.
Phúc Âm Matcô ngắn nhất. Phúc Âm được chép lại những gì Phêrô giảng theo yêu cầu của tín hữu đầu tiên ở Roma. Ông chỉ ghi lại trung thực những gì Phêrô giảng không thêm bớt.
Chủ đề của Phúc Âm Matcô: Những gì Chúa đã làm chứng tỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa như Cựu Ước tiên báo.
Bố cục Phúc Âm Matcô:
Từ chương 1-10: Chúa giảng dạy ở Nazarét, Betsaida, Tirô, Siđon, Miền Thập Tỉnh, tại Cêsarêa và Giêrusalem.
Chương 11-16: Vào Giêrusalem, tranh luận với Biệt Phái, loan báo thế mạt. Những đau khổ phải chịu, bữa tiệc ly, khổ hình thập giá, cái chết và phục sinh.
Mùa Vọng
Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12 để các tín hữu Công giáo chuẩn bị Mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần. Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi Tín Hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:
Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia, tức Chúa Kitô đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào. Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25.12.
Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình tức giờ chết, để Chúa đưa chúng ta về Nước Chúa muôn đời.
III. Thực hành P.Â.:
Xin hãy làm ngọn nến hy vọng cho đời.
Trong phòng tối có bốn ngọn nến đang cháy.Xung quanh thật yên tĩnh đến mức chúng ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của chúng:
Ngọn nến thứ nhất nói: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA HÒA BÌNH.
Cuộc đời sẽ như thế nào, nếu không có tôi. Tôi thực sự quan trọng cho mọi người.
Ngọn nến thứ II lên tiếng: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA LÒNG TRUNG THÀNH.
Hơn tất cả, mọi người cần đến tôi.
Đến lượt mình, ngọn nến thứ III lên tiếng: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA TÌNH YÊU.
Tôi mới thực sự quan trọng. Hãy thử xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có tôi.
Đột nhiên cánh cửa chợt mở. Một cậu bé chạy nhanh vào phòng. Một cơn gió ùa vào làm tắt cả ba ngọn nến. Tại sao cả ba ngọn nến lại tắt. Cậu bé sửng sốt hỏi và oà lên khóc.Lúc nầy ngọn nến thứ IV mới lên tiếng: Đừng lo lắng cậu bé! Khi tôi vẫn còn cháy thì vẫn còn có thể thắp sáng lại cả ba ngọn nến kia. Bởi vì TÔI CHÍNH LÀ NIỀM HY VỌNG.
Ước gì Ngọn lửa hy vọng sẽ luôn đồng hành với các bạn trong suốt cuộc đời.
Khi giữ được hy vọng chúng ta có thể thắp sáng lại ngọn lửa của hoà bình, của trung thành và tình yêu.Hãy là ngọn nến HY VỌNG cho hoà bình, cho trung thành và cho tình yêu. Hãy là ngọn nến HY VỌNG cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội đang có quá nhiều thất vọng và chán chường. Cho nhau niềm hy vọng để vui sống