Trong những năm cao điểm từ 1976 đến 1995 ngài là đã giúp đỡ rất nhiều người tỵ nạn VN trong các trại trại Sikiew, Panat Nikhom. Đặc biệt là trại cấm Sikiew. Ngài đã nâng đỡ bao bọc, tranh đấu cho quyền lợi người tỵ nạn không ngừng nghỉ. Không những cho người VN mà còn cho cả người Cambodia, Lào, cha không phân biệt tôn giáo, nguồn gốc, chủng tộc…
Trước khi kính mời quý khán thính giả đón nghe phần chia sẻ của cha Peter Namwong trong chuyến đến thăm Úc Châu và hôm nay có mặt tại Nam Úc để gặp gỡ một số bà con đã từng ở trại Sikiew. Chúng tôi mạo muội xin được lược thuật qua đôi dòng về cha Peter Prayoon Namwong.
Tổ tiên cha Peter P. Namwong là người gốc VN. Hơn 300 năm qua, tổ tiên Cha đã di cư sang Thái Lan trong thời kỳ người Công Giáo VN bị bách hại dưới triều các vua nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 18.
Cha Peter sinh năm 1942 tại tỉnh Chanthaburi ở phía tây nam của Bangkok, nhưng Cha mồ côi bố mẹ từ thuở nhỏ, đến năm 12 tuổi thì cha được nhận vào tiểu chủng viện, và tiếp tục theo học hết chương trình tu học trong đại chủng viện và được thụ phong linh mục vào năm 1972 (lúc 30 tuổi). Đến năm 1976 khi làn sóng tỵ nạn VN, trốn CS đi bằng thuyền tràn ngập qua các nước trong vùng Đông Nam Á và đặc biệt là người tỵ nạn VN bằng đường bộ đến Thái Lan ngày càng đông, thì trại cấm Sikiew được thành lập (trại này vốn là nơi giam giữ tù nhân Thái) giờ chuyển thành nơi để giam giữ những người tỵ nạn VN, Lào và Campuchia.
Cũng từ năm 1976 Cha Peter Namwong đã được bổ nhiệm đến làm tuyên uý cho trại Sikiew để giúp đỡ những người tỵ nạn bất hạnh. Những người tỵ nạn từng tạm cư ở Sikiew từ năm 1976 đến năm 1995 hầu hết đều biết cha Peter Prayoon Namwong.
Vào thời điểm từ năm 1981 đến 1995, trại Sikiew có thể nói là trại tị nạn cơ cực và khắc nghiệt nhất vùng Đông Nam Á. Trong thời gian này Cha NamWong là người đã giúp đỡ rất nhiều cho những người tỵ nạn Đông Dương nói chung, và người tỵ nạn VN nói riêng. Nhiệm vụ của Cha lúc đó không chỉ giúp cho người tỵ nạn trong phạm vi tinh thần mà còn bao gồm nhiều lãnh vực khác. Chính Cha là người đã thành lập “Minor Center – trại Mồ Côi, mục đích để hướng dẫn các em vị thành niên trong trại không có cha mẹ đi cùng, hoặc gặp những trường hợp tang thương khi cha mẹ hay người thân đều đã chết trên đường vượt biên rời bỏ quê hương.
Ngoài “Minor Centre”, Cha còn thành lập một trường học, lấy tên là “Our School” để dạy nghề và Anh ngữ cho người tỵ nạn trong trại. Nói chung Cha đã làm tất cả những gì với khả năng có thể làm được để giúp cho người tỵ nạn trong trại Sikiew, giúp cho họ bớt khổ, đồng thời giúp họ chuẩn bị cho cuộc sống mới ở quốc gia thứ ba.
Hiện nay, ngài đang làm Tổng Giám Đốc bệnh viện Công Giáo St. Mary’ s Thái Lan, tuy sắp nghỉ hưu ở tuổi 75, nhưng Ngài vẫn đi công tác, thăm các cựu thuyền nhân (boat people), đã từng tỵ nạn ở Thái Lan quen biết Cha, nhằm mục đích kêu gọi sự hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh vẫn còn kẹt lại ở đất Thái, đang chờ đợi trong vô vọng, cầu mong có được ngày định cư tại một đất nước tự do hay ít ra cũng có được cuộc sống dễ thở hơn một chút, trong khi chờ đợi một tương lai tươi đẹp hơn.
Từ năm 1995, khi chính phủ Thái đóng cửa các trại tỵ nạn và cưỡng bách hồi hương. Thì có khoảng 1,000 người Việt đã trốn ở lại Thái Lan. Họ sống bất hợp pháp trên đất Thái, lén lút sống bằng nghề làm thuê, cuốc mướn với số tiền lương rất ít ỏi, lại bị chèn ép, bị bóc lột và luôn lo sợ cảnh sát Thái bắt nhốt tù hoặc đưa về VN.
Theo luật mới, nếu ai chứa chấp người những cư ngụ bất hợp pháp ở Thái Lan sẽ truy tố ra toà và bị phạt số tiền lên đến 30,000 Mỹ kim.
Trong hoàn cảnh khó khăn và bi thảm của những người tỵ nạn muộn màng. Một cách gián tiếp cha Peter Namwong đã phải nhọc nhằn, cơ cực để giúp đỡ cho những người tỵ nạn kém may mắn này, và nhất là những người VN mà cha vẫn tự hào là đồng bào ruột thịt của cha.
Giờ đây, kính mời quý khán thính giả của chương trình Vietcatholic – Adelaide theo dõi phần chia sẻ của cha Peter Prayoon Namwong và anh Đặng Quốc Vinh đến từ Sydney, là người đã từng sống tại trại tỵ nạn Sikiew và làm việc bên cha Namwong với khoảng thời gian trên 4 năm. Mặc dù anh đã được định cư ở Úc khá lâu, nhưng anh vẫn giữ mối liên lạc mật thiết với Cha. Anh Vinh đã tình nguyện hướng dẫn Cha Peter Namwong đi thăm các tiểu bang, khi Cha sang thăm Úc Châu.