Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương giáo họ Con Cuông G.P Vinh nhân chuyến thăm Úc Châu.
Bài Hát : Con Cuông Họ Đạo Thân Thương by Phạm Pháp.
Giáo điểm Con Cuông ngày ấy thuộc thôn Trung Hương, xã Yên Khê, cách thành phố Vinh ước lượng 130 cây số, qui tụ hơn 300 giáo dân. Về mặt pháp lý, linh mục Phạm Ngọc Quang, chính xứ Quan Lãng; linh mục Nguyễn Đình Thục, quản nhiệm Đồng Lam rồi cha Giuse Ngô Văn Hậu sau này đã nhiều làm thủ tục đăng ký nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Sinh hoạt tôn giáo bị o ép, hạn chế; nhiều giáo dân bị cơ quan công quyền triệu tập, dọa nạt, hành hung.
Từ giáo xứ Song Ngọc, chiếc xe bảy chỗ dần lăn bánh đưa chúng tôi về miền rừng núi điệp trùng miền Tây xứ Nghệ. Dòng thời gian đi thật nhanh, mới đó mà đã tròn 5 năm xảy ra sự kiện Con Cuông (1.7.2012 -1.7.2017). Ngồi trên xe, một miền ký ức bỗng nhiên tràn về trong tâm tưởng tôi, một người trong cuộc, đã sống những ngày tháng gian nan đó…
Căng thẳng nảy sinh có hệ thống kể từ 14h chiều 13.11.2011, khi cộng đoàn đang dâng lễ, chính quyền đã huy động hàng trăm người tụ tập trước cửa nhà nguyện, dùng loa công suất chửi bới, xúc phạm và ném đá cản trở.
Nguy hiểm và manh động nhất là việc những kẻ quá khích ném mìn tự chế vào nhà nguyện lúc 0h30’ ngày 1.12.2011. Bất bình trước sự việc đó, hơn 100 giáo dân đã tập trung trước trụ sở huyện yêu cầu địa phương chấm dứt gây hấn, đảm bảo tự do tôn giáo, chấm dứt chia rẽ lương giáo, trả lại bình yên cho giáo điểm.
Trong bất cứ diễn biến nào, Giáo phận Vinh cũng luôn thể hiện thiện chí đối thoại, từng bước giải quyết khúc mắc, không làm căng thẳng tình hình. Đối lại, chính quyền các cấp vẫn bao che, phớt lờ kiến nghị, tiếp tục hành động đi ngược pháp luật và tình người. Đỉnh điểm là vào chiều Chúa Nhật 1.7.2012, như thường lệ, cha G.B Nguyễn Đình Thục vừa đặt chân đến dâng lễ thì bị côn đồ xúc phạm, giằng co, không cho dâng lễ. Giáo dân có mặt tìm cách bảo vệ vị mục tử của mình thì bị nhóm này đánh đập dã man khiến nhiều nạn nhân phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, vào quãng 12 giờ trưa, họ đã giăng bẫy khiêu khích, phá cổng sắt, đột nhập nhà nguyện, đánh đập hai nữ tu Mến Thánh Giá đang nghỉ trưa. Đáng ngại hơn là hành động đập phá tượng Đức Mẹ, cơ sở vật chất nhà nguyện, xúc phạm Mình Thánh Chúa…
Sự kiện Con Cuông biểu lộ thái độ coi thường pháp luật, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, thế nhưng báo chí Nghệ An lại chà đạp sự thật, trơ trẽn vu cáo, trắng trợn xúc phạm bà con giáo dân, kích động hằn thù lương giáo hòng “đổi trắng thay đen, chạy tội cho những cực đoan, quá khích”. Như giọt nước làm tràn ly, vụ việc đã phá tan niềm tin mỏng manh cuối cùng của giáo dân với chính quyền.
Khép lại đằng sau những chi tiết để đi tìm nguyên cớ, phải chăng sự nhũng nhiễu trên là di chứng thù hằn Công Giáo xuyên suốt từ thời Văn Thân đến nay cộng với sự tiếp tay của các thế lực đen tối đứng sau hậu trường chỉ đạo?
Trong lúc đó, bà con giáo dân Con Cuông chỉ có đơn giản một nguyện vọng là được thờ Chúa cho phải đạo: “Ước nguyện của tôi cũng như của bà con giáo dân Con Cuông là được tự do hành đạo. Một người Công Giáo, dĩ nhiên, hằng tuần phải được đi tham dự Thánh lễ, rồi phải có một nơi để thờ phượng. Rồi lúc nào mà có những vấn đề trong cuộc sống, họ có nơi để đến gặp Chúa.
Nguyện vọng lớn nhất của họ là nhà cầm quyền phải để cho họ có một nơi hợp pháp để thờ phượng Chúa. Trong Hiến pháp của Việt Nam nói được tự do tín ngưỡng. Theo tôi nghĩ, tự do tín ngưỡng không phải qui định ‘cái suy nghĩ trong đầu’; bởi vì những gì mình suy nghĩ trong đầu không cần pháp luật. Chuyện ‘tôi ghét anh, tôi thương anh’ ai mà kiểm soát được. Nhưng đã nói về tín ngưỡng là phải chấp nhận có những nghi lễ, rồi có cộng đoàn. Theo tôi nghĩ, nếu như chấp nhận tự do tín ngưỡng thì phải chấp nhận để bà con giáo dân qui tụ để thờ Chúa, để cử hành những nghi lễ của tôn giáo mình.
Hơn nữa chúng tôi lên để dâng lễ, chúng tôi không làm gì sai cả. Hằng tuần, chúng tôi lên để dâng lễ thờ phượng Chúa. Dĩ nhiên trong Thánh lễ, những linh mục chúng tôi luôn dạy cho giáo dân ‘điều hay, lẽ phải’. Tôi không làm gì xúc phạm đến ai cả”. (Trích lời linh mục GB. Nguyễn Đình Thục)
Hành vi bạo lực chống lại những người có tín ngưỡng đã khiến những người thiện chí, yêu chuộng hòa bình phẫn nộ. Theo dòng thời gian, chính quyền các cấp cũng đã hiểu ra đó là một hạ sách. Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong nhận thức và cách cư xử đối với bà con giáo dân trên mảnh đất này?
Tròn 5 năm quay trở lại giáo điểm, chúng tôi nhận thấy sự “thay da đổi thịt” đáng mừng. Con Cuông ngày nay đã được nâng lên hàng giáo họ độc lập, có cha quản nhiệm Phaolô Phạm Trọng Phương, một linh mục trẻ khỏe coi sóc. Từ chỗ cơ sở vật chất nghèo nàn, với sự hỗ trợ của ân nhân và đóng góp của bà con, cha Phaolô đã xây dựng một trung tâm mục vụ 2 tầng khang trang, hài hòa giữa khung cảnh núi đồi, bao gồm nhà nguyện, phòng khách, hệ thống phòng nghỉ, sân khấu… Toàn bộ công trình nằm trong một diện tích đất rộng rãi hàng ngàn m2 được mua bằng tiền túi của giáo dân chứ không phải được cấp.
Giáo họ độc lập Con Cuông hôm nay đang nỗ lực mang Tin Mừng đến với bà con lân cận thông qua những cố gắng không mệt mỏi của cha quản nhiệm và bà con. Đó là việc rao giảng không chính thức được thực hiện qua những cuộc trò chuyện, giao lưu hay một chuyến viếng thăm tới những gia đình giúp họ hiểu thêm về đạo yêu thương.
Chuyện Con Cuông hôm nay cứ ngỡ là mơ. Quả là, Thiên Chúa đã viết thẳng trên đường cong. Không ai có thể biết được chương trình kế hoạch của Thiên Chúa. Một Con Cuông đau thương là thế mới chỉ trải qua 5 năm đã rủ bùn đứng dậy, vượt qua trắc trở, trở thành bông hoa đẹp giữa mênh mông núi đồi: Một cơ sở Công Giáo hiện diện giữa bà con dân tộc thiểu số để đồng hành, yêu thương nâng đỡ họ. Một cơ sở Đức tin đồng hành, chia sẻ niềm vui Tin Mừng đến với những tín hữu hàng chục năm thiếu thốn tình mục tử hiền nhân. Một Con Cuông bị sự dữ làm tổn thương nhưng Thiên Chúa vẫn lưu tâm, săn sóc để có thể trổ sinh hoa trái mới. Sau 5 năm, giáo họ Con Cuông đã có tuần chầu đền tạ Thánh Thể đầu tiên. Cũng là lần đầu tiên, một lễ Thêm sức do Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự đã được tổ chức với 32 em đến từ những bản làng, thôn xóm xa xôi từ Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn,… Đó thực sự là điều quá sức tưởng tượng của nhiều người.
Viết tới đây, chúng tôi lại chợt nhớ đến lời hiệu triệu của Đức Thánh Cha đương nhiệm: “Tôi muốn thấy một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố, chứ không phải là một Giáo hội “xanh xao vàng vọt” vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an ninh của riêng nó”. Rõ ràng một điều là giáo điểm Con Cuông xưa và giáo họ độc lập Con Cuông nay đã, đang và sẽ là những chứng nhân, không ngại dấn thân, chịu va đập thử thách, sẵn sàng ra đi đến với những vùng ngoại biên để nói lên niềm tín thành vào Đức Kitô và Giáo hội của Người.
Trước lúc rời Con Cuông, chúng tôi tình cờ gặp lại cha Quang, vợ chồng ông Trận, anh Đài, anh Giám… là những nhân chứng lịch sử 5 năm về trước. Những trang lịch sử bi tráng, hào hùng trên đây không bao giờ phai mờ trong con tim tín hữu miền Tây. Được tắm gội trong mình dòng máu tiền nhân, họ hiểu rằng chỉ có đức tin, sự trung thành kiên vững và đoàn kết mới giữ được tên Con Cuông trên bản đồ Giáo phận ngày hôm nay. Đó cũng là một ước vọng không chỉ của họ, của chúng tôi mà còn là của nhiều người trong chúng ta. Mong lắm thay!
Nguồn http://www.giaoxugiaohovietnam.com/Vinh/01-Giao-Phan-Vinh-ConCuong.htm