Đọc bài viết về MẸ của anh JV thật dài, tỉ mỉ đến từng giai đoạn. Cảnh sinh sống, bươn chải gồng gánh nuôi chồng con và nhất là “chiến lược” đưa cả gia đình, người thân vượt thoát vào Nam…
Nếu Trước đây đọc bài anh viết về Cha, tôi có nói câu:… “tôi ganh tỵ với anh”…
Thì lần này cũng vậy, trải dài trước mắt tôi, là những dòng chữ tuôn chảy như suối nguồn về công lao sinh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ dành cho các con.
Đọc cả hai bài viết nhiều lần, lần nào tôi cũng khóc. Bởi không phải ai cũng có được người Cha và người Mẹ đầy đủ trách nhiệm và bổn phận dành cho con cháu như anh. Mà nếu như có, chúng ta thường biểu lộ tình cảm dành cho hai đấng sinh thành này, cách khác nhau. Bằng cử chỉ săn sóc, lo lắng khi các ngài ở vào tuổi già sức yếu, bằng những lời thăm hỏi qua thư từ, điện thoại, hay gởi tiền biếu các ngài, phụ giúp thuốc men, quà bánh trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi người con hiếu thảo, đều có cách biểu lộ giống nhau, chỉ khác ở cách thể hiện: Thái độ yêu thương và việc làm biểu lộ sự hiếu thảo, tôn kính dành cho Cha Mẹ như thế nào: nhiều hay ít, thường xuyên hay thỉnh thoảng hoặc chỉ im lặng, không thể hiện gì cả, tùy theo suy nghĩ, hoàn cảnh, cấp bậc sống của mỗi người.
Riêng cá nhân tôi, khi nghe hay đọc được các bài viết về tâm tình của các con nói hay viết về công lao sinh thành của cha mẹ (thường là lúc các Ngài đã nằm yên trong quan tài). Thoạt đầu, bao giờ tôi cũng tủi hờn ganh tỵ, cơn phẫn nộ như những nham thạch nằm im lâu ngày trong ngọn núi lửa, được dịp tuôn trào, tôi khóc âm thầm, vì nhận ra bao điều tốt đẹp, cao quý khi được có cha mẹ trong cuộc đời. Những lời than thở, biểu lộ sự mất mát vì không có, không còn cha mẹ! Lâu dần, biết kềm chế hơn, trong thâm sâu trái tim mình, tôi biết cách tự an ủi, để sửa đổi cái nhìn, cách nghĩ mà nhận ra: Mỗi con người được sinh ra, là một hạt ngọc quý trong cả kho tàng lớn lao của Tạo Hóa, là một, là duy nhất, không có “Người thứ hai”, không ai giống ai! Vậy cái khác biệt giữa mình với người kia, có gì sai? Không phải một bức tranh, một bó hoa, một cảnh vật hay cụ thể nhất: một ngôi nhà, một gia đình sẽ tăng thêm vẻ đẹp, thu hút cái nhìn đầy ngưỡng mộ của mọi người, chỉ do bởi tất cả được kết hợp, từ cách pha trộn đầy màu sắc, trạng thái, tâm tư, tình cảm do Thượng Đế trao ban…Với cái nhìn tích cực, tôi nghe trái tim mình “bớt” hờn ghen, biết cảm thông và chia sẻ, ủi an người bất hạnh, hơn là than trách.
Vậy hỡi những người con diễm phúc còn đầy đủ cha mẹ, thật đáng hãnh diện! Hãy viết nhiều hơn nữa, hãy ca ngợi thêm nữa, hãy cho mọi người nhìn thấy cha mẹ, đã dày công, để hết tâm trí và sức lực, cả cuộc đời mình để lo cho các con, công lao nuôi nấng, dưỡng dục con cái của cha mẹ ví như trời biển:
Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Hai câu ca dao, tục ngữ này không biết phát xuất từ đâu, khi nào, chỉ nhớ ngay từ khi có trí khôn, tôi đã được biết đến, qua giọng hát ngọt ngào của ca sỹ hay đọc thấy trong thơ văn, trong trường lớp…tôi đã trân trọng cất dấu trong tim, trong tâm tưởng, rồi lâu dần, tôi quên! Vì thói thường, cái gì không xử dụng, cái gì khuất mắt, chúng ta thường dễ quên, có khi mất hẳn thì mới hay mình đã có!
Ngoài sự hy sinh cao cả, cha mẹ như các vị anh hùng đã chiến đấu dũng cảm, đầy can trường để bảo vệ các con, vượt qua bao bất trắc, khó khăn của đời thường, của xã hội. Cha mẹ đã nắm tay nhau, tạo dựng hạnh phúc. Từ những hạt giống bé thơ, nằm trong dạ mẹ, những cựa quậy nhẹ nhàng cho đến mạnh hơn, từng hơi thở, tiếng khóc lọt lòng, những bước đi chập chững ban đầu để bước vào đời, tiếng bập bẹ trên môi đầu tiên của đứa con nhỏ vẫn là tiếng Bố Mẹ hay Mạ Cha, Ba Má, để đánh dấu một ân sủng từ Thượng đế trao ban. Tất cả, khởi đầu đều tốt đẹp, vì bao khó khăn đều được cởi bỏ, bao quản nhọc, lo lắng nào đáng kể gì, so với tình yêu thiêng liêng và cao cả mà cả hai trái tim của đấng sinh thành được kết hợp để phát triển, sinh hoa kết trái và những gian nan khó nhọc trong quá khứ, những gồng gánh cuộc đời, những tính toán khôn ngoan, những lo liệu, dự phòng, những chắt bóp thật khéo léo, những quyết định thật can đảm, sáng suốt vì sự sinh tồn, bảo vệ các con và người thân vượt qua bao hiểm nguy, khốn khổ trong đời sống hằng ngày. Có cha mẹ nào kể lể với con cái? Chỉ có sự hy sinh trong âm thầm, một trái tim cho đi, không phân biệt đối xử, không tính toán! Một món nợ lớn lao mà chưa bao giờ các Ngài đòi hỏi con cháu phải trả lại!
Bởi thế, những hoa trái đầu mùa, tiếng chim hót líu lo, đàn bướm ong bay lượn cho khu vườn đầy sắc màu tình thương thêm đẹp tươi. Tôi đã được nhìn ngắm một bức tranh về gia đình hạnh phúc như thế, từ bài viết “Mẹ tôi” của anh, tôi nghe tiếng chuyện trò vui nhộn, những lần tề tựu, quây quần thăm viếng, cùng nấu nướng ăn uống với cha mẹ ông bà là nguồn an ủi lớn lao, nguồn vui bất tận, lòng hiếu thảo cao quý do con cháu đem đến trong khu vườn hạnh phúc này, đã đơm đầy sắc màu yêu thương trong tôi.
Cám ơn bài viết về Cha, về Mẹ của anh JV, đọc xong, không phải chỉ riêng tôi, chắc chắn tất cả chúng ta, đều có những người cha, người mẹ như thế nhưng để thấy hết, để hiểu biết và trưởng thành trong ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ chắc chắn là chúng ta còn thiếu xót nhiều.
Một câu nói, một lời tán thưởng, một cử chỉ săn sóc, một lời nhắc nhở về thuốc men, một cuộc điện thoại từ xa, một bó hoa vào các dịp lễ kỷ niệm, hoặc đơn giản nhất: Một cái xiết tay, một nụ hôn lên má, một ánh nhìn lo lắng, một tiếng cảm ơn, một lời cầu nguyện…Tất cả luôn luôn là cần thiết và không bao giờ là trễ với những ai còn cha mẹ và là bài học cách thiết thực và nghĩa cử tự nhiên mà các bạn truyền dạy cho con cháu mình.
Xin đừng có thêm người nào nữa, giống như tôi, chỉ biết khóc trong âm thầm vì hối tiếc. Thời gian cho tôi cơ hội để bày tỏ, chứ không chờ đợi. Đừng đợi đến lúc cha mẹ xuôi tay nhắm mắt mới nhớ đến công ơn dưỡng dục, sinh thành.
Xin nạm vàng, dát ngọc bốn câu thơ sau đây, kính tặng những ai thật diễm phúc, còn cha mẹ trên đời: