ĐỨC MẾN.
Sau khi được trả tự do, từ trại giam Cây Gừa. Tôi trở về nhà với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì gặp lại những người thân trong gia đình, bạn bè và nhất là căn phòng với chiếc giường ấm áp, sạch sẽ của mình. Buồn vì xa cách những người bạn còn ở lại trong trại giam.
Thời gian hơn ba tháng trong trại giam không dài về mặt thời gian, nhưng các trải nghiệm về CUỘC ĐỜI thì như dài vô kể, tôi đã ở trong một môi trường khá thuận lợi, để được học tập cả về ĐẠO cũng như ĐỜI, về Tự do và giam hãm, thêm hiểu biết về tình nguời, biết chia sẻ về chuyện đói no của con người .
Vài tháng dưỡng sức, tôi tìm việc làm và một người quen đã giới thiệu tôi đến làm ở một gia đình kia. Họ có căn nhà lầu 2 tầng ở đối diện chợ Bình Tây. Bà chủ nhà sang chợ Bình Tây lấy mối với giá sỉ quần áo trẻ em, áo đầm, áo sơ mi, quần tây ,những đồ thun các kiểu… cho trẻ em. Tôi đến đó vào khoảng 9 giờ sáng mỗi ngày, cùng với cô con gái lớn bán hàng, trừ ngày Chủ nhật. Mẹ cô thì có chuyện làm ăn khác, bà ít khi có mặt ở nhà, nên mướn thêm cô người làm để lo cơm nước cho cả nhà.
Bà chủ:
Bà trạc trên 40 tuổi, người Bắc, tóc ít, bà uốn cong và hay cột một chút phía sau gáy, nét mặt khá sắc xảo với cặp chân mày cong và mỏng, trên đôi mắt mí lót và đôi gò má cao, chiếc mũi nhỏ, cao, trên chiếc miệng rộng, cặp môi dày hơi thâm. Bà thích mặc đồ bộ bằng loại vải mỏng, có hoa màu nổi và ngắn sát nách, hầu như bà ít trang điểm, thỉnh thoảng sơn móng tay, các móng dài và cong, nhìn bà tôi không thấy nét hiền diụ hay thanh nhàn của người lớn tuổi giàu có. Tôi chỉ nói chuyện với bà hằng ngày vào buổi sáng, khoảng 15 – 20 phút. Ngày đầu vào làm, bà chỉ bảo tôi, cách buôn bán, sắp xếp, bày trí quần áo trẻ em sao cho hấp dẫn cái nhìn của khách hàng. Cách nhớ giá vốn các loại và cách tính phần trăm tiền lời trên mỗi loại, để bán ra theo giá trị hay giá vốn của mặt hàng. Sau đó, bà lái xe Honda Dream đi khỏi.
Con gái bà chủ:
Cô có vóc dáng giống mẹ nhưng nhỏ nhắn, gương mặt thì giống bố nhiều hơn. Cô giới thiệu mình tên Thiên Hương, 19 tuổi, là chị cả trong gia đình, một em gái nữa tên Thiên Kim ( tôi không gặp mặt bao giờ) và cậu em út đi vượt biên, chưa có tin tức.
Tôi và Thiên Hương cùng trông coi cửa tiệm bán quần áo trẻ em từ 9 g đến 6 giờ chiều. Cả hai cùng bán, giới thiệu hàng hoá cho khách, thu tiền, cho vào hộc bàn và ghi vào sổ, bộ quần áo mình vừa bán. Nói vậy thôi, chứ lúc đông khách, không đứa nào nhớ mà ghi lại cả. Buổi tối bà chủ về sẽ xem xét việc buôn bán qua quyển sổ và đích thân bà sang chợ lấy thêm hàng mới.
Người làm:
Khi tôi đến làm đã có cô bé giúp việc, cô tên Thơm, dáng vẻ hiền lành, tóc dài được cột cao, cùng tuổi với Thiên Hương, trong bộ đồ mặc trong nhà, cô bé trông gọn gàng và xinh xắn, nước da trắng hồng giọng nói miền nam hơi rụt rè, cho tôi cảm giác thân thiện ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hay là vì cùng thân phận làm công giống nhau? Lúc đó, tôi không có giờ rảnh rỗi để nhìn thấy chính mình.
Buổi trưa, vẫn để cửa mở, sau bức vách ngăn với cửa tiệm, tôi và Thơm ăn cơm chung nơi chiếc bàn nhỏ, vừa ăn vừa chú ý khách vào tiệm, cô chủ nhỏ đi vào chợ ăn hàng xong hay lên lầu ngả lưng một chút. Tôi và Thơm dần dà thân thiết như chị em.
Tôi và Thiên Hương cũng quen dần với cá tính của nhau. Khi giới thiệu quần áo cho khách hàng, cô chủ nhỏ bới tung chồng quần áo lên để lấy cho khách xem, xong việc cô không sắp xếp lại cho ngay ngắn, cô tảng lờ bỏ đi chỗ khác, phần xếp đặt lại quần áo vừa bị xổ tung đó, tôi sẽ làm khi vắng khách. Có hôm đông khách, bán đến gần 7 giờ tối, tôi chạy về nhà cái bụng cồn cào vì đói! Đến kỳ lương, bà chủ không trả thêm đồng nào! Tôi định bụng: Lần sau, đông khách đến mấy tôi cũng bỏ về, nhưng tôi làm sao bỏ đi khi rất nhiều khách hàng đã trở thành khách quen của tôi?
Sáng hôm sau, bà đứng trước cửa tiệm, tay ngoắc tôi ra ngoài, chỉ vào tiệm bán quần áo trẻ con bên cạnh và nói:
– Này, ra mà xem, mà học hỏi cách người ta chưng bày, đâu đó ngăn nắp! Có đâu mà như đống đồ cũ ngoài chợ trời!
Tôi rất giận nhưng cố nén, trả lời:
– Đáng lý chị phải mừng vì khách mua đông nên chọn lựa, thì phải lộn xộn như vậy. Họ có 3 người bán thì cả 3 cùng dọn. Đây có mình em dọn, thì phải chờ lúc không còn khách…
Bà nín thinh nhưng mặt không biểu lộ chút thiện cảm nào dành cho tôi cả. Một tháng sau, Thiên Hương có bạn trai, cô bé rất thích nói chuyện với tôi. Cô kể cho tôi nghe về chuyện gia đình cô, về người bạn trai hàng xóm. Anh thanh niên này có đến cửa tiệm một lần trước đây. Hôm nay cô muốn đi chơi với anh trong khoảng thời gian mẹ cô đi vắng. Tôi gọi Thơm lên bán phụ. Đến giờ ăn, Thơm kể chuyện:
– Mỗi ngày, bà chủ đưa em 5.000đ để đi chợ. 3.500 đồng cho món thịt kho, còn 1.500đ em mua bó cải nấu canh, cơm thì nấu vừa đủ cho em và chị. Bà rất dữ và hay la mắng, em sợ bà đến độ không dám ăn, ngủ cũng vậy, em ngủ rất ít. Cách đây mấy hôm, bà đem về con chó lông xù đẹp lắm, bà lấy xà bông thơm đưa em tắm cho nó. Tắm xong, bà đem xà bông cất lại vào tủ…Thiên Hương thì đỡ hơn bà chủ một chút, nó không la mắng em nhưng tính tình cẩu thả, quần áo một ngày thay mấy lượt, quăng, liệng tứ tung, em dọn dẹp quần áo, giày dép của nó không cũng mệt đừ, giờ còn phải lo cho chó cưng nữa. Không biết tết này, bà có cho em về quê không? Năm rồi bà nói em mới vào làm nên không cho em về, em nhớ ba má và các em lắm…
Thơm nghẹn ngào, dừng lại, tôi nuốt không trôi miếng cơm trong miệng. Hèn gì gần hai tháng nay, ngày nào Thơm cũng dọn lên bàn: 1 đĩa nhỏ thịt kho, một tô canh cải xanh và một tô cơm trắng. Tôi ăn dễ nên cũng chẳng phàn nàn gì, xem như bữa ăn tạm. Dù sao, có cơm canh nóng sốt là tốt rồi nhưng qua câu chuyện Thơm kể, tôi không ngờ Thơm khổ như vậy chắc là Thơm nhường bớt phần cơm cho tôi? Tôi nói:
– Em có làm gì sai, mà sợ bà dữ vậy? Làm việc nhiều thì phải ăn mới có sức chứ, em mà bệnh thì người ta đuổi em đi ngay, tự mình phải lo cho mình thôi.
Buổi chiều, sau khi đi chơi với anh thanh niên kia, Thiên Hưong về tiệm khoảng 3 giờ chiều. Cô nhận tiền bán hàng và đối chiếu với sổ tay ghi chép hàng bán trong ngày của tôi, cô chủ nhỏ mỉm cười vui vẻ và cô nói:
– Chị bán hàng còn giỏi hơn em nữa. Hôm nay, em đãi chị và Thơm, mỗi người tô bún riêu nhé.
Rồi cô lớn tiếng nói Thơm sang chợ, gọi bê sang 3 tô bún riêu.
Lát sau, người bán hàng bê một mâm, ba tô bún và một đĩa rau muống chẻ trộn rau thơm.
Thơm mang từ dưới bếp 4 chiếc ghế thấp, 1 chiếc đặt giữa để rau, 3 chiếc cho 3 chị em ngồi chung quanh đĩa rau, ngay tại cửa tiệm, chỗ đường trống xe bà chạy vào gian trong.
Đang ăn được khoảng 1/3 tô, bà chủ về tới! Bà thắng két…két sau lưng tôi, còn Thơm ngồi đối diện tôi, vừa nhìn thấy bà, Thơm sợ hãi nên bị sặc, 2 cọng bún phóng ra từ lỗ mũi! Nếu bình thường chắc tôi cười đến đau bụng nhưng bà chủ quắc mắt và lớn tiếng quát:
– Tại sao mày đang ăn, thấy tao về mầy lại sợ hãi thế!
Cả 3, miệng còn ngậm bún, tay lo bê tô, bê ghế đi để trống đường cho xe bà chạy vào…Thiên Hương vào bàn trong và giục tôi ăn tiếp, còn Thơm, cô trốn biệt tăm dưới bếp. Tô bún riêu “đặc biệt” này, tôi không nhớ nó ngon hay dở, chỉ nghe miệng mình mặn đắng mỗi khi nhớ đến giọng nói và gương mặt bà chủ lúc đó, tôi nghe như câu nói không chỉ dành riêng cho Thơm vì nó quá hà khắc, quá nhẫn tâm và có mùi vị của sự tiếc xót, về sự “đãi ngộ” không cần thiết, của con gái bà dành cho bọn làm công…tôi thấy hết nỗi khổ mà Thơm phải chịu. Sau tô bún đầu tiên bị mẹ phát hiện đó, Thiên Hương chắc bị mẹ la rầy dữ lắm, nên cô không dám rộng rãi một lần nào nữa, dù là cục kẹo hay cái bánh dư thừa mà mẹ và cô đã chán, không còn muốn ăn…
Sau Tết, Thơm về quê luôn và không quay trở lại! Bà chủ không bán quần áo trẻ con nữa mà cho thuê căn mặt tiền để mở ngân hàng. Tôi cũng xin được việc làm khác. Công việc mới với những người đồng nghiệp lớn tuổi có, nhỏ tuổi hơn cũng có. Những va chạm, mâu thuẫn vẫn có khi xảy ra nhưng trong tình thân mến, chúng tôi đến với nhau cùng chia sẻ, đỡ nâng nên không ai phải buồn phiền khi đến nơi làm việc cả, mà trái lại, ngày càng thấy liên kết trong tình thân như gia đình, ruột thịt. Buổi chiều về, dù mệt nhưng chưa bao giờ tôi thấy buồn vì bị tổn thương hay sỉ nhục như thời gian làm việc ở căn nhà lầu rộng mênh mông mà lạnh lẽo kia. Chẳng có ai từ chối lời khen thưởng hay một lời cảm ơn, một thái độ ân cần, một lời nói yêu thương, chẳng có ai muốn gắn bó với một nơi, không có ngọn lửa ấm áp của tình người!
Gần 30 năm trôi qua, tôi được dịp tiếp xúc với nhiều người, nhiều giai cấp thấp cao trong một xã hội mà xem ra quyền lực và đồng tiền lấn át tất cả. Tôi chọn lựa người để yêu thương và ghét bỏ người mà tôi không thương yêu nổi! Bởi đó là ĐỜI mà con cá nhỏ là tôi đã sống và không bơi lội nổi! Nhưng nay tôi đã biết cám ơn đời, bởi chính trong gian truân, khốn khó, tôi đã tìm về với suối nguồn chân lý: Đạo Công Giáo, Đạo của tha thứ và yêu thương.
Để kết thúc bài viết, xin cùng tôi đọc đoạn Thánh Thư của Thánh Phaolô tông đồ, gởi tín hữu Côrintô (cor 13. 1-13) “…Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần đi nữa, mà không có ĐỨC MẾN, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe, xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được ơn biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả Đức Tin, đến chuyển núi dời non mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi đem hết gia tài mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì chẳng có ích gì cho tôi…
Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù.
Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…Đức Mến không bao giờ mất đi.
…Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là ĐỨC MẾN.”
Nguyện xin các Thánh vinh hiển trên trời, tiếp tục dạy bảo và đồng hành cùng chúng con, mọi ngày trong đời sống phàm trần, để thân xác chúng con, dù có hao mòn và mục nát với thời gian, thì phần hồn chúng con sẽ được chung hưởng vinh phúc như các Ngài, bên nhan thánh Chúa.
Amen
Giáng Thu.