LÒNG MẸ.
Cả khu chợ nhỏ trước cổng nhà tôi xôn xao, náo loạn. Mới khoảng hơn 7 giờ sáng thôi, tôi lắng tai nghe, tiếng nói lớn nhất: Coi chừng, nó muốn gì vậy…giữ nó lại, giữ nó lại.. cho má nó biết đi…
Chị kế tôi mở cổng bước vào, chị có sở thích đi chợ sớm, trên tay chị, một giỏ đầy rau xanh, nằm thò một nửa ra ngoài. Chị nói khi thấy tôi chuẩn bị ra cổng, chị kéo tôi vào nhà, vừa đi, chị vừa nói:
– Con nhỏ điên, chắc là ở gần đây, lâu lâu lại chạy lung tung trong chợ… tội nghiệp, nó không mặc gì hết…có người giữ nó lại, nó muốn leo lên cột điện!
Tôi quay ngoắt trở ra cổng, để nhìn cho tận mắt cái cảnh tượng đau lòng này, vì mấy lần trước, tôi cũng chỉ nghe kể thôi.
Cột điện ở phía đầu hẻm nhà tôi, tôi đi nhanh qua sạp trái cây của người chị họ, dãy bàn ghế và nồi nước lèo thơm phức của món bún bò huế, thêm một gian hàng tạp hoá, chiếc dù to của gian hàng này, che khuất tầm nhìn của tôi. Khi đi đến nơi, tôi nhìn thấy phần sau lưng của cô gái trẻ, đúng như chị tôi kể, cô trần truồng, nước da đen hồng hào, vóc dáng thon thả, tóc dài ngang lưng nhưng rối bù,có vài vết bùn dơ trên lưng, hai người đàn ông cặp hai cánh tay cô dẫn đi…Tôi không nhìn thấy gương mặt của cô gái nhưng chắc là đẹp, tôi đứng nhìn theo, hình ảnh này, vừa lạ lẫm, vừa hổ thẹn, vừa khiến người nhìn xót xa. Nó kích thích trí tò mò mà trái tim nhạy cảm của tôi, không cho phép tôi làm ngơ được. Tôi quay trở về nhà, ngang qua hàng trái cây của người chị họ, tôi ghé vào hỏi chị:
– Chị ơi, cô gái điên hồi nãy vô chợ mình đó, chị biết nhà cổ ở đâu không?
Chị đang chưng bày mấy trái cam sành lên chiếc khay, ngừng tay chị trả lời:
– Dì Hà bán bún bò huế đây, biết rành lắm, má con nó ở cùng xóm với dì mà.
Nhìn sang hàng bún bò, không thấy dì Hà đâu, tôi thấy chị đang bận rộn với hàng trái cây của mình, chắc chưa ai mua mở hàng, tôi ngại nên chào chị, tôi về nhà.
Sau đó tôi được biết: Cô gái đang sống với người mẹ, bà có cái máy may, nhận may quần áo, đồ bộ mặc trong nhà và sửa chữa, lên lai quần tây. Thuở đầu, khi họ đến cái xóm nhỏ nghèo nàn này, là một gia đình, có vợ chồng và cô gái nhỏ đó, cô có cái tên đẹp: “Xuân Hồng”, cái tên mà ai nghe cũng không thể quên được, tên cũng giống người, cô lớn nhanh, xinh đẹp như một nụ hồng, những người hàng xóm ai cũng thương mến gia đình nhỏ này, ai cũng nghĩ: “cô bé này, lớn lên không làm người mẫu, cũng là minh tinh màn bạc”!
Rồi bỗng một hôm, năm đó, cô vừa tròn 16 tuổi, cái tuổi đẹp như nụ hồng bắt đầu hé nở. Cô buồn sầu, bỏ ăn, bỏ học, đêm cô không ngủ, miệng lảm nhảm như đang chuyện trò với ai, vẻ mặt căng thẳng! Ba của cô, cách đó vài tháng, ông đi làm xa và không thấy về nhà nữa. Cô gái và bà mẹ đi thăm hỏi nhiều nơi nhưng không ai biết, họ trở về nhà với bao buồn phiền, thất vọng. Có phải vì thương nhớ người cha, mà Xuân Hồng thành ra suy nhược thần kinh như thế? Người Mẹ vừa tất tả đi tìm chồng, nỗi hoang mang vì sự mất tích của ông chưa rõ. Nỗi khổ đau đó cho bà lòng vị tha, đến độ bà nghĩ: Nếu như, ông có vợ bé… thà như vậy, còn hơn là ông chết ở đâu đó mà bà không biết để chôn cất ông đàng hoàng…Bà thấy thương nhớ ông quá đỗi nhưng biết làm sao???
Với trái tim tan vỡ, bầm dập như thế, bà lại một phen hoảng sợ vì từng ngày, thấy con gái duy nhất của mình, như tách rời khỏi thế giới hiện thực: Con bé Xuân Hồng của bà ngày càng điên loạn, có một lần, bà không ngờ nhất, nó chạy ra khỏi nhà, tay xé bỏ quần áo và nhảy múa. Tối đó, trời mưa, không lớn nhưng bà nghe như có sấm chớp nổ vang, dữ dội trong lòng bà, hàng ngàn giọt mưa như gai nhọn xuyên thấu da thịt. Bà cũng chạy ra đường, bất chấp mưa giông, bất chấp bão tố trong lòng bà, bao lâu không biết nữa… bà cũng tìm được con gái, nó đứng co ro, dưới hiên nhà, chỗ mà ban sáng, ông thợ hớt tóc bày chiếc ghế để cắt tóc dạo, mớ tóc dài của con gái ướt sũng nước mưa, bà phóng đến với hai cánh tay giang rộng, như con gà mái tơ hùng dũng nhất, ôm con gái vào lòng như ôm kho báu, bà nói như mê sảng: Má đây, về nhà…về nhà sẽ ấm áp hơn, đừng ra ngoài như vầy, trời mưa con không thấy mưa sao?
Sau lần đó, bà đưa con gái đến Bác sỹ, ông cho thuốc theo số tiền bà có thể trả. Bệnh tình của Xuân Hồng có giảm, chỉ vài ba tháng cô mới trở bệnh một lần, những khi lên cơn như thế, bà mẹ chỉ ôm con bé thật chặt, bà nói chuyện hằng giờ với con gái, trìu mến, dịu dàng và hết sức kiên nhẫn vì những lúc như thế, Xuân Hồng cố sức để vùng thoát, con bé cào cấu, đấm đá túi bụi vào người bà, bất cứ chỗ nào nó có thể! Và bà mẹ, cứ chịu đựng cho đến khi Xuân Hồng thấm mệt, nó ngồi im và bắt gặp giọng nói yêu thương quen thuộc của người mẹ, nó không phản ứng gì nữa, cho đến khi nó nhìn thấy những giọt nước mắt đang tuôn xuống như dòng suối nhỏ trên gương mặt má nó, Xuân Hồng như chợt hiểu ra mọi chuyện vừa xảy ra, nó ôm choàng lấy má nó và cả hai cùng khóc…
…Hôm nay ngày lễ NHỚ ƠN MẸ, rất gần với sinh nhật của tôi, nên 3 cô con gái của tôi, chúng viết tặng tôi một tấm thiệp chúc mừng, cả 3, mỗi cô viết một đoạn, năm nào cũng vậy, chúng viết có đoạn bằng tiếng Việt, có đoạn bằng tiếng Anh, luôn luôn lễ phép và rất dễ thương. Tôi ngồi ở phòng khách để đọc, các con lăng xăng dưới bếp, khoảng nửa giờ sau, tôi được mời xuống bếp và nhìn thấy trên bàn ăn: Một ổ bánh sinh nhật lớn, có tên tôi được viết giữa các chùm hoa và các con số phía dưới, cùng màu hồng, một đĩa vịt quay, một đĩa lớn mì xào đồ biển… Đây là những món chúng biết tôi rất thích nhưng sợ chất béo và giữ eo cho các con nên ít khi tôi mua hay nấu lấy tại nhà.
Trong lúc các con đốt lên ánh nến trên ổ bánh và hát vang lời chúc mừng Sinh Nhật Mẹ.
Tôi nghe niềm xúc động dâng lên trong lòng, gần 24 năm qua, kể từ ngày rời xa quê hương để đến định cư tại nước Úc này. Trong sâu thẳm của trái tim mình, tôi vẫn luôn cất giữ hình ảnh những người mẹ Việt Nam, đang sống và vật lộn từng giờ, từng ngày với những nỗi đau khổ triền miên, không dứt..Mỗi người mẹ có nỗi khốn cùng, hay bất hạnh khác nhau nhưng lòng nhẫn nại, chịu đựng và hy sinh thì kiên cường, mạnh mẽ đến ngạc nhiên và khiến tôi thán phục.
Tôi đang nhớ đến người mẹ của cô gái có tên Xuân Hồng và bao nhiêu người mẹ khác, ở khắp nơi trên thế giới, đang cưu mang những người con, ngày đêm chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo, mà chỉ có tấm lòng hy sinh cao cả của các bà Mẹ, mới vực dậy niềm tin và hy vọng cho đứa con và những người thân quanh bà.
Tôi xin phép mượn ngày NHỚ ƠN MẸ này, để vinh danh và cảm ơn các bà mẹ cao quý của chúng ta. Kính chúc các bà mẹ, có được vạn ngày vui, hạnh phúc và bình an.
Giáng Thu