FATHER’S DAY NHỚ CHA LINH HƯỚNG
by
chadiepucchau.com
·
2 September, 2016
FATHER’S DAY NHỚ CHA LINH HƯỚNG
-*-
Con mơ ngày mai trên bàn tiệc,
Thấy Cha nói cười, ngồi cạnh Thánh Phêrô
Con là cô gái đi quanh quẩn,
Nhặt mẫu bánh thừa, Chúa bẻ cho các Cha.
Rồi con mở cửa, rời căn nhà các Thánh
Bước ra ngoài, để đón ánh bình minh
Mặt trời chói chang, huy hoàng ánh đỏ
Tiếng chim hót mừng, chào đón ngày đẹp tươi
Con chim nhỏ, nhìn con rồi nó hỏi:
“Làm sao đến được đây, người không cánh?”
Con trả lời, thật chân thành, đơn sơ:
“Tôi không biết, tôi đến đây không bằng đôi cánh
Chỉ bởi TÌNH YÊU chấp cánh cho tôi bay
Tôi không biết, đã qua bao nhiêu chặng
Tôi dừng chân, than khóc tội lỗi tôi
Rồi mở mắt, thấy mình gần các Thánh…
Xin dược phép, một lần được gặp gỡ
Chốn Thiên đàng, tràn ngập nỗi hân hoan”
Chú chim nhỏ mỉm cười, rồi bay tiếp
Để tôi một mình, trong yên tĩnh, ngất ngây
Ngắm Thiên Đàng lòng tha thiết tin yêu
Nơi hoa trái sinh sôi đầy khắp chốn
Ong bướm vui đùa và chim hót líu lo
Nơi tang tóc không còn hay lời kêu van đau khổ
Nơi ban phát tình yêu và ánh sáng
Nơi thời gian được đo bằng nhịp đập
Trái tim vẹn tuyền, xin hiến dâng Cha
Nơi mặt đất là bồng bềnh mây trắng
Và muôn người, được nâng lên, bởi đôi cánh thần tiên
Nơi muông thú, cũng cùng chung tiếng nói:
“CHÚC TỤNG THIÊN ĐÀNG! NƠI CHÚA NGỰ VINH QUANG”
Con còn thấy, hàng hàng, lớp lớp con cái Chúa
Là những anh em, cùng quây quần
Nơi bàn tiệc thánh, chờ tay Chúa,
Ban phát Hồng Ân như Bánh Thiêng
Từ tay Thiên Chúa, ai cũng có
Lớn, nhỏ, ngọt, bùi hay đắng, cay
Đoàn con chấp tay, chân bái lạy
Đón nhận ơn lành, thánh ý, Chúa trao ban
Dù đau thương, cũng xin nhận với nụ cười…
Và con muốn cùng Cha, xin cho tất cả
Biết mơ được SỐNG cảnh Thiên Đàng
Nơi không có đau thương và nước mắt
Chỉ có tình yêu, tha thứ và bình an
Con còn mơ, cơn mơ như bất tận…
Được thấy Cha, áo trắng
Thánh thiện, trọn lành nhìn đàn con yêu thương
Và khắp chốn là vườn hoa ƠN CỨU ĐỘ
Đàn con ngoan trình diện trước nhan Ngài
Không khiếp sợ, bởi một lòng trông cậy
Dám ngẩng cao đầu, chờ đợi phán xét chung
ƠN THIÊN CHÚA, làm mưa trên tất cả
Để cùng vui, cùng cất tiếng tung hô
…Con lại thấy, một chiếc bàn rộng lớn
Đủ chỗ cho mọi người, cùng dự buổi tiệc vui
Dù ở đâu, ngồi xa, gần người quý mến
Nguyện một lòng, xin cầu nguyện luôn luôn
Cho tất cả, cùng hợp đoàn dưới chân Chúa
Trong hạnh phúc Thiên Đàng, con ƯỚC MƠ…
Giáng Thu – Adelaide
Viết tặng CHA LINH HƯỚNG CỦA CON, nhân ngày Nhớ ơn Cha.
************************************************************
FATHER’S DAY – NHỚ VỀ CHA TÔI
Jo. Vĩnh SA
Tôi sinh ra ở một làng quê miền Bắc, có lũy tre xanh bao bọc chung quanh làng.
Làng có 4 cổng, theo phong thủy, có 4 hướng: Đông – Tây – Nam – Bắc. Nhà tôi tọa lạc ở gần cổng Đông.
Làng có cái tên rất là an bình, là làng An Thái, xã An Lạc, huyệnTiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Cái tên, mà từ tỉnh xuống đến làng, xã, đều mang danh nghĩa thái bình, an lạc. Dân làng có khoảng trên dưới 25 gia đình, với hơn hai trăm nhân danh. Nhà này cách nhà kia bởi những dậu Mồng Tơi hay giàn mướp, bầu, bí, hoặc những ao bèo nuôi cá. Giữa làng có xây một cái đình, để thờ thần làng. Đình được xây cất trên một cái nền cao ráo sạch sẽ. Đình làng chỉ có mái ngói và ba bức tường chung quanh, phía sau và hai bên hông. Mặt tiền không có cửa, đằng trước có sân rộng. Đình không cửa, mục đích để cho dân làng tự do ra vào tế vái thần làng.
Vì mọi người tin rằng, đây là một nơi linh thiêng, thần thánh phù hộ cho dân làng, nên không ai dám đến phá phách. Trước đình làng có một cái sân lớn, rất rộng, lót gạch bằng phẳng, để những ngày lễ hội, dân trong làng thường tụ tập về đây hội hè, lễ tế và tiệc mừng. Thỉnh thoảng có những đoàn hát bội hay phường chèo về trình diễn ban đêm, hầu hết dân làng kéo nhau đến xem.
Phía bên trái của đình làng có cái ao lớn nuôi cá. Nơi đây gọi là ao cá linh thiêng của thần làng.
Mỗi lần có tiệc tùng, thì các cụ Tiên Chỉ được mời ngồi trên những tấm chiếu hoa, trải trên nền gạch, phía trong đình, với những mâm cỗ cao cấp dành cho chức sắc, bày biện sẵn trên chiếu, để các Cụ xơi, đánh chén. Còn dân làng, hạng Cùng Đinh thì ngồi ngoài sân.
Tạ hạ xin phép, tả dài dòng một tí tẹo, để bà con biết sơ qua, cảnh sinh hoạt làng xóm ở ngoài miền bắc thời xa xưa như thế nào? Trong đó có gia đình tôi.
Mỗi lần Hội Đồng làng mời các đoàn hát bội hay phường chèo về đình làng trình diễn, thì Bố tôi hay dẫn chị em chúng tôi đi xem.
Thời đó tôi là đứa bé, nhỏ nhất trong nhà, khoảng 3 – 4 tuổi gì đó. Khi đi xem hát, người lớn đứng chật cả sân. Tôi nhỏ con, thấp thè, bị người lớn che chắn hết, chẳng trông thấy gì. Nên tôi nũng nịu, cầm tay Bố giật giật. Bố! Bố! Con không thấy gì hết.
Bố ơi! Con không thấy gì hết. Thế là Bố tôi ngồi xụm xuống, biểu tôi leo lên cổ của Bố. Vì sợ tôi té, nên hai tay Bố tôi giơ lên, nắm chặt lấy hai đầu gối chân bé nhỏ của tôi, Bố tôi nói: Con phải ôm chặt lấy đầu Bố nghe chưa, coi chừng bị té, rồi Bố tôi đứng dậy. Tôi được ngồi chễm chệ trên vai Bố xem hát. Nhờ ngổi trên cổ của Bố tôi. Tôi trở thành người cao nhất trong đám đông, tôi được xem các vở tuồng trình diễn mấy tiếng đồng hồ, từ đầu đến cuối, một cách rõ ràng.
Đã vậy khi tan hát tuồng ra về, trời đã khuya, Bố tôi sợ tôi đi bộ vấp ngã, nên Bố tôi đã để tôi ngồi nguyên trên cổ, kiệu tôi về tới nhà.
Những buổi tối đi xem hát tuồng, được ngồi trên cổ của Bố, nên tôi được xem đoàn hát trình diễn tỏ tường.
Cũng vậy, cứ mỗi lần có cuộc đấu bóng chuyền của thanh niên (Volleyball) ở sân đình làng, thì Bố tôi cũng kiệu tôi lên vai, cho tôi đi xem, rất thích thú.
Rồi từ từ tôi khôn lớn và to con ra, không được diễm phúc ngồi trên cổ của Bố nữa.
Vượt biên, định cư ở Úc, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi cũng sanh được một thằng boy, nick name của cháu là Kubi, cháu xổ sữa rất bụ bẫm.
Năm Kubi lên 3 tuổi, một lần tôi dẫn cháu đi coi Adelaide show. Tôi cũng bắt chước Bố tôi, cung kinh Kubi trên cổ, đi được khoảng vài trăm mét, thì tôi oải cổ, phải thả cu con xuống, dẫn đi bộ.
Bây giờ nghĩ lại, được ngồi trên cổ Bố mấy tiếng đồng hồ xem hát, tôi thấy thương Bố tôi vô cùng.
– Gia đình tôi hành nghề Đông Y gia truyền, qua 3 thế hệ. Ông Cố Nội tôi và ông Nội của tôi là những danh y ở huyện Tiên Hưng thời đó. Nội tôi, thường sai Bố tôi ra tỉnh Thái Bình bốc thuốc (ngày xưa các cụ có cái ngôn từ đi “Bốc Thuốc hay đi Bổ Thuốc”) tức là ra đại lý lớn của người Hoa ở tỉnh, mua xỉ vài chục ký thuốc, đủ loại thảo dược khô, đem về cất vào kho dự trữ, để từ từ phân bổ, theo thang thuốc (toa thuốc) do thầy Lang phê cho bệnh nhân.
Ông Nội tôi là thầy lang Đông Y chuyên bắt mạch bệnh nhân, phê toa (Đông y cũng giống như Bác sĩ), còn Bố tôi trông coi kho thuốc và bốc thuốc theo đơn, toa do ông Nội phê (giống như Dược sĩ vậy).
Thập niên 1950, cả dân làng An Thái, xã An Lạc, chỉ có một mình Bố tôi là có một chiếc xe đạp do Pháp sản xuất, loại khung đàn ông. Xe đạp thời đó rất hiếm qúi, nó giống như nhà giầu bây giờ có chiếc xe Jaquar hay Roll Roy vậy.
Hồi đó, tôi còn nhỏ và lại là con Út trong gia đình lúc bấy giờ, nên được Bố tôi cưng chiều. Mỗi lần ra tỉnh Thái Bình bốc thuốc, Bố tôi đều cho tôi đi theo. Tôi còn nhớ, Bố tôi ra tới tỉnh Thái Bình, ghé vào tiệm bán bàn, ghế mây tre, mua cho tôi một cái ghế mây nhỏ, loại cho con nít ngồi, rồi Bố tôi thuê thợ cột chặt cái ghế trên sườn xe đạp, phía trước yên xe, gần ghi đông tay lái. Ghế chỉ dành cho tôi ngồi. Ngồi trên ghế, hai tay tôi có thể bán vào ghi đông, lái theo Bố tôi.
Mỗi lần đi đâu, Bố tôi bế tôi lên, ngồi chễm trệ trên chiếc ghế mây, trên sườn xe. Tôi ngồi giữa vòng tay cầm ghi đông của Bố, nên chẳng sơ té. Hai tay tôi cũng nắm lấy ghi đông, và được Bố tôi chở đi ngao du nhiều nơi trong tỉnh, huyện và các làng xã, trên những con đường đất gồ ghề, mỗi khi có bệnh nhân gọi đến bắt mạch, hốt thuốc.
Cũng cái xe đạp này, hai cha con tôi, đã cùng với nó, xé hàng rào tre của làng quê trong đêm tối, trốn Việt Minh đi tìm tự do, di cư vào Nam.
Bố tôi trốn khỏi làng, vai vác xe đạp, tay dắt tôi, lội ruộng băng qua cánh đồng trong đêm khuya cô quạnh, trốn bọn dân phòng, công an canh gác ở các cổng làng.
Lội ruộng đêm khuya, trời lại tối đen như mực, vượt cánh đồng sình lầy, cả chục cây số, suốt đêm tối cho tới lúc hừng đông, sang ngày hôm sau, thì cha con tôi ra tới huyện Quỳnh Côi….
Vì lội ruộng trời tối mù mịt đêm khuya, tôi té lên, té xuống, bùn dơ hết quần áo, miệng mếu máo khóc, Bố tôi sợ tôi khóc to, sẽ bị lộ tẩy, dân phòng sẽ rình bắt, nên Bố tôi cứ thì thầm dỗ dành tôi nín khóc. Bố nói: Nín đi con, đi chút nữa là ra đến tỉnh, Bố sẽ mua bánh cho ăn… Lội mãi mà không ra đến tỉnh, tôi lại mếu, khóc.
Mãi gần sáng, Cha con tôi mới bước chân lên con đường ra huyện, Bố tôi phải chống xe bên bờ đường, rồi đưa tôi xuống một con mương dẫn nước lên ruộng, cởi quần áo của tôi ra giặt giũ cho sạch bùn, sau đó Bố tôi vắt quần áo cho khô nước, rồi mặc lại cho tôi.
Trốn đi trong đêm khuya, nên cha con tôi không đem theo được bất cứ một thứ gì, ngoài bộ quần áo mặc sẵn. Lúc bấy giờ tôi lạnh và rét run, hai hàm răng gõ vào nhau cầm cập. Bố tôi ôm tôi một lúc cho ấm lại, rồi hai cha con tôi cỡi xe, đạp ra tới ga xe lửa Hải Dương thì xế trưa. Tôi mệt nhoài, ngồi trên ghế mây xe, ngủ gục lúc nào không hay. Bố tôi một tay cầm lái ghi đông, một tay giữ tôi cho khỏi té.
Ra tới Hải Dương, tôi đói lả, Bố tôi vội vào đồn của Tây xin cơm cho tôi ăn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy các ông lính Tây. Bất chợt tôi thấy một ông Tây đen, tôi sợ khóc thét lên, rồi ôm chặt lấy chân Bố tôi. Bố tôi phải lấy tay che mắt tôi, và dẫn tôi đi ra xa khỏi đồn có bóng Tây đen.
Bố xin được càmên cơm, rồi đem vô trong ga xe lửa Hải Dương đút cơm cho tôi ăn. Lúc đó tôi mới hết sợ, nhưng vẫn đảo mắt xem có ông Tây đen nào vô nhà ga, hay không?
Vượt thoát ra Hải Dương, Bố tôi dắt xe đạp ra chợ bán, để lấy tiền mãi lộ, đón lên xe lửa ra Hải Phòng, tạm trú nơi lều, tent Thượng Lý chờ xuống tầu thủy di cư vào Nam.
Tôi nghĩ, có lẽ Bố tôi hối tiếc khi phải bán chiếc xe đạp mà Bố đã dùng nó từ lâu năm, gần như nửa cuộc đời để làm phương tiện di chuyển thời đó.
Cuộc đời của tôi. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, Bố tôi thường luôn cận kề bên cạnh.
– Ngày tôi bắt đầu đi học. Bố dẫn tôi đến trường làng khai học
– Bố dắt díu tôi di cư vào Nam
– Bố dẫn tôi lên thượng nguồn sông Đồng Nai chặt cây giang về đan thúng, rổ rá
– Bố dạy tôi học và làm bài, dạy tôi cách đan rổ rá để kiếm tiền mưu sinh nơi vùng đất mới định cư
– Bố dẫn tôi xuống đồng ruộng Cái Sắn, tập cho tôi cầy sâu quốc bẫm, cấy lúa gieo mạ
– Bố dẫn tôi lên Sàigòn trọ học
– Bố thường xuyên lên Sàigòn tiếp tế cho anh em chúng tôi ăn học, cho đến ngày gia đình chúng tôi chuyển hẳn lên Sàigòn lập nghiệp, buôn bán sinh sống.
– Tôi nhập ngũ vào quân đội, Bố tôi vào tận quân trường thăm nuôi tôi,
– Ra trường, Bố thỉnh thỏang đến đơn vị thăm tôi.
– Ngày 30.4.75 mất nước. Bố dẫn tôi đi ẩn núp.
– Ngày tôi đi tù cải tạo lao động, Bố tôi hai tay xách, nách mang những giỏ đồ ăn đi thăm nuôi.
– Anh em chúng tôi tổ chức đi vượt biên, Bố tôi làm liên lạc viên và tiếp tế những thứ cần thiết.
Chúng tôi thoát khỏi nanh vuốt CS, đến Úc định cư. Người mà anh em chúng tôi bảo lãnh đầu tiên từ VN qua, là Bố Mẹ tôi.
– Tôi lập gia đình ở bên Úc, Bố Mẹ tôi đứng làm chủ hôn.
– Con cái của vợ chồng sinh ra ở Úc, cũng Bố Mẹ tôi trông coi, cho đến lúc chúng khôn lớn, biết đi học.
– Đưa đón cháu chắt đến trường, cũng Bố tôi, cho đến khi những đứa cháu biết đón xe Bus đi học.
– Bố tôi là cây đại thụ, có tàn che bóng mát cho đàn con đến khi Bố nhắm mắt xuôi tay.
Thật đúng với châm ngôn, người Cha như:
Cây cao bóng cả đàn con tựa
Ngàn năm Ba vẫn ở trong con
Mỗi lần đi tham dự tiệc tùng, họp mặt, ngồi nghe các ca sĩ Karaoke hát bài “Tình Cha” mà mắt tôi rươm rướm lệ:
Tình Cha ấm áp như vầng thái dương.
Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn.
Suốt đời vì con gian nan.
Ân tình đậm sâu bao nhiêu.
Cha hỡi! Cha già dấu yêu.
Và con nhớ mãi những ngày tháng qua.
Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng.
Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha.
Gian khổ ngày đêm chăm lo.
Mong muốn con được lớn khôn.
Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh.
Và Cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài.
Nhẹ nhàng ôm con và Cha khẽ nói:
“Này con yêu ơi! Con hãy nhớ.
Hãy nhớ lời Cha sống cho nên người và con ơi chớ bao giờ dối gian”.
Nghèo thì cho sạch, rách sao cho thơm.
Những lời của Cha năm xưa.
Con nguyện ghi sâu trong tim.
Cha hỡi! Cha già dấu yêu.
Giờ đây ngồi nhớ lại những ngày thơ ấu, cảm thấy thật hạnh phúc, khi có Bố bên cạnh.
Bố là người Cha nhân từ, đầy ắp tình yêu thương, luôn hy sinh cho con cái không bờ bến, cho đến khi lâm trọng bệnh, hơi thở yếu ớt.
Bố tôi vẫn còn nói được lời trăn trối với các con: “Hãy yêu thương nhau”. Rồi từ từ nhắm mắt, tắt hơi thở cuối cùng… Bố! Bố ơi! Luyến nhớ và thương Bố vô cùng.
Xin chúc mừng những người, còn có Bố bên cạnh
HAPPY FATHER’S DAY
Jo. Vĩnh SA